Với sự phát triển của các thiết bị điện tử và internet hiện nay, game online đã trở nên vô cùng phổ biến và dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, việc lạm dụng game do chưa được kiểm soát đúng cách đã gây nên một số hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, phần đông mọi người không có ấn tượng tốt với việc chơi game và lựa chọn bỏ qua những lợi ích mà nó mang lại.
“Bao lớn rồi mà còn cắm đầu vào game”, “Có thời gian chơi game sao không đi học”, “Chơi game nhiều hại mắt hư người chứ được cái gì”… Đây chỉ là số ít trong rất nhiều định kiến mà nhiều phụ huynh và thậm chí là các bạn trẻ nghĩ về việc chơi game. Từ đâu mà mọi người lại có những định kiến ấy?
Một nguyên nhân chính là, game online có tính gây nghiện. Vì sao game gây nghiện? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách thiết kế game của các nhà sản xuất có chứa các tiềm năng gây nghiện. Các yếu tố này gồm: đạt được điểm số cao (high scores), đạt được kết quả sau khi chơi (beating the game), sắm vai nhân vật trong game (role playing), kích thích khám phá (discovery) và tạo lập các mối quan hệ trong game (relationships). Những yếu tố này khiến người chơi ít nhiều đắm chìm vào trong thế giới mà game tạo ra, và nếu không tự kiểm soát được, những người này sẽ dần trở nên nghiện game và tạo tâm lý bỏ bê cuộc sống thực, hoặc làm bất cứ việc gì để có thể chơi game.
Mặt khác, bởi vì những vụ án kinh hoàng như thế này, khiến nhiều người không khỏi kinh hãi vì tác hại của chơi game. Tác động của game online ảnh hưởng không nhỏ đến người chơi về cả mặt thể xác lẫn tinh thần, và hầu như mọi người chỉ để ý đến hậu quả mà nó gây ra. Quá lạm dụng game, chơi thâu đêm suốt sáng, không phân biệt được thế giới ảo trên game và hiện thực… khiến cho nhiều người mụ mị đầu óc, gây nên những hành vi không thể tượng tưởng nổi.
Tuy nhiên, những trường hợp kể trên là do không thể cân bằng và kiểm soát việc chơi game với ngoài đời. Nếu chúng ta chơi game đúng cách, không sa đà và có chừng mực, thì chúng ta có thể thu được rất nhiều lợi ích từ nó. Nghiên cứu về tác động của trò chơi điện tử từ Đại học Utah, Hoa Kỳ năm 2012 chỉ ra rằng game có thể điều trị một số căn bệnh mãn tính như bệnh tự kỷ ở trẻ em hay bệnh Parkinson. Những nhà tâm lý học của Đại học Washington kết luận rằng chơi game còn giúp giảm những cơn đau cả về thể xác và tinh thần. Game có thể giúp chúng ta có phản xạ nhanh hơn, cải thiện tư duy chiến lược, biết cách phối hợp và làm việc nhóm, quyết đoán hơn… Vậy liệu rằng chơi game có phải là hành động “vô bổ”, “chưa trưởng thành”, “thiếu chín chắn” như mọi người vẫn nghĩ không?
Hiện thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang cố gắng nỗ lực chống lại đại dịch Covid – 19. Người dân Việt Nam tuân theo chỉ thị về giãn cách xã hội, hạn chế ra khỏi nhà của Thủ tướng chính phủ. Do đó, những hoạt động giết thời gian như chơi game trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Có rất nhiều thể loại game với nhiều tựa game nổi tiếng trên thị trường hiện nay, trong đó phải kể đến PUBG (loại FPS: game bắn súng góc nhìn thứ nhất), Liên quân, Dota2 (loại MOBA: game chiến thuật đối kháng chơi online), FIFA (Sports: game có nội dung về các môn thể thao), Temple Run, Candy Crush Saga (Casual)…
Sự phát triển của game online đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng các hoạt động liên quan tới game, được tổ chức thường xuyên và với quy mô lớn toàn quốc như các hoạt động livestream chơi game, tổ chức các giải thi đấu, bình luận chuyên nghiệp (eSport)…
Cùng với sự phát triển đó, stream game đang trở thành một nghề nghiệp phổ biến tại Việt Nam, thu hút một lượng lớn các fan hâm mộ và trở nên phổ biến trên các mạng xã hội. Có thể kể đến một số streamer nổi tiếng của Việt Nam hiện nay như ViruSs, Misthy, Linh Ngọc Đàm, Cris Devil Gamer, Độ Mixi,…
Qua việc thực hiện khảo sát, nhóm nhận thấy rằng phần lớn giới trẻ ở độ tuổi 18-23 thuộc mọi giới tính đều có thói quen chơi game. Đây là độ tuổi các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, có nhiều thời gian để làm những việc mình thích hơn là những người trưởng thành, bởi vậy các bạn dễ dàng tìm đến game. Vào thời điểm dịch covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên đều được nghỉ học nên càng có nhiều thời gian rảnh rỗi, từ đó thời gian chơi game cũng nhiều hơn. “Bình thường mình sẽ giới hạn thời gian chơi game là từ 9h tối đến 11h đêm, nhưng do bệnh dịch không phải đi học hay đi làm, mình thường xuyên chơi đến 1h sáng. Những hôm bạn bè mình muốn đi ngủ sớm thì mình hay ghép cặp ngẫu nhiên trong game để tìm người chơi cùng, cảm giác trò chuyện với những người lạ, chưa từng quen biết hay gặp mặt cũng rất vui” – Một bạn sinh viên chia sẻ.
Phần lớn giới trẻ chơi game vào buổi tối, cùng với bạn bè hoặc chơi một mình. Đây thường là khoảng thời gian để nhiều người nghỉ ngơi, làm việc mình thích sau một ngày học tập, làm việc mệt mỏi nên việc lựa chọn chơi game vào lúc này là điều dễ hiểu. Các bạn trẻ cũng cho biết rằng hầu hết đều chơi game trên điện thoại và máy tính, một số khác lựa chọn máy chơi game để thưởng thức game.
Nghỉ ở nhà lâu dài, thời gian rảnh rỗi để chơi game nhiều hơn, nhưng điều đáng mừng là gần như không có hiện tượng các bạn trẻ mải mê chơi game mà làm ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt hằng ngày. Khảo sát của nhóm 6 đã chỉ ra rằng, 46.3% các bạn trẻ kiểm soát tốt thời gian chơi game. Và chỉ có 4.9% các bạn trẻ hoàn toàn bị cuốn hút bởi game mà quên đi những việc mình cần phải hoàn thành. Khi được hỏi về vấn đề này, một số bạn trẻ chia sẻ: “Dù bây giờ mình có nhiều thời gian rảnh rỗi, chơi game thoải mái hơn nhưng mình vẫn chú ý thời gian học online, làm việc nhà và dành thời gian cho người thân. Sau cùng thì game chỉ là phương tiện giải trí giúp mình khuây khoả hơn”.
Từ việc tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi, nhóm đã tổng hợp được một số lí do tiêu biểu mà người trẻ trong độ tuổi từ 18-25 thường chơi game. Thứ nhất, lí do phổ biến nhất đó là chơi game để giải trí, xả stress. Bên cạnh việc nghe nhạc, xem phim, hay chơi thể thao…chơi game cũng là một phương pháp lành mạnh để người trẻ giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập và làm việc vất vả. Thứ hai, theo khảo sát mà nhóm đã tiến hành, bên cạnh việc chơi game một mình, 48% số người được hỏi nói họ lựa chọn những tựa game có thể kết nối và chơi cùng bạn bè. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc nhắn tin, gọi điện, giới trẻ còn chơi game để có thể kết nối cùng nhau và cùng tận hưởng khoảng thời gian thú vị nhất.
Có thể thấy, trong những ngày cách li xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc có thể chơi game cùng bạn bè cũng phần nào giúp giới trẻ giảm bớt sự nhàm chán khi liên tục phải ở nhà và phải dừng lại tất cả các hoạt động vui chơi. Thứ ba, có rất nhiều bạn trẻ nói rằng mình chơi game để kết nối với người thân. Hiện nay, các bạn trẻ thường đi học, đi làm xa gia đình và thường chơi game với người thân khi có thời gian rảnh. Một bạn trẻ khi được hỏi đã nói rằng: “Khi chơi game cùng với các em của mình, mình cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn” hay một bạn trẻ khác cho hay: “Mình thấy chơi game cùng anh chị vui hơn là chỉ trò chuyện qua video call hay nhắn tin”. Và đặc biệt, từ kết quả khảo sát, nhóm đã nhận được một lí do rất đặc biệt, đó là chơi game để phục vụ việc học tập. Một bạn trẻ đã trả lời khảo sát rằng: “Mình học Công Nghệ Thông Tin, chơi game vừa để học hỏi cách thiết kế, còn có thể giải trí”. Một bạn trẻ khác cũng chia sẻ: “Game đối với mình không chỉ là một công cụ giải trí mà còn là một người bạn ý. Trong những ngày dịch thì mình thường không ra ngoài và ở trong nhà cũng không có việc gì làm nên game giúp giải toả căng thẳng, giúp mình vừa chơi vừa học. Ngoài ra game cũng là một ngành học mà mình đang theo đuổi”.
https://www.facebook.com/1652175058225667/videos/921176798345367/
Có thể thấy, hiện nay, việc chơi game có rất nhiều lợi ích trong cuộc sống. Bên cạnh những lợi ích thường thấy như giải tỏa căng thẳng, giúp con người kết nối với cộng đồng, game còn rất nhiều lợi ích khác chưa được chú ý đến. Những nhà phát hành game tung ra thị trường rất nhiều thể loại game đa dạng giúp người chơi không chỉ giải trí đơn thuần mà có thể nhận được nhiều lợi ích khác như kích thích tư duy, kích thích sáng tạo, giúp người chơi học ngoại ngữ, và là nguồn tài nguyên dồi dào cho những bạn trẻ đang theo đuổi ngành học này….
Bên cạnh đó, game còn được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ tự kỉ. Tựa game Frankie and Friends từng được nhà nghiến cứu Gail Alvares áp dụng để giúp đỡ hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tự kỉ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc chơi game cũng mang đến những hạn chế nhất định và điều này tạo nên một cái nhìn không tốt ở một số người đối với những bạn trẻ chơi game. Đó là hiện tượng “mê game” xảy ra khi một số bạn trẻ quá chìm đắm trong thế giới ảo trong game, gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Để khắc phục vấn đề này, mỗi người trẻ cần xác định rõ mục tiêu sống của mình và xác định game đóng vai trò gì trong cuộc sống của họ. Như vậy, việc chơi game sẽ được sắp xếp hợp lí và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.