Tham dự Hội thảo, có sự góp mặt của Ông Thái Hữu Lý - Trưởng phòng Phát triển tên miền, Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ TTTT; TS. Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí; TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Công đoàn, Thư ký khoa học Viện Báo chí; Chị Đặng Minh Thư - Giám đốc Điều hành tại Life Art Việt Nam, Doanh nghiệp chuyên sâu về ứng dụng nghệ thuật trong giáo dục và phát triển cộng đồng; Anh Phí Mạnh Toàn - Giám đốc Sáng tạo tại Life Art Việt Nam, Doanh nghiệp chuyên sâu về ứng dụng nghệ thuật trong giáo dục và phát triển cộng đồng; Phóng viên Thạch Thảo - Cựu sinh viên Báo Ảnh K35 và một số sinh viên ưu tú, nổi bật của Viện Báo chí.
Hội thảo gồm có 2 phiên:
Phiên 1: Yêu cầu mới trong học tập, rèn luyện đối với sinh viên báo chí truyền thông trước thách thức của chuyển đổi số.
Phiên 2: Kịch ứng tác về giới trong khai khoáng – Thách thức nào với sinh viên báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số?
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí chia sẻ: “Chuyển đổi số phải phục vụ cho con người, cho sự phát triển của nhân loại, con người phải làm chủ được chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên phải là chuyển đổi số của con người về tư duy, về chiến lược và sự tự chủ trong công nghệ”. TS. Lê Thu Hà nhấn mạnh giá trị cốt lõi của Viện Báo chí chính là “bản lĩnh, sáng tạo”. Dù có chuyển đổi số hay không thì chúng ta cũng luôn phải khẳng định được bản lĩnh, sáng tạo của mình.
Phiên 1 - Yêu cầu mới trong học tập, rèn luyện đối với sinh viên báo chí - truyền thông trước thách thức của chuyển đổi số.
Mở đầu phiên 1 Hội thảo, anh Đỗ Thành Long - sinh viên lớp Báo In K39, đã đóng góp ý kiến với bài tham luận “Thách thức của chuyển đối số đối với sinh viên báo chí - truyền thông”. Theo anh chia sẻ: “Sinh viên báo chí - truyền thông đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc chuyển đổi số một trong số đó chính là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu dùng khiến cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, các nhà truyền thông số phải áp dụng những công nghệ mới và phải thích nghi với nhu cầu thị hiếu của mọi người.Và sự xuất hiện của các kênh truyền thông mới như Youtube, Facebook, Instagram…đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các đơn vị truyền thông truyền thống”.
Tiếp nối quan điểm của anh Đỗ Thành Long, Phóng viên Thạch Thảo - cựu sinh viên lớp Báo Ảnh K35 chia sẻ thêm về một số giải pháp để người trẻ thích ứng với môi trường chuyển đổi số. Theo chị, chuyển đổi số có 2 chủ đề chính đó là cách thức và tư duy, tuy nhiên với một người phóng viên tác nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực báo chí thì chuyển đổi số về tư duy khiến chị quan tâm nhiều hơn. Trước đây, chủ đề báo chí quan tâm nhiều thường liên quan đến chính luận, đời sống xã hội, thời sự tuy nhiên bây giờ với sự xuất hiện của chuyển đổi số và tư duy của nhà lãnh đạo cũng thay đổi thì cơ hội cũng đã rộng mở hơn. Bắt đầu xuất hiện những chủ đề về tâm lý, về giới, và liên quan đến đời sống gia đình. “Chuyển đổi số đặt ra thách thức nhưng thách thức cũng là cách chúng ta mở ra những cơ hội mới cho mình”. Đây là những kinh nghiệm được chị đúc rút từ trải nghiệm thực tiễn khi làm việc trong môi trường báo chí - truyền thông, với mong muốn đem lại những chia sẻ thiết thực đối với sinh viên Viện Báo chí nói riêng và sinh viên toàn Học viện nói chung.
Hội thảo cũng thu hút sự nhiều ý kiến đóng góp của các bạn trẻ đang học tập trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Những tham luận của sinh viên Viện Báo chí tại Hội thảo đã tạo ra bầu không khí sinh hoạt khoa học sôi nổi. Hầu hết các tham luận đều thể hiện niềm tin chuyển đổi số mang lại nhiều thách thức cho sinh viên báo chí - truyền thông nhưng cũng là nguồn động lực, là cơ hội người trẻ cần nắm bắt và khẳng định bản thân, theo đúng tinh thần “Bản lĩnh, sáng tạo” của sinh viên Viện Báo chí.
Phiên 2 - Kịch ứng tác về giới trong khai khoáng - thách thức nào với sinh viên báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số?
Tham dự phiên 2 của Hội thảo, chị Lạc Thư - Giám đốc Điều hành tại Life Art Việt Nam và anh Phí Mạnh Đoàn - Giám đốc Sáng tạo tại Life Art Việt Nam đã cùng một số sinh viên của Viện Báo chí đưa đến một vở kịch với chủ đề “Giới trong khai khoáng”.
Vở kịch mang tới những góc nhìn mới về bình đẳng giới khi đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, từ đó nâng cao nhận thức của sinh viên, cụ thể là những định kiến và khuôn mẫu giới trong phân công lao động. Vở kịch ứng tác không chỉ là một cầu nối truyền tải những câu chuyện với thông điệp ý nghĩa, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội cho khán giả có thể hoá thân vào nhân vật để bày tỏ quan điểm, nêu lên ý kiến của mình và góp phần thay đổi diễn biến của vở kịch, điều đó cũng làm cho buổi hội thảo trở nên thú vị, sôi động hơn.
Sau 3 tiếng làm việc sôi nổi, hiệu quả, Hội thảo khoa học sinh viên đã tạo ra một diễn đàn khoa học lành mạnh, bổ ích, giúp sinh viên có thêm nhận thức và hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số hiện nay. Đây là nền tảng để sinh viên ngành báo chí - truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, rèn luyện ý thức nghiêm túc, cầu thị, là người chủ động trước những xu hướng của thời đại.
Phản hồi