Những trang phục cổ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc là di tích quý báu của lịch sử nước nhà mà còn là đại diện những nét đặc trưng của nền văn hoá dân tộc, thế nhưng liệu cổ phục Việt có đang giữ được một vị thế nhất định trong trái tim người trẻ? Và làm sao để người trẻ Việt thêm yêu cổ phục Việt lại là một hành trình dài.
________________________________
Việt Nam vốn là một đất nước có nền văn hóa lâu đời. Trong suốt quá trình phát triển và thay đổi của lịch sử, con người Việt Nam cũng có những trang phục của riêng mình mà mỗi trang phục đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, của giai đoạn lịch sử.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình tìm hiểu cổ phục có lẽ chính là nằm ở việc tư liệu quá ít ỏi, những di tích, tài liệu, thư tịch,... gần như đã bị mai một và tàn phá bởi thời gian, chiến tranh, thời tiết, thiên tai... khiến các nguồn tham khảo về cổ phục không được đầy đủ và việc nghiên cứu, phục dựng trở nên rất gian nan.
Chưa kể, kinh phí cũng là một trở ngại trong hành trình phục dựng trang phục Việt xưa. Để có được những tư liệu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật để có thể tìm hiểu rõ và phục dựng lại hoa văn, chất liệu, kiểu dáng Việt phục cổ cần phải có nguồn kinh phí lớn trong khi rất ít các tổ chức, nhóm nghiên cứu có thể đầu tư nhiều.
Đại Việt Cổ Phong - một nhóm các bạn trẻ đã lập ra rất nhiều dự án thành công về việc tìm hiểu tường tận về văn hóa cổ xưa đặc biệt là cổ phục Việt đã chia sẻ với báo Hànộimới về những khó khăn trong suốt quá trình nghiên cứu, phục dựng tư liệu về cổ phục Việt rằng: “ Nhóm đã gặp không ít khó khăn do hiện vật bị phong hóa, các chi tiết trên mẫu hoa văn không còn giữ được nguyên trạng do thời tiết, thiên tai, thời gian và được chạm khắc trên chất liệu gỗ, vải thêu, gốm... thiếu bền vững. Trong khi ấy, các thành viên của nhóm không phải ai cũng học chuyên ngành về lịch sử, khảo cổ học. Dò dẫm, thậm chí mất phương hướng là điều đã xảy ra...”
Có thể thấy, công tác quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin, tư liệu về cổ phục của nước ta còn rất nhiều hạn chế, bất cập khiến những kiến thức về lịch sử, văn hóa, trang phục Việt Nam xưa rất khó được tiếp cận đến rộng rãi các bạn trẻ.
Việc làm sao để nhiều người, nhất là các bạn trẻ quan tâm và có được đầy đủ kiến thức về trang phục Việt cổ luôn là câu hỏi gây đau đầu. Dường như các trang mạng xã hội, các thanh công cụ tìm kiếm thông tin như google rất ít đưa những thông tin chính xác, đa dạng, phong phú, dễ hiểu về cổ phục. Bên cạnh đó do đặc thù về kinh phí, trình độ, các bộ phim về cổ trang Việt Nam rất khó làm, trong khi những bộ phim tài liệu, phim lịch sử lại có phần khô khan, hiệu quả truyền thông chưa cao, chưa được nhiều bạn trẻ quan tâm đến. Gần đây cũng có không ít những đề xuất nên để trang phục truyền thống làm đồng phục cho học sinh thế nhưng lại mang đến nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận, chưa đi đến hồi kết.
Bạn Nguyễn Thị Nhung - một sinh viên năm 2 khoa Việt Namhọc và Tiếng Việt trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với tư cách là một sinh viên đang học tập và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã chia sẻ quan điểm của mình về những nguyên nhân mà các bạn trẻ khó tiếp cận với cổ phục.
Từ lâu, chúng ta vốn đã quen với hình ảnh những bộ quần áo cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản luôn hấp dẫn, thu hút rất đông các bạn trẻ quan tâm, thích thú. Những bộ cổ phục Việt dường như vẫn còn hơi "lép vế" khi đứng trên “đấu trường cổ phục "trước sự phổ biến của những bộ phim cổ trang nước ngoài và sự mở cửa, hội nhập của nền văn hóa, những bộ cổ phục của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản lại khiến cho nhiều bạn trẻ mê mẩn vì sự lộng lẫy, cầu kỳ. Một số bạn trẻ còn cho rằng, trang phục cổ của Việt Nam trông không được đẹp và "sang chảnh" như cổ phục của các nước khác.Tuy nhiên, nếu đầu tư và nghiên cứu kỹ về cổ phục Việt, ta sẽ có thể thấy được trang phục cổ đại của Việt Nam hoàn toàn không thua kém nước bạn. Mỗi bộ trang phục đều mang đậm bản sắc văn hóa và đặc trưng của từng triều đại, từng giai đoạn lịch sử.
Xoay quanh câu chuyện phục dựng trang phục Việt cổ luôn tồn tại những tranh cãi và một “nỗi sợ” vô hình chung của các nhà phục dựng đó là vấn đề về những nét tương đồng giữa cổ phục Việt Nam với cổ phục những nước khác khiến nhiều người khó có thể phân biệt, hay thậm chí còn rất nhiều người mang tâm lý e ngại không thuần Việt.
Trang phục Việt xưa qua một vài thời kỳ, nhìn qua khó phân biệt được với Trung Hoa. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, không có bất kì một nền văn hóa nào là “thuần túy” và không vay mượn bên ngoài, bao gồm văn hóa Trung Hoa. Hơn nữa, có những thứ trang phục rất phổ biến ở Đông Á, như áo giao lĩnh (hai vạt chéo nhau), kimono hay hanbok thực chất cũng đều là giao lĩnh, đó là sự thật lịch sử không thể chối bỏ.
Không chỉ trang phục, mà chế độ thi cử, quan lại, một số ngày lễ tết dân gian... cũng đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa bên ngoài nhưng khi đã hiện diện trong đời sống của cư dân Việt Nam thì nó chính là một phần của văn hóa Việt.
Trước thực trạng các yếu tố truyền thống, đặc biệt là cổ phục chưa được coi trọng đúng mức trong nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ không đành lòng chứng kiến những giá trị lịch sử, những tinh hoa văn hóa dân tộc bị mai một. Với một lòng say mê, tình yêu to lớn với lịch sử, với những giá trị truyền thống của nước nhà, nhiều bạn trẻ, nhóm nghiên cứu, các công ty đang tiến hành phục dựng lại cổ phục, phục dựng văn hóa truyền thống, đưa cổ phục Việt Nam đến gần hơn với đông đảo công chúng, đặc biệt là để giới trẻ hiểu hơn về những trang phục cổ xưa của nước nhà.
Cũng giống như nhóm bạn trẻ Đại Việt Cổ Phong, Nguyễn Đức Lộc là một chàng trai trẻ thế hệ 9X nhưng lại có tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Với cách riêng của mình, Nguyễn Đức Lộc đã gìn giữ và làm giàu từ chính những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Tháng 8/2018, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự thành lập ra đời với tôn chỉ hoạt động là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước, tư vấn về lĩnh vực văn hóa.
Với tôn chỉ tìm lại những nét văn hóa xưa đã bị mai một của nước nhà, đem tới gần hơn với công chúng, Ỷ Vân Hiên không phỏng dựng một trang phục để mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày, trang phục đó sẽ được đưa đến với công chúng thông qua nhiều con đường khác nhau, trên sân khấu, vào các MV, phim điện ảnh, các bộ ảnh chụp của giới trẻ, may cho lãnh sự quán một số nước...Hàng loạt các bộ phim, các MV cổ trang đình đám như “Phượng Khấu, “Anh ơi ở lại”, “ Không thể cùng nhau suốt kiếp” đều được Ỷ Vân Hiên đồng hành góp sức, là đơn vị chính đảm nhận vai trò nghiên cứu về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật chế tác, phục dựng và thiết kế trang phục. Nhờ có công sức của công ty Ỷ Vân Hiên và ekip của các dự án truyền thông như thế mà cổ phục Việt đã đến gần hơn với giới trẻ, thúc đẩy người trẻ tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, trang phục cung đình của những triều đại cũ'
Nếu trước đây công chúng chỉ thường bắt gặp trang phục truyền thống trong các tư liệu lịch sử, những bộ phim tài liệu, trong các viện bảo tàng thì vài năm trở lại đây hình ảnh về cổ phục Việt không những được tái hiện qua các MV mà còn qua những bộ phim điện ảnh được đầu tư chỉn chu để mang đến cái nhìn chân thật nhất về lịch sử và đem cổ phục Việt tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.
Nhiều nhà làm phim, biên kịch đã táo bạo chọn chủ đề cung đấu, đầu tư 30%- 45% tiền làm phim, tìm hiểu, bỏ nhiều công sức vào trang phục để tạo ra một tác phẩm sát nhất với lịch sử về cả mặt nội dung và hình ảnh như Phượng Khấu, Trạng Quỳnh... có được mong chờ và đón nhận của khán giả bởi trang phục không có sự ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa từ các nước bạn và khôi phục lại nét văn hóa cổ truyền.
Bên cạnh các loại hình giải trí, Việt phục cổ còn được các Hoa Hậu đưa đến đấu trường nhan sắc quốc tế qua những trang phục được thiết kế tỉ mỉ, gắn với những địa danh, nét đẹp của các vùng miền trải dài khắp đất nước Việt Nam và được các nhà tạo mẫu dành nhiều tâm huyết tạo ra những bộ trang phục giúp cho các người đẹp đạt được nhiều thành tích trong phần thi trang phục dân tộc, ghi dấu ấn nét đẹp Việt Nam với bạn bè năm châu và quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra nước ngoài.
Hiện nay, có thể bắt gặp những đám cưới có chú rể mặc áo tấc, các bạn trẻ mặc cổ phục đi chụp ảnh trên phố đi bộ hồ Gươm, các em học sinh phổ thông chụp ảnh kỷ yếu với trang phục thời Nguyễn hay các fanpage, group tìm hiểu, yêu thích Việt phục được lập ra với lượt tương tác ngày càng đông đảo lên tới hàng chục nghìn thành viên tham gia. Việt phục thực sự đã bắt đầu len lỏi vào đời sống, khẳng định vị thế của mình, giúp mọi người dân có nhận thức rộng hơn về cổ phục.
Hay gần đây các bạn trẻ có thể dễ dàng đến gần hơn với cổ phục Việt qua các lễ hội, tọa đàm, triển lãm, show diễn thời trang của các nhà thiết kế, dự án truyền thông hay các sự kiện offline như “ Về lại gấm vóc xưa”, “Ơ kìa! cổ phục Việt” được tổ chức giúp người tham gia có cơ hội tận mắt nhìn thấy chiếc áo Nhật Bình và áo Tấc - thường phục Hoàng gia Việt Nam thời Nguyễn, hiểu thêm về lịch sự của những áo truyền thống hay được trực tiếp trải nghiệm mặc Việt phục, đây là những hoạt động giúp lịch sử, bản sắc văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng và lan tỏa nó đến mọi người.
Với những nỗ lực, sự tâm huyết không chỉ của các nhà nghiên cứu mà còn của cả chính những bạn trẻ yêu lịch sử, yêu những giá trị tinh hoa văn hóa của nước nhà, Việt phục cổ đã không còn chỉ là nằm trong những “tư liệu chết” hay trong viện bảo tàng mà như đã thực sự “sống dậy”, đến gần hơn tới trái tim các bạn trẻ, thắp lên trong chúng ta những ngọn lửa yêu thương đối với trang phục truyền thống và lịch sử nước nhà.
Nội dung: Phạm Hiền, Vũ Hương
Thiết kế: Phạm Hiền
Nguồn ảnh : Internet