Xuất thân là một người lính pháo binh trong thời kháng chiến chống Mỹ, nghệ sĩ Đào Quang Minh không chỉ là một người chiến sĩ anh dũng trên chiến trường mà còn là “người cầm bút” tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Cho đến sau này, ông thực sự thành công với vai trò nhiếp ảnh gia và đạt được vô số thành tựu trong và ngoài nước.
Ông là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà báo và Nhạc sĩ Đào Quang Minh. Hiện nay, ông đang là Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ngoài ra, ông còn là đạt Tước hiệu EVAPA/G, hay còn được biết đến là danh hiệu Nghệ sĩ Đặc biệt Xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong một buổi chiều chớm đông đầu tháng 12, chúng tôi đã có dịp lắng nghe nhiếp ảnh gia Đào Quang Minh chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và niềm đam mê nghệ thuật của ông. Ngồi cùng người nghệ sĩ đã gắn bó với chiếc máy ảnh suốt bao năm tháng cuộc đời, chúng tôi cảm nhận được trong những tâm sự của ông chất chứa thật nhiều tình yêu. Đó là tình yêu nghề, tình yêu nghệ thuật và tình yêu cuộc sống.
Nói về quãng đời của mình, ông chỉ tóm lược lại bằng vài câu đơn giản: “Trước, ông là một người lính. Sau khi đi bộ đội, ông về làm ở công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội, rồi chuyển về báo Người Hà Nội năm 1987 và làm phóng viên đến khi về hưu”. Từng là một phóng viên, song ông vẫn coi nhiếp ảnh là “cái thú” lớn nhất trong suốt cuộc đời mình. Ông gọi đó là “cái thú” bởi khi làm nhiếp ảnh gia, ông có thể “chụp lại những khoảnh khắc, để lại cái đẹp cho đời và thông qua bức ảnh nói lên tình cảm của bản thân”.
Việc làm báo và trở thành nhiếp ảnh gia với ông cũng có thể coi là cơ duyên. Ông kể rằng thực ra ông đã từng đi chụp từ hồi lớp 5. Máy ảnh thời ấy còn là máy cộp của Liên Xô và khi anh bạn cho mượn máy để đi chụp, ông bắt đầu có lòng đam mê với nhiếp ảnh. Sau đó khi vào đơn vị trinh sát pháo binh, cơ duyên được tiếp xúc với ống kính của máy phương hướng bàn và máy đo xa đã khiến tình yêu nhiếp ảnh trong ông “thấm vào máu”. Khi về, ông tiếp tục đi chụp ảnh và được cử đi học nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Việt Nam. Từ đó, ông chính thức theo nghiệp nhiếp ảnh, lấy những chiếc máy ảnh là người bạn đồng hành. Cứ như vậy, “người ta thấy ông có tài năng nên cử ông về làm cho báo Người Hà Nội”, ông chia sẻ. Người giới thiệu ông về làm cho báo Người Hà Nội chính là cụ Tô Hoài – cách ông gọi người Thủ trưởng mà ông hết mực quý trọng. Cho đến bây giờ ông vẫn nhớ mãi hình ảnh cụ Tô Hoài chú ý chăm sóc đến từng cán bộ công nhân viên và khẳng định Tô Hoài là con người đáng kính trọng, đáng quý của nền văn học Việt Nam.
Khi được hỏi về khoảng thời gian vừa làm phóng viên vừa làm nhiếp ảnh gia, ông thẳng thắn bày tỏ: “Thực tế ông làm báo nhưng với ông báo ảnh là chính, viết là phụ. Nhưng trong đó sự đan xen ảnh của ông là minh họa cho những bài viết, đó cũng là điều rất hay”. Có thể nói, đối với ông, niềm đam mê với nhiếp ảnh, với việc đi chụp, với những bức ảnh là niềm đam mê lớn nhất và cũng là điều khiến ông thực sự tự hào.
Chuyến đi công tác mà ông nhớ nhất là chuyến đi Trường Sa năm 1994. Năm ấy, ông được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cử đi công tác ở Trường Sa. Đây là một chuyến đi công tác chính trị nên ông cùng đồng nghiệp vô cùng hào hứng. Với một Trường Sa chỉ nghe qua sách báo, khi được đi trực tiếp, tận mắt nhìn thấy Trường Sa với cuộc sống sinh hoạt của những người lính biển bảo vệ quê hương, ông đã rất xúc động. Trên con tàu ra đảo, ông đã gặp một người bạn ngày xưa và cũng là lính trinh sát Pháo binh của Binh đoàn 208 thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh, đó là Đại tá Lê Xuân Bạ - Bí thư Huyện ủy của Trường Sa bấy giờ. Khi ấy, việc được đi ra Trường Sa là vinh dự không phải nhà báo nào cũng có được, là điều rất thú vị mà cả cuộc đời này ông sẽ nhớ mãi. Cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa thời bấy giờ rất gian khổ, khi nước ngọt, phương tiện đi lại, vũ khí đạn dược chưa đầy đủ phát triển như bây giờ. Chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần, cả đoàn tác nghiệp của ông hay gặp những cơn bão lớn với sóng gió mạnh, khiến cho cả những người lính Hà Nội như ông cũng phải cảm thấy thật vất vả và mệt nhọc. Câu chuyện tác nghiệp gian nan với “những con sóng nhớ đời hơn cả” là vậy, song ông cùng đoàn vẫn dành tình cảm sâu sắc cho Trường Sa, cho chuyến đi ấy, chuyến đi đã giúp họ đạt được mơ ước cả đời của biết bao nhà báo.
Hình ảnh ông trong chuyến đi tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 1994.
Khó khăn trong nghề không chỉ dừng lại ở những chuyến xa nhà đi tác nghiệp. Ngày trước, máy ảnh chưa có nhiều, bản thân ông đã có máy ảnh phim nhưng khi sử dụng máy vẫn thấy có nhiều hạn chế. Máy móc thiết bị lúc ấy chưa tốt, phim để chụp lại là phim còn thừa của xưởng phim khiến độ nhạy phim cũng kém. Phim đắt đỏ, máy ảnh và ống kính chưa tốt nên ông phải suy nghĩ, trăn trở, chụp thật cẩn thận, tỉ mỉ và đan xen cảm xúc của mình vào đó để có tác phẩm tốt nhất. Ngày nay, máy móc rất hiện đại nhưng theo ông, nhiều người lại chưa đặt hết tâm tư, tình cảm, cách nhìn, sự yêu mến của bản thân vào lao động nghề nghiệp. Khó khăn mỗi thời lại khác nhưng với ông, những người yêu nghề và làm nghề đích thực sẽ biết khắc phục những khó khăn ấy, để sống đúng với đam mê, tâm huyết của họ.
Ông cho chúng tôi xem rất nhiều tác phẩm mà ông tâm đắc, đó là những bức ảnh chân dung, từ những nghệ sĩ nổi tiếng đến những em bé ở Tả Phìn, Sapa. Ông đã từng chụp ảnh chân dung của không ít nghệ sĩ, trong đó nổi bật có họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà văn Tô Hoài. Về bức chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái, bức ảnh này giúp ông nhận được các giải thưởng nhiếp ảnh lớn như giải Nhì Triển lãm ảnh Khu vực Hà Nội, giải C giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc năm 2014, giải C Xuất sắc Triển lãm ảnh “Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đồng hành cùng đất nước 30 đổi mới” (1986-2016). Ông kể rằng ông đã bắt gặp họa sĩ tài ba này bên góc phố Hàng Buồm, dưới một mái nhà cổ kính, và tựa như chỉ trong một khoảnh khắc, ông đã “chộp” được hình ảnh Bùi Xuân Phái, đây cũng chính là bức ảnh cuối cùng của cố họa sĩ. Nhưng riêng chúng tôi, đọng lại nhất là bức ảnh em bé Tả Phìn cõng em nhưng vẫn đọc sách, được ông đặt tên là “Em ngoan để chị học bài”. Ông tâm sự về em bé trong bức ảnh cũng như về nghề nhiếp ảnh thực xúc động: “Bây giờ chắc có lẽ cháu ấy cũng lớn rồi, hồi đấy chắc chỉ lớp ba lớp bốn thôi. Qua đây cũng thấy được tình cảm của các nhà nhiếp ảnh bao giờ cũng muốn giữ lại, muốn sống động lại khoảnh khắc. Nhiếp ảnh thực sự cần khoảnh khắc. Ý tưởng bao nhiêu đi chăng nữa nhưng khoảnh khắc toát lên trong ý tưởng bao giờ cũng sống động hơn cả. Và khoảnh khắc ấy còn có thể khiến ta cảm nhận được cuộc sống lâu dài này.”
Thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh với nhiều giải thưởng danh giá cùng các chức vụ quan trọng khác nhau song ông vẫn muốn khám phá thêm nhiều khía cạnh khác của nghệ thuật. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã nung nấu quyết tâm để trở thành một Nhạc sĩ. Ông đã bắt tay vào việc và sáng tác nhạc phẩm “Pác Bó quê ta”, sau đổi thành “Tổ quốc quê hương” và được Truyền hình Nhân dân đăng tải.
“Tổ quốc quê hương” cũng chính là bài hát đầu tiên ông sáng tác. Nói về nguồn cảm hứng sáng tác bài hát này, ông kể về chuyến đi đầu tiên đến hang Pác Bó cùng Hội Nghệ sĩ Việt Nam. Nghe đến hang Pác Bó qua những câu chuyện lịch sử, nhưng ông vẫn rất xúc động khi được đặt chân đến nơi đây. Ông chọn từ “bình dị” để miêu tả về vẻ đẹp của hang Pác Bó. Tham quan nơi ở của Bác, từ chỗ nằm đến bàn đá “chông chênh dịch sử Đảng”, cảm xúc trong ông dường như được dâng lên đến vô tận. Không chỉ có cảnh vật trong hang, những ngọn núi và cả phần thạch nhũ rủ xuống khi ta trông ra cũng khiến ông “cảm tưởng như có hình Mác Lê-nin ở đó, rất cảm động”. Trên đường về, tất cả niềm xúc động của những lần đầu ấy khiến ông phải ghi ngay những dòng đầu tiên “bồng bềnh trôi theo sắc màu, bồng bềnh trôi theo ánh sáng”. Nhưng “bồng bềnh” này chưa thật sự gần gũi với Bác, ông quyết định đổi thành “bập bùng” và đó cũng chính là từ mở đầu cho bài hát đầu tiên của ông. Với ông, sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là sáng tác nhạc phẩm, cần phải có cảm xúc và tình cảm thực sự của bản thân. Và tình cảm trong bài hát “Tổ quốc quê hương” chính là sự kính trọng của ông, một người con đất Việt, đối với vị cha già dân tộc, người đã đưa Cách mạng dân tộc thành công, người đã khiến ông cảm nhận được hơi ấm của ngọn lửa yêu nước trong hang đá lạnh lẽo dù đã đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử.
Khi được hỏi về điều đã thôi thúc ông tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, ông đã nói rằng “Khi đã thích nghệ thuật rồi thì sự đam mê, cháy bỏng và quyết tâm về nó khiến mình không ngại tuổi cao mà trải nghiệm những khía cạnh khác của lĩnh vực này”. Chính vì lẽ đó, ông đã làm thơ, vẽ tranh sơn dầu và sáng tác nhạc. Niềm đam mê cháy bỏng của ông khiến bất kì ai trong chúng tôi cũng cảm thấy thật trân trọng và kính nể.
Ông nhớ về những ngày trước, cách đây tầm hơn 20 năm, ông và vợ mình đã làm tranh lụa để giao cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài trên phố cổ Hà Nội. Có những đêm hai ông bà thức trắng để kịp làm tranh giao cho khách. Vì là thời hậu chiến, kinh tế còn khó khăn nên ông phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng chính nghề bán tranh lụa này cũng đã nuôi dưỡng đam mê chụp ảnh của ông, giúp ông trở thành một người nghệ sĩ đa tài, nhạy bén với thời cuộc như bây giờ. Ông cũng nói rằng ở thời của ông, “Nhiếp ảnh là môn nghệ thuật rất tốn kém, chỉ có những người có điều kiện mới theo được. Tại sao những người hơi lớn tuổi mới làm nhiếp ảnh gia, bởi vì tuổi trẻ người ta đi làm, có tích lũy được thì mới đam mê ngành nghệ thuật đó”.
Dù đã lớn tuổi nhưng người nghệ sĩ này vẫn luôn muốn tìm hiểu và khám phá thêm thật nhiều điều trong lĩnh vực nghệ thuật không giới hạn. “Cầm, kì, thi, họa” đủ cả và ông vẫn đang say mê bước tiếp trên hành trình của riêng mình. Ông nói phải thực sự tâm huyết, đau đáu nghĩ suy về nghệ thuật thì mới có cái nhìn sâu sắc hơn về nó. Và người nghệ sĩ phải tự nhắc nhở bản thân cố gắng để làm sao giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, để viết tiếp trang sử hào hùng mà cha ông ta đã hi sinh biết bao xương máu, để kể lại cho lớp trẻ về một thời oanh liệt đã qua, nhắc nhở con cháu mai sau phải “uống nước nhớ nguồn”.
Chúng tôi, sau buổi gặp mặt được ông gọi là “buổi nói chuyện thân mật”, đã hiểu rõ được thứ gọi là tình yêu nghề và tình yêu nghệ thuật của một nhiếp ảnh gia, một người nghệ sĩ đích thực. Trong ánh mắt và từng lời nói, câu chuyện, ông đều thể hiện tình cảm, niềm đam mê lớn lao dành cho nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung, như một ngọn lửa cháy sáng không thể dập tắt. Và chúng tôi tin rằng khi nghệ thuật trong ông vẫn là một nguồn sống, nguồn cảm hứng mãnh liệt thì những giá trị tốt đẹp của cuộc đời sẽ còn được người nghệ sĩ này gửi gắm đến tất cả chúng ta.