Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Tiêu điểm \

Lắng nghe PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí chia sẻ về Giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) 2021- 2022

17:28 03-08-2021
Nhờ những thành công vang dội của mùa giải trước, sự trở lại của Fire Up 2021- 2022 trong năm nay nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn và các thí sinh có niềm đam mê Báo Chí – Truyền thông. Trao đổi với phóng viên Truyền thông trẻ, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí đã có những chia sẻ tâm huyết về cuộc thi và những lời khuyên bổ ích dành cho thí sinh năm nay.

Phóng viên: Là người sáng lập và đặt nền móng đầu tiên của Giải Báo chí- Truyền thông Thắp Sáng Fire Up, cô có thể giới thiệu ngắn gọn qua về giải được không ạ? 

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Giải Báo Chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) là cuộc thi uy tín được tổ chức thường niên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng với sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể uy tín trong cả nước. Đây là một sân chơi cho những bạn trẻ có tiềm năng và nhu cầu thỏa sức thể hiện niềm đam mê với báo chí, truyền thông, từ đó học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những bạn trẻ có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với môi trường báo chí, truyền thông chuyên nghiệp thông qua 4 hạng mục khác nhau giúp các bạn trẻ có nhiều lựa chọn hơn để phát huy khả năng của bản thân. Với mùa giải thứ hai (2021 - 2022), Fire Up vẫn luôn giữ được sức hút và là sân chơi bổ ích của những tài năng trẻ trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. 

Phóng viên: Vậy cảm nghĩ của cô như thế nào khi chứng kiến “đứa con tinh thần” của Viện ngày một phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt ?

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Là người sáng lập và lên những ý tưởng đầu tiên, đồng thời cũng tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm toàn bộ việc tổ chức thực hiện từ những ý tưởng ban đầu cho đến khi hoàn thành mùa giải, điều đầu tiên cô cảm thấy thực sự vui khi hoạt động ý nghĩa này chạm đến niềm đam mê Báo chí - Truyền thông nói chung và niềm đam mê Báo chí - Truyền thông gắn với việc xây dựng bảo vệ đất nước nói riêng của các bạn trẻ mà nòng cốt là học sinh sinh viên trên cả nước. Thắp sáng những tài năng báo chí truyền thông, cung cấp nguồn lực lớn là để đóng góp vào mục tiêu lớn nhất, cao cả nhất của báo chí truyền thông - xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phóng viên: So với mùa giải đầu tiên, cô có thể chia sẻ những điều cô mong chờ nhất ở mùa giải năm nay được không ạ, chẳng hạn như vài sự thay đổi hay những yếu tố mới của mùa giải này? 

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Về đề tài thì có một chút sự điều chỉnh, đó là sự xuất hiện của báo chí đa nền tảng. Vấn đề này sẽ được hướng dẫn chi tiết hơn để giúp các thí sinh thuận lợi khi tham gia giải. Ngoài ra, với tư cách là trưởng BTC cuộc thi, thì đầu tiên, cô mong giải Thắp sáng sẽ được truyền thông rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, đến được với tất cả các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Học sinh, sinh viên hay các bạn học sinh THPT đã có những nhận thức căn bản để tham gia vào giải Thắp sáng. 

Ở năm thứ hai, thật ra tất cả các độ tuổi đều có thể tham gia cho nên cô mong muốn đây sẽ là nhóm đối tượng tiếp theo được lan tỏa những điều tích cực từ giải Thắp sáng một cách rộng rãi hơn, phổ biến hơn. Với mùa giải năm nay, cô cũng hy vọng nhiều hơn về chất lượng sản phẩm. Ngay từ mùa đầu tiên, chất lượng đã rất cao, được hội đồng đánh giá tốt. Nhiều chuyên gia ngạc nhiên vì không nghĩ rằng các em sinh viên lại có thể làm được những điều này ngay khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Sản phẩm của các bạn không chỉ thỏa mãn năng lực và khát vọng của mỗi cá nhân mà còn là sự cổ vũ và là niềm tự hào to lớn với BTC. 

Phóng viên: Đối với nhóm đối tượng dự thi tại 04 hạng mục là sinh viên nói chung, sinh viên chuyên ngành Báo chí - Truyền thông nói riêng, cô có định hướng như thế nào ạ? 

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Trong 4 hạng mục, hạng mục “Báo chí truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là một yếu tố rất đặc biệt bởi nó có khả năng thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào hoạt động truyền thông chính trị. Kết quả của mùa giải đầu tiên về hạng mục này cho thấy sinh viên báo chí truyền thông nói riêng và sinh viên cả nước nói riêng nếu thật sự có đủ đam mê, thật sự đủ tình yêu với tổ quốc và ý thức được trách nhiệm của mình với tổ quốc và nhân dân thì hoàn toàn có đủ điều kiện khách quan lẫn chủ quan để tạo ra được những sản phẩm với chất lượng cao, thể hiện được lý tưởng và đam mê của bản thân để đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước bằng những sản phẩm mà các em đã dày công thực hiện. Đấy là những điều mà cô cảm nhận với tư cách là một Viện trưởng, một người chủ nhiệm đề án, và đồng thời là một giảng viên tâm huyết với nghề và thế hệ trẻ.  

Phóng viên: Được biết, điểm mới trong mùa giải năm nay là các bạn 2k4 hoàn toàn có thể tham gia. Cô có thể đưa ra một số lời khuyên để những bạn trẻ nói chung, thế hệ K42 tương lai có thể tự tin tham dự các hạng mục một cách sôi nổi, nhiệt huyết được không ạ?  

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Lời khuyên đầu tiên của cô, đó là hãy tự tin. Nhìn vào kết quả của năm trước có thể thấy các bạn trẻ hoàn toàn có đủ năng lực và kiến thức để đạt được những thành tích tốt, thậm chí là không thua kém gì những người làm báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Một điều hay là các bạn trẻ có những góc nhìn rất mới mẻ, sáng tạo khi tiếp cận các đề tài xã hội. Tuy nhiên, hạn chế của các bạn là thiếu hụt kiến thức và kinh nghiệm. Vậy nên các khâu để chuẩn bị cho sản phẩm như lên ý tưởng, nội dung kịch bản, tổ chức sản xuất,... phải thật sự kỹ lưỡng. Các bạn cũng có thể xin ý kiến hay sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo, các chuyên gia và đặc biệt là từ các anh chị trong CLB Truyền thông trẻ - những người đã từng đạt giải rất cao. Cô tin rằng các anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ cho nên các bạn hãy mạnh dạn kết nối với họ để nhận được sự tư vấn về kiến thức và chuyên môn. Chẳng hạn như các bạn có thể đặt ra câu hỏi: làm sao để thuê được một studio tổ chức sản xuất, hoặc là những chuyên gia nào đó để phối hợp thêm.

Một điều nữa liên quan trực tiếp đến yêu cầu về sản phẩm của các bạn. Một sản phẩm báo chí truyền thông cần có sự toàn diện, khách quan và đặt vào trong đó cái tâm trong sáng của người làm. Về mục tiêu, các sản phẩm làm ra phải mang tính chất xây dựng, khuyến khích những sản phẩm truyền thông cho các chủ trương chính sách của Đảng, hay các sản phẩm khuyến khích các bạn trẻ từ chỗ thờ ơ đến quan tâm nhiều hơn những vấn đề chính trị, những công trình lịch sử của đất nước. Bản thân họ có thể rất yêu nước nhưng chưa biến những tình cảm ấy thành hành động. Cho nên các bạn cần có nhiều hơn những trải nghiệm, phải làm tốt trước đã bởi nếu chỉ nói không thì những sản phẩm sẽ không bao giờ đạt được kết quả.

Phóng viên: Lời cuối cùng, cảm ơn cô đã dành thời gian quý báu để tham gia phỏng vấn của kênh Truyền thông trẻ. Chúc cô sức khỏe, công tác tốt và cùng chúng em tạo nên mùa giải rực rỡ!

Thông qua những chia sẻ tâm đắc của “người chèo lái Vibachi”, hy vọng độc giả có thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về cuộc thi. Để tìm hiểu thêm về  cơ cấu cuộc thi, độc giả có thể tham khảo bài viết sau: Giải Báo Chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) 2021 - 2022 - ươm mầm tài năng báo chí - truyền thông - IOJ (truyenthongtre.vn)

Những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp ích cho các thí sinh chuẩn bị thật tốt tâm lý, kiến thức, hành trang tham dự cuộc thi. Các bạn THPT hãy mạnh dạn tham dự cuộc thi để có cơ hội giao lưu, khám phá, khẳng định năng lực bản thân tại “sân chơi lành mạnh, uy tín” nhé. 

Mạnh Tiến, Vũ Phương - CJC

Phản hồi