Sáng 25/11, Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức thành công Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020-2021. Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với sự tham gia đồng tổ chức của các đơn vị: Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là một sân chơi lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo của những người trẻ đam mê báo chí - truyền thông, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng báo chí - truyền thông cho nước nhà.
PV: Sau khi Lễ trao giải kết thúc, cảm xúc của bà như thế nào?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng uỷ, Ban giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sự cộng tác hiệu quả của các cơ quan đồng tổ chức, đồng thời với sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan bảo trợ truyền thông, các nhà tài trợ và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các tác giả, nhóm tác giả dự thi thì Giải đã thành công. Đây là một niềm vui, sau thời gian dài khó khăn cũng đạt kết quả như mong đợi.
PV: Bà có nhận xét gì về chất lượng các tác phẩm đoạt giải năm nay?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Kết quả cho thấy các tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí - truyền thông đoạt giải đều đạt chất lượng cao và chúng đều được ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số để thể hiện nội dung của mình. Vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể tự hào và hy vọng vào những người trẻ làm báo chí - truyền thông trong tương lai.
PV: Theo bà, điều gì đã tạo nên dấu ấn của Thắp sáng so với các cuộc thi khác?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Đối tượng tham gia của Giải là học sinh, sinh viên trên toàn đất nước, không phải giới báo chí hay người làm truyền thông chuyên nghiệp. Đó là những người trẻ còn học trên ghế nhà trường, bước đầu tiếp xúc với báo chí - truyền thông và mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng. Mục tiêu lớn nhất tạo nên sự khác biệt của Giải chính là: phát hiện và bồi dưỡng tài năng báo chí - truyền thông trẻ để góp phần xây dựng hệ thống nguồn lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh công nghiệp cách mạng 4.0 hiện nay.
PV: Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Bác Hồ trong tác phẩm của sinh viên báo chí truyền thông” bà đã cho rằng: “Cuộc thi này không có thua mà chỉ có thắng”. Vậy các thí sinh đã “thắng” được những gì khi tham gia cuộc thi?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Khi làm một sản phẩm báo chí - truyền thông, tư duy cá nhân sẽ không đem đến sản phẩm xuất sắc. Bởi vậy, tiến trình mình làm ra tác phẩm, sản phẩm đã là một phần chiến thắng. Và khi trải nghiệm chiến thắng ấy, ta lại có chiến thắng của những người chiếm lĩnh tri thức, của những người rèn luyện cao nhất để có kỹ năng.
Trong cuộc đời không có thắng bại một cách tuyệt đối, chỉ có chiến thắng tại thời điểm. Đồng thời, xã hội có rất nhiều tổ chức, cơ quan như Viện Báo chí luôn sẵn sàng hỗ trợ các thí sinh hết mình. Khi chúng ta nhận được sự ủng hộ, khuyến khích lớn như vậy là một điều may mắn. May mắn được tiếp cận, tìm hiểu, va chạm, được thực hiện, thử thách để từng bước một rèn mình nhằm thành công trong tương lai. Là một học sinh, sinh viên có đam mê với báo chí - truyền thông thì hãy tham gia những cuộc thi như thế. Đừng bỏ lỡ cơ hội tốt giúp mình trải nghiệm!
PV: Bà có điều gì muốn nhắn gửi với các bạn thí sinh chưa có cơ hội đi vào vòng Chung khảo không? Nếu các bạn tiếp tục đăng ký dự thi vào năm sau thì nên lưu ý những điều gì để có thể dễ dàng ghi điểm với Ban Giám khảo?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Trước tiên, vào top 40 đã là một thành công. Các giám khảo, nhà báo đều khẳng định 40 tác phẩm đó cực kì tuyệt vời. Theo tôi khởi đầu như vậy là khá tốt rồi, hãy cố gắng học hỏi, trải nghiệm và đầu tư nhiều hơn. Chiến thắng chỉ là thắng thời điểm, chúng ta cần quan tâm quá trình nữa. Chỉ cần đam mê, nỗ lực và cố gắng rèn luyện để đáp ứng những nhu cầu của nghề thì nghề sẽ không chối bỏ mình.
PV: Bà có gửi gắm hy vọng, mong đợi gì vào mùa giải năm thứ hai không?
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Mong rằng số lượng học sinh, sinh viên tham gia và đặc biệt là chất lượng của Giải đều sẽ tăng lên. Năm nay đã tốt thì chắc chắn các năm sau cần phải tốt hơn.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà! Mong rằng Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) không chỉ thành công ở năm thứ hai mà sẽ tiếp tục phát triển, trở thành cuộc thi báo chí - truyền thông lớn và uy tín dành cho học sinh, sinh viên trên cả nước.
Phản hồi