Chuyên đề

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Hoài niệm về một Trường Sơn oai hùng

Đỗ Nhung - Trần Phương - Minh Châu - Kim Dung 05/07/2025 17:49

Gần 60 năm gắn bó với quân đội, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn nhớ mãi con đường Trường Sơn huyền thoại. Từ cậu bé từng được Bác Hồ chỉ dạy, ông đã vượt qua bao gian khó để trở thành vị tướng “kiên gan”, bảo vệ tuyến ống xăng dầu chiến lược.

Ngồi lặng giữa căn phòng chất chứa những bức ảnh kỷ niệm hồi còn nhỏ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu trầm ngâm nhớ lại khoảng ký ức xa xôi mà ông gọi là “những ngày thơ bé được sống trong lịch sử”. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn luôn khắc ghi sâu đậm những lần được gần gũi với Bác Hồ. Không chỉ là ký ức tuổi thơ, đó còn là những bài học đầu tiên chứa đựng giá trị cốt lõi của sự giản dị, tình người và lòng yêu quê hương, tổ quốc, lý tưởng lớn đã theo ông suốt cả cuộc đời binh nghiệp.

Hồi ức đau thương về một Trường Sơn không tưởng

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu chia sẻ: “Tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn ra đời giữa lúc nhu cầu nhiên liệu cho chiến trường miền Nam tăng cao, việc vận chuyển bằng cơ giới gặp nhiều trở ngại do địa hình hiểm trở, còn địch thì đánh phá liên tục. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định xây dựng tuyến đường ống xăng dầu xuyên dãy Trường Sơn để kịp thời tiếp tế cho tiền tuyến”.

unnamed (47)
Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng giai đoạn 1968-1975. (Nguồn: Tư liệu hình ảnh)

Theo dòng hồi tưởng, vị thiếu tướng đã ở tuổi bát thập tiếp tục đưa chúng tôi về những năm tháng gắn liền với quá trình xây dựng đường ống dẫn xăng dầu Trường Sơn “huyền thoại”.

Ông kể, tuyến vượt Trường Sơn ở cửa khẩu đường 18 là nơi xương máu nhất, nơi quân ta đọ sức quyết liệt với không lực Mỹ. “Quân đội Mỹ đã phát hiện đường ống, chúng đánh phá ác liệt, biến nơi nào đường ống có thể đi qua đều trở thành “cửa tử”. Suốt 3 tháng trời, đường ống không thể phát triển thêm được”.

Trước sự mất mát thương vong của những người đồng đội, chàng kỹ sư trẻ tuổi như bác Hậu không khỏi có lúc hoang mang. Thế nhưng, tình yêu nước và khí thế hừng hực của tuổi trẻ không cho phép họ được chùn bước.

Tại sao kẻ địch lại đánh dữ dội chỗ này? Bởi chúng tin rằng “lũ đầu gấu” ấy chỉ được đến đây thôi. Phía sau là đồi cao, dốc đứng, chắc chắn chúng không vượt qua nổi”, Thiếu tướng Hậu nói, giọng pha chút bông lơn đầy bản lĩnh.

Vậy là một quyết định táo bạo không tưởng đã được những người kỹ sư trẻ đưa ra lúc bấy giờ: “Ta sẽ đặt đường ống đi qua đỉnh cao nhất của khu vực. Địch chắc chắn sẽ không thể ngờ được”.

Và thực tế chứng minh, dự đoán đó không sai. Tính từ ngày 6 tháng 9 đến ngày 22 tháng 12 năm 1969, sau hơn ba tháng giằng co, xăng đã kịp vào Bản Cọ, phục vụ vận chuyển mùa khô. Đó không chỉ là chiến thắng trên chiến trường, mà còn là thắng lợi của ý chí, lòng gan dạ và sự đấu trí. Và hơn hết, thành công của ta đến từ sự sáng tạo và táo bạo, nếu không dám đưa đường ống vượt lên đỉnh cao nhất thì có lẽ ta đã phải chịu thua trước người Mỹ. Thế nhưng, đi cùng với chiến tích vẻ vang là sự đánh đổi bằng máu và nước mắt của những người lính.

Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên tiên chính tay chôn cất đồng đội. Cậu lính ấy chỉ mới 19 tuổi, bị mảnh bom văng trúng người. Ở Trường Sơn, người ta hay bắn súng báo hiệu, 3 phát để báo có người bị thương và 4 phát nếu có người hy sinh. Hôm đó, dù chỉ bắn 3 phát súng, nhưng cậu đã không qua khỏi” - Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nghẹn ngào nhớ lại.

Dù đã hơn 10 năm trôi qua, nỗi đau đáu về những ký ức ấy chẳng bao giờ thôi nguôi ngoai trong lòng người lính xưa. Khuôn mặt thiếu tướng Hậu chợt co lại, đôi mắt với vết chân chim in hằn đã rưng rưng lệ từ bao giờ, nỗi xúc động trào dâng khi dòng hoài niệm về người đồng đội cũ ùa về.

z6707281908192_d371cffc603ab545fd2547fba79eacbd.jpg
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nghẹn ngào nhớ về năm tháng sống giữa lằn ranh bom đạn,máu và nước mắt. (Ảnh: Nhóm PV)

Hàng lớp người lính trẻ đã ngã xuống trên chiến trường, Thiếu tướng Hậu quặn lòng khi nhắc lại những mất mát quá đỗi đau thương: “Chỉ tính riêng đoạn đường đó, bình quân mỗi cây số có hai người hy sinh. Họ là những người lính vác ống, là đội khảo sát, thi công, là những kỹ sư và công nhân vận hành, tất cả đều đã đổ máu để giữ cho dòng xăng không bao giờ tắt giữa rừng Trường Sơn khốc liệt. Nhưng giữa sự khắc nghiệt đó, điều khiến ta làm nên chiến thắng là lòng gan dạ và tinh thần không lùi bước. Đó chính là cuộc “thi gan và đấu trí” dữ dội giữa ta và địch”.

Không còn tiếng bom, vẫn là người giữ tuyến

Sau khi chiến tranh kết thúc, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu tiếp tục sự nghiệp trong quân đội và đảm nhận vai trò Cục trưởng Cục Kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng. Ông nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 3 năm 2007 nhưng với tâm huyết của một chiến sĩ cách mạng mang theo lý tưởng gìn giữ, bảo vệ những thành quả chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha ông, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn ngày ngày tiếp tục lan tỏa những năm tháng oanh liệt của dân tộc đến thế hệ trẻ trong thời bình.

Hành trình trao gửi truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước đến thế hệ trẻ đôi khi chỉ là những cuộc trò chuyện thân tình, gần gũi giữa ông và những đứa cháu thơ hay những đám trẻ, thanh niên tìm đến ông để lắng nghe bài học mang giá trị sâu sắc theo chiều dài lịch sử dân tộc.

z6626177936883_99dba634798e95c39a19f7f2dac34617.jpg
Gian phòng khách của gia đình ông đã trở thành “bảo tàng” lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp hành quân của người lính Trường Sơn năm xưa. (Ảnh: Nhóm PV)

Bên cạnh đó, thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu còn đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ông tích cực tham gia các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, đồng thời chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho các cựu chiến binh.

Ngẫm về một thời hoa lửa oanh liệt, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nghẹn ngào: “Giữa muôn trùng gian truân, khắc nghiệt của chiến tranh, dẫu đau thương và mất mát nhưng tôi vẫn cảm thấy biết ơn những câu chuyện, bài học khắc ghi sâu đậm ký ức về hành trình đi tìm hình hài của đất nước, để đến bây giờ, khi đất nước đã lặng tiếng súng, tôi được truyền lại tinh thần dân tộc bất diệt ấy cho hậu thế”.

Đau thương trong kháng chiến cùng ký ức hào hùng về hành trình xuyên đêm băng rừng, vượt núi hay những mất mát không thể diễn tả thành lời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, thôi thúc ông sẵn sàng truyền thừa lại cho đời sau những bài học vô giá. Thiếu tướng đã nhiều lần xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, trong những dịp đặc biệt của đất nước để kể về quá khứ hào hùng của Việt Nam bằng giọng nói trầm ấm nhưng đầy nhiệt huyết.

Hơn 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn miệt mài trên hành trình là “người giữ tuyến” của dân tộc. Những suy tư, thổn thức về một thời chiến đấu không ngừng nghỉ vì dân tộc đã in sâu trong nếp cảm, nếp nghĩ của người lính xưa khiến ông thổi hồn dân tộc và viết nên những trang sử sống động, thắp sáng niềm tự hào trong từng trái tim. Một trong những tác phẩm kinh điển ghi dấu hồi ức về lịch sử biên niên Việt Nam là tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” do Thiếu tướng viết vào tháng 8 năm 2012.

“Cuốn sách ra đời là kết quả của những nỗ lực của toàn quân và dân trong công cuộc vận chuyển xăng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Toàn bộ tác phẩm được viết nên bằng hiện thực, từ những trải nghiệm và chiến đấu thật sự của tôi và đồng đội với những hy sinh, mất mát để đánh đổi lấy tự do, hoà bình.

Tôi chỉ đơn thuần nghĩ, viết để trả nghĩa cho những người thể xác đã hoà cùng đất và các đồng đội may mắn được trở về quê hương. Hồi còn kháng chiến chống Mỹ, lực lượng bộ đội đường ống sẵn sàng lên đường tham gia hành quân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh thật sự không đếm nổi. Vì vậy, cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” như một bản trường ca thân tình nhắc nhở hậu thế không được phép lãng quên công lao to lớn của chiến sĩ”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu bộc bạch.

Đỗ Nhung - Trần Phương - Minh Châu - Kim Dung