Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Tiêu điểm \

Hà Nội: Dây điện, dây cáp gây trở ngại dân sinh

20:04 28-11-2023
Dù đã hạ ngầm dây điện, cáp viễn thông nhưng ở nhiều tuyến phố và khu dân cư tại Hà Nội, cảnh dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt như mạng nhện vẫn xuất hiện khắp nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân.

“Giăng tơ” khắp thành phố

Mạng lưới điện và viễn thông không ngừng phát triển, phủ rộng khắp phố phường Hà Nội nhưng thiếu quy hoạch dẫn đến việc các loại dây dẫn trên cột điện giăng mắc chằng chịt như mạng nhện, bó thành nhiều búi lớn, chất đống trên vỉa hè.          

Những búi dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt hai bên nhà dân trên phố Trần Văn Cẩn (Mỹ Đình) khiến con phố vốn đã nhỏ càng trở nên rối mắt. (Ảnh: Ngân Hà) 

Dọc các tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh những cây cột phải gồng mình cõng vài chục đường dây điện, được buộc chồng chéo lên nhau một cách sơ sài, nham nhở… khiến cho các tuyến phố, ngõ ngách vốn dĩ đã chật chội càng thêm rối mắt. Nhiều đoạn dây cáp kéo lâu ngày đã xuống cấp tạo thành những chiếc võng treo lơ lửng, trực chờ sà xuống mặt đường. 

Các bó dây cáp võng xuống đất rất thấp, cách đầu người chỉ vài chục cm. (Ảnh: Ngân Hà) 

Bà Nguyễn Thị Hạt, sinh sống tại ngõ 195 đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết: "Con ngõ nơi bà đang sinh sống có hệ thống đường điện và dây cáp chằng chịt, có nhiều đoạn dây điện luồn vào lan can, bám lên cây cối… khiến cho người dân lo lắng vô cùng bởi không chỉ nguy cơ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn mà còn có thể xảy ra tình trạng chập cháy."

 Hệ thống dây cáp đan xen chằng chịt xuyên qua các hàng cây tại ngõ 195 đường Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm. (Ảnh: Ngân Hà)

Ông Đỗ Văn Sơn, hộ dân sinh sống lâu năm ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi sống ở đây đã lâu và đây là khu vực đông dân cư, phương tiện giao thông đi lại đông đúc. Đi sâu vào bên trong khu tập thể Nghĩa Tân thì các đường dây điện mắc lung tung kết thành búi nhìn rất sợ. Ngày thường thì không sao, sợ nhất là những hôm mưa gió chẳng may chập cháy, người dân chúng tôi không biết xử lý sao vì cháy là cháy toàn khu."

Là một nạn nhân của dây cáp viễn thông, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Siinh viên năm 3, trường Cao đẳng FPT Polytechnic) kể lại, khi trên đường di chuyển trở về phòng trọ Huyền bất ngờ vướng vào dây cáp vắt ngang đường nên xảy ra sự cố gây hư hỏng tài sản, phải nghỉ làm 2 tháng để dưỡng bệnh. 

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng dây điện, cáp viễn thông trở nên lộn xộn, chồng chéo là do thiếu quy hoạch trong quá trình lắp đặt. 

Những búi dây điện, cáp viễn thông treo lủng lẳng, thò lò  được buộc sơ sài bám theo bức tường trước cửa nhà dân tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy, nổ. (Ảnh: Ngân Hà) 

Trong quá trình phát triển đô thị, công trình xây dựng và cải tạo hạ tầng không được điều chỉnh đồng bộ với nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng chen lấn. Nhiều trường hợp dây cáp bị đứt hoặc không sử dụng trong thời gian dài nhưng không có cơ quan nào đến thu hồi, cải tạo, người dân cũng chẳng biết xử lý thế nào đành tự buộc gọn hoặc tự ý cắt bớt dây để tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt. 

Mong mỏi gỡ “mớ tơ trời” 

Hà Nội là nơi tập trung mật độ dân cư đông, với tình trạng dây điện, dây cáp đan đan vào nhau chằng chịt khiến người dân không khỏi lo lắng. Với tình trạng “dây dợ” chằng chịt như vậy, chỉ một chút sơ xuất, bất cẩn hậu quả dẫn đến sẽ khó lường. 

Là một người dân sinh sống tại phố Phú Kiều, cô Bùi Thị Ngân chia sẻ: “Tôi rất mong chính quyền có những biện pháp để can thiệp xử lý tình trạng dây cáp hiện nay. Ngoài việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như chập, cháy mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố và công việc kinh doanh buôn bán của người dân. Việc treo biển hiệu lên buôn bán cũng bị che mất hay như lễ tết muốn trang trí nhà cửa cho đẹp đẽ khang trang thì cũng khó vì vướng dây cáp trước cửa nhà…”

Dây cáp viễn thông vắt ngang nhà người dân khiến biển hiệu bị che mất một nửa. (Ảnh: Ngân Hà) 

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 127/KH-UBND về việc hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch của thành phố, 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới được hạ ngầm; cùng với đó kêu gọi đầu tư hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ. Tuy nhiên, để kế hoạch 127/KH-UBND thực hiện tốt cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và nhân dân để cùng chung tay dọn sạch “rác trời”. 
 

Ngân Hà - Báo In K41

Phản hồi