Theo nghiên cứu của Nhà Tâm lý học Jerome Bruner, nội dung có thể được ghi nhớ nhanh gấp 22 lần khi con người tiếp cận thông qua hình thức kể chuyện (storytelling) thay vì đọc thống kê số liệu.
Storytelling là nghệ thuật sử dụng đa phương tiện như ngôn ngữ, hình ảnh, video,... để kể chuyện, truyền tải thông điệp, kết nối cảm xúc nhằm tiếp cận nhóm công chúng mục tiêu.
Nghệ thuật kể chuyện (Storytelling) từ lâu đã đã tích cực chuyển mình, thoát khỏi lối mòn trong cấu trúc để thích ứng và phù hợp hơn với khán giả của thời đại mới - thời kỳ công nghệ và mạng xã hội phát triển chóng mặt, đặc biệt là sự chuyển giao giữa thế hệ GenZ và GenY. Trước “làn sóng” thay đổi mạnh mẽ của xu hướng này, hãy cùng lắng nghe anh Phạm Minh Đức – người đã gắn bó với lĩnh vực truyền thông gần 6 năm, dày dặn kinh nghiệm, trải nghiệm trong ngành nghề này chia sẻ về sự chuyển biến trong cách kể chuyện của GenZ nhé!
Xu hướng kể chuyện (storytelling) đang dần thay đổi để phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả, đặc biệt là thế hệ GenZ. Không những thế, GenZ cũng là “đội ngũ” sáng tạo đông đảo, mang đến những câu chuyện mới mẻ cho người xem. Góc nhìn của anh về vấn đề này như thế nào?
1 - 2 năm trở lại đây, xu hướng làm nội dung dạng storytelling đang phát triển rất mạnh, thông qua các hình thức làm short video chứa câu chuyện, podcast. Đây là một dạng content (nội dung) khá hay, khiến người nghe, người xem như được trải nghiệm vào câu chuyện mà creator (người sáng tạo) kể, từ đó tác động lên cảm xúc của người xem, người nghe và tạo sự đồng cảm, sẻ chia…
Đặc biệt, điều này khá phổ biến ở thế hệ GenZ – một lực lượng đông đảo tham gia sáng tạo trên social media (mạng xã hội), đây gần như là một ngách phát triển để các bạn trẻ có thể bắt tay vào “xây dựng” thế giới riêng cho mình với những câu chuyện thú vị, từ đó thu hút cho mình những tệp khán giả riêng. Họ sử dụng Internet như công cụ sáng tạo để lan tỏa và phát triển các thông điệp đậm chất cá nhân của mình đến với công chúng. Theo mình thấy thế hệ GenZ có nhiều ý tưởng mới mẻ, “đột phá” và thật sự dám nghĩ dám làm, dám thử nghiệm. Các bạn có thể sai, có thể chưa đạt được mục tiêu, nhưng các bạn luôn cố gắng để câu chuyện của mình trở nên hấp dẫn hơn và mang nhiều nét chấm phá cá tính riêng.
Các nền tảng MXH hiện nay có phải mảnh đất “màu mỡ” để GenZ được tự tin bộc lộ cá tính, phá bỏ khuôn mẫu và giới hạn trong câu chuyện của mình hay không?
MXH vẫn đã và đang là mảnh đất màu mỡ cho GenZ để tự tin bộc lộ cá tính thật của mình. Họ có những “lối đi” rất riêng, cho phép mình tiếp xúc với thế giới, đón nhận những góc nhìn đa chiều, từ đó có dịp bộc lộ tiềm năng, hình thành tư duy độc lập, có cơ hội nói lên quan điểm của mình, không bị bó hẹp trong khuôn mẫu, thiên kiến từ trước. Các bạn trẻ có xu hướng đa dạng hóa và làm giàu suy nghĩ, màu sắc cá tính của mình với những thông tin tiếp nhận được từ bên ngoài.
Tuy nhiên dễ chia sẻ cũng sẽ đi kèm với việc dễ bị đánh giá của người xem, nếu bạn không lường trước được hậu quả của những lời nói của mình trên MXH thì rất dễ bị phản ứng ngược gây tiêu cực. Không phải những gì bạn chia sẻ lên cũng được mọi người đón nhận, có những người không thích bạn thì bạn chỉ cần làm phật lòng họ thì cũng sẵn sàng bị phán xét nên cần chuẩn bị cho mình một tinh thần thật vững, một tâm thế sẵn sàng đón nhận, tiếp thu những lời góp ý, phê bình.
Với sự thay đổi thị hiếu, xu hướng tiếp nhận thông tin như ngày nay, cách kể chuyện sáng tạo hay còn gọi là “thinking out of the boxes” của người trẻ hiện nay có thể coi là một cơ hội rộng mở để họ được tự do khám phá, thể hiện bản thân, đồng thời lan tỏa giá trị tích cực của mình đến với cộng đồng?
Thế hệ trẻ ngày nay không muốn rập khuôn theo bất kỳ khuôn mẫu nào mà muốn được tự do bay nhảy, sáng tạo và những gì họ nhìn nhận, chia sẻ cũng vậy. Vì vậy đây là cơ hội rộng mở để khám phá và thể hiện bản thân, lan tỏa giá trị cho cộng đồng.
Sự tò mò, biết hứng thú với cuộc sống và chủ động khám phá, kết nối với thế giới cũng là một “bước đệm” tạo nên một chủ thể độc lập, làm chủ cuộc sống, có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp muôn màu muôn vẻ, đem lại niềm vui và hạnh phúc đến cả những người xung quanh.
Cách thể hiện tư duy sáng tạo cũng là một cách để nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc, việc có được hiệu quả từ tương tác xã hội giúp phát triển năng lực EQ. Theo anh, Storytelling đã giúp người kể chuyện có thêm sự đồng cảm, khả năng chạm tới cảm xúc của khán giả như thế nào?
Ngay từ đầu storytelling đã là kể câu chuyện của bản thân để tạo sự đồng cảm, nếu câu chuyện của mình hấp dẫn thì mới có thể thu hút được sự quan tâm, chú ý của người xem. Cuộc đời mỗi người không ai giống nhau, nếu bạn kể những câu chuyện của chính bản thân mình thì chắc chắn sẽ không giống với người khác được, điều này làm cho thế giới của GenZ trở nên đa sắc hơn. Việc trải nghiệm, “sống những cuộc đời khác nhau”, đặt mình vào vị trí của người khác giúp người viết có được cảm nhận tinh tế, đa chiều, nhạy cảm, từ đó kết nối bản thân với thế giới. Tuy nhiên để tạo dấu ấn, màu sắc riêng thì không phải ai cũng làm được, mà cần phải có đủ trải nghiệm và đúc kết được kinh nghiệm riêng cho bản thân qua câu chuyện, thì khán giả mới thấy ấn tượng và cảm thấy có giá trị khi bỏ thời gian xem nội dung của mình.
Anh nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển sắp tới của nghệ thuật kể chuyện - storytelling khi người “nắm giữ” chủ yếu sẽ là thế hệ GenZ?
Đây là một mảnh đất màu mỡ và sẽ còn được nhiều người hướng tới trong thời gian tới, với “lực lượng” đông đảo đến từ thế hệ GenZ – một thế hệ tiềm năng có thể khai mở social media theo những chiều hướng đa dạng, nhiều màu sắc và đậm chất riêng. Theo mình quan sát thì các nội dung đang dần đi theo hướng phát triển kết hợp cùng với social commercial – thương mại xã hội. đây là sự kết hợp giữa MXH và thương mại điện tử.
Việc storytelling lồng ghép với ecommerce đã được nhiều người áp dụng và thành công trong đó có thể kể tới tiktoker Hằng Du Mục, Thuần podcast, Xù Lèo… Việc social commercial là điều mà hầu như tất cả các tiktoker, creator đều hướng tới, tuy nhiên nếu quá lạm dụng việc kể chuyện để bán hàng sẽ khiến phản ứng ngược, khán giả sẽ quay lưng lại với bạn khi bạn kể lể chỉ để bán hàng, kiếm tiền, mà đánh mất đi sự thu hút ban đầu.
Nếu được gói gọn lời khuyên của mình cho GenZ về việc sáng tạo nội dung trong 3 từ, với anh đó sẽ là những từ nào?
Chân thành, kiên trì và hãy là chính mình. Với mình đó là điều cần thiết để có thể phát triển lâu dài trong một thế giới luôn luôn biến đổi như ngày này.
Cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn!
Thực hiện: Nguyễn Linh