Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024
Báo Sài Gòn Giải Phóng: Trăn trở kỷ nguyên số -0

 

Những thách thức của báo chí nói chung và báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng trong bối cảnh thời đại số là không hề nhỏ, để giữ vững vị trí, vai trò trước sức ép của mạng xã hội cần phải thực hiện tốt quy hoạch để báo chí có thể phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn. Bàn về vấn đề này, phóng viên Trang tin điện tử Truyền thông trẻ đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Sài Gòn Giải phóng:

 

Thưa nhà báo, trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng với vị thế là tờ báo in lâu đời chuyên về chính trị xã hội đã và đang gặp phải những thách thức thay đổi nào để theo kịp thị hiếu của độc giả ?

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: Những thách thức cho một tờ báo sâu về chính trị, xã hội và những người làm báo ban đầu cũng là những nhà báo từ trong chiến khu, từ báo nhân dân sống với nguồn báo chí cách mạng và bản thân tôi cũng như thế hệ sau này cũng được đào tạo trong môi trường báo chí nghiêng về báo giấy và nghiêng về chính trị, xã hội nhiều hơn là yêu cầu về kiến thức, tri thức mới hay giải trí cho nên ít nhiều công chúng bạn đọc của báo SGGP có những hạn chế đặc biệt là bạn đọc trẻ, công chúng trẻ.

Mặc dù chúng tôi cũng muốn thay đổi ở những chuyên mục để phục vụ giới trẻ nhưng cách làm báo từ ngày thành lập cho đến giờ vẫn ăn vào tư tưởng của những người làm báo SGGP và lối viết, lối biên tập, cách thức làm vẫn nghiêng về những độc giả già, đây chính là khiếm khuyết lớn nhất của báo SGGP. Vì vậy, rào cản đầu tiên chính là sức ỳ, mỗi người cần phải vượt qua sức ỳ đấy.

 

Tiếp đến là về mặt công nghệ, muốn tìm nhà tư vấn để chuyển đổi số như thế nào, việc mua sắm trang thiết bị IT rất tốn kém mà thời gian khấu hao rất nhanh, sự thay đổi công nghệ phát triển ngày càng mới. Nếu nghe nhà tư vấn mà quyết định sai lầm trong việc chuyển đổi số thì sẽ phải trả giá rất đắt. Thực tiễn việc tìm đơn vị tư vấn chuyển đổi số cho cơ quan báo chí rất khó và họ tư vấn sai thì tờ báo đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Báo SGGP đã thành lập ban quản lý dự án riêng đi đến quyết định phải tự làm.

Thứ ba là việc đào tạo nhân lực thì phải tìm người để có thể về cơ quan, trình bày những kỹ năng, những yêu cầu và những công nghệ mới cho toàn bộ cơ quan, tất cả các khâu.

Và cuối cùng, đổi mới phải đồng bộ, tiêu hao rất nhiều về tài chính. Một thách thức với Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng như báo chí hiện nay là việc bảo đảm nguồn thu. Bởi một thị phần rất quan trọng của quảng cáo hiện nay đang chuyển dần từ các cơ quan báo chí sang các nền tảng xuyên biên giới (60- 16 70%). Các cơ quan báo chí chỉ còn 30% thị phần chung nhau dẫn đến giảm sút nguồn thu. Báo chí đang đứng trước những thách thức lớn về sụt giảm lượng báo in và giảm nguồn thu từ quảng cáo.  

Báo Sài Gòn Giải Phóng: Trăn trở kỷ nguyên số -0

 

Thưa nhà báo, như nhà báo đã chia sẻ là trong thời đại ngày nay ai cũng có thể trở thành một “nhà báo", một người đưa tin và truyền tin. Vậy điều đó đặt ra thách thức như thế nào tới sự tồn tại của báo chí? 

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: Bây giờ chúng ta, ai cũng có quyền đưa tin ra công chúng chứ không chỉ riêng mình nhà báo. Khi xưa lúc chúng tôi xuất bản 250.000 tờ buổi chiều để thông tin về chiến sự ở Iraq, người dân đổ xô đến mua, sập cả hàng rào cơ quan báo. Nhưng bây giờ người ta đâu có cần phải mua báo SGGP như vậy nữa, có rất nhiều kênh các bạn có thể chủ động xem. Về vấn đề xuất bản, bây giờ ai cũng có thể đưa thông tin, ai chứng kiến sớm nhất, ai có khả năng phân tích, bình luận về sự kiện đó thì sẽ được đón nhận. Khái niệm “nhà báo công dân" cũng không còn xa lạ nữa. 

Điều đó dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến vai trò của các phóng viên, nhà báo bởi đó vốn là nhiệm vụ của họ từ xưa tới nay. Và đó cũng là điều kiện để sàng lọc những người làm báo giỏi, yêu cầu họ không chỉ dừng ở các kỹ năng thu thập, tìm kiếm thông tin mà phải trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng khác nữa. Các tòa soạn cũng phải chạy đua để đổi mới, sáng tạo hơn, khai thác những thông tin độc quyền, mới mẻ để thu hút và hấp dẫn được độc giả của mình.

Báo Sài gòn Giải Phóng: Trăn trở kỷ nguyên số -0

 

Thưa nhà báo, vậy vai trò của các phóng viên, nhà báo nằm ở đâu trong vấn đề “giữ thông tin độc quyền” hiện nay?

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: Nằm ở hai chữ “tin cậy”. Cơ quan báo SGGP vẫn giữ vững và cạnh tranh được bởi có độ tin cậy cao. Chúng tôi xác định độ tin cậy cao là điều tiên quyết của cơ quan báo SGGP. Báo chí sẽ không chỉ là người đưa tin đầu tiên nhưng báo chí sẽ là người nối dài, đào sâu, mở rộng các tin tức đó, báo chí phải làm các công việc tiếp theo để độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề. Báo chí là kênh thông tin chính thống, kiểm chứng và đưa thông tin đến xã hội một cách chính xác, đầy đủ có chiều sâu, độ mở rộng hơn là báo chí công dân. Khi một tờ báo mất độ chính xác tin cậy, bạn đọc sẽ quay lưng dù tờ báo có chuyển đổi số, đa phương tiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất tốt nhưng vẫn sẽ mất niềm tin với độc giả.

 

Thưa nhà báo, trước sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng như báo chí cách mạng việt Nam cần có giải pháp phát triển như thế nào để phù hợp với xu hướng mới?

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: Không đợi đến chuyển đổi số, thì việc phát triển kinh tế xã hội thế giới, đất nước buộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi, phải luôn luôn thay đổi. Sự vận chuyển luôn luôn phải thay đổi, thay đổi cách làm báo, tổ chức. Liên quan đến sự đổi mới công nghệ, phần mềm và nhận thức của người làm báo trong cơ quan báo SGGP buộc phải thay đổi. Nếu như không thay đổi là chết.

Về chuyển đổi số, báo SGGP đã có đề án và đang triển khai, hiện nay đầu tư khoảng 10-15 tỷ đồng, đó là mức đầu tư khá là khiêm tốn cho lần đổi mới này kể cả đào tạo, mua sắm, phần mềm, phần cứng, các thiết bị chung. Trong thay đổi đó, đầu tiên và về chuyển đổi nhận thức, thống nhất trong cơ quan báo rằng việc chuyển đổi số là đòi hỏi tất yếu và là nhu cầu đổi mới thân của cơ quan, thay đổi quy trình xuất bản các ấn phẩm từ tác nghiệp đầu vào cho đến đầu ra các sản phẩm.

Báo Sài gòn Giải Phóng: Trăn trở kỷ nguyên số -0

 

Phải thay đổi từ những khâu nhỏ bên trong, phải điều phối kênh thông tin, đòi hỏi phải thiết lập lại hệ thống con người làm việc, tổ chức bộ máy và cả về địa lý, mặt bằng làm việc, tòa soạn hội tụ sẽ không có các phòng riêng biệt mà thành tòa soạn mở và các vị trí trung tâm để người làm việc có thể nắm bắt được mọi thông tin trong nước cũng như thế giới. Và đòi hỏi đầu tư kinh phí rất cao có thể lên gấp đôi so với kinh phí dự kiến ban đầu cho một đợt chuyển đổi số. 

Báo SGGP đã số hóa tất cả dữ liệu của các tờ báo trong 47 năm qua, các tư liệu của phóng viên, nhà báo trong cơ quan đặc biệt là nguồn ảnh tư liệu cũng đã được số hóa, lưu giữ lại. Phương thức tác nghiệp, giải pháp đều phải thay đổi, đào tạo mạnh mẽ. Thay đổi lớn nhất của báo SGGP tới đây là xây dựng lại tòa soạn tích hợp đa phương tiện, là trái tim, hạt nhân của tờ báo trong đó sẽ có những bộ phận xử lý chuyên nghiệp.

Báo SGGP có kế hoạch nào trong việc mở rộng phạm vi độc giả không, thưa nhà báo?

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: Phát hành cho người già, hoặc đưa về cho đảng viên, thất bại trong việc mở rộng phạm vi công chúng trẻ, và việc mở các trang mục mới hướng đến giới trẻ. Số lượng online mỗi ngày 300.000-400.000 lượt xem hàng ngày, mục đích đến với công chúng trẻ trên báo online đã phần nào đạt được. 

Cần phải trẻ hóa trong cách viết, cách làm báo, mở ra những mục bạn trẻ quan tâm, những xu hướng nổi bật. Trong chuyển đổi số lần này, báo SGGP sẽ đẩy mạnh những điểm đó.

Cảm ơn Nhà báo Nguyễn Khắc Văn về những chia sẻ vừa rồi!