Danh mục Thứ Sáu, 22/11/2024

Tiêu điểm \

Ảnh báo chí - “một hình ảnh hơn ngàn con chữ”

15:00 09-05-2023
Xu hướng phát triển của ngành báo chí trong những năm gần đây gắn liền với sự đột phá trên nhiều lĩnh vực của thời đại mới. Đó là thời đại công nghệ 4.0 với các loại hình báo chí mang tính chuyên nghiệp, đa dạng. Trong đó, Ảnh báo chí, với những bước “nhảy vọt” ấn tượng, đã ngày càng khẳng định vị trí của mình và trở thành điểm đến trong hành trình đam mê của nhiều bạn trẻ. 

Ảnh báo chí trong dòng chảy lịch sử
Khi nhiếp ảnh chưa ra đời, báo chí thông tin đến công chúng qua những phương tiện như ngôn ngữ nói, tranh vẽ minh họa và chữ viết. Tuy nhiên, cách truyền đạt thông tin này còn nhiều hạn chế khi chưa đảm bảo được tính tối ưu hóa và tính xác thực trong việc tiếp nhận thông tin của người đọc báo. Vì vậy, sự xuất hiện của Ảnh báo chí, gắn liền với bức ảnh đầu tiên được ấn hành năm 1842, đã trở thành một bước chuyển mình lớn của hoạt động báo chí - truyền thông.
Theo dòng chảy lịch sử Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1929 đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo dựng nền móng cho sự phát triển của Ảnh báo chí. Nhiếp ảnh trong thời kỳ này có sứ mệnh cao cả là phục vụ cách mạng, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mặc dù còn những hạn chế về mặt kỹ thuật in ấn, một số tờ báo tuyên truyền, cổ động quần chúng đấu tranh giành độc lập của Đảng đã sử dụng hình ảnh để minh họa và truyền đạt thông tin, tiêu biểu như Nhành Lúa, Thời Báo hay Dân Chúng. Trong các giai đoạn lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ảnh báo chí đã làm tốt chức năng thông tin và thể hiện rõ được yếu tố sự kiện đối với một đất nước trải qua nhiều khó khăn thăng trầm.
Trong những năm trở lại đây, khi chiến tranh qua đi, Ảnh báo chí bước sang trang mới với xu thế hội nhập mạnh mẽ, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của rất nhiều tờ báo ảnh nổi tiếng như Báo ảnh Việt Nam, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Báo ảnh Đất Mũi… Trong đó, Báo ảnh Việt Nam (trực thuộc cơ quan chủ quản là Thông tấn xã Việt Nam) đã ra đời từ rất sớm với số báo đầu tiên vào năm 1954. Ngày nay, Báo Ảnh Việt Nam vẫn là tờ báo có vị thế và uy tín lớn thông qua sứ mệnh tuyên truyền, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Thành công của Ảnh báo chí Việt Nam với nhiều ấn phẩm sáng tạo đã khẳng định những bước tiến mạnh mẽ của loại hình báo chí này.

Báo ảnh Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. (Ảnh: Trang chủ Báo ảnh Việt Nam) 


 “Một bức ảnh hơn ngàn con chữ”
Có định kiến về nhiếp ảnh cho rằng, những tấm ảnh chỉ là kết quả của hành động sao chép và chụp lại, không có khả năng tường thuật câu chuyện một cách đầy đủ và sáng tạo nhất. Tuy nhiên, dựa trên những thành tựu của lịch sử phát triển của Ảnh báo chí, có thể khẳng định tiềm năng vô tận của loại hình báo chí này. Sức mạnh kỳ diệu của Ảnh báo chí trong báo chí từ xưa đến nay có thể gói gọn phần nào  trong câu ngạn ngữ cổ: “Một hình ảnh bằng ngàn lời nói”.

Ảnh báo chí có vai trò quan trọng trong báo chí - truyền thông hiện đại. (Ảnh: Nguyễn Thu Hiền TTĐPT K42) 


Một trong những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của một tác phẩm báo chí là tính chân thực. Ảnh báo chí có thể truyền tải và khẳng định tính chân thực ấy thông qua khả năng ghi thực trực tiếp. Ảnh báo chí giúp công chúng vượt qua rào cản vật lý để tiếp nhận thông tin theo cách trực tiếp và khách quan nhất. Để thực hiện được sứ mệnh ấy, Ảnh báo chí phải là những bức ảnh nắm bắt được các khoảnh khắc đắt giá và có giá trị thông tin đến người đọc. Với khả năng truyền tải nội dung trực quan sinh động, Ảnh báo chí có thể khơi gợi hứng thú, sự tò mò của công chúng về nhân vật, sự kiện, hiện tượng… được truyền tải qua ấn phẩm báo chí.
Trong thời đại truyền thông số, sự bùng nổ của mạng xã hội, mạng điện tử tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho Ảnh báo chí. Trước nhu cầu thông tin nhanh, mức độ chính xác cao, dễ hiểu và dễ nắm bắt của một bộ phận không nhỏ công chúng, Ảnh báo chí càng khẳng định được tiềm năng trên mặt trận công nghệ thông tin với những lợi thế sẵn có.
Theo ThS Nguyễn Tiến Mão - tác giả của cuốn sách “Cơ sở lý luận Ảnh báo chí”, tóm lại: “Thực chất của Ảnh báo chí không phải cái gì khác mà là thông qua những hình ảnh xác thực, ghi lại những lát cắt tiêu biểu của hiện thực cuộc sống, với độ chính xác cao về mọi phương diện, nó nhằm cung cấp cho người xem một lượng thông tin, một giá trị tư tưởng một sự nhận định về một sự kiện, một vấn đề đang xảy ra, cần được thông báo”. Tiềm năng của Ảnh báo chí nằm ở khả năng dung chứa hàng ngàn, thậm chí hàng vạn câu chữ trong một khoảnh khắc. Tiềm năng ấy có được khai thác hay không, tùy thuộc vào bản lĩnh, sự dấn thân và khả năng nắm bắt khoảnh khắc của người cầm máy.
 

Bản lĩnh, dấn thân, trung thực và sáng tạo
Những thay đổi trong diện mạo của nhiếp ảnh báo chí Việt Nam là kết quả cống hiến không ngừng nghỉ của thế hệ những người cầm máy ảnh, những phóng viên báo chí có phẩm chất, năng lực. Để tạo dựng được vị thế riêng biệt của Ảnh báo chí trong quá khứ, hiện tại và tương lai, những người theo đuổi Ảnh báo chí phải thực sự có bản lĩnh, dám dấn thân vào những hoàn cảnh nhất định để học tập, rèn luyện và tác nghiệp. Đặc biệt, với yêu cầu là tính chân thực trong từng bức ảnh, người cầm máy cần phải trung thực với sự thật đời sống, với công việc “ghi chép hiện thực” của bản thân. Bên cạnh đó, sự sáng tạo cũng là một tố chất quan trọng không thể thiếu để “bắt” được những khoảnh khắc đắt giá giữa hiện thực cuộc sống.
Nhận thức rõ xu thế phát triển của báo chí, năm 1992, cùng với các chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành Ảnh báo chí dành cho các thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong nước và quốc tế. Kể từ cột mốc quan trọng đó cho tới nay, Ảnh báo chí nói chung và chuyên ngành Ảnh báo chí nói riêng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ghi lại nhiều dấu ấn riêng biệt và thành công đưa báo chí vượt thoát khỏi những con chữ đơn thuần.
Các thế hệ sinh viên của chuyên ngành Ảnh báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ được đào tạo các kỹ năng báo chí - truyền thông và nghiệp vụ chụp ảnh thông qua những môn học bổ ích mà đặc biệt, còn có cơ hội trau dồi và rèn luyện to lớn từ những câu lạc bộ, những sự kiện báo chí chuyên nghiệp. Trong đó, câu lạc bộ Ảnh báo chí với những hoạt động thú vị được xem một môi trường lý tưởng dành cho những bạn thực sự đam mê ảnh báo chí, năng động, bản lĩnh và sáng tạo.

 The Prism - show sinh nhật 2 tuổi của CLB Ảnh báo chí. (Ảnh: Fanpage APC - AJC Photography Club)


Ảnh báo chí hiện đại đã và đang vươn tới những đỉnh cao, khai phá những tiềm năng khác của báo chí. Vượt qua những rào cản vật lý và định kiến, Ảnh báo chí đã và đang đưa con người đến gần hơn với hiện thực, con người đến gần hơn với con người. Tiếp nối bước chân của những người đi trước, lịch sử của Ảnh báo chí sẽ được viết tiếp như thế nào tùy thuộc vào chính bạn, những người trẻ có giấc mơ, tình yêu, sự sáng tạo và đầy tiềm năng. 

 
 
 

Trần Hậu - TTĐPT K42

Phản hồi