Tiêu điểm

Tuổi còn trẻ nhưng thận đã “già”

Hải Ly (CJC) 05/07/2025 22:14

Ở tuổi mười tám, đôi mươi, bên cạnh chạy theo công việc, học tập, nhiều bạn trẻ bắt đầu chạy… thận.

Tôi từng nghĩ bệnh suy thận là chuyện của tuổi già, cho đến khi chứng kiến bạn của mình phải uống thuốc suốt đời và sống trong nỗi ám ảnh bệnh tật.

Bạn tôi là kiểu người “đa nhiệm” điển hình của thế hệ Gen Z: Vừa học tập, vừa làm thêm, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa,... Lịch hoạt động dày đặc khiến bạn ăn uống vô tổ chức, thức khuya liên miên. Ngay cả những lúc không bận, bạn vẫn thức đến 2-3 giờ sáng chỉ để lướt TikTok hoặc đọc những câu chuyện trên mạng mà bản thân bạn cũng chẳng thể nhớ nổi vào hôm sau.

Lối sống hỗn loạn nhưng ngỡ là bình thường ấy đã đẩy bạn tôi đến kết cục không ai ngờ. Gần đây, bạn bắt đầu thấy thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, phù nhẹ tay chân. Khi đi khám, bác sĩ kết luận: Bạn tôi bị suy thận giai đoạn 3b, chức năng thận chỉ còn khoảng 35%. Đây là giai đoạn không thể phục hồi mà chỉ có thể bảo tồn và chờ đến ngày chạy thận hoặc thay thận.

Vậy là một cô gái 20 tuổi, với biết bao khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ, giờ phải sống chung với thuốc, khám định kỳ mỗi tháng, xét nghiệm máu liên tục để theo dõi chỉ số creatinin, ure, kali… Mỗi ngày là một cuộc chiến để giữ lại phần thận còn hoạt động và ngăn nguy cơ lọc máu sớm. Những thứ gọi là “tự do” như: Ăn gì, uống gì,... giờ đây được đo bằng những con số trên phiếu xét nghiệm.

Đáng buồn rằng, trường hợp như bạn tôi không còn hiếm trong giới trẻ Việt Nam ở độ tuổi từ 18 đến 30. Nhân Ngày Thận học thế giới (14/3), các bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cảnh báo, nếu trước đây, suy thận chủ yếu gặp ở người trên 60 tuổi, thì nay, tỷ lệ người trẻ từ 18 đến 30 tuổi mắc bệnh đang tăng nhanh, chiếm khoảng 20–30% tổng số ca bệnh.

Theo thống kê của Khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh), trong 3 tháng đầu năm 2024, khoa đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu, chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 15%. Điểm chung là những người bệnh này vào đến khoa hầu như đều ở giai đoạn cuối. Còn tại Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh), khoảng 1/3 lượng bệnh nhân tại phòng khám nội thận của bệnh viện là người dưới 40 tuổi.

than.png
Suy thận giai đoạn cuối gia tăng ở người trẻ. Ảnh: TTXVN

Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ trẻ lấy bận rộn để hợp lý hóa cho việc thức khuya, ăn uống tùy tiện, sống trong áp lực học tập, làm việc liên tục và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Nhiều bạn tin vào tuổi trẻ như một tấm bùa miễn tử, chủ quan với sức khỏe của mình. Họ có thể chi hàng triệu mỗi tháng cho trà sữa, quần áo nhưng tiếc vài trăm nghìn cho một lần xét nghiệm máu; có thể kể vanh vách tiểu sử thần tượng, nhưng lại không biết chỉ số creatinine hay mức lọc cầu thận eGFR có ý nghĩa sống còn thế nào với chính cơ thể mình. Cùng lúc đó, họ lại lạm dụng thực phẩm chức năng, uống trà “thải độc” như thể “thần dược” và ngộ nhận rằng đó là chăm sóc sức khỏe.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp bệnh suy thận mạn vào top 10 nguyên nhân gây tử vong toàn cầu (năm 2020). Tại Việt Nam, theo Hội Thận học Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2023), hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh thận, nhưng 90% không hề biết mình có bệnh vì chức năng thận suy giảm rất âm thầm. Khi cơ thể bắt đầu “báo lỗi” thì mọi chuyện đã quá muộn.

Bạn tôi cũng từng chủ quan như vậy. Nhiều tháng liền, cậu gắng gượng qua những cơn mệt mỏi, phù nhẹ, mất ngủ và cho rằng chỉ vì học hành, làm thêm quá sức. Đến khi cơ thể bắt đầu phù nề rõ rệt, sút cân nhanh, đi khám mới phát hiện đã suy thận giai đoạn 3. Từ đó, những lần xét nghiệm, truyền thuốc, mua thuốc trở thành lịch trình bất đắc dĩ và là gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Thực tế, không ít bạn trẻ chỉ phát hiện bệnh khi thận đã suy yếu đến mức không thể kiểm soát bằng thuốc, buộc phải chạy thận định kỳ. Chi phí điều trị dao động từ 12 đến 36 triệu đồng mỗi tháng, trong khi một ca ghép thận có thể tiêu tốn 300 đến 500 triệu đồng. Với những người ở độ tuổi đôi mươi, đó không chỉ là cú sốc sức khỏe mà còn là rào cản cho giấc mơ tự lập. Việc học hành dang dở, kế hoạch đi làm phải gác lại, tương lai từng rộng mở giờ co lại trong vài mét vuông giường bệnh cùng gánh lo cơm áo của bố mẹ.

Tôi từng nghe câu nói đùa: “Tuổi trẻ hãy sống như thể không có ngày mai”. Nhưng nếu bạn sống kiểu đó theo đúng nghĩa đen, thì... ngày mai thật sự có thể không đến. Sống nhanh, sống gấp không đồng nghĩa với sống mù quáng.

Sau khi mắc suy thận, bạn tôi cay đắng rằng: “Tưởng bệnh nặng là chuyện của sau này. Ai ngờ sau này đến sớm vậy”. Câu nói ấy không phải để than vãn, mà là sự tỉnh ngộ muộn màng. Giờ đây, cậu đang cố gắng thay đổi: Ăn nhạt, uống đủ nước, ngủ sớm, từ bỏ thói quen dùng thuốc bổ linh tinh theo lời quảng cáo, thứ mà trước đây cậu từng xem là “đầu tư cho sức khỏe”.

Sức khỏe không phải thứ có sẵn, càng không thể phục hồi chỉ bằng một cốc sinh tố hay vài viên vitamin. Nó được bồi đắp qua những lựa chọn đều đặn mỗi ngày như: Ăn uống hợp lý, vận động điều độ, nghỉ ngơi đúng giờ và chủ động theo dõi tình trạng cơ thể.

Cụ thể, theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Hoa Kỳ (NIDDK), việc bảo vệ thận nên bắt đầu từ một chế độ ăn uống khoa học, bao gồm giảm lượng muối tiêu thụ xuống dưới 2.300 miligam mỗi ngày; tăng cường rau xanh, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm từ sữa ít béo. Cùng với đó, Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ (NKF) khuyến nghị uống đủ từ 6-8 cốc nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình lọc máu và đào thải độc tố, trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ.

Ngoài ra, Hội Thận học quốc tế (KDIGO) nhấn mạnh, việc xét nghiệm định kỳ các chỉ số như: Creatinine, eGFR và protein niệu là chìa khóa phát hiện sớm tổn thương thận và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.

Tuổi trẻ luôn nghĩ mình còn nhiều thời gian. Nhưng bệnh tật không chờ đến lúc ta về già mới gõ cửa. Lối sống hôm nay là tấm phiếu báo trước cho sức khỏe ngày mai. Và đôi khi, cái giá phải trả cho một vài năm sống buông thả là cả phần đời còn lại lệ thuộc vào bệnh viện.

Hải Ly (CJC)