Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Tiêu điểm \

Mùa vào rừng “nhặt tiền” ở Hải Dương

23:24 25-11-2023
Cứ tầm tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân ở Chí Linh (Hải Dương) lại vào rừng từ khi sương vẫn còn đọng trên lá để nhặt hạt dẻ. Nhặt dẻ đổi tiền, công việc thời vụ này đã giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập.

Rừng dẻ thành phố Chí Linh có tổng diện tích rộng hơn 1.200 ha. Hiện tại, khu đập Hố Đình ở xã Hoàng Hoa Thám được biết đến là vùng dẻ thuần loài nguyên sinh đẹp và lớn nhất tại Chí Linh. Vào mùa dẻ chín, người dân Chí Linh cũng như những người dân nơi khác vẫn được tự do ra vào để thu hoạch hạt dẻ.

Công việc thời vụ đem lại túi tiền “rủng rỉnh”

Dấu chân in hằn trên những lối mòn trong cánh rừng vào mùa dẻ chín chủ yếu là của các bà, các mẹ. Dù là công việc trèo đèo, lội suối nhưng những người phụ nữ vẫn cần mẫn thu hoạch sản phẩm. Trong cái nắng hanh hao ngày đầu đông, những người phụ nữ tại Chí Linh tạm gác lại việc đồng để vào rừng nhặt hạt dẻ.

Hạt dẻ là “lộc trời cho” của mảnh đất Chí Linh. (Ảnh: Lê Tuyến) 

Chị Hà (36 tuổi, Chí Linh) vừa chăm chú nhặt hạt dẻ vừa kể: “Năm nay hạt dẻ được mùa, chị em trong xóm rủ nhau đi từ sớm. Cứ nhặt dần từ chân đồi lên đến đỉnh thì về”. Đồ nghề của các chị, các cô, các bà khi đi nhặt cũng rất thô sơ. Chỉ cần có găng tay, rổ đựng, một cái que nhỏ để cào lá và đồ ăn là có thể ở rừng cả ngày.

Ngoài những đồ cần thiết trên, chị Hà còn phải trùm kín gần hết người và đi ủng để tránh bị ngã. (Ảnh: Lê Tuyến) 

Khi được hỏi về kinh nghiệm lên rừng nhặt dẻ chín, chị Hà bật mí: “Để nhặt được nhiều hạt thì cứ nương theo tán cây dẻ”. Chị Hà chia sẻ thêm, thời điểm nhặt hạt dẻ thuận lợi nhất là những đợt mưa phùn gió bấc. Thời tiết như thế làm hạt dẻ rụng nhiều, mưa làm cho lá chìm xuống, quả nổi lên, vỏ gai cũng dễ bung ra hơn.

Nhặt hạt dẻ là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Màu của đất và hạt dẻ lẫn vào nhau nên phải cào lớp lá mới nhìn ra. Đa phần rừng dẻ ở đây đều là rừng già, hạt tự tách vỏ nhiều nhưng vẫn có những hạt nằm im trong lớp vỏ gai góc. “Bị gai dẻ đâm thì rất buốt”, chị Hà vừa tách quả dẻ vừa chia sẻ. 

Bên cạnh đó, có những đoạn đồi dốc, dễ trơn trượt gây khó khăn cho người đi nhặt. Khó khăn là vậy nhưng chị Hà bộc bạch: “Mỗi ngày mọi người thường nhặt được 10kg, với những người chuyên thì lên đến 15 - 20kg. Năm nay hạt dẻ được giá tầm 35.000đ/kg. Như vậy chăm chỉ đi nhặt một ngày cũng có từ 350 nghìn đồng”. 

Hạt dẻ rừng Chí Linh nhỏ, không đen mà ánh vàng, ăn bùi, ngọt và thơm. Là một người dân bản địa, chị Nguyễn Thị Huệ hào hứng nói: “Vào mùa dẻ rừng là gia đình mình mua tầm vài cân đổ lên để cả nhà ăn. Trời lạnh lạnh ngồi lai rai nhai hạt dẻ thì chuyện mãi không hết”.

Nỗ lực để có những mùa dẻ “cười”

Để có được những mùa dẻ trĩu quả, không thể không kể đến công sức “chăm rừng” của những người dân nơi đây. Trước đây, người dân Chí Linh từng chặt phá đồi dẻ bừa bãi để lấy củi hay chuyển sang trồng vải. Kinh tế không khá lên là bao mà những đồi dẻ từng xanh tốt cũng dần trơ trọi.
 

Những đồi dẻ bát ngát hoa trắng là thành quả cho công sức “cứu rừng” của người dân nơi đây. (Ảnh: Lê Tuyến) 


Tuy là rừng dẻ tự nhiên nhưng do chưa nhận được sự quan tâm đúng mực nên cũng dần suy thoái: tỷ lệ đậu quả ít, hạt nhỏ và bị lép nhiều. Đến năm 2002 - 2007, nhận ra sai lầm, người dân và chính quyền địa phương đã có những biện pháp cấp thiết để hồi sinh cây dẻ. Họ đã tách, tỉa từng gốc dẻ khô, trồng bổ sung cây mới, hay chăm sóc những cây con mọc từ hạt. 

Ngay chính những người dân đi nhặt dẻ, sau mỗi buổi “kiếm hạt đổi tiền”, họ không quên gom cành, lá khô để đề phòng cháy rừng, hoặc phát quang các thảm cây bụi và dây leo quá dày để cho cây dẻ thuận lợi phát triển.

Nâng niu “hạt vàng” nhỏ trên tay,  người dân Chí Linh cảm thấy hạnh phúc khi được thiên nhiên ưu ái ban tặng món quà này. (Ảnh: Lê Tuyến) 

Ngoài “nhặt hạt ra tiền”, bà con nơi đây còn tận dụng rừng dẻ làm nơi nuôi gà, nuôi ong lấy mật từ hoa dẻ. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cuộc sống của họ.

Mùa nhặt hạt dẻ chín chưa kết thúc nhưng mùa hoa đã bung nở trắng xóa báo hiệu cho những mùa lên rừng nhặt hạt tiếp theo của người dân Chí Linh. Nhưng những mùa sau có phải là mùa “nhặt tiền” hay không thì còn có phần phụ thuộc vào sự chăm nom, bảo vệ rừng dẻ của người dân và chính quyền địa phương.

Lê Tuyến - Báo in K41

Phản hồi