“Làm báo điều tra giống như bước trên những nấc thang, bước lên được một nấc rồi sẽ có khao khát bước lên nhiều nấc nữa. Đó không phải là nấc thang của danh vọng, mà là nấc thang của sự hiểu biết và lật mở các vấn đề”, nhà báo Hồ Trí chia sẻ.
Dưới những tán cây rợp bóng của một quán cà phê nhỏ gần Đài Truyền hình Việt Nam, không gian tĩnh lặng như tách biệt khỏi nhịp sống hối hả bên ngoài. Giữa khung cảnh ấy, chúng tôi gặp nhà báo Hồ Trí – người đã có hơn một thập kỷ lăn lộn trong nghề với những phóng sự sắc sảo, gai góc. Anh đến với dáng vẻ điềm tĩnh nhưng ẩn chứa một nguồn năng lượng mạnh mẽ. Một cuộc trò chuyện cởi mở bắt đầu, xoay quanh nghề báo, những trải nghiệm, suy tư và cả những câu chuyện ít khi được kể.
PV: Giữa nhiều thể loại báo chí có thể theo đuổi, điều gì đã thôi thúc anh chọn báo chí điều tra, và đặc biệt là điều tra ở loại hình truyền hình, thay vì báo in hay báo mạng?
Tôi đến với báo chí không phải từ một kế hoạch được định sẵn, mà có lẽ từ duyên nợ. Xuất phát điểm của tôi là sư phạm - một môi trường có tính khuôn mẫu, ổn định, nhưng càng học, tôi càng nhận ra bản thân không thật sự phù hợp. Tôi là người ưa dịch chuyển, tò mò trước những điều mới mẻ và luôn khao khát khám phá những điều ẩn giấu sau vẻ bề ngoài của cuộc sống. Báo chí cho tôi cơ hội ấy.
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình thích viết và có thể sẽ theo đuổi báo in - thể loại báo chí phổ biến nhất thời điểm đó. Nhưng trong quá trình học tập và thực hành, tôi nhận ra mình có tư duy hình ảnh khá tốt, thích kể chuyện qua góc máy hơn là chỉ dùng câu chữ.
Phóng viên trao đổi với nhà báo Hồ Trí. (Ảnh: Mai Chi)
Tôi không bước vào báo chí điều tra ngay từ đầu. Như nhiều người mới vào nghề, tôi khởi điểm bằng những đề tài nhẹ nhàng về văn hóa, giải trí, rồi dần dần chuyển sang phản ánh các vấn đề xã hội. Nhưng rồi có những câu chuyện khiến tôi trăn trở: Tại sao rừng ngày càng bị thu hẹp như thế, tại sao lại trao cho người nghèo những con bò bệnh? Càng làm, tôi càng cảm thấy nếu chỉ dừng lại ở phản ánh bề mặt, tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn. Đối với tôi, làm báo phản biện xã hội giống như bước trên những nấc thang, bước lên được một nấc rồi sẽ có khao khát bước lên nhiều nấc nữa. Đó không phải là nấc thang của danh vọng, mà là nấc thang của sự hiểu biết và lật mở các vấn đề.
PV: Hơn 10 năm dấn thân vào mảng điều tra, anh đã nhận lại những giá trị gì?
Tôi thấy bản thân mình “được” rất nhiều. Trước hết, đó là kiến thức và sự thấu hiểu. Với tôi, làm báo không chỉ đơn thuần là đi tìm kiếm sự thật, mà còn là quá trình tiếp xúc với đủ kiểu số phận, đủ tầng lớp trong xã hội. Càng đi, tôi càng trau dồi thêm cho mình nhiều góc nhìn, tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống mà tiền chưa chắc đã mua được. Điều thứ hai mà tôi có được chính là sức bền và sự kiên định.
Ví dụ, trong phóng sự “Rừng kêu cứu”, đội ngũ chúng tôi có thuê một bạn nam - một trong những võ sư giỏi nhất tỉnh Đắk Lắk dẫn đường. Tuy nhiên, với địa hình núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt cùng quãng đường di chuyển dài, bạn ấy đã dừng lại sau 2 ngày vì không đảm bảo được sức khỏe. Còn chúng tôi, chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục đi, đi nhiều ngày sau đó để hoàn thành nhiệm vụ. Và điều kỳ lạ là, không một ai trong đội ngũ thấy mệt.
Cuối cùng, tôi học được cách “không biết sợ”. Sự thật là ai cũng có nỗi sợ của riêng mình nhưng với tôi, khi biết sự thật mà không dám nói lên sự thật thì nó sẽ trở thành tội lỗi lớn.
PV: Trong rất nhiều những tác phẩm có sức ảnh hưởng mà anh từng thực hiện như Rừng kêu cứu, Tour du lịch 0 đồng, Bò bệnh vượt rào tới tay hộ nghèo,... “Bẫy” có phải là vụ lớn và nguy hiểm nhất mà anh thực hiện?
Mỗi tác phẩm điều tra đều có tính chất và mức độ rủi ro riêng, khá khó để so sánh cái nào nguy hiểm hơn. Ví dụ, “Rừng kêu cứu” hay “Bẫy” đều có những thách thức đặc thù, phụ thuộc vào bối cảnh và thời điểm thực hiện.
Cụ thể, khi thực hiện “Rừng kêu cứu” vào năm 2016, tôi còn non trẻ cả về tuổi nghề lẫn kinh nghiệm thực tế. Những gì lúc đó tôi xem là khó khăn, có thể bây giờ nhìn lại đã đơn giản hơn. Nhưng ở thời điểm đó, nó là một thử thách lớn. Với tôi, điều quan trọng không phải là so sánh mức độ nguy hiểm, mà là cách mình đối diện, xử lý và học được gì sau những tình huống đó.
PV: Anh có thể kể lại câu chuyện đáng nhớ nhất khi tác nghiệp?
“Rừng kêu cứu” và “Bẫy” là hai tác phẩm để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, bởi chúng đều là những lĩnh vực mà tôi lần đầu tiếp cận, ở những địa bàn hoàn toàn xa lạ.
Cảm giác ban đầu rất mơ hồ, giống như đi trong bóng tối, phải vừa đi vừa phán đoán, từng bước khám phá vấn đề. Đối với “Rừng kêu cứu”, khi tôi và đồng nghiệp theo dõi một chuyến xe gỗ lậu xuyên rừng. Chúng tôi phải chia nhau ra để ghi lại bằng chứng: tôi chạy xe máy đi trước, tìm vị trí quay cảnh xe gỗ lọt qua trạm kiểm lâm, còn quay phim bám theo trên xe để ghi lại cách chúng vận chuyển, trao đổi.
Giữa núi rừng tối đen, tôi lao đi trong sương mù dày đặc, không biết mình đang chạy về đâu. Chiếc xe cào cào xóc nảy liên tục, cảm giác như chỉ cần lệch tay lái là có thể lao xuống vực. Đến điểm hẹn, tôi đứng đợi. Hai giờ… bốn giờ sáng… vẫn không thấy quay phim xuất hiện. Lúc ấy, lần đầu tiên khi hành nghề, tôi hoảng sợ - không phải sợ cho bản thân, mà sợ cho người đồng hành. Nếu quay phim bị phát hiện, chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng có đánh anh ấy không? Có vứt xuống hố không? Tôi bắt đầu tự trách mình: Vì sao không đi cùng nhau? Vì sao lại tách ra?
PV: Vậy còn đối với “Bẫy thì sao, thưa anh?
Năm 2022, khi thực hiện “Bẫy”, khoảnh khắc khiến tôi sợ hãi nhất không phải là lúc tiếp cận các đối tượng buôn người, mà là khi đưa các nạn nhân rời khỏi đó.
Tôi chỉ mất bảy ngày để tìm ra con đường thoát, nhưng do dự đến ba ngày để quyết định có thực hiện kế hoạch hay không. Bởi, đây là phương án có khả năng đưa được nhiều người ra nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất - nếu bị phát hiện, hậu quả sẽ khó lường. Ba ngày trước khi hành động, tôi lo lắng tột độ, đến mức dạ dày liên tục trào ngược, quặn thắt, tim đập nhanh, tinh thần căng như dây đàn. Tôi không ăn được gì, chỉ uống nước cầm hơi.
Tôi không sợ cho bản thân, mà sợ vì tôi đang nắm trong tay số phận của nhiều người. Từng bước đi, từng quyết định đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Nếu ai đó trượt chân, nếu có sơ suất nhỏ, mọi thứ sẽ sụp đổ. Cảm giác đó khiến tôi liên tục đặt câu hỏi: Liệu mình có đang đưa ra quyết định đúng đắn?
PV: Nhắc tới Hồ Trí là nhắc tới rất nhiều giải thưởng danh giá, nhất là Bẫy - tác phẩm góp mặt trong hầu hết các giải Báo chí và Liên hoan phim lớn. Thành công như vậy, “Bẫy” có phải là cái “bóng” quá lớn đối với anh?
Tất nhiên, “Bẫy” là một dấu mốc quan trọng, và đôi khi, nó cũng trở thành một thử thách đối với tôi. Mỗi khi bắt tay vào một tác phẩm mới, tôi luôn tự hỏi: Liệu nó có đủ dấu ấn không? Liệu có vượt qua được cái bóng của “Bẫy” không? Đó là một rào cản tâm lý mà tôi phải tự vượt qua.
Nhưng thay vì để điều đó trở thành áp lực, tôi chọn cách nhìn nó như một lợi thế. Khi đã có những trải nghiệm nhất định, mình có cơ hội nhìn lại, đánh giá và học hỏi từ chính những gì mình đã làm. Tôi không đặt nặng chuyện phải làm hơn ai khác, mà quan trọng là làm tốt hơn chính mình của ngày hôm qua.
Quan trọng hơn, tôi hiểu rằng có những người đang kỳ vọng vào mình - khán giả, đồng nghiệp, thậm chí là những nhân vật tôi từng phản ánh. Điều đó tạo cho tôi động lực để tiếp tục, không chỉ để chinh phục bản thân mà còn để mang đến những tác phẩm có giá trị thực sự. Đôi khi, trong những tình huống thử thách nhất, mình mới nhận ra khả năng của bản thân đến đâu. Và đó cũng chính là lý do để tôi không ngừng tiến về phía trước.
PV: Những tình huống nguy hiểm ở mỗi vụ việc lại có diễn biến rất khác nhau. Anh đã phải ứng biến linh hoạt như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho chính mình nhưng cũng vừa có thể xử lý thông tin, mang được sự thật đến công chúng?
Khi tác nghiệp, đảm bảo an toàn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng an toàn không có nghĩa là tránh né nguy hiểm, mà là biết cách nhận diện, đánh giá rủi ro và có phương án xử lý phù hợp.
Trước khi thực hiện một phóng sự, tôi luôn cố gắng tìm hiểu kỹ về địa bàn, về những nguy cơ có thể gặp phải. Ngoài bản thân, tôi còn cần đảm bảo an toàn cho cả đội ngũ. Mỗi thành viên trong đội đều phải hiểu rõ mình có thể đối diện với điều gì và cùng thống nhất phương án thoát hiểm nếu có sự cố xảy ra.
Chẳng hạn, trong “Rừng kêu cứu”, tôi từng giấu máy quay trong túi đeo lưng và bị lâm tặc nghi ngờ. Chúng tò mò đòi xem, tôi lập tức trả lời một cách vui vẻ: “Tôi đi bắt tắc kè với kỳ nhông, ông có tiền mua thì tôi cho xem, không thì thôi”. Cách xử lý lúc đó của tôi đã khiến lâm tặc lầm lì bỏ đi, sau đó chúng tôi rút lui một cách thành công.
PV: Anh đã từng bị các đối tượng điều tra đe doạ hay chưa, thưa anh?
Tôi chưa từng bị đe doạ. Hơn 10 năm làm nghề trong mảng phản biện xã hội, tôi đều giữ cho mình sự “lặng”. “Lặng” để tập trung phân tích vấn đề, để xử trí trước những tình huống bất chợt xảy ra. Và các đối tượng họ không thể biết rằng tôi đang tác nghiệp.
PV. Anh có coi đó là một sự may mắn hơn so với các phóng viên điều tra khác?
(Cười). Tôi không biết nữa, vì nó còn phụ thuộc vào từng phóng viên. Có nghĩa là khi làm việc, mình có sự kín kẽ, khiêm tốn thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn. Ngược lại, khi những tác phẩm đến được với những đối tượng, họ xem được và thấy những thông tin mình đưa ra quá chuẩn xác thì họ không còn cơ sở để kiện hay làm hại mình nữa.
PV: Khi nhắc đến anh hay bất kỳ phóng viên điều tra nào, người ta đều nói về “sự thật”. Vậy trong các tác phẩm của mình, sự thật được anh ưu tiên thể hiện như thế nào?
Theo tôi, không phải sự thật nào cũng nên mô tả một cách trần trụi. Có những sự thật quá đau lòng, nếu khai thác không khéo, có thể gây tổn thương cho những người liên quan hoặc vô tình kích động những phản ứng cực đoan trong xã hội.
Chẳng hạn, khi thực hiện “Bẫy”, có rất nhiều tư liệu tôi thu thập được, nhưng không thể đưa lên hết. Một phần vì những câu chuyện trong đó quá khắc nghiệt, liên quan đến số phận của những người bị lừa bán, đến những góc khuất ít ai ngờ tới. Nếu đi quá sâu vào những chi tiết đó, có thể gây tác động tâm lý mạnh cho người xem, đôi khi không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố cần cân nhắc khi phản ánh. Ví dụ, có những tình tiết liên quan đến trách nhiệm của một số cá nhân hoặc tổ chức, nhưng nếu đặt quá nặng vào đó, có thể vô tình làm chệch hướng mục tiêu ban đầu của tác phẩm.
PV: Trong công việc, Hồ Trí là một người bản lĩnh và quyết liệt. Vậy ngoài đời, anh là một người như thế nào?
Ngoài công việc, tôi không phải là một người quá sôi nổi. Những thứ như karaoke, tụ tập ồn ào không phải sở thích của tôi. Tôi trầm tính, nhưng không có nghĩa là hiền.
Về đời sống cá nhân, tôi cũng ít khi chia sẻ. Làm báo điều tra là nghề không chỉ ảnh hưởng đến mình, mà còn đến cả gia đình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để những người thân không bị cuốn vào công việc của mình. Đôi khi, càng kể nhiều, họ lại càng lo lắng. Vậy nên, tôi chọn cách giữ lại một khoảng riêng tư, để bản thân có sự cân bằng, và để những người xung quanh không phải lo lắng quá nhiều về những gì tôi đang làm.
“Ngoài công việc, tôi không phải là một người quá sôi nổi” - Anh Trí bộc bạch. (Ảnh: Mai Chi)
PV: Được biết, vợ anh cũng là một phóng viên điều tra. Khi cả hai cùng làm chung một lĩnh vực, anh cảm nhận như thế nào?
Khi cả hai vợ chồng cùng làm báo điều tra, đó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức. Thuận lợi lớn nhất là sự thấu hiểu - cả hai đều biết những áp lực của nghề, những khó khăn phải đối mặt, nên dễ thông cảm cho nhau hơn. Nhưng mặt khác, cả hai đều có cá tính mạnh, luôn theo đuổi quan điểm riêng, dẫn đến những cuộc tranh luận không tránh khỏi. Tranh luận có thể giúp nhìn nhận vấn đề sâu hơn, nhưng đôi khi cũng gay gắt đến mức tạo ra khoảng cách.
Một thách thức khác là quỹ thời gian. Cả hai đều đam mê công việc, muốn dành nhiều thời gian cho những dự án của mình, nên việc cân bằng giữa công việc và gia đình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Không thể nói rằng mọi thứ luôn suôn sẻ, nhưng quan trọng là biết cách dung hòa, biết lúc nào cần nhún nhường để giữ được sự hài hòa trong cuộc sống.
Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!
Nhà báo Hồ Trí, tên đầy đủ là Nguyễn Hồ Trí, sinh năm 1985 tại Quảng Nam. Anh tốt nghiệp ngữ văn tại Trường Đại học Đà Lạt và báo chí tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hồ Trí công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2014 đến nay. Hồ Trí ghi dấu ấn với bảng thành tích ấn tượng: Giải A giải báo chí quốc gia; Giải Cánh Diều vàng và các huy chương vàng, bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc… Hàng loạt phóng sự, phim tài liệu liên tiếp ra đời chinh phục người xem khó tính nhất, như: “Rừng kêu cứu”, “Làm sao bò bệnh lại “vượt rào” về với bà con được hỗ trợ”, “Tour du lịch 0 đồng”, “Cuộc chiến ong nội, ong ngoại ở Hà Giang vẫn chưa có hồi kết”, “Có hay không trưởng thôn ăn chặn tiền hỗ trợ lũ tại Quảng Bình”, “Bẫy”… |