Thời gian gần đây, câu chuyện người lao động từ 30-35 tuổi phải gửi đơn xin việc là thất bại nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Độ tuổi 30 được xem là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự chuyển mình về khả năng lao động, khiến không ít người thuộc độ tuổi này lo ngại với việc thích nghi với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Cũng trong năm này, tại TP HCM có gần 48.000 người lao động trên 40 tuổi thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc dự báo, năm 2024, thế giới có thêm 2 triệu người lao động phải tìm việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu lên 5,2%.
Trước tình hình này, công cuộc tìm việc làm của những người trên 30 tuổi trong một số ngành nghề ngày càng khó khăn khi họ phải đối mặt với những định kiến liên quan đến tuổi tác do doanh nghiệp và nhà tuyển dụng đặt ra.
Chị Trần Thị Hằng (Thạch Thất, 39 tuổi) hiện đang là công nhân tại một công ty chế biến gỗ tại Thạch Thất, Quốc Oai. Chị tham gia Phiên giao dịch và tư vấn việc tại địa phương với mong muốn tìm một công việc mới phù hợp, đỡ vất vả hơn. Chị Hằng bộc bạch, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và đông anh chị em nên chị phải nghỉ học sau năm lớp 8 để đi làm hỗ trợ gia đình. Vì tuổi đã lớn và chưa học hết cấp 2, chị cảm thấy khó cạnh tranh với những bạn trẻ có kiến thức, trình độ và bằng cấp. “Nhiều khi tôi muốn đi làm cho công ty nhưng người ta lại yêu cầu có bằng cấp thì mới tuyển, nên chỉ có thể đi làm lao động phổ thông thôi”, chị Hằng cho biết.
Chị Trần Thị Hằng nghe tư vấn tìm việc tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất. (Ảnh: Page Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội)
Chị Cát Tiên (Hồ Chí Minh, 34 tuổi) thổ lộ: “Bước sang tuổi 34, mình chưa bao giờ nghĩ đến cảnh phải đi “rải” CV khắp nơi như hôm nay. Cũng chưa bao giờ hình dung được việc mình sẽ bị từ chối với lý do "mình có con nhỏ", "muốn tìm người trẻ hơn cho vị trí này". Đột nhiên trở nên "mất giá" trong thị trường nhân lực hoặc nói thẳng ra, các doanh nghiệp không còn mặn mà với những người xin việc tầm tuổi như mình nữa.”
Theo chia sẻ, trước đây, chị Tiên làm việc ở vị trí chuyên viên cho một Tập đoàn lớn. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 2023, chị nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của Tập đoàn. Thời gian đầu tìm việc, chị cho rằng sẽ được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng do đã có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc lâu năm. Nhưng ngoài dự đoán, rất ít nhà tuyển dụng mời chị phỏng vấn sau 2 tháng “rải" hồ sơ.
“Mình vào các trang nhóm tìm việc, nhóm review việc làm, đọc rất nhiều bài viết trên báo điện tử thì mình nhận ra không chỉ riêng mình đang trong hoàn cảnh này mà rất nhiều người trên 30 tuổi cũng đang chật vật khó khăn tìm kiếm công việc, họ bị từ chối vì những công ty đó ưu tiên những người độc thân và trẻ tuổi”, chị Tiên bày tỏ.
Chị Tiên chia sẻ: “Không trẻ thì phải giỏi. Trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn tốt, và ngoại ngữ là những yếu tố giúp thuyết phục được nhà tuyển dụng” (Ảnh: NVCC)
Sau hơn 7 tháng tìm việc, chị Tiên đã vào làm tại một Tập đoàn khác nhưng với mức lương giảm 30% so với trước đây. Trái lại, công việc nhiều hơn, thời gian làm việc cũng tăng, thậm chí phải kiêm nhiệm một số việc khác do tình trạng cắt giảm nhân sự, thiếu người làm.
Trong một nhóm tìm việc với gần nửa triệu thành viên trên Facebook, không khó để thấy những bài đăng ẩn danh than thở về chuyện tìm việc ở tuổi 30. Nhiều trong số đó là các tình cảnh éo le khi thất nghiệp. Theo đánh giá của anh Tấn Lê (quản trị viên của nhóm), ở một số ngành nghề, với độ tuổi 30 trở lên, đa số người lao động đã có kỹ năng, kinh nghiệm và một số thành tích nhất định. Vì vậy, mức lượng cho họ thường rất cao, có thể gấp đôi hay gấp ba các sinh viên mới ra trường nên các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp thường hạn chế tuyển những người thuộc nhóm này.
“Dù thế hệ trẻ hơn chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tiềm năng khai phá của họ thường rất lớn. Đa số doanh nghiệp sẽ mong muốn tìm được ứng viên trẻ tuổi, năng động. Việc này giúp họ vừa tiết kiệm được chi phí và vừa có thể “khai phá” được những “mảnh ngọc thô” khi tuyển dụng", anh Tấn Lê nêu quan điểm.
Không chỉ phải cạnh tranh với những người trẻ tuổi hơn, nhiều người lao động trên 30 tuổi cũng lo lắng về khả năng thất nghiệp do công nghệ và AI trong các năm tới. Theo bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), AI sẽ ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác của Viện Toàn cầu McKinsey cho thấy, đến năm 2030, ít nhất 14% nhân sự trên thế giới có thể cần phải thay đổi nghề nghiệp do những tiến bộ về công nghệ, robot và AI.
Tại Việt Nam hiện nay, AI cũng dần có mặt thay thế nhân sự trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, robot và các công nghệ tiên tiến đã được áp dụng tại nhiều quy trình sản xuất trong các xưởng và nhà máy. Nhiều doanh nghiệp nhận thấy việc sử dụng robot giúp giảm đáng kể nhân sự và chi phí.
Vào giữa tháng 1/2024, Viettel Post đã triển khai sử dụng 200 robot AGV tự hành vào quy trình phân chia hàng hoá thay con người. Là công ty logistics đầu tiên tại Việt Nam tiên phong áp dụng robot tự hành, Viettel Post đã nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng của mình lên 99%, đồng thời giảm tỷ lệ sai sót xuống gần bằng 0. Nhờ tự động hoá, doanh nghiệp này cũng đã giảm được 60% nhân sự.
Chị Dương Thị Nhài (Hà Nội, 30 tuổi), Manual Tester (kiểm tra phần mềm) tại FPT Software, trăn trở về sự đe dọa của AI: “Mình lo ngại nếu trong tương lai công nghệ AI phát triển quá nhanh thì rất có thể công việc của mình sẽ bị thay thế bởi AI. Thực tế là bây giờ mảng Manual Tester của mình cũng ứng dụng AI khá nhiều trong công việc”.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, nhận định rằng tầng lớp đã có kinh nghiệm, trình độ, tinh thần làm việc tốt vẫn có thể bị mất việc bởi AI.
Trước sức ép cạnh tranh do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và AI, người lao động cần chuẩn bị và chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể thích nghi với những thay đổi này. “AI không thay thế con người, chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho những biến động sắp tới của thị trường, người lao động cần trang bị thêm kiến thức về quyền và nghĩa vụ của bản thân, có kế hoạch phát triển, học tập dài hạn, tăng cường khả năng thích nghi với những tình huống bất ngờ. Chi tiết về lời khuyên của chuyên gia sẽ có trong loạt bài cuối cùng.
Nhóm PV MĐT K41