Học tập, nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên mà còn là trách nhiệm của thanh niên, nhất là sinh viên. Bởi lẽ, sinh viên là nguồn nhân lực có trí thức cao, góp phần quan trọng cho sự phát triển tương lai của đất nước. Song, tinh thần nghiên cứu lý luận chính trị của sinh viên hiện nay còn nhiều điều đáng bàn.
Sinh viên Đ.T.L.P hiện đang học năm cuối tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thời gian này, bên cạnh việc học các môn chuyên ngành, chuẩn bị đi thực tập và hoàn thành các chứng chỉ đầu ra bắt buộc, P. còn phải loay hoay thu xếp thời gian cho việc học lại môn Lịch sử Đảng mà trong lần học đầu tiên cô đã không vượt qua. Trước đó, P. cũng từng học lại môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.
P. cho biết: “Lý luận chính trị là những môn học khá khô khan. Phần lớn các môn học có nội dung dài, cứng nhắc, nhiều khi giảng viên cũng truyền tải không dễ hiểu lắm nên bản thân không có hứng thú, chủ yếu là học cho qua môn”.
Giống với P., sinh viên Trần Minh Tú, đang học năm tư khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Đại học Xây dựng Hà Nội, cũng đang gặp khó khăn với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong lần học thứ hai. Tú chia sẻ bản thân thấy lý luận chính trị là những môn trừu tượng và không có nhiều ứng dụng trong ngành học của mình nên không quan tâm quá nhiều đến mảng kiến thức này.
Thực tế, từ nhiều năm nay, lý luận chính trị vẫn được coi là những môn học “khó, khô và khổ”, chỉ có thể dùng trong nghiên cứu, học thuật hay ứng dụng trọng một số ngành, chuyên ngành khoa học xã hội liên quan. Tuy nhiên, vì là những môn đại cương bắt buộc nên tinh thần tiếp nhận kiến thức trong sinh viên cũng khác nhau.
Theo một khảo sát về mức độ hứng thú học lý luận chính trị trong sinh viên cho thấy, hơn 50% tiếp nhận môn học như một nhiệm vụ học tập, 13% không yêu thích hoặc không thích các môn học này.
Lý luận chính trị là những kiến thức không ngay lập tức giúp sinh viên cảm nhận được sự hữu ích của nó, nhưng thông qua quá trình học, phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề sẽ thẩm thấu và khi gặp trường hợp nhất định, những kiến thức sẽ phát huy ý nghĩa của nó.
ThS. Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc sinh viên quan tâm đến kỹ năng nghề nghiệp là chính đáng nhưng sinh viên cũng chưa ý thức được việc học các môn lý luận chính trị nghiêm túc sẽ giúp bản thân sinh viên có khả năng tư duy để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhiều cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường gặp lại tôi đã từng tâm sự: Đúng là khi giải quyết vấn đề thực tế em mới thấy giá trị của các môn học mà khi ngồi trên ghế nhà trường em đã có suy nghĩ chả hiểu học mấy môn này để làm gì….”
“Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”.
“Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi…Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ… Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong quá trình phát triển đất nước, cần những nguồn nhân lực phát triển toàn diện, không những giỏi về chuyên môn mà còn phải có thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học, có lập trường chính trị đúng đắn, vững vàng, có đạo đức, văn hóa.
Thanh niên là những người trẻ tuổi, có đặc điểm thích tự do, muốn khẳng định bản thân, ưa khám phá những cái mới mẻ. Nhưng thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng lại chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Đây là đối tượng thường xuyên bị các thế lực thù địch tác động, xúi giục, lôi kéo thực hiện những hành vi xấu. Và khi không có quan điểm chính trị đúng đắn, lập trường vững vàng, sinh viên rất dễ bị dụ dỗ, kích động thực hiện những hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
TS. Phùng Danh Cường, Phó trưởng khoa Lý luận chính trị - Pháp luật, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nếu sinh viên không nắm được những vấn đề cơ bản của lý luận chính trị có thể gây nên cuộc khủng hoảng: “Không hiểu được nền tảng tư tưởng của dân tộc việt Nam, không hiểu bản chất của con đường cách mạng mà chúng ta đi. Dẫn đến việc dễ bị lôi kéo, mất niềm tin vào chế độ, mất niềm tin vào Đảng, trở thành lực lượng chống phá, rào cản trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước”.
Chủ nghĩa Mác-Lênin có tính nhân văn cao. Rộng ra hơn, học lý luận chính trị không chỉ trau dồi về tư duy, phương pháp luận mà còn rèn luyện tư cách, đạo đức. Nếu không được học hoặc không nắm được bản chất, có thể bị sa vào chủ nghĩa cá nhân, đề cao giá trị đồng tiền, giá trị đạo đức, thiếu định hướng, chọn lọc những giá trị, tư tưởng tiến bộ. Làm cho một bộ phận thanh niên trở thành mối nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Quan trọng, ý nghĩa là thế, song, thái độ và kết quả học tập các môn học lỳ luận chính trị của một bộ phận sinh viên với còn hời hợt, và có thể coi là “căn bệnh” thế hệ. Theo PGS.TS. Trần Hải Minh, Phó trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.
Thứ nhất, do sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa các môn học này đối với bản thân cũng như với công việc, cuộc sống của mình sau này. Nguyên nhân này cũng xuất phát một phần từ một thực trạng là việc sắp xếp các môn học lý luận chính trị ở nhiều trường chưa hợp lý. Muốn hiểu rõ, hiểu sâu Triết học Mác Lênin đòi hỏi người học phải có trải nghiệm sống nhất định...
Tuy nhiên những môn lý luận chính trị này lại được bố trí cho sinh viên học từ năm nhất, năm hai, tức ngay khi vừa bước qua THPT đã phải tiếp cận các kiến thức như vậy. Dẫn tới tình trạng như “vịt nghe sấm”, sinh viên không hiểu, dễ nảy sinh tâm lý chản nản.
Thứ hai, do tâm lý môn chính, môn phụ. Với nhiều ngành học, lý luận chính trị không phải là những môn học nghề nên sinh viên dễ xem nhẹ tầm quan trọng của các môn học này.
Thứ ba, phương pháp dạy và học chưa phù hợp. Ở góc độ người dạy, tình trạng dạy học theo kiểu đọc chép, nhắc lại nội dung giáo trình vẫn còn phổ biến, giảng viên không có sự đổi mới sáng tạo trong nội dung bài giảng, ít hoặc không có ví dụ thực tiễn cho sinh viên. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là những kiến thức xa vời mà vô cùng gần gũi, sát sườn với hơi thở cuộc sống. Ở góc độ người học, phương pháp học của sinh viên với các môn học này chủ yếu chỉ dừng lại ở việc nghe giảng, đọc giáo trình rồi học thuộc. Khi đó, kiến thức sẽ chỉ nằm trên giấy mà không thể ứng dụng vào bất cứ hoạt động thực tiễn nào.
Thứ tư, tại một số trường, lớp học về lý luận chính trị có tới hàng trăm sinh viên trong khi chỉ có một giảng viên.
Về mặt khách quan, một trong những nguyên nhân cần kể đến là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang thoái trào.
TS. Phùng Danh Cường cho rằng: “Ngày nay, nhiều nước tư bản cải tổ nên đã thể hiện được mặt tích cực trong đời sống xã hội. Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gặt nhiều thành tựu lớn lao nhưng còn nhiều hạn chế như quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé, nạn tham nhũng, năng lực giải quyết vấn đề như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh… đã tác động đến ý thức, tinh thần của thanh niên”.
Muốn giải quyết vấn đề lười nghiên cứu lý luận chính trị trong bộ phận sinh viên, PGS.TS. Trần Hải Minh cho rằng, phải có những giải pháp đồng bộ ở nhiều mặt: “Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng, vai trò của việc nghiên cứu, học tập các môn lý luận chính trị. Thứ hai, cần phát huy vai trò của các chủ thể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, cập nhật nội dung và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị, tăng cường ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại, các biện pháp quản lý hiệu quả nhằm giám sát, nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận chính trị”.
Trong những giải pháp được đề cập, yếu tố về phương pháp dạy học được coi là chìa khóa giúp sinh viên cởi mở hơn với những môn khoa học đặc biệt này.
Cùng chung quan điểm trên, TS. Trần Bách Hiếu nhấn mạnh: “Trong quá trình lên lớp, giảng viên nên tiếp cận và giảng dạy theo hướng “mềm hóa” lượng tri thức lý luận chính trị. “Mềm hóa” có thể hiểu là không dùng quá nhiều những thuật ngữ chuyên môn, thay vào đó luôn có các ví dụ, câu chuyện, đặt tình huống, tổ chức làm việc nhóm... để các bạn thấy học các môn lý luận chính trị cũng thú vị và gần gũi”.
Rõ ràng, phương pháp thì cần phải thay đổi nhưng điều quan trọng, giảng viên phải hiểu rõ đối tượng giảng dạy là ai. Ở các trường thuộc khối ngành khác nhau, cách dạy lý luận chính trị cũng không giống nhau. Trong đó, sinh viên ở những trường thiên về kỹ thuật hay khoa học tự nhiên thường ít quan tâm hơn đến các môn lý luận chính trị nên nỗ lực của giảng viên trong việc truyền thụ kiến thức có phần cần cao hơn.
Song song với những nỗ lực của các cấp quản lý và của người dạy, bản thân sinh viên cũng cần có thái độ học tập đúng đắn, chủ động, cầu thị với những môn học lý luận chính trị.
Bởi xét cho cùng, dù yếu tố ngoại cảnh có tác động đến chương trình học và tâm lý sinh viên cỡ nào thì đầu vào cuối cùng của kiến thức vẫn là trí tuệ sinh viên. Chỉ lo ngại sự nỗ lực thay đổi của người dạy và nhà quản lý “gặp” phải thái độ thiếu tích cực của chính sinh viên.
Đắc Quang - Hồng Thúy