Danh mục Thứ Ba, 17/09/2024

Tiêu điểm \

“Sống thử”: Những góc nhìn tích cực

20:46 24-11-2023
Trước hiện trạng sống thử còn mang nhiều luồng ý kiến trái chiều của giới trẻ, nhiều chuyên gia nghiên cứu về tâm lý và xã hội cho rằng sống thử là điều bình thường nhưng vẫn cần thận trọng.

Quan điểm giới trẻ hiện nay về “sống thử”

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cho rằng, việc các cặp đôi chung sống với nhau được xem như hành trình tìm kiếm, khám phá bản thân và đối phương thông qua những trải nghiệm đời thường.

Đang là sinh viên năm 4 và đã chung sống với người yêu được khoảng 1 năm, Phương Linh (22 tuổi, Học viện Ngân hàng) cho biết, cô nhận được nhiều lợi ích và có quan điểm cởi mở sau trải nghiệm này. “Sự phát triển của kinh tế, tác động của truyền thông khiến nhiều bộ phận cởi mở hơn về vấn đề này, trong đó có mình. Vì vậy, mình và người yêu đều cho rằng đây không phải là điều gì sai trái và quyết định đi đến sống thử như hiện tại”, Linh chia sẻ.   

Sống chung để vun đắp tình yêu (Ảnh: NVCC) 

Dù chưa từng “sống thử”, Thanh Tâm (21 tuổi, sinh viên Đại học Hàng Hải) cũng không có góc nhìn khắt khe về điều này: “Xã hội hiện nay tồn tại những vấn đề phức tạp khiến con người dễ thay đổi việc sống thử trước hôn nhân để hiểu nhau là chuyện nên làm. Sống với nhau để hiểu sâu về tính cách con người, cách đối nhân xử thế”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giảng viên Xã hội học - Viện báo chí Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, sống thử đem lại những đem lại giá trị tốt đẹp, cơ hội để phát triển, thúc đẩy sự sáng tạo, tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống: “Các bạn trẻ 18 tuổi trở lên có năng lực dân sự bình thường, việc có những tín hiệu về tình yêu, và nhu cầu về tình cảm hoàn toàn tự nhiên của con người. Về mặt nguyên tắc khi mà yêu nhau thì muốn gần gũi nhau, ở với nhau để chăm sóc, có những cử chỉ âu yếm là điều bình thường”.

Lợi ích từ “sống thử”

Ở góc nhìn tích cực nếu coi “sống thử” như “sống thật” thì đây là một cơ hội trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho việc xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững.

“Mình chỉ thấy đáng lên án khi các bạn sống thử nhưng không chịu được trách nhiệm với những kết quả ngoài ý muốn. Sống thử lành mạnh, bố mẹ 2 bên đều biết, có kinh tế có khả năng chịu được trách nhiệm với cuộc sống trở thành một điều bình thường” - Thanh Tâm cho biết thêm.

Bước cùng nhau trên con đường là cả quá trình. (Ảnh: NVCC)

Không cho rằng “sống thử để chứng tỏ trưởng thành”, Phương Linh khẳng định: “Sự trưởng thành không thể hiện ở việc sống chung với người yêu mà phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Một người độc lập về tài chính, tự chủ trong cuộc sống có thể tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, tự đối mặt với khó khăn mới là sự trưởng thành.”

Cả hai đều phải sẵn lòng thoải mái chia sẻ trong quá trình đồng hành cùng nhau và chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống. Tiến sĩ Tuyết Minh cho hay: “Khi những cặp đôi chọn sống với nhau trước hôn nhân cũng có cái lợi, có người chia sẻ, giảm thiểu chi phí, nấu ăn chung để tiết kiệm, có nhu cầu chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày. Có thể cân bằng về tâm lý, được trao đổi về tình cảm, được yêu thương quan tâm nhau, tạo động lực chăm sóc sức khỏe tốt hơn.”

Những vấn đề cần biết đằng sau việc “sống thử”

Bên cạnh những mặt tích cực, việc sống chung cũng có những mặt trái mà trong quá trình chung sống mới xảy ra. Trong mối quan hệ tình cảm khi vượt qua những thử thách, cùng tạo nên kỷ niệm tích cực, làm cho tình cảm trở nên chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng khi cả hai người đều phải sẵn lòng và thoải mái với quá trình sống thử, đồng thời tôn trọng nhau và có khả năng giải quyết mọi khó khăn một cách tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh. (Ảnh: NVCC) 

Sống thử trước hôn nhân có thể mang lại áp lực tâm lý, đặc biệt khi phải đối mặt với những quyết định lớn dẫn tới nhiều thay đổi trong cuộc sống. Xã hội thường áp đặt những quy chuẩn và đánh giá về cách một người nên sống, điều này có thể tạo ra áp lực và lo lắng trong quá trình sống thử. 

“Khi sống thử với nhau tương tác không ổn thỏa dễ xảy ra bạo lực, ghen tuông, mâu thuẫn tài chính, không giải quyết tốt sẽ tạo nên những đứt gãy ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và xã hội. Trong mối quan hệ hôn nhân thì ít nhất có pháp luật đứng ra bảo vệ quyền lợi của các bên sẽ được bảo vệ sự sống chúng. Còn sống thử khi có xung đột pháp luật sẽ không bảo vệ về mặt pháp lý” - Tiến sĩ Tuyết Minh bày tỏ quan điểm.

Theo Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc nam nữ sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì sẽ không phát sinh nghĩa vụ vợ chồng: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Kim Khánh - Báo in K41

Phản hồi