Nhà báo Trần Mai Hưởng: “Người làm báo mang sứ mệnh phụng sự xã hội”
Là người chứng kiến những chuyển mình của báo chí Việt Nam từ thời chiến tranh đến khi hội nhập, nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có những chia sẻ sâu sắc về bản lĩnh và sứ mệnh của người làm báo, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
PV: Thưa nhà báo Trần Mai Hưởng, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề báo?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Ban đầu, báo chí không phải sự lựa chọn của tôi. Năm 1968, chiến tranh phá hoại lan rộng ở miền Bắc, bom đạn khắp nơi, việc tổ chức thi đại học là rất nguy hiểm. Chính vì vậy, ban tuyển sinh ở các tỉnh đã chia học sinh về trường đại học xét theo hồ sơ học bạ. Lúc đó, tôi nhận được giấy triệu tập đi học Đại học Thể dục Thể thao, nhưng đây không phải nguyện vọng mà tôi mong muốn.
Trong thời gian này, Thông tấn xã Việt Nam có mở một lớp đào tạo phóng viên với mục đích để ra chiến trường. Anh trai tôi (nhà báo Trần Mai Hạnh khi đó là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam), trước khi đi vào chiến trường Quảng Đà đã giới thiệu tôi với cán bộ tổ chức ở Thông tấn xã. Cùng một lúc cầm 2 tờ giấy trên tay, một bên là giấy triệu tập học lớp phóng viên, một bên là học thể dục thể thao, tôi đã chọn trở thành một phóng viên.
Thực ra, lúc này tôi vẫn chưa hiểu gì nhiều về báo chí và cũng không có sự chuẩn bị để đến với nghề báo, có chăng chỉ là niềm yêu thích văn chương từ thời còn đi học. Khi đất nước còn chiến tranh, sự lựa chọn về con đường học vấn cũng rất tương đối. Dù có là sinh viên của trường đại học nào, rồi cũng sẽ phải ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, tôi đã chọn trở thành phóng viên, vì tôi cảm thấy có nhiều sự sinh động và đúng với đam mê viết lách của mình. Nhờ cơ duyên này, sau quá trình học tập và trau dồi tại Thông tấn xã Việt Nam, tình yêu với nghề báo của tôi cũng lớn dần lên từ đó.
PV: Khi còn là một phóng viên trẻ, ông đã gặp phải những thách thức như thế nào trong quá trình làm nghề?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Sau 2 năm học tập tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi bắt đầu theo nghề phóng viên vào năm 1970, khi ấy tôi mới 18 tuổi. Những ngày đầu làm nghề, mọi thứ đều mới lạ với tôi ở tất cả các phương diện, từ tuổi đời, tuổi nghề cho đến những hiểu biết về xã hội.
Tôi được phân công làm phóng viên tại tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội), làm về đề tài nông nghiệp, trong khi bản thân sinh ra và lớn lên ở thành phố, gần như không hiểu gì về đời sống nông thôn. Việc viết về văn hóa, con người ở một vùng quê như vậy là điều hoàn toàn xa lạ với tôi. Có thể nói, tôi bắt đầu sự nghiệp làm báo từ con số 0.
Dù vậy, tôi luôn tự nhủ, những hiểu biết, kinh nghiệm làm nghề cần được tích lũy thông qua quá trình học hỏi và trải nghiệm, nên khi công tác tại tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội), tôi đã chăm chỉ làm việc, thực hiện nhiều thể loại báo chí khác nhau. Tôi từng đạp xe từ Hà Đông lên núi ở ngã 3 Hòa Bình - Vĩnh Phúc để viết về một người thợ nổ mìn tại đây. Suốt 3 ngày 3 đêm, tôi theo chân công nhân khoan núi, phá đá, bắn mìn, rồi lại đạp xe về Hà Đông chỉ để viết về một con người. Bài báo chỉ có 2 trang giấy, nhưng đằng sau đó là cả một sự lao động vất vả mới có được.
Trong 2 năm thực tập tại tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội), tôi vượt qua được những khó khăn, lạ lẫm ban đầu, thể hiện tinh thần xông pha của người làm báo, chứng minh năng lực làm nghề của bản thân. Nhờ vậy, cuối năm 1971, tôi đã được cơ quan cử đi làm phóng viên ở chiến trường mặt trận Quảng Trị.

PV: Từng là phóng viên chiến trường, những trải nghiệm làm báo thời chiến đã định hình con người và phong cách làm báo của ông như thế nào?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Có một câu nói thế này: “Chiến tranh là phép thử nghiêm khắc nhất đối với một dân tộc, một con người”. Phóng viên chiến trường không chỉ phải quan tâm đến chuyện sống chết, mà còn là câu chuyện làm nghề. Đó là từng bước chân bộ hành trên cát nóng, bom đạn vây quanh, một mình đi bộ đến địa bàn chiến sự để viết được bài, gửi được ảnh về. Khi đọc 1 bài báo, trông thì rất đơn giản, ngắn gọn, nhưng đằng sau đó là một hành trình đầy gian khổ, nguy nan, là sự đặt cược sống chết của bản thân mới có được.
Ngày 30/4/1975, dù không phải phóng viên ảnh chuyên trách, nhưng tôi đã chụp được bộ ảnh Sài Gòn ngày giải phóng và bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Để tác nghiệp được, tôi phải chấp nhận nhảy ra khỏi xe, giữa bom rơi, đạn lạc, đồng nghĩa với việc đặt cược tính mạng của chính mình. Đây chính là bản lĩnh của phóng viên chiến trường.
Trải qua những cuộc chiến ác liệt giữa mưa bom lửa đạn, nghề báo rèn luyện cho tôi phẩm chất kiên định, tinh thần không ngại khó để đạt được khát vọng nghề nghiệp, từ đó có những sản phẩm báo chí tốt. Giữa đúng và sai, người phóng viên đủ bản lĩnh sẽ biết cách hành động theo định hướng đúng đắn, không bị cám dỗ bởi nhiều yếu tố khác nhau.

PV: Sau nhiều thập kỷ gắn bó với nghề, ông đã chứng kiến sự chuyển mình của báo chí Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh đến hội nhập. Theo ông, những khác biệt lớn nhất mà ông cảm nhận được trong vai trò của báo chí nước nhà qua từng thời kỳ là gì?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Từ năm 1945, báo chí đã cùng đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến những năm hội nhập đổi mới,... Trong 100 năm qua, ở mỗi giai đoạn, người làm báo lại có những vai trò và nhiệm vụ khác nhau.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lực lượng báo chí Việt Nam ra trận hàng nghìn người và hy sinh rất nhiều. Riêng ở TTXVN, số lượng liệt sĩ lên đến 260 người, có khi bằng 1/5 quân số của cả ngành. Tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới có nhiều nhà báo liệt sĩ như nước ta. Có thể nói, thế hệ người làm báo thời kỳ này đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình với vai trò là một nhà báo chiến trường.
Hiện nay, báo chí đang ở một thời kỳ rất khác. Tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là khoa học công nghệ đều đang chuyển động rất nhanh, đòi hỏi báo chí phải bắt kịp yêu cầu của thời đại. Báo chí cập nhật nhanh chóng, kịp thời những thông tin biến động về tình hình trong nước và thế giới, giúp cho Đảng, Nhà nước đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng mang những chính sách này đến gần với nhân dân.
Ngoài ra, về mặt loại hình, ngày xưa chúng ta chỉ có báo in, phát thanh là chính, nhưng hiện nay, báo truyền hình, báo mạng điện tử và các trang mạng xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vậy nên, nhiệm vụ của người làm báo trong thời đại mới cũng thể hiện nhiều điểm khác biệt. Một thời kỳ mới với những phương tiện mới, hoàn cảnh mới, những thách thức và cơ hội mới, tôi nghĩ vai trò của người làm báo cũng phải có sự thay đổi, nhằm nâng cao được khả năng của mình, từ đó làm tốt hơn những nhiệm vụ ấy.
PV: Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một phương tiện mới trong hoạt động làm báo. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong kỷ nguyên số hóa như hiện nay, AI sẽ dần thay thế nhà báo, phóng viên trong việc viết bài và biên tập thông tin. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Theo tôi, AI là một công cụ tốt giúp cho những người làm báo có thể làm việc hiệu quả hơn. Chỉ với vài giây, AI đã có thể hỗ trợ nhà báo trong việc khai thác thông tin, với nội dung tham khảo đồ sộ được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, báo chí khi phản ánh vấn đề, điều quan trọng không chỉ là cái mới của tình hình thực tế, mà còn là cách mà bản thân người viết nhìn nhận về vấn đề đó. Các cơ quan báo chí cần đứng vững trên quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam để đánh giá về tình hình thực tiễn. Và điều này AI không thể thay thế được, bởi nó chỉ tổng hợp lại thông tin một cách máy móc và không có bản sắc, thậm chí tồn tại cả những sai lệch về lịch sử, văn hóa của quốc gia.
Từng con người, từng cơ quan báo chí đều có cho mình những bản sắc riêng biệt. Để có được đánh giá riêng phù hợp với xu thế chung, người làm báo cần học tập và tích lũy kinh nghiệm, đồng thời mài dũa phẩm chất làm nghề liêm chính, đặt lợi ích chung lên trên yếu tố cá nhân.

PV: Từ góc nhìn của một người đã chứng kiến nhiều thăng trầm của báo chí nước nhà, theo ông, giá trị cốt lõi của nghề báo đối với sự phát triển của đất nước là gì?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Tôi nghĩ rằng, báo chí vẫn luôn mang trong mình thiên chức phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân trong quá trình phát triển. Báo chí tồn tại vì đất nước, vì dân tộc, vì sự phát triển của quê hương xứ sở và hạnh phúc của nhân dân, là sứ mệnh bất biến qua từng thời kỳ.
Bên cạnh góp phần lan tỏa mạnh mẽ những yếu tố tác động tích cực đến cuộc sống của người dân và tiến bộ xã hội thì báo chí cũng cần nhìn nhận được những vấn đề còn tồn đọng, giúp Nhà nước và chính quyền có định hướng, quyết sách đúng đắn.
Ví dụ có thể là câu chuyện về các gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Dù là anh hùng dân tộc bước ra từ cuộc chiến, cống hiến cả tuổi xuân của mình cho hòa bình của Tổ quốc, nhưng cuộc sống của họ và gia đình chưa thực sự được đảm bảo về cả vật chất lẫn tinh thần.
Vậy, trách nhiệm của người làm báo là phải viết như thế nào để thay đổi và phát triển xã hội, nhưng không bao giờ được quên những người đã làm nên đất nước hòa bình như ngày hôm nay. Báo chí mang nhiệm vụ thay họ cất lên tiếng nói, góp phần giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV: Là một nhà báo kỳ cựu, ông có lời khuyên nào dành cho các nhà báo trẻ về việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị trong bối cảnh dòng chảy thông tin ngày càng phức tạp?
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Có thể nói, báo chí là nghề nghiệp cao quý, có tác động mạnh đến cộng đồng và đời sống xã hội. Lựa chọn nghề báo, các bạn trẻ nên hiểu đó là việc lựa chọn lý tưởng nghề nghiệp. Cao hơn việc tìm kiếm một công việc có nguồn thu nhập tốt, lý tưởng này mang sứ mệnh phụng sự xã hội. Khi đã đi theo sứ mệnh nghề nghiệp này, người làm báo phải hiểu mình nên hay không nên làm gì, và phấn đấu như thế nào.
Trên tất cả những nhu cầu cá nhân, nhà báo phải làm việc với sứ mệnh vì cộng đồng, vì xã hội. Đã có rất nhiều thế hệ nhà báo hy sinh vì sứ mệnh này, và nếu cảm thấy bản thân không có đủ trách nhiệm nghề nghiệp, các bạn trẻ có thể tìm những công việc khác để theo đuổi.
“Bạn có thể làm bất kì việc gì khác để nuôi thân, nhưng hãy viết chỉ khi nào không thể không viết”. Nghề viết mang một sứ mệnh cao quý, và khi cảm thấy không thể không viết, là khi người làm báo cảm thấy mình cần phải cất lên tiếng nói vì cộng đồng, vì xã hội.