Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

Tiêu điểm \

Chương trình kịch ứng tác: "Giới trong khai khoáng"

08:05 21-04-2023
Nằm trong khuôn khổ cuộc thi sáng tạo nội dung với chủ đề “Định kiến giới trong khai khoáng” được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình, Môi trường trong Phát triển (CGFED), chương trình kịch ứng tác: “Giới trong khai khoáng” diễn ra vào ngày 21/04/2023 nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và chỉ ra những thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số của sinh viên ngày nay.

Vở kịch có sự đồng hành của hai chuyên gia đến từ Life Art - ứng dụng nghệ thuật trong giáo dục và phát triển cộng đồng: Giám đốc điều hành Đặng Minh Thư và Giám đốc sáng tạo Phí Mạnh Đoàn.    

Chương trình kịch sẽ được trình diễn ra vào ngày 21/04/2023, bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.  

Nội dung vở kịch xoay quanh nhóm sinh viên ngành báo chí - truyền thông cùng nhau tham gia chương trình tuyển thực tập sinh của một công ty chuyên về lĩnh vực khai khoáng. Trong khoảng thời gian nộp hồ sơ xét tuyển, họ dần nhận ra những định kiến về khuôn mẫu giới cũng như những thách thức mà bản thân có thể gặp phải trước bối cảnh chuyển đổi số. Liệu rằng đứng trước những ý kiến: “chỉ có con trai mới phù hợp với ngành nghề này” hay “con gái không thể làm được những công việc ấy”, các nhân vật sẽ mang tới góc nhìn như thế nào khi đặt họ trong bối cảnh chuyển đổi số đầy thách thức ngày nay?

Bên cạnh hình thức biểu diễn trực tiếp, chương trình kịch cũng sẽ được ghi hình và đăng tải trên các phương tiện truyền thông như: Fanpage BÁO CHÍ TRẺ, Fanpage Viện Báo Chí và trang tin Truyền thông trẻ trước thời gian diễn ra lễ trao giải để tạo thêm động lực, đồng thời giải đáp những thắc mắc cho các thí sinh trong quá trình dự thi. 

Thời gian nộp bài dự thi của cuộc thi sáng tạo nội dung về chủ đề “Giới trong khai khoáng” cũng đã bắt đầu. Ban tổ chức hi vọng chương trình kịch ứng tác nằm trong chuỗi hoạt động của cuộc thi sẽ được đông đảo công chúng đón nhận, đem lại thông tin hữu ích cho các thí sinh cũng như đem đến cho khán giả thêm nhiều hiểu biết về vấn đề về giới và chuyển đổi số hiện nay. 

Diệu Hương

Phản hồi