Cần cân nhắc nhiều khía cạnh
Hầu hết các chuyên gia đồng tình với những lợi ích mà dự thảo giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên có thể mang lại. PGS.TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Đây có thể là một chính sách cần thiết để đảm bảo sinh viên phải có đủ thời gian tập trung cho việc học một cách hiệu quả, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên cũng như tránh việc sinh viên bị bóc lột sức lao động”.
Áp dụng dự thảo trên vào thực tiễn tại Việt Nam là một vấn đề lớn, bao hàm nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề nhỏ mà các cơ quan liên quan sẽ phải tập trung xử lý. Cụ thể theo ông Trần Thành Nam, để triển khai dự thảo trên cần cân nhắc kỹ lưỡng những khía cạnh dưới đây:
Thứ nhất, chúng ta cần quan tâm đến mối quan hệ giữa hỗ trợ tài chính, phát triển kỹ năng và chất lượng học tập của từng sinh viên. Những sinh viên có khả năng học tập tốt, có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng quản lý thời gian để làm việc nhiều hơn 20 giờ/tuần mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập và có nguyện vọng làm thêm liệu có được không? Trong khi đó những sinh viên khác đang có thành tích học tập ở mức nguy cơ, cần tập trung nhiều thời gian cho việc học và gia đình có thể hỗ trợ được thì làm thêm 20 giờ/tuần cũng có thể là quá nhiều.
Thứ hai, chúng ta cần cân nhắc đến tính chất công việc. Ví dụ như công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không tốn nhiều thời gian sức lực và phù hợp với chuyên môn thì 20 giờ/tuần có thể chấp nhận nhưng nếu những công việc nặng nhọc mệt mỏi thì 20 giờ/tuần cũng có thể là quá nhiều.
Thứ ba, cần thống nhất nội hàm của khái niệm “làm thêm” một cách cụ thể và nhất quán. Ví dụ nếu sinh viên thực tập ở một vị trí liên quan đến công việc sau này, với mục tiêu rèn luyện kỹ năng thực tế và được trả lương thì có coi là “làm thêm” hay không? Và trong trường hợp này, sinh viên có thể làm nhiều hơn 20 giờ/tuần nhưng vẫn phù hợp vì nó được xem là giờ “tự học và tự thực hành”.
PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu (Nguyên Trưởng Khoa Luật Kinh doanh - Trường Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất quy định số giờ làm thêm với sinh viên. Ở Việt Nam, sinh viên đi làm là một vấn đề tất yếu, nếu không có sự khống chế thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập và chất lượng đào tạo.
Bà Hoài Thu trình bày về quy trình quản lý giờ làm thêm của sinh viên tại các quốc gia trên thế giới: “Một số quốc gia khác cũng có chính sách khống chế giờ làm thêm của sinh viên và thực hiện một cách chặt chẽ. Sinh viên muốn làm thêm thì phải đăng ký tại các trung tâm giới thiệu, và các doanh nghiệp cũng chỉ được tiếp nhận sinh viên trên cơ sở giới thiệu của các trung tâm. Cơ quan quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát. Sinh viên đi làm thêm cũng chịu trách nhiệm đóng thuế thu thập.
Còn ở Việt Nam, chủ yếu sinh viên đi làm thêm sẽ tự liên hệ đến các cơ sở. Để có thể thực hiện quy định này tại nước ta cần có sự đồng bộ của các cơ quan, nhất là cơ quan quản lý về lao động, nhà trường cùng các trung tâm môi giới việc làm cho sinh viên…. Còn nếu cứ quy định không quá 20 giờ/tuần mà không có quản lý sẽ không thể nào hiệu quả được”.
Làm thế nào để triển khai dự thảo một cách hiệu quả?
Bên cạnh việc đề cập đến những khía cạnh cần phải xử lý, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp để dự thảo được triển khai một cách chặt chẽ, hợp lý. PGS.TS Lê Thị Hoài Thu đưa ra giải pháp: “Trước hết, chúng ta có thể phát triển hoạt động làm thêm ngay tại cơ sở đào tạo. Ví dụ: khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm có thể mở một cửa hàng ăn uống, chính các sinh viên của khoa sẽ bán hàng, phục vụ… Từ đó, sinh viên có cơ hội thực hành chuyên ngành của mình ngay trong trường. Trong quá trình làm việc, nhà trường sẽ có quy định số giờ làm cụ thể cho từng người”.
Bên cạnh đó, bà Thu cũng đề xuất xây dựng hệ thống mạng lưới quản lý người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kèm theo chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Giữa sinh viên và doanh nghiệp cần phải có hợp đồng rõ ràng quy định số giờ làm thêm. Bên cạnh đó, cũng cần quản lý chặt chẽ các sinh viên đăng ký đi làm thêm. Chúng ta có thể phát triển một phần mềm để kiểm soát sinh viên đi làm, cũng như kiểm soát các doanh nghiệp sử dụng sinh viên làm nhân lực lao động.
Ngoài ra, việc phát triển các trung tâm dịch vụ việc làm cũng là điều cần thiết, đây cũng sẽ là địa chỉ cầu nối giữa sinh viên và các doanh nghiệp. Ví dụ các sinh viên muốn làm thêm ở cửa hàng cà phê thì phải dựa trên cơ sở của trung tâm dịch vụ việc làm. Phải có giới thiệu từ trung tâm thì cửa hàng mới được nhận sinh viên vào làm việc, không được phép nhận trực tiếp.
Nhìn chung, dự thảo giới hạn giờ làm thêm của sinh viên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ nhận được nhiều sự đồng tình từ phía học sinh, nhà trường và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đưa dự thảo đi vào thực tiễn cần sự vào cuộc nghiêm túc đến từ rất nhiều bộ, ban, ngành liên quan, bên cạnh đó là sự liên kết chặt chẽ giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp.
Phản hồi