Phóng viên: Gần đây, Hà Nội có chủ trương phá dỡ dãy nhà phía Đông Hồ Gươm. Vậy trong quá khứ, khu vực phía Đông Hồ Gươm đã từng trải qua những đợt phá dỡ như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Xưa kia, Hồ Gươm nằm ngoài đê sông Hồng, là một hồ nước trong khu vực bãi bồi. Từ thế kỷ XV, chùa Phổ Giác được xây dựng tại đây, và đến thế kỷ XVIII, một ngôi đền thờ ba vị tổ sư nghề voi chiến thời Tây Sơn cũng được dựng lên bên cạnh chùa.
Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, họ xây dựng tòa nhà Đốc Lý – nay là trụ sở UBND Thành phố Hà Nội. Trong quá trình này, chùa Phổ Giác và ngôi đền thờ được di dời về phố Ngô Sĩ Liên. Phần đất phía Đông Hồ Gươm sau đó được chia thành nhiều mục đích sử dụng: một phần trở thành trụ sở UBND Thành phố, một phần xây khách sạn, và phần nhỏ còn lại là bãi dâu.
Năm 1892, thực dân Pháp xây dựng Nhà máy điện Bờ Hồ - nay là Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Khu vực này cũng là nơi ghi dấu một phần lịch sử chiến tranh. Trong những năm 1966-1967, khi Hà Nội bị đánh bom, một hầm trú ẩn đã được đào tại đây để bảo vệ công nhân vận hành lưới điện. Nếu có kế hoạch di dời các công trình tại khu vực phía Đông Hồ Gươm, cần cân nhắc bảo tồn hầm trú ẩn này, vừa để lưu giữ chứng tích cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa có tiềm năng trở thành một điểm tham quan giáo dục lịch sử.
Phóng viên: Thưa ông, vậy còn tòa nhà Hàm cá mập nằm ở phía Bắc Hồ Gươm đã trải qua những thay đổi hoặc cải tạo đáng kể nào trong quá khứ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Vào thế kỷ XIX, vị trí của tòa nhà Hàm cá mập ngày nay chỉ là một bãi đất trống. Khi phố cổ dần hình thành, một con phố được xây dựng tại đây, chạy dọc theo phía Nam hồ Thái Cực. Từ hồ này, một con lạch nhỏ chảy ra Hồ Gươm, và người ta bắc cầu ngang qua, hình thành nên phố Cầu Gỗ – một tuyến phố có từ thế kỷ XIX.
Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi người Pháp quy hoạch hệ thống tàu điện, họ chọn khu vực Bờ Hồ làm trung tâm, từ đó lan tỏa đến các khu vực khác. Tại vị trí tòa nhà Hàm cá mập ngày nay, họ xây một trạm điều hành tàu điện. Ban đầu, bến tàu điện đặt tại phố Cầu Gỗ, nhưng sau đó được dời ra vị trí bến xe buýt hiện nay để tạo không gian mở rộng cho quảng trường Négrier (tên tiếng Pháp). Kể từ đó, khu vực này trở nên thoáng đãng, không còn bị tàu điện che khuất lối đi hay cản trở tầm nhìn.
Trạm điều hành tàu điện tồn tại đến đầu thập niên 1990, khi nó bị phá dỡ để nhường chỗ cho công trình mới. Trước đó, bên cạnh trạm còn có cửa hàng Bách Hóa 12 Bờ Hồ. Sau đổi mới (1986), Hà Nội mong muốn xây dựng một công trình mang tính biểu tượng cho thời kỳ chuyển mình, và thời điểm đó, người ta quan niệm rằng sự đổi mới phải gắn với những tòa nhà cao tầng. Chính vì vậy, tòa nhà Hàm cá mập ra đời, nằm trên nền đất của cả trạm điều hành tàu điện cũ lẫn Bách Hóa 12 Bờ Hồ, trở thành một phần của diện mạo Hồ Gươm từ đó đến nay.
Phóng viên: Ngay từ khi được đề xuất, tòa nhà Hàm cá mập đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới nghiên cứu văn hóa, các nhà sử học và những người yêu Hà Nội. Điều gì khiến công trình này trở thành tâm điểm tranh cãi và vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Trước khi tòa nhà Hàm cá mập được xây dựng, đã có nhiều ý kiến phản đối từ giới nghiên cứu văn hóa, các nhà sử học và những người yêu Hà Nội. Ngay từ thời điểm đó, báo chí cũng bày tỏ thái độ không đồng tình.
Lý do phản đối trước hết là vì chiều cao của tòa nhà đã tạo ra một "bức tường" ngăn cách giữa khu Phố cổ và Hồ Gươm, làm mất đi sự kết nối không gian rộng lớn của khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà cao tầng ngay sát hồ khiến Hồ Gươm trông giống như một chiếc ao tù, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của thắng cảnh này.
Về khía cạnh tâm linh, nhiều người cho rằng tòa nhà cao lớn nằm giữa khu Phố cổ và Hồ Gươm đã cản trở sự lưu thông của "khí thiêng", làm mất đi sự hài hòa vốn có của vùng đất linh thiêng này. Ngoài ra, sau khi hoàn thành, kiến trúc của tòa nhà không được đánh giá cao. Dư luận thời điểm đó liên tục phản đối, đặc biệt là báo chí, và chính từ đây, cái tên "Hàm cá mập" ra đời vào khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Tòa nhà được cho là có hình dáng giống miệng cá mập, dù đã được chỉnh sửa sau này nhưng vẫn không cải thiện đáng kể về mặt thẩm mỹ. Dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, công trình đã được xây dựng, ngân sách đã chi và quy hoạch đã định sẵn, nên việc phá dỡ không khả thi. Kết quả là tòa nhà vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Phóng viên: Theo ông, công trình này từng gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn đứng vững suốt nhiều năm. Vậy việc phá dỡ tòa nhà lúc này hướng tới mục đích gì?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Hà Nội trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Khi nhìn lại, nhiều người nhận ra rằng tòa nhà Hàm cá mập từng là một sai lầm trong quy hoạch trước đây. Chính vì vậy, thành phố đã đề xuất phương án phá dỡ công trình này nhằm chỉnh trang đô thị và mở rộng không gian Hồ Gươm.
Mục đích lớn nhất là để khôi phục sự kết nối không gian giữa khu Phố cổ và Hồ Gươm. Khi tòa nhà bị dỡ bỏ, từ đầu phố Đinh Liệt có thể nhìn thấy Hồ Gươm, và từ bờ hồ có thể quan sát một phần rộng lớn của Phố cổ. Điều này không chỉ giúp không gian đô thị trở nên thông thoáng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường xuyên diễn ra tại khu vực đài phun nước vào dịp cuối tuần và các ngày lễ. Việc phá dỡ Hàm cá mập sẽ giúp mở rộng diện tích, giảm tình trạng tắc nghẽn và mang lại sự thông thoáng cho khu vực trung tâm Hà Nội.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng tòa nhà "Hàm cá mập" đã trở thành một phần của ký ức đô thị, trong khi một số khác lại coi nó như một “vết chàm” cần xóa bỏ. Quan điểm của ông ra sao về sự đối lập này?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Điều đó chỉ là cảm tính cá nhân. Khi bàn về quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch một trung tâm quan trọng, không thể chỉ dựa vào cảm xúc mà bỏ qua yếu tố tổng thể. Hàm cá mập tồn tại như một khối chắn đột ngột, cắt đứt sự kết nối không gian giữa Hồ Gươm và khu Phố cổ. Việc giữ lại nó, xét cho cùng, chỉ là mong muốn mang tính cá nhân, không phản ánh nhu cầu chung của cộng đồng.
Từ thời Pháp thuộc, khi xây dựng bến điều hành tàu điện tại khu vực này, người ta đã có tính toán cẩn thận. Công trình được thiết kế thấp nhằm giữ gìn sự hài hòa, đảm bảo dòng chảy không gian giữa Hồ Gươm và Phố cổ. Đây không chỉ là bài toán kiến trúc mà còn là sự cân nhắc về phong thủy, về sự kết nối giữa hai khu vực mang giá trị lịch sử. Trong khi đó, sự xuất hiện của tòa nhà Hàm cá mập vô tình biến một góc của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành một ranh giới cứng nhắc, chia cắt không gian vốn dĩ cần được mở rộng.
Sự đồng thuận của giới kiến trúc sư, các nhà hoạt động văn hóa, giới nghiên cứu lịch sử và người dân Hà Nội không phải là điều ngẫu nhiên. Ngay cả UBND Thành phố cũng nhìn nhận rõ vấn đề này, nên mới có chủ trương phá dỡ công trình, nhằm trả lại sự thông thoáng cho không gian Hồ Gươm và Phố cổ. Nếu không có lý do chính đáng, họ sẽ không đưa ra quyết định này.
Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng "Hàm cá mập" là một điểm kinh doanh quan trọng, thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân địa phương. Vậy theo nhà văn, việc phá dỡ sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động kinh tế và mưu sinh của người dân tại khu vực này?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Ngày xưa, khu vực này vốn từng là nơi tập trung nhộn nhịp của người dân, từ những người bán nước chè, bơm mực bút bi, hàn dép nhựa đến các tiểu thương nhỏ lẻ. Khi bến điều hành xe điện còn tồn tại, nơi đây không chỉ là điểm giao thông mà còn là một phần của đời sống sinh hoạt đô thị.
Còn hiện nay, nếu xét về mặt kinh tế, khoản thu nhập từ việc cho thuê tòa nhà này mỗi năm khoảng 5-7 tỷ đồng. Đó là một con số quá nhỏ so với quy mô của cả thành phố Hà Nội. Số tiền đó chẳng khác nào một giọt nước giữa đại dương, thậm chí không đáng để cân nhắc nếu so sánh với những lợi ích mà việc phá dỡ mang lại.
Phóng viên: Nếu so sánh với các công trình kiến trúc khác từng bị phá dỡ tại Hà Nội (như toà nhà 61 Trần Phú), ông thấy tòa nhà "Hàm cá mập" có điểm gì tương đồng và khác biệt về giá trị và số phận?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Công trình đó là nhà máy thiết bị Bưu điện Hà Nội. Hà Nội ngày xưa có rất nhiều nhà máy, ngay từ thời Pháp thuộc do các ông chủ tư bản xây. Nhà máy thiết bị bưu điện có kiểu kiến trúc công nghiệp, khác hẳn với kiến trúc dân dụng. Nghĩa là kiến trúc công nghiệp thì sẽ được xây cao lên, giữa các mái đều có kính đón ánh sáng xuống cho công nhân làm việc. Sau thời gian đổi mới ở Hà Nội, các nhà máy công nghiệp đều bị phá dỡ và chuyển ra khỏi khu vực nội đô. Trong đó chỉ còn nhà máy xe lửa ở Gia Lâm và nhà máy thiết bị Bưu điện được giữ lại.
Điều khiến con người ta tiếc nuối không phải ở công trình đấy có lưu giữ tấm bia bắn rơi máy bay Mỹ, mà là tiếc kiểu kiến trúc công nghiệp ấy bị phá dỡ đi. Giữ lại được công trình mang kiến trúc xưa cũ cũng là một tài sản và còn là nơi để người dân tham quan. Ở các quốc gia khác như Anh và Pháp, kiến trúc công nghiệp trở thành những trào lưu được giữ lại và phát triển thành khu vui chơi giải trí. Nhưng ở nước ta thời gian đó vì sức ép doanh nghiệp, sức ép tiền bạc nên đành phải phá đi tất cả những gì đã cũ để xây lên tòa nhà cao tầng. Theo tôi, một đô thị hiện đại không phải tính bằng chiều cao, nó tính bằng các công trình văn hóa. Vì thế cho nên việc phá dỡ các công trình cũ là cả một sự suy tính và rất thận trọng.
Còn quay trở lại tòa nhà Hàm cá mập, đã được xây hơn 30 năm, đây mới chỉ là một phần nhỏ trong lịch sử và không có giá trị về mặt thời gian. Thứ hai, công trình này không có giá trị về kiến trúc cũng như tính nghệ thuật. Đơn thuần nó được xây lên nhiều tầng để tập trung vào kinh doanh. Từ xưa nay trong lịch sử Việt Nam đã có chuyện phá dỡ các công trình tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên việc phá dỡ một số khu vực ở phía Đông Hồ Gươm và Hàm cá mập không phải là mới mẻ.
Phóng viên: Nếu tòa nhà “Hàm cá mập” thực sự cần phải phá bỏ, theo ông, khu vực này nên được thay thế bằng công trình hoặc không gian như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển, vừa giữ gìn được giá trị văn hóa và lịch sử của khu vực Hồ Gươm?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hiện tại, kế hoạch quy hoạch chi tiết vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhìn chung, giới kiến trúc sư, người dân, những người hoạt động văn hóa, cũng như những người yêu mến lịch sử Hà Nội đều mong muốn rằng, nếu hai công trình tại vị trí đó được phá dỡ, thì nên tạo ra một không gian rộng rãi, thoáng đãng.
Theo tôi, chỉ nên xây dựng một vài tiểu cảnh nhỏ hoặc dựng một số bức tượng lớn tại đó. Bởi nếu đã phá dỡ rồi lại xây thêm một công trình khác thì việc phá đi trở nên vô nghĩa. Không gian cần được giữ cho rộng rãi, thênh thang, để tầm mắt của những người dạo bước quanh Hồ Gươm không bị che khuất, mà ngược lại, được mở rộng hơn.
Không gian Hồ Gươm vô cùng quan trọng, bởi đây không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Tuy nhiên, giá trị của công trình kiến trúc không chỉ nằm ở bản thân nó, mà còn phải đi kèm với không gian xung quanh. Một công trình kiến trúc dù có tính nghệ thuật cao đến đâu, nhưng nếu thiếu đi không gian phù hợp, thì giá trị của nó cũng bị giảm đi đáng kể. Chính không gian mới là yếu tố tôn lên vẻ đẹp và giá trị của công trình kiến trúc nghệ thuật.
Vì vậy, nếu quyết định phá dỡ và giải phóng mặt bằng ở hai khu vực phía Đông Hồ Gươm và khu vực bến tàu điện ngầm, thì theo tôi, nên để lại khoảng trống. Có thể bố trí một vài tiểu cảnh nhỏ, thấp, để tạo điểm nhấn duyên dáng cho khu vực đó. Nhưng nếu phá dỡ xong lại xây thêm nhà, dù là xây thấp, thì cũng trở nên vô nghĩa. Không gian cần được giữ gìn để tôn vinh giá trị của Hồ Gươm và những công trình xung quanh.
Phóng viên: Trên thế giới, nhiều thành phố đã thành công trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc. Theo ông, Hà Nội có thể học hỏi được gì từ những bài học đó?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Thực ra, bây giờ Việt Nam đã có luật bảo tồn di sản. Tất cả những công trình được xây và được xếp hạng di tích thì không được phá dỡ hoặc nếu muốn phá dỡ thì phải làm những thủ tục hành chính rất phức tạp. Nếu công trình đấy được Chính Phủ công nhận là di tích thì phải được Chính phủ đồng ý, công trình thành phố công nhận thì phải được thành phố đồng ý, tức là sẽ theo từng cấp. Mặt khác đối với người dân, họ cũng là chủ thể của những công trình di sản nên phải hỏi ý kiến họ.
Trước đây, chúng ta còn nhiều suy nghĩ duy chí, thấy không được thì phá dỡ. Bây giờ xã hội văn minh và dân chủ hơn, người ta cũng đã nhìn nhận ra được các giá trị lịch sử văn hóa đối với ngành công nghiệp du lịch. Thì việc giữ lại những sản phẩm công trình kiến trúc du lịch rất tốt trong khi chúng ta đang kêu gọi xây dựng một nền công nghiệp văn hóa.
Còn về duy chí ở khu vực Hồ Gươm, còn tồn tại một công trình rất khó chịu đó là Bưu điện Hà Nội bây giờ. Vào năm 1971 - 1972, Trung Quốc tài trợ cho nước ta để xây một nhà bưu điện mới, nên người ta phá đi bưu điện cũ. Ngày xưa, công trình này được xây rất thấp, chỉ 2 tầng thôi. Nhưng từ khi Trung Quốc đầu tư họ lại xây một cái nhà 4 tầng, như một cục bê tông chắn ngang phía Đông của Hồ Gươm rất là thô thiển và không mang lại giá trị kiến trúc. Mỗi chỗ làm việc thì đâu cần thiết phải xây cao như thế! Còn nếu quy hoạch phần xung quanh Hồ Gươm thì nên phá thêm nhà bưu điện đấy, vì đặt ở vị trí đó vô cùng kém duyên.
Trước đây, ở khu vực xung quanh Hồ Gươm khi người Pháp quy hoạch, không một tòa nhà nào được phép xây dựng cao quá 2 tầng. Nhưng sau này vì quản lý không tốt nên người ta xây cơi nới các công trình lên. Khi xây thấp hơn 2 tầng thì Hồ Gươm và các cái nhà xung quanh khu vực được hài hòa với nhau, nó vừa là cái ao cái hồ của những người dân xung quanh, vừa không biến cái ao, cái hồ này thành một cái ao tù, hồ tù.
Một đô thị ở khu vực trung tâm mà trông rất rối mắt, đấy là nơi rất cần màu thời gian thì lại sử dụng vật dụng hiện đại như nhôm kính, gạch men bóng lộn. Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải hài hòa, đồng nhất để người tham quan cảm thấy như lạc vào một chốn cổ tích thì nó mới là ổn thỏa. Và nói chung là nên phá dỡ, rất cần thiết phá dỡ. Khu vực Hồ Gươm vô cùng quan trọng đối với một Thủ đô và đối với một không gian trung tâm vừa có tính thiêng.
Phóng viên: Trong bối cảnh Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo tồn các công trình kiến trúc cũ và nhu cầu phát triển đô thị hiện đại?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hà Nội hiện nay đã mở rộng rất nhiều, kể từ khi sắp nhập vào năm 2008, thành phố đã phát triển mạnh mẽ, kéo dài đến tận núi Ba Vì. Về mặt địa lý, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, Hà Nội bây giờ không chỉ giới hạn trong 4 quận nội thành cũ, mà đã mở rộng sang cả bên kia sông Hồng và phía tây thành phố. Hệ thống giao thông hiện đại, với đường cao tốc, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm trong tương lai, đã giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Vì vậy, những công trình cần xây cao tầng có thể được chuyển ra khu vực ngoại ô, kết nối với hệ thống giao thông hiện đại để người dân dễ dàng di chuyển. Việc này không có gì phức tạp. Khoảng cách xa không còn là vấn đề nếu có đường xá và phương tiện giao thông công cộng tốt. Ví dụ, ở nước ngoài, việc lái xe một tiếng là chuyện bình thường, nhưng với người Việt, điều đó lại được coi là quá xa.
Khi xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử, nhà máy, hay khu công nghiệp ở ngoại ô, chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích. Thứ nhất là giãn được dân cư ở khu vực nội đô cũ. Thứ hai là mở rộng trung tâm đô thị ra các khu vực ngoại ô. Việc giãn dân này giúp giảm mật độ dân số quá cao ở nội đô, giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Đây là giải pháp mang lại lợi ích kép.
Đối với các công trình văn hóa, tôn giáo ở ngoại ô, chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phá dỡ hoặc xây mới. Phá một công trình tôn giáo, tâm linh rất dễ, nhưng xây dựng lại thì vô cùng khó khăn, cả về kinh phí lẫn giá trị tinh thần đã ăn sâu vào tâm thức người dân. Những công trình kiến trúc có giá trị cũng vậy, phá đi thì dễ, nhưng xây lại thì rất khó, tốn kém và không thể khôi phục được giá trị nguyên bản.
Khi quy hoạch, thiết kế và xây dựng, đặc biệt là các công trình tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu ở khu vực ngoại ô, cần hết sức thận trọng. Nếu muốn xây dựng công trình mới, nên tránh xa các công trình hiện có. Bởi lẽ, khi xây dựng quá gần các công trình có giá trị, công trình mới có thể làm giảm giá trị của công trình cũ, khiến chúng trở nên nhỏ bé, lạc lõng và không hài hòa với không gian xung quanh. Điều này không chỉ thu hẹp không gian của di tích mà còn làm mất đi vẻ đẹp và giá trị vốn có của chúng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Thực hiện: Ngô Linh - Thùy Linh