Học ngân hàng nhưng say mê làm bánh
Nhìn những chiếc bánh có các hình vẽ bắt mắt trên, ít ai có thể đoán được người tạo ra chúng lại có “xuất thân” là một giao dịch viên tại ngân hàng. Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1995, quê Tuyên Quang) đã say mê làm bánh từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Tốt nghiệp ngành tài chính kế toán, Thùy Dương ở lại Hà Nội làm nhân viên ngân hàng. Trong thời gian ấy, cô gái trẻ vẫn duy trì việc làm bánh.
Đến tháng 10/2019, khi cảm thấy không còn đủ sức đảm nhiệm cả hai công việc, Dương quyết định chọn một, theo đam mê từ thời sinh viên của mình. Từ bỏ một công việc tương đối ổn định, được đào tạo chính quy, Thùy Dương cũng gặp nhiều lời khuyên ngăn của người thân, bạn bè. Song, nhờ năng khiếu, cô đã chứng minh được lựa chọn của bản thân là đúng đắn.
Dương kể: “Ban đầu mọi người lo lắng lắm. Nhưng do công việc này đã gắn bó với mình từ thời sinh viên nên khi chuyển sang làm toàn thời gian thì thu nhập của mình cao hơn hẳn. Do đó người thân cũng yên tâm hơn”.
Hiện tại, hoạt động chính của Thùy Dương là tổ chức các chương trình học về làm bánh tại hai thành thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Công việc giảng dạy kết hợp với làm bánh đã giúp cô gái trẻ kiếm được cả trăm triệu mỗi tháng.
“Khoác áo mới” cho bánh Trung thu
Những tấm bánh nướng, bánh dẻo là vật phẩm không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu. Hiểu được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường về dòng bánh này, Thùy Dương đã trăn trở việc làm thế nào để giúp cải tiến mỗi bánh Trung thu trở lên hấp dẫn và giá trị hơn.
Trong thời gian giãn cách toàn thành phố, nhiều thời gian rảnh, cô gái trẻ đã dành nhiều tâm huyết để suy nghĩ và biến tấu bánh theo nhiều hướng. Cuối cùng, Thùy Dương đã tìm ra phương pháp vẽ tranh lên mặt bánh trung thu. Cô chia sẻ: “Bánh Trung thu truyền thống vốn mang nét đẹp của riêng nó rồi. Mình nghĩ việc vẽ tranh dân gian lên bánh sẽ đem lại cho bánh nhiều giá trị văn hóa hơn”.
Để làm ra bánh trung thu vẽ, đầu tiên cần có một cái bánh đã nướng hoàn chỉnh, Sau đó dùng đậu xanh hoặc đậu trắng để tạo lớp nền đậu bên trên bề mặt bánh. Ở bước này, đậu được chế biến gần giống với nhân bánh. Điểm khác biệt ở đây là chúng được trộn với một chút nước và bột mì để tạo độ dẻo, mịn giúp dễ dàng phủ lên bề mặt bánh. Sau đó, mình dùng màu thực phẩm và cọ vẽ để họa tranh như trên giấy. Bước cuối cùng là đem sấy để lớp đậu nền cho khô lại, bánh sẽ được bảo quản tốt hơn.
Thùy Dung cho biết, bất kỳ loại tranh nào cũng có thể được dùng để vẽ lên bánh trung thu, tùy theo sở thích, phong cách của mỗi cá nhân. Vốn là người yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống nên tranh dân gian Việt Nam luôn là lựa chọn số một của cô gái này.
Với những bức tranh có sản phẩm ít họa tiết, Thùy Dương chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút để hoàn thành, còn với những tác phẩm cầu kỳ thì khoảng 40 phút đến 1 giờ.
Mỗi chiếc bánh trung thu vẽ sau khi trải qua các công đoạn sẽ có vẻ ngoài vô cùng bắt mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Đây vừa là thế mạnh trong sản phẩm của Thùy Dương nhưng cũng là đặc điểm khiến cô trăn trở: “Nhiều ý kiến cho rằng bánh đẹp và hiện đại thường không ngon. Nhưng thực tế, riêng với dòng bánh trung thu vẽ của mình thì khách hàng có thể chọn nhân gì cũng được, nhân hạt san, đậu cốm… Cái khác so với bánh trên thị trường là lớp đậu ở trên bề mặt thôi. Nhưng bản thân lớp đậu ấy cũng có hương vị tương đồng với nhân nên không làm mất đi cái hương vị vốn có của bánh trung thu truyền thống”.
Bánh trung thu bình thường có giáo giao động từ 50.000 – 80.000 đồng/chiếc. Nhưng do được vẽ thủ công hoàn toàn bằng tay nên bánh trung thu vẽ của Thùy Dương giá cao hơn một chút, từ 250.000 – 300.000 đồng/chiếc.
“Bánh trung thu vẽ là xu hướng bánh mới của thị trường năm nay. Nhưng do dịch bệnh, nguồn nhân công và nguyên liệu khó khăn, mình chỉ có thể nhận làm bánh trong thời gian đầu thôi và hiện tại thì cũng chỉ làm cho người thân. Tuy nhiên, mình có chia sẻ ý tưởng này đến mọi người nên nhiều bạn có thể ứng dụng và chế biến tại nhả.”, Thùy Dương chia sẻ.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục dòng bánh ngọt mình đang theo đuổi, cô gái trẻ đến từ Tuyên Quang này cho biết sẽ nghĩ thêm cách để có thể sản xuất bánh trung thu vẽ nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Một vài sản phẩm khác của Thùy Dương:
Phản hồi