PV: Phim tài liệu lịch sử thường được biết đến như một thể loại phim khó sản xuất và yêu cầu rất cao từ diễn viên như ngoại hình, lối diễn xuất. Vậy cơ duyên nào khiến một sinh viên như bạn muốn thử sức, đảm đương một nhân vật quan trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ phim tài liệu về Điện Biên Phủ?
Thành Văn: Việc quyết định chọn mình cho vai Tướng Giáp là điều khá táo bạo từ phía của đoàn làm phim bởi mình không xuất thân từ làng diễn xuất. Về cơ duyên, có một chi tiết khá đặc biệt. Nếu như các bạn có để ý sẽ thấy tên của mình giống hệt với bí danh của Đại tướng, đó là Văn. Có một điều nữa, trong quá trình tìm diễn viên đóng vai bác Giáp, bên đoàn làm phim đã phải mất rất nhiều thời gian. Mãi về sau, một chị người quen có giới thiệu mình thì đoàn làm phim duyệt luôn mà không phải qua bất cứ buổi thử vai nào.
PV: Phim tài liệu lịch sử không phải một thể loại phim dễ thực hiện bởi các cảnh phim đều cần được đầu tư một cách công phu, nhất là những phân đoạn trên chiến trường. Vậy khi tham gia những phân đoạn hoành tráng, bạn có cảm xúc như thế nào về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc?
Thành Văn: Bản thân mình cũng khá bất ngờ khi đoàn làm phim có thể tái hiện lại những khung cảnh hoành tráng như vậy. Chiến tranh cũng đã đi qua, nhưng mà những người trẻ như chúng ta không biết được không khí thực sự của một chiến trường nó như thế nào mà chỉ được xem lại qua các hình ảnh. Nhưng cũng rất tài tình, khi mình vào vai, mình cảm nhận được một sự sống động kỳ lạ mang hơi thở của lịch sử.
Sau những phân đoạn như vậy, đặt bản thân mình vào hình ảnh của một người lính, mình cảm thấy sống mũi cay cay. Mình đã tự hỏi bản thân trong suốt quãng thời gian bấm máy đến khi chuẩn bị lên sóng: Thế hệ cha ông chúng ta đã phải đối diện với những kẻ địch này như thế nào?
PV: Bạn nghĩ việc các diễn viên trong phim được đạt được sự tương đồng về ngoại hình với các nhân vật lịch sử nhờ công nghệ CGI có phải là một yếu tố quan trọng để thu hút khán giả quay tâm đến bộ phim không? Và bạn tận dụng ưu thế ngoại hình và diễn xuất của mình như thế nào để khắc họa lịch sử?
Thành Văn: Công nghệ trong điện ảnh luôn được coi là sự bổ trợ cho việc truyền tải thông điệp hay một câu chuyện. Và những câu chuyện về lịch sử như này tiếp cận được đông đảo khán giả, được xem là thành công cũng chính là nhờ có sự hỗ trợ của kỹ thuật, công nghệ.
Để nói về ngoại hình của mình có ưu thế trong vai diễn hay không thì thực sự mình không quá tự tin. Vì như mình đã nói ở trên, mình xuất thân không phải là một diễn viên. Tuy nhiên, trong quá trình bấm máy, thực sự rất may mắn khi mình có sự hỗ trợ nhiệt tình của ekip làm phim.
PV: Nhận được sự chú ý từ rất nhiều khán giả với những diễn viên có nhiều điểm giống với các nhân vật lịch sử, song cũng vì thế mà một bộ phận khán giả cho rằng biểu cảm gương mặt của các nhân vật chưa được tốt do có sự can thiệp của công nghệ CGI, bạn nghĩ sao về ý kiến này và theo bạn đây có phải điểm yếu khi đoàn làm phim áp dụng công nghệ để phục dựng lịch sử không?
Thành Văn: Những vị lãnh tụ cách mạng của chúng ta thực sự ngàn năm có một, không ai có thể thay thế được họ. Với mình, vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ là điểm yếu của đoàn làm phim. Ở nhiều góc độ khác, đây là một bộ phim tài liệu về lịch sử, vậy nên việc diễn viên sử dụng 100% hình ảnh thật của mình để tái hiện lại hình ảnh của những bậc tiền nhân đã khó vô cùng.
Còn về những mong muốn của người xem, về biểu cảm gương mặt của diễn viên thì thực sự chúng ta đều hiểu và đều mong muốn có sự hoàn hảo trong tất cả mọi khía cạnh, thế nên những mong muốn ấy đều cần thời gian để hoàn thiện hơn.
PV: Được biết ngoài việc tham gia dự án phim tài liệu về Điện Biên Phủ sắp được ra mắt, Văn còn là một thành viên của team Vạn Thiên Y - Chuyên nghiên cứu và phát triển các dự án về Văn hoá, Tín Ngưỡng, Tôn giáo, Trang phục gắn liền với Văn hóa, Tín Ngưỡng, Tôn giáo. Vậy đâu là động lực để bạn tích cực tham gia vào những dự án liên quan đến lịch sử như vậy?
Thành Văn: Mình thường đặt ra câu hỏi là trong nhịp sống hối hả của thời đại thì chúng ta sẽ làm gì? Bản thân mình cũng thuộc thế hệ Gen Z với đặc trưng là cởi mở, đặc biệt là trong các lĩnh vực xã hội. Cùng với đó thì mình cũng khá tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, những giá trị văn hóa mang đậm sự tinh tế, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Chính vì vậy, mình nhận thức rõ về việc cần phải bảo tồn, phục dựng và phát triển văn hóa Việt, mang hơi thở của lịch sử đến gần hơn với thời đại mới.
PV: Theo bạn đâu là yếu tố thu hút nhất để người trẻ tham gia tích cực vào các dự án phim tài liệu, lịch sử của dân tộc cũng như các dự án liên quan đến việc phục dựng lịch sử?
Thành Văn: Với mình, yếu tố thu hút nhất ở đây chính là sự mới mẻ về cách tiếp cận và mở ra một góc nhìn mới cho cộng đồng về những lát cắt của lịch sử. Nếu như được hỏi rằng: “Lịch sử của nước ta có hay không, có hào hùng không?” Không cần phải lăn tăn, câu trả lời của mình là có. Vậy vấn đề ở đây chắc chắn chính là những yếu tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận của giới trẻ mà cá nhân mình cũng luôn nhận thức được trách nhiệm đó. Chúng ta phải cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước và mang nó tới gần hơn với cộng đồng.
Phản hồi