Trang thông tin điện tử về báo chí - truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng hiện đang giữ vai trò và vị trí quan trọng nhất Viện Báo chí - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn, cô là người đã thành lập nên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC.
Trước khi trở thành sinh viên Đại học báo chí Khóa Chín (Khoa Báo chí, Đại học Tuyên giáo; nay là Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cô từng tốt nghiệp cử nhân với tấm bằng Đại học chuyên ngành Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Năm 1993, cô bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Khoa Báo chí, Đại học Tuyên giáo.
Tham gia hoạt động báo chí từ sớm, cô là tiến sĩ ngành Truyền thông đại chúng, chuyên ngành Báo chí học với hơn 50 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, xuất bản nhiều giáo trình và các sách chuyên khảo. Ngoài ra, cô còn có nhiều tham luận hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Năm 2019, sau những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, cô được bổ nhiệm lên giữ chức vụ Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tiền thân của Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông vốn là câu lạc bộ Báo chí điều tra. Với sáng kiến hướng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên báo chí, đồng thời tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ Báo chí - Truyền thông lành mạnh cho sinh viên khoa Báo chí nói riêng và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung. Năm 2013, Khoa Báo chí quyết định đề xuất dự án xây dựng và vận hành Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC. Ngày báo cáo đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng điều tra phòng chống tham nhũng cho sinh viên báo chí” của CJC chiến thắng cuộc thi Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI 2013 và VACI 2014) khiến cô rất vui mừng. Sau đó không lâu, Câu lạc bộ CJC được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới trao giải 600 triệu đồng để thực thi đề án.
Nói về ngày 29/3/2014, đây có thể coi là một cột mốc cực kì đáng nhớ khi cô chính thức thành lập Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC. Từ đây, trên cương vị người thành lập, cô vừa tham gia công tác giảng dạy tại khoa Báo chí, vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ. Đối với cô, CJC là tâm huyết, là “việc không có tiền nhưng giá trị thì không tiền nào có thể sánh được”.
Sau khi CJC được “ươm mầm”, cô trực tiếp tham gia giám sát mọi hoạt động, đưa ra hướng đi để câu lạc bộ ngày một phát triển. Cô tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ báo chí, các chuyến thực tế ở địa phương, nhiều nhà báo giỏi nhất đã nhận hướng dẫn sinh viên trực tiếp tại tòa soạn,... Cô cũng thường xuyên mời các các chuyên gia, nhà báo điều tra đến Câu lạc bộ để giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm nghề.
Với những kinh nghiệm cũng như phương pháp vận hành hiệu quả, cho đến nay, dù cô không còn giữ chức Chủ nhiệm, Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC vẫn hoàn thành tốt được vai trò và sứ mệnh của mình đó là tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, sự kiện cũng như cập nhật tin tức diễn ra tại Học viện và đời sống xã hội.
Các kỳ tuyển thành viên CJC và làm đề án dự thi luôn là những ngày vất vả nhất mà lại sôi động nhất, khiến cô không thể nào quên. Cô cho rằng, mỗi khoảnh khắc được làm việc, trò chuyện cùng CJC đều là mỗi khoảnh khắc quý giá.
Cô bồi hồi nhớ lại những mùa hè được đi đây đi đó trải nghiệm, đến Hải Phòng, Nghệ An… thăm các bạn sinh viên đang đi thực tế tại địa phương; nhớ những lời khen có cánh mà các nhà báo kỳ cựu dành cho các em; nhớ có lần nghe các anh chị phàn nàn về chuyện có bạn sinh viên chưa biết đi xe máy. Dường như, cô luôn nhớ kỹ những chuyến thực tế cùng Câu lạc bộ.
Nhiều năm gắn bó với nghề cầm bút, cô Đỗ Thị Thu Hằng đã đào tạo nên hàng nghìn các sinh viên giỏi, ưu tú. Câu lạc bộ CJC do cô xây dựng là một trong những câu lạc bộ nghiệp vụ hàng đầu Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Để đạt được thành tựu như vậy, cô đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu bài giảng cũng như phương pháp đào tạo phù hợp đối với sinh viên. Ngoài ra, cô cũng tổ chức nhiều buổi tham luận, tọa đàm với chủ đề báo chí, truyền thông trong thời đại mới để tiếp thu và chắt lọc những bài học cho bản thân cô nói riêng và Viện Báo chí nói chung.
Trong quãng thời gian vừa dạy vừa nghiên cứu, cô tìm tòi và đọc rất nhiều các công trình nghiên cứu liên quan đến môn học, sửa đi sửa lại đề cương bài giảng, xin ý kiến các chuyên gia giỏi, thực hành giảng dạy, chỉnh sửa đề cương trong khoảng sáu năm đầu tiên. Đối với cô, tầm nhìn chiến lược cùng sự quan tâm và hỗ trợ tận tình của các thế hệ lãnh đạo Khoa Báo chí chính là điều cô tâm đắc nhất trong suốt quá trình làm nghề. Gần hai mươi năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, nhìn các thế hệ học trò trưởng thành, cô luôn cảm thấy may mắn và tự hào vì được học tập, giảng dạy trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp nhất, nơi có hệ thống học liệu về báo chí truyền thông cơ bản, có tính hệ thống, hiện đại và phong phú, đa dạng nhất trong nước. Dù là thời kỳ trước hay thời kỳ nay, đối với cô, sinh viên báo chí vẫn luôn được các thầy cô tôn trọng nhân cách sáng tạo, luôn nhận được sự quan tâm, sự thử thách và yêu cầu nghiêm khắc về kỷ luật nghề nghiệp từ các thầy cô giáo của mình. Trong một cuộc phỏng vấn, cô từng tâm sự rằng: “Nghề báo và nghề truyền thông là nghề hay, rất cuốn hút giới trẻ, nhưng nó đòi hỏi rất cao kiến thức chuyên sâu, năng lực, ý chí rèn luyện, trách nhiệm xã hội và lý tưởng nghề nghiệp và sự cống hiến. Nếu đã chọn học ngành này, hãy nói ít, làm nhiều, ý chí cao và luôn phải rèn bản lĩnh, bồi đắp lý tưởng nghề nghiệp để trụ vững trong tương lai”.
Đến nay, dù rất bận rộn trong việc điều hành Viện Báo chí cũng như tham gia giảng dạy trên lớp, cô Đỗ Thị Thu Hằng vẫn luôn theo dõi và khích lệ tinh thần sinh viên. Với những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp, cô đã trở thành tấm gương để nhiều thế hệ sinh viên noi theo và trưởng thành. Những chia sẻ của cô sẽ luôn là bài học quý giá, trở thành hành trang để các bạn trẻ vững vàng hơn trên hành trình theo đuổi nghề báo, làm báo.