Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sa Pa còn nhiều gian khó, trong một gia đình đông anh em lúc nào cũng thiếu ăn thiếu mặc, ngay từ nhỏ Thào A Dê đã phải bươn chải một mình lên rừng làm rẫy, làm nương. Gia cảnh khó khăn như vậy, ước mơ được đến trường đi học như bao bạn đồng trang lứa khác đối với cậu bé Thào A Dê lúc đó thật quá xa vời. “Khi ấy, Tả Giàng Phình nghèo lắm, vì nhà có đến 13 anh em nên bố mẹ không có điều kiện cho mình học chữ, bảo ở nhà đi rừng, làm nương để có cái ăn”, Thào A Dê nhớ lại.
Thế nhưng sau khi có cơ hội được tiếp xúc với đoàn phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, khi đoàn đến xã Tả Giàng Phình (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, TX. SaPa), nơi ở của Thào A Dê để lấy bối cảnh quay bộ phim “Thung lũng hoang vắng”, được khích lệ, khao khát đi học trong cậu bắt đầu bùng cháy. Và từ đó, Thào A Dê bắt đầu hành trình “vượt lên số phận”, thuyết phục bố mẹ được đến trường, anh ra sức cố gắng học tập và cuối cùng trở thành người đầu tiên ở xã Tả Giàng Phình thi đỗ đại học.
Tâm sự về khoảng thời gian trên giảng đường Đại học của mình, anh chia sẻ: “Hành trình đó không ít gian nan, có lúc tưởng như tuyệt vọng nhưng nghĩ phải trải qua bao khó khăn mới được đến trường, nên mình lại tự động viên bản thân cố gắng học tập để không phụ kỳ vọng của ba mẹ. Vậy là mình vay mượn thầy cô, bạn bè và vừa học vừa đi làm thuê để kiếm tiền sinh sống”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thào A Dê không ở lại thành phố để tiếp tục làm việc mà quyết định trở về quê hương để có cơ hội giúp bà con nơi đây “đổi đời”, có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.
Anh tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, hưởng ứng các phong trào của Đoàn thanh niên hướng tới những bản làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau đó, anh được bầu và giữ chức Bí thư Đoàn - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên P.Ô Quý Hồ, trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân TX.SaPa. Từ đó, anh có nhiều cơ hội hơn để cống hiến cho mảnh đất quê hương mình.
Từ ngày làm Bí thư Đoàn P.Ô Quý Hồ, Thào A Dê đã đã xây dựng nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa giúp bà con nơi đây có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Chứng kiến nhiều người dân, trẻ em cơm không đủ no, áo không đủ ấm, anh đã nhờ các bạn bè, thầy cô và đồng hương đang học tập, sinh sống ở Hà Nội đi xin quần áo cũ gửi về Sa Pa và xây dựng tủ quần áo miễn phí trên địa bàn phường Ô Quý Hồ.
“Mùa đông vùng cao rất lạnh. Mình đã đến nhiều nơi vùng sâu vùng xa, chứng kiến trẻ em dáng người co ro trong giá rét, đôi chân trần rộp đỏ, không có đồ ăn thức uống, áo quần để mặc. Trong khi đó có nhiều đồ mình sẽ không còn dùng đến nữa cứ để mãi thành thừa như quần áo, đồ dùng sinh hoạt còn nguyên vẹn... Vậy chi bằng hãy nhường lại cho người khác sử dụng. Đôi khi chỉ cần một chiếc áo bông cũ cũng đủ khiến họ cảm thấy ấm lòng”, anh Thào A Dê tâm sự.
Anh bỏ tiền thuê thợ làm một tủ gỗ cao, phân chia thành từng ngăn đựng quần áo với đầy đủ sắc màu, kích cỡ dành cho mọi lứa tuổi. Từng bộ quần áo đều được chính tay anh giặt là phẳng phiu, xếp gọn gàng, ngăn nắp. “Có nhiều khi mình phải thức đến tận khuya để bóc từng gói quần áo mọi người gửi về ủng hộ, phân loại riêng ra bộ nào cho trẻ em, bộ nào cho người lớn, bộ nào mùa hè, bộ nào mùa đông để mọi người dễ dàng lựa chọn”, anh chia sẻ.
Từ ngày có tủ quần áo miễn phí, nhất là vào mùa đông, bà con đến nhận rất đông, có khi tới 30 - 50 lượt người đến lấy mỗi ngày. Bà Vàng Thị Tằng, ở xã Ngũ Chỉ Sơn, vui mừng cho biết: “Cũng may có tủ quần áo này mà mùa đông không còn lạnh nữa, các cháu tôi cũng thêm ấm áp khi đến trường. Giá mà tủ quần áo miễn phí này có sớm hơn.”
Đặc biệt, thông qua kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã chủ động liên lạc với anh Thào A Dê để quyên góp quần áo và đồ dùng sinh hoạt, hy vọng có thể san sẻ phần nào khó khăn với bà con. Mới đây, anh Thái Công Hà nhóm thiện nguyện "Hà Công Thái và những người bạn" Hà Nội đã gửi tặng 10 thùng quần áo và sách vở đến "Tủ quần áo miễn phí Ô Quý Hồ" để đưa đến đến tay những người cần trực tiếp đến chọn và nhận và sử dụng.
Xúc động và biết ơn trước tấm lòng của các nhà hảo tâm, anh Thào A Dê bày tỏ: “Mình xin thay mặt Nhân Dân xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các anh chị bạn bè đã tin tưởng và ủng hộ. Và cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của mọi người, ai có quần áo đã qua sử dụng còn dùng được vui lòng giặt sạch và gửi cho chúng mình để gửi tủ quần áo tặng người dân”.
Không chỉ xây dựng tủ quần áo miễn phí, anh còn lắp đặt tặng 7 tủ thuốc và thuốc cho học sinh 7 điểm trường Mầm Non thuộc trường Mầm Non Tả Giàng Phình, xã Ngũ Chỉ Sơn,TX.Sa Pa, phối hợp huy động và hoàn thành 5km đường điện thắp sáng nông thôn; tặng 67 suất quà cho học sinh điểm trường tiểu học thôn Sín Chải, gồm quần áo ấm, ủng, một số vật dụng cần thiết khác.
Ngoài ra, anh còn tham gia tham mưu, tổ chức các chương trình,các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ lớn trên địa bàn phường và địa bàn Thị xã Sapa: Tháng Thanh niên, Lễ hội mùa đông, Thanh niên tình nguyện hè, ngày Thương binh liệt sỹ, ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, hoàn thiện 04 công trình thanh niên trên địa bàn phường và xã bạn trị giá trên 500 triệu đồng, thực hiện 02 phần việc Thanh niên... và cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
“Dù sau này có làm công việc gì thì mình vẫn sẽ cố gắng duy trì việc kêu gọi ủng hộ những mảnh đời còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là các em nhỏ vùng cao. Việc làm tuy không lớn, nhưng mình thấy rất cần thiết” lời chia sẻ làm người đọc cảm động bởi anh thanh niên khát khao được giúp đỡ mọi người.
Mang theo khao khát xây dựng quê hương, làng bản, mong muốn người dân nơi đây có công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo và từng bước cải thiện cuộc sống, Thào A Dê đã tiên phong trong việc làm kinh tế và giúp đỡ thanh niên lập nghiệp. Vì vậy, anh đã bắt tay vào xây dựng mô hình De Chu Homestay phục vụ du lịch cộng đồng.
Toạ lạc tại vị trí ngay tỉnh lộ 155 (nối liền SaPa với Bát Xát của tỉnh Lào Cai), De Chu Homestay hướng tới phục vụ du khách tham quan tour săn mây Sa Pa – Y Tý. Anh cho biết thêm: “Ngoài ra vào buổi tối, du khách tới nơi đây còn được tham gia giao lưu văn nghệ do chính người H’Mông nơi đây biểu diễn, giới thiệu ẩm thực Tây Bắc và lửa trại… Mình hy vọng homestay sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu đến du khách những điều đặc sắc nhất trong văn hoá của người H’Mông nơi đây”.
Thành lập De Chu Homestay, Thào A Dê không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong vùng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của các hộ gia đình nơi đây. Năm 2020, mô hình này đã khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh Lào Cai.
Sau đó, anh phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh để tăng thu nhập và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm có lãi khoảng 200 triệu đồng. Anh cũng cùng các thanh niên ở quê mình xây dựng chuỗi liên kết nuôi cá hồi, cá tầm để cung cấp cho thị trường.
Khi giúp đỡ bất kì ai, anh đều luôn tâm niệm rằng: “Hãy cho người ta cần câu chứ đừng cho người ta con cá. Để cho người ta biết họ yếu ở đâu, vực dậy ra sao và cần phát triển như thế nào”. Học theo mô hình của anh, rất nhiều hộ gia đình đã tự chủ được về kinh tế, không những thế còn thu được lãi mỗi năm, xây được nhà và có xe máy riêng.
Chia sẻ về những công việc tình nguyện của mình, anh nói: “Mình chỉ mong muốn sống và cho đi, và hy vọng có thể giúp đỡ phần nào cho người dân, không nhất thiết là mình được điều gì hay mất cái gì cả. Mình chỉ mong muốn người dân có thể hưởng được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.
Năm 2021, anh Thào A Dê đã vinh dự được Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” cùng hàng loạt bằng khen và huy chương cho những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ, giúp cho quê hương thay da đổi thịt từng ngày.