Danh mục Thứ Tư, 22/01/2025
Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0
Cộng đồng nghệ sĩ tại Việt Nam vừa dậy sóng trước phát ngôn của “anh tài” Neko Lê về việc sử dụng AI trong ngành sáng tạo. Nam đạo diễn cho rằng con người không nên đối đầu AI mà hãy biến nó thành công cụ hữu ích, vì AI hiện nay đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Một mặt thừa nhận những lợi ích do AI đem lại, mặt khác cơn bão AI khiến văn nghệ sĩ phải đau đầu loay hoay khi miếng cơm manh áo bị đe dọa.

Trên đây chỉ là 4 trong rất nhiều tác phẩm có sự can thiệp của AI lần đầu đứng chung hàng ngũ với những nghệ sĩ xuất sắc nhất nhân loại. Sự xuất hiện của AI trong thế giới nghệ thuật được ví như “giọt nước cuối cùng” làm tràn ly, vì giờ đây, con người phải đối diện với sự thực rằng sáng tạo không còn là khả năng độc bản của họ. Mỗi ngày, chúng ta lại ngạc nhiên với những sáng tạo mới của AI, dù là hội họa, văn học, điện ảnh hay âm nhạc. Điều gây ấn tượng đối với chúng ta không chỉ là tính thẩm mỹ, trình độ hoàn thiện cao của các tác phẩm AI, mà vì cách AI sáng tạo ra chúng.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Đầu năm 2024, một người dùng mạng tên Donnel đã sử dụng AI để "hoàn thiện" tác phẩm "Bức tranh dang dở" của Keith Haring. Bức tranh được Haring vẽ vài tháng trước khi qua đời ở tuổi 31 vì biến chứng AIDS năm 1990 khi chỉ mới hoàn thiện một phần với nhiều nét bút chì dang dở. Phiên bản mới đã lấp đầy khoảng trống bằng những họa tiết đặc trưng theo phong cách Haring, nhưng hành động này sau đó lại gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt.

Các nhà phê bình cho rằng sự can thiệp này không chỉ làm mất đi ý nghĩa ban đầu của tác phẩm mà còn xóa nhòa thông điệp nhân văn sâu sắc. "Bức tranh dang dở" không chỉ đơn thuần là một tác phẩm chưa hoàn thiện, mà còn gợi lên hình ảnh những cuộc đời bị cắt ngắn vì AIDS – một mất mát đau thương và bi kịch không thể khỏa lấp. Một người dùng mạng xã hội nhận xét: “AI đã biến bức tranh mang đầy cảm xúc con người thành những nét vẽ vô nghĩa.” Một ý kiến khác thẳng thắn gọi việc này là xúc phạm di sản nghệ thuật của Haring và những bệnh nhân AIDS.

Việc "vẽ nốt" tranh, dù chỉ là dưới dạng kỹ thuật số, đã đặt ra câu hỏi về đạo đức trong việc sử dụng AI đối với di sản nghệ thuật. Liệu công nghệ có thật sự tôn vinh các tác phẩm quá khứ, hay chỉ đơn thuần áp đặt một góc nhìn hiện đại, bất chấp ý nghĩa nguyên bản và thông điệp của chúng?


Bức tranh gốc của Keith Haring (trái) và bản vẽ hoàn thiện của AI. Ảnh: Euronews

Nhiều lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm đã chỉ ra điều ngược lại: việc cảm nhận cảm xúc và gán ý định cho các đối tượng là một xu hướng phổ quát của con người. Nghiên cứu cho thấy, chúng ta thường nhìn nhận sự tác động hay ý đồ ngay cả ở những vật thể không thuộc về con người. Đặc biệt, khi đối mặt với máy tính và AI, con người dễ dàng tạo ra những tương tác cảm xúc mạnh mẽ. Các công trình nghiên cứu từ Mỹ củng cố: chúng ta không chỉ "nhìn thấy" cảm xúc và ý định trong AI mà còn phát triển mối quan hệ đồng cảm với công nghệ này qua từng ngày. 

Một xu hướng phát triển trong thực tế, đó là AI sẽ ngày càng tái tạo chính xác những điều con người có thể làm, bao gồm cả nghệ thuật. Khi các tác phẩm do con người sáng tạo ngày càng giống sản phẩm của máy tính, và sản phẩm do máy tính tạo ra ngày càng giống tác phẩm của con người, sự phân biệt rạch ròi có còn cần cần thiết? Niềm tin về một tác phẩm do con người hay AI tạo ra có còn quan trọng đến vậy?

Họa sĩ Dave McKean - một nghệ sĩ đa phương tiện chuyên minh họa sách, bìa album, truyện tranh bày tỏ sự lo lắng: “Chỉ mất khoảng vài phút để hiểu nguyên tắc của AI và chỉ sau một lần xem qua các kết quả để thấy được sức mạnh vô tận của nó, phản ứng ngay lập tức của tôi là: ‘Chà, sự nghiệp của mình thế là hết. Tại sao mọi người phải trả tiền cho tôi để làm bìa album, trong khi bất cứ ai cũng có thể nhập một vài từ vào một chương trình, và trong vài phút đã có thể nhận được một tác phẩm hoàn thiện hoàn toàn miễn phí’”.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Dưới bài đăng gây tranh cãi của đạo diễn Neko Lê, một người bình luận phản bác: “Chúng tôi sáng tạo bằng chất xám, còn AI chỉ sao chép. Làm sao có thể xem AI như công cụ đơn thuần khi nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của chúng tôi?” 

Lập luận này không hẳn là không có cơ sở khi trong lịch sử, loài người đã từng vô số lần chống lại công nghệ mới. Tại Anh trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, khi các máy dệt tự động và máy móc công nghiệp được đưa vào sử dụng, làm giảm nhu cầu lao động thủ công. Người lao động, đặc biệt là thợ dệt đã phá hủy máy móc vì cho rằng chúng đe dọa sinh kế của họ. Máy rút tiền tự động (ATM) xuất hiện vào những năm 1970 gây lo ngại rằng công nghệ này sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao dịch tại ngân hàng. Nhiều người lao động trong ngành ngân hàng phản đối, yêu cầu các ngân hàng duy trì nhân sự. Rốt cuộc, thời gian đã đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: công nghệ vẫn phát triển, xã hội vẫn đi lên, và con người thì ngày càng học cách thích nghi, tận dụng những tiến bộ để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Trần Huy Việt (21 tuổi, designer), đồng tình với quan điểm nên coi AI là công cụ, song, cần sử dụng đúng và đủ để phát huy tiềm năng của nó. Đồng thời, nhà thiết kế trẻ này cũng hạn chế việc trao quyền để AI học hỏi và lĩnh hội những kỹ năng đặc trưng mà chỉ con người mới có thể thực hiện. “Để hoàn thiện một tác phẩm, AI thường tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn và xử lý lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, quá trình này không tránh khỏi những sai sót cơ bản. Chẳng hạn, trong xử lý hình ảnh, AI có thể tạo ra những đồ vật bị méo mó, đặc biệt ở các chi tiết xa hoặc ẩn phía sau, hay gặp lỗi trong việc tái hiện hình dáng của chủ thể chính. Trong lĩnh vực văn chương, các tác phẩm do AI tạo ra dễ bị chi phối bởi cảm xúc hoặc hướng dẫn từ người dùng, dẫn đến thành phẩm có phần gượng gạo, thiếu sự mượt mà và tinh tế”, Việt cho hay.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Cần khẳng định rõ rằng, các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra không chỉ là những sản phẩm kỹ thuật đơn thuần, mà là kết quả của các thuật toán tiên tiến được thiết kế để học hỏi, phân tích và tái hiện tri thức “sẵn có” của nhân loại. Những tác phẩm này, dù được thể hiện dưới dạng hình ảnh, văn bản hay âm thanh, đều dựa trên dữ liệu nguồn từ các nội dung, hình ảnh, tranh vẽ đã tồn tại. Chính vì thế, dù mang vẻ ngoài mới mẻ và độc đáo, các tác phẩm do AI tạo ra tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền và đạo đức sử dụng. Nguy cơ này càng trở nên rõ nét khi AI không chỉ sao chép mà còn cải biên, trộn lẫn và tái cấu trúc dữ liệu từ các tác phẩm gốc, đôi khi không thể xác định ranh giới rõ ràng giữa sáng tạo và sao chép.

Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nhà quản lý, nhà lập pháp và cộng đồng sáng tạo phải xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, đảm bảo cân bằng giữa khuyến khích đổi mới và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tác giả ban đầu. Đồng thời, cần nhấn mạnh trách nhiệm minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu đầu vào của các hệ thống AI, nhằm tránh nguy cơ lạm dụng và vi phạm đạo đức sáng tạo. 

Các quốc gia trên thế giới hiện có những cách tiếp cận khác nhau về việc xác định quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Tại Úc, Đạo luật Bản quyền 1968 (Cth) quy định rõ rằng chỉ các tác phẩm được con người sáng tạo mới được công nhận quyền tác giả. Tương tự, tại Mỹ, Cục Bản quyền Hoa Kỳ khẳng định rằng chỉ các tác phẩm do hoạt động sáng tạo của con người mới đủ điều kiện đăng ký bản quyền. Điều này đồng nghĩa, các sản phẩm tạo ra bởi AI tại Mỹ không được pháp luật bảo hộ và có thể được coi là tài sản công cộng.

Ngược lại, tại Vương quốc Anh, Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế năm 1988 (CDPA) đã sớm ghi nhận quyền tác giả cho lập trình viên – những người tạo ra các chương trình AI. Quy định này sau đó đã trở thành cơ sở để cuối năm 2023, Getty Images đã đưa ra một loạt cáo buộc nhằm vào Stability AI, cho rằng công ty này đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ. Cụ thể, Stability AI đã xâm phạm bản quyền thông qua hai cách chính: (1) sử dụng hình ảnh có bản quyền để đào tạo và phát triển hệ thống Stable Diffusion (giai đoạn đào tạo mô hình AI thông qua dữ liệu hình ảnh được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau) mà không được cấp phép, và (2) sản xuất đầu ra từ hệ thống AI với nội dung sao chép phần lớn hoặc mang dấu hiệu đặc trưng của các tác phẩm có bản quyền thuộc sở hữu của Getty. Ngoài ra, Getty còn cáo buộc Stability AI vi phạm quyền cơ sở dữ liệu, nhãn hiệu và các luật chống giả mạo, đồng thời buộc tội họ thực hiện vi phạm bản quyền thứ cấp khi cung cấp các sản phẩm AI trên nền tảng như GitHub, HuggingFace và DreamStudio mà không có sự đồng ý hợp pháp.

Đáp lại, Stability AI phủ nhận trách nhiệm đối với các khiếu nại trên và lập luận rằng không có hành vi vi phạm nào xảy ra trong quá trình đào tạo hệ thống AI. Stability AI thừa nhận rằng một số hình ảnh từ các trang web của Getty có thể đã được sử dụng trong giai đoạn đào tạo Stable Diffusion, nhưng khẳng định rằng các tác phẩm đầu ra được tạo ra hoàn toàn độc lập, không sao chép hoặc ghi nhớ bất kỳ hình ảnh nào từ cơ sở dữ liệu gốc mà chỉ sử dụng dữ liệu huấn luyện để xây dựng các tham số tối ưu, qua đó tạo ra hình ảnh mới dựa trên sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố khác. Đơn vị này lập luận rằng đầu ra của hệ thống thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng lời nhắc văn bản hoặc hình ảnh đầu vào, và do đó, không thể coi là sao chép tác phẩm có bản quyền. Trong trường hợp người dùng tạo ra nội dung vi phạm, đó là hành động cá nhân của người dùng, không phải do hệ thống AI hoặc công ty gây ra.

Một điểm tranh cãi lớn khác là vấn đề địa điểm diễn ra quá trình đào tạo và phát triển hệ thống AI của Stability AI. Công ty này lập luận rằng các hoạt động chính trong giai đoạn phát triển và đào tạo Stable Diffusion đều diễn ra ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh. Họ nhấn mạnh rằng các nhân viên tại Anh không tham gia vào giai đoạn này, và mọi dữ liệu, tài nguyên liên quan đều được xử lý bên ngoài Vương quốc Anh. Nếu lập luận này được chấp nhận, các cáo buộc liên quan đến quá trình đào tạo sẽ nằm ngoài phạm vi quyền hạn của Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế năm 1988.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Thẩm phán Tòa án Tối cao, bà Justice Joanna Smith, đã xem xét “vấn đề địa điểm” khi đánh giá đơn xin bãi bỏ vụ kiện của Stability AI vào năm ngoái. Bà nhận định rằng, với những bằng chứng hạn chế tại thời điểm đó, có khả năng quá trình phát triển và đào tạo công nghệ Stable Diffusion không diễn ra ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải tổ chức phiên tòa để Getty có cơ hội cung cấp bằng chứng phản bác trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài ra, bà cũng chỉ ra rằng một số bằng chứng ủng hộ lập luận của Stability AI, nhưng việc tiết lộ thêm tài liệu trong vụ án có thể làm rõ hoặc thay đổi thông tin về địa điểm thực sự của quá trình phát triển và đào tạo này. Bà nhấn mạnh: “Vấn đề địa điểm hiện tại chưa thể được xác định một cách chắc chắn, và tôi không thể khẳng định rằng cáo buộc của [Getty] sẽ thất bại”.

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Vụ kiện giữa Getty Images và Stability AI có thể tạo tiền lệ pháp lý quan trọng không chỉ cho Vương quốc Anh mà còn cho nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh sóng xung kích của “quả bom” AI đang bùng nổ toàn cầu, đây có thể là động cơ thúc đẩy việc cải cách luật bản quyền, nhằm giải quyết những thách thức mới nảy sinh từ sự phát triển mạnh mẽ của AI. Các nhà lập pháp có thể cần xem xét cách quy định về việc sử dụng dữ liệu có bản quyền để đào tạo hệ thống AI, cũng như làm rõ trách nhiệm của các nhà phát triển AI khi sản phẩm của họ tạo ra nội dung có thể vi phạm bản quyền.

Tại Việt Nam, ngoài những chính sách phát triển AI, hệ thống pháp lý vẫn chưa tiếp cận rõ ràng cho AI . Hay nói cách khác, chưa có quy định cụ thể  xác định tư cách pháp lý của AI khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.

Luật sư Trương Anh Tuấn nhận định hiện tại luật dân sự ở Việt Nam có các quy định rõ ràng về việc công nhận bản quyền quy định chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức (BLDS 2015), do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI là những chủ thể trong pháp luật. Ngoài ra, những nội dung được tạo lập bằng trí tuệ nhân tạo chủ yếu vẫn phải được nhập lệnh thông qua yêu cầu của người dùng. Chính vì vậy, bản thân người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm khi cung cấp nội dung do AI tạo ra. 

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (được sửa đổi mới nhất năm 2022) cũng chưa có quy định quy định về trí tuệ nhân tạo. Theo đó, điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định về chủ thể quyền tác giả bao gồm: “tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo công ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên”.

 

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Người nghệ sĩ, dù nghiệp dư thì giá trị lao động của họ cũng được kiến thiết từ trí óc sáng tạo, hoàn toàn không giới hạn trong hiểu biết hữu hạn của “bể thông tin” AI, và quá trình đạt đến một kết quả duy mỹ cũng không nằm ở những câu lệnh chatbot vô tri, mà đến từ quá trình lao động nghệ thuật miệt mài. Một khoảnh khắc trăn trở, một sự bừng thức khi khám phá ra chân lý của cái đẹp,... Tất cả sự nỗ lực ấy mới là những “tác phẩm nghệ thuật” thật sự, chính sự hy sinh, chính câu chuyện làm nên nó, chứ không hẳn nằm trong bề mặt nổi của tác phẩm. 

Nhà báo, nhà văn Trần Hữu Việt (Nguyên Trưởng ban Văn hoá - Văn nghệ, Báo Nhân Dân) khẳng định: “Trong thực tế AI chỉ là một công cụ, dù thông minh, nhưng thuật toán của nó chỉ cho phép thu thập thông tin đã có trước đó của con người trên những nền tảng khác nhau. Nếu chúng ta không có đầy đủ nền tảng kiến thức và ý tưởng sẽ dễ bị “sa lầy” trong bể thông tin.”

 

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Công nghệ phát triển với mục đích phục vụ cuộc sống của con người được tốt hơn. Những người làm nghệ thuật hoàn toàn có thể tận dụng AI để phát triển, học tập kỹ năng cho mục đích sáng tạo nghệ thuật. 

Ông Nguyễn Hoàng Nhật (Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus) cho rằng, trong câu chuyện dùng AI đúng và “trúng”, ý thức của người dùng là điều quan trọng nhất. "AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà đã trở thành yếu tố định hình lại cách chúng ta làm việc trong nhiều lĩnh vực. Nếu bạn không nhanh chóng nắm bắt và sử dụng công nghệ này, chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta đang chứng kiến những người không phải chuyên gia cũng có thể vươn lên dẫn đầu chỉ bằng việc biết cách tận dụng AI – từ sáng tạo nội dung đến tối ưu hóa quy trình. Nhưng hãy nhớ rằng, AI không phải là phép màu tự động thay thế trí tuệ con người. Nó yêu cầu chúng ta liên tục học hỏi, thích nghi và sáng tạo để khai thác tối đa tiềm năng mà nó mang lại. Tận dụng công nghệ này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn mở ra những cơ hội hoàn toàn mới, thay đổi cục diện của bất kỳ ngành nghề nào."

 

Nghệ thuật lâm nguy trước cơn bão AI -0

Người trẻ với lợi thế của mình luôn nhanh nhạy với sự phát triển của công nghệ, biết tận dụng, khai thác công nghệ để phục vụ cuộc sống. Là một nhà văn trẻ với 4 năm kinh nghiệm, chị Lăng Tranh cho biết bản thân chỉ vừa mới tìm hiểu AI gần đây nhưng vô cùng bất ngờ với khả năng mà công nghệ này đem lại. Tuy nhiên, theo chị, cốt lõi của văn chương vẫn là cảm hứng và cảm xúc. Điều này chỉ có thể được tích lũy thông qua kinh nghiệm và trải nghiệm tự thân, tự mình khám phá hết cung bậc vui - buồn. Chỉ khi thăng hoa với một chân giá trị nào đó, tác phẩm mới thực sự có ý nghĩa. “AI tuyệt vời thật nhưng mình không nghĩ sẽ lạm dụng, mà thay vào đó mình dùng từ ‘ứng dụng’. Trước mắt AI không thể viết ra những bài thơ như đúng ý mình mong muốn, nhưng đây sẽ là công cụ rất hữu ích để tổng hợp và nghiên cứu thông tin, tất nhiên là phải chắt lọc và kiểm chứng”, nữ nhà văn cho biết. 

Khi chiếc máy ảnh đầu tiên ra đời, nhiều người lo ngại rằng đây sẽ là dấu chấm hết cho hội họa. Thế nhưng, hàng trăm năm sau, cả nhiếp ảnh và hội họa đều khẳng định được vị trí riêng trong thế giới nghệ thuật rộng lớn. Con người, với tư cách là chủ nhân của mọi công nghệ tiên tiến nhất, luôn biết cách biến hóa công cụ phục vụ cho sự sáng tạo và khát vọng thẩm mỹ của mình. Thay vì triệt tiêu lẫn nhau, nhiếp ảnh và hội họa đã tìm được cách tồn tại song song, bổ sung và tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật dưới những góc nhìn khác biệt. Hội họa mở ra thế giới của cảm xúc, trí tưởng tượng và những xúc cảm nội tâm, trong khi nhiếp ảnh ghi lại những khoảnh khắc chân thực, lột tả cuộc sống qua lăng kính hiện thực. Chính sự đồng hành này là minh chứng cho khả năng thích nghi và sáng tạo vô hạn của con người – nơi công nghệ không làm phai mờ giá trị truyền thống, mà trở thành động lực để xã hội phát triển lên những tầm cao mới.

Hiện tại, AI vẫn chưa đủ khả năng thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật do thiếu đi cảm xúc và chiều sâu rung động. Tuy nhiên, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo chính là lời cảnh báo mạnh mẽ dành cho giới nghệ thuật. Trong bối cảnh thời đại luôn thay đổi, với những bước tiến vượt bậc của công nghệ, các nghệ sĩ cần phải đầu tư nhiều hơn vào chất lượng và ý nghĩa của từng tác phẩm. Những gì đơn điệu, máy móc đã có AI đảm nhiệm. Con người hãy tận dụng trái tim, khối óc và trải nghiệm cá nhân để tạo ra nghệ thuật thực sự. Bởi nếu chúng ta đứng yên trong khi AI không ngừng cải tiến, viễn cảnh con người bị thay thế hoàn toàn không còn là điều viển vông.

Trải nghiệm phiên bản shorthand tại đây:

https://preview.shorthand.com/aVlrXeMX1K1MR8zX

Trình bày: Hoàng Hiệp

Ảnh: NVCC, Internet