Hà Nội - vùng đất không chỉ nổi tiếng với cái tên "Thủ đô nghìn năm văn hiến", nơi đây còn chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc trưng mà nếu có dịp ghé qua, bạn nhất định không nên bỏ lỡ. Một trong số đó, ẩm thực phố phường Hà Nội - nét văn hóa độc đáo đã tốn không biết bao ngòi bút báo chí trong và ngoài nước cũng không phải ngoại lệ. Mùa nào thức nấy, bốn mùa được điểm xuyết bởi những món ăn mang đậm hơi thở của cảnh vật và thời tiết trong mùa. Mùa hè này, bạn đã biết nên ăn gì khi đến Thủ đô chưa?
Nhắc đến Hà Nội, món ăn gì sẽ bật ra ngay trong đầu bạn? Hẳn câu trả lời phải là Phở!
“Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội. Không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì ở Hà Nội mới ngon”. Người Hà Nội có thể ăn phở cả ngày, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và mùa nào cũng có thể ăn từ mùa xuân, mùa hạ, đến mùa thu, mùa đông. Thật vậy phở đối với người Hà Thành không còn là một món ăn nữa, mà như một căn bệnh nghiện giống như người ta nghiện thuốc lá, thuốc lào.
Buổi sáng mùa hạ, trời trong xanh, khi nắng chưa kịp chảy dài trên các con phố, rảo bước quanh các hàng quán, ghé vào ăn phở gà là hay nhất. Từ xa tiến lại một cửa hàng bán phở gà, nhìn qua cửa kính, ta thấy đôi tay thoăn thoắt của người nấu phở đang xắt từng miếng thịt, thịt gà mềm mà không bị nát, sợi thịt trắng phau, lớp da vàng ruộm.
Sau khi lấy bánh phở ra, người ta rưới lên đó một thứ, gọi là “quốc hồn quốc túy” của món phở, thứ nước dùng trong mà ngọt - cái ngọt của xương gà. Gà dùng để nấu phở phải là loại gà mái tơ “chân đất” thịt thơm, da vàng mượt. Bánh phở phải chọn loại mềm nhưng không nát, không dai, thịt gà thái từng miếng nhỏ bên dưới lớp da vàng óng là miếng thịt săn chắc mà dai dai, kết hợp với chanh ớt và hành tây đủ cả. Một bát phở như thế còn cao lương mỹ vị nào sánh bằng. Ăn hết bát thứ nhất, lại muốn ăn thêm bát thứ hai.
Cũng giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại rồi người ta vẫn còn ngẫm nghĩ mãi. Ăn phở cũng vậy, ăn xong đâu đã là xong, người ta ăn phở xong vẫn còn ngửi cả thấy vị thanh thanh của gà đọng lại trên đầu lưỡi để mà suy ngẫm, đắn đo, trầm mặc. Phở như vậy mới chính là phở.
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại chè khác nhau, có thể kể đến đỗ đen, đỗ xanh, chè bưởi, chè thái,... hay thậm chí còn có kiểu “chè sáng tạo” đang nổi lên dạo gần đây. Nhưng dân dã hơn cả, gần gũi hơn cả ta phải nói đến món chè đỗ đen - loại chè truyền thống, mang hương vị thanh thanh, thổi vào đó cái hồn đậm nét của người Việt. Mỗi khi thưởng thức một cốc chè đỗ đen mát lạnh, ta lại như được trở về với đồng quê Việt Nam trong từng mùi hương thoang thoảng của vị đỗ chín mềm.
Đi trên các con phố của Hà Nội, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong bán thứ chè truyền thống, tuy dường như càng ngày càng trở nên “khan hiếm” trong những cửa hàng chè lớn ở Hà Nội, nhưng đâu đó chính điều đó lại khiến cho những ai yêu thích món chè hoài niệm này có chút bâng khuâng, hoài niệm mỗi lần thưởng thức.
Trà đá phố cổ - Một góc Hà Nội xưa
Bên cạnh các món ăn quen thuộc như bún, phở, bánh mì thì có một loại thức uống mà cứ nhắc đến thủ đô Hà Nội là người ta sẽ nghĩ ngay đến - đó là trà đá vỉa hè. Điển hình là các món quen thuộc như trà đá, trà chanh, sấu đá, nước mơ,...
Trà chanh có vị thơm và ngọt, tươi mát xua tan đi cái nóng mùa hè. Nhắc đến các loại đồ uống hoa quả muối thì mỗi món có một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Chanh muối có vị chua chua của chanh, chút vị mặn mặn từ muối trong lúc ngâm giúp giải khát, đánh bay cái nóng ngay tức thì. Còn nước sấu có vị thơm và ngọt từ nước của quả sấu chiết ra kết hợp cùng một chút chua nhẹ của miếng sấu giòn tan thích hợp nhâm nhi trong ngày hè oi bức.
Hương vị của bún chả đã trở thành nét văn hóa độc đáo mỗi khi nhắc đến Hà Thành. Bún chả đến với đất Hà Thành không cao sang, nó đến với con người một cách bình dị. Người ta đã quen thuộc với hương vị đậm đà của thịt nướng cùng với sự tươi mát của rau sống và bún, khiến cho người ta chỉ cần nếm thử một lần và chẳng thể nào quên.
Bún chả có thể ăn được vào bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng người Hà Nội thường ăn bún chả vào bữa trưa. Thời điểm này được coi là một trong những nét độc đáo trong “nghệ thuật ẩm thực” của đất kinh kỳ đã hình thành từ xa xưa.
Nước chấm, chả nướng và bún là ba thành phần tạo nên bún chả. Được xem là linh hồn của một suất bún chả, bún chả có ngon hay không phụ thuộc rất lớn vào hương vị của nước chấm. Nước chấm bún chả thường sẽ được pha đầy đủ các vị: chua, cay, mặn, ngọt đi kèm là nộm rau củ gồm đu đủ xanh, cà rốt. Tinh túy không kém, chả nướng ăn cùng sẽ có hai loại là chả miếng và chả viên. Được làm từ những phần thịt khác nhau, từng miếng chả dường như hòa quyện, kết tinh nên nét đặc trưng riêng của từng loại. Nhìn chung, cả hai loại thịt đều được tẩm ướp và nướng trên bếp than rực hồng. Gắp một đũa bún rồi nhúng vào bát nước chấm đầy ắp thịt nướng, thêm cả rau sống rồi thưởng thức hương vị hài hòa lan tỏa đầy thú vị.
“ Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không”
Hà Nội ba sáu phố phường - Thạch Lam
Qua bao năm thăng trầm của thời gian, với những nét biến tấu riêng của thời đại, bún chả vẫn giữ được hương vị vốn có nó, để rồi người ta ra đi và nhớ về hương vị ấy.
Dưới cái nóng như đổ lửa giữa mùa hạ tháng 6, Kem Tràng Tiên luôn là lựa chọn hàng đầu được người dân Thủ đô lựa chọn để xua tan cái nóng.
Trải qua nhiều giai đoạn, có thể thấy rằng Kem Tràng Tiền là một thức quà "danh xứng với thực", một trong những món ăn tôn nên nét độc đáo trong làng ẩm thực của những người dân Hà Thành. Gắn bó với Hà Nội từ thời bao cấp, Kem Tràng Tiền mang trong mình những đặc trưng riêng biệt mà có thể nói rằng khó có loại kem nào qua mắt được. Với sự kết hợp của những hương vị mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta bao đời nay như: Cốm tươi, đậu xanh, sữa dừa, cacao nguyên chất, socola,…cùng sự tươi mới của vị trái cây và kem tươi nguyên chất, tất cả hòa quyện và tạo nên những chiếc kem óng ánh, đặc sắc, ngọt ngào tan chảy trong miệng ngay khi vừa nếm thử.
Kem Tràng tiền đã tạo nên những hương vị kem tuyệt vời, tươi ngon, thơm bùi, béo ngậy. Đóng dấu điểm tên là một trong những món ăn nên thưởng thức khi tới Hà Nội.
Hi vọng thông qua bài viết trên, bạn đã “ bỏ túi” được thêm nhiều kiến thức thú vị về ẩm thực Hà Thành cũng như cách thưởng thức và các dấu mốc lịch sử gắn với từng món ăn quen thuộc nơi đây. Mong rằng những món ăn này sẽ còn tồn tại mãi với dòng chảy thời gian, tạo nên nét văn hóa độc đáo khó phai của Thủ đô ngàn năm văn hiến!
Phản hồi