Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

 

Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng, có vị trí và tầm quan trọng trong đời sống nhằm kết nối và biểu đạt các giá trị xã hội. Đánh giá về nghề báo, những người trong cuộc, đặc biệt là những nhà báo kỳ cựu đều cho rằng: Nghề báo là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội cao. Tuy trên vai người làm báo là trách nhiệm cao cả phải luôn nhiệt huyết đem lại những tác phẩm có giá trị cao cho người đọc nhưng bên cạnh đó họ vẫn vướng phải những định kiến trái chiều trong biết bao năm qua: “Định kiến nghề báo". 
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0

Báo chí ra đời rất sớm đã trở thành “món ăn” tinh thần cho người dân trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây, báo chí là biểu tượng cho cái đẹp, chân - thiện - mỹ làm đẹp cho cuộc sống; không ngừng học hỏi để tiếp cận các tri thức trên thế giới. Báo chí giúp nâng cao văn hoá, chống lại tiêu cực và đưa con người xích lại gần nhau hơn. 

Thời nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, báo chí luôn phải thay đổi, phải đối mặt với ngày càng nhiều những khó khăn, thách thức song cũng có nhiều cơ hội được mở ra. Nhưng điều đáng tiếc là trong sự thay đổi ấy, một số khía cạnh đang ngày càng trở nên tiêu cực như việc báo lá cải xuất hiện tràn lan và cản lối những người làm báo chân chính. Từ đó, những định kiến bắt đầu được truyền tai người sang người “nhỏ không học, lớn làm báo" hay “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm" .

Nói vui nhưng có một phần là sự thật, bởi xu hướng nhà báo từ bấy lâu nay luôn cần phải thêm bớt câu chữ để diễn đạt nội dung thêm phần lưu loát, dễ hiểu. Tuy nhiên hiện nay, việc “nói thêm” của một số nhà báo đang dần bị lạm dụng để suy diễn mang tính cảm tính, chủ quan của người viết, gây khó chịu, ức chế cho người đọc và còn vi phạm nguyên tắc tôn trọng sự thật, bản chất của nghề báo. Thậm chí ở một số cơ quan truyền thông, nhà báo đã bất chấp chuẩn mực đạo đức, phớt lờ giới hạn thẩm mỹ, văn hoá thông thường để sa đà khai thác những đề tài theo hướng giật gân, câu khách. Chính vì thế, không thể chấp nhận việc làm báo thiếu trách nhiệm với công chúng. 

Thực tế, những nhà báo hiện nay được cấp giấy phép hành nghề đều là những người có đủ năng lực và đầy đủ chuyên môn của một người nhà báo. Tại Nghị Định Chính Phủ ban hành từ ngày 12 tháng 11 năm 2013 về quy định xử phạt những hành vi vi phạm trong báo chí, xuất bản, điều 8 chỉ rõ, việc đăng thông tin không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí, việc đăng sai thông tin đều bị xử lý theo quy định và nghiêm trọng sẽ bị tước giấy phép hành nghề. Như vậy, “Nhỏ không học, lớn làm báo" hay “Nhà báo nói thêm" còn tồn tại hay không, không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà báo không chân chính mà còn ở chính nơi người đọc, như bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông từng phát biểu trước báo giới: “Không có độc giả dễ dãi tầm thường, chỉ có truyền thông khơi gợi sự dễ dãi tầm thường. Bản chất con người luôn hướng đến điều thiện, điều tốt đẹp hoặc những gì họ nghĩ là điều thiện, điều tốt đẹp. Tuy nhiên con người cũng rất dễ bị sai lầm nếu bị dẫn dắt bởi dư luận”. 

Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0

Định kiến giới từ ngàn đời nay vẫn luôn là vấn đề trong xã hội với tư tưởng “trọng nam khinh nữ" được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và đến nay nó vẫn còn tồn tại như một “chân lý muôn thuở”. Định kiến giới là những đánh giá một cách phiến diện về nữ giới, cho rằng người phụ nữ chỉ phù hợp ở nhà nội trợ, sinh nở và chăm con. Chính định kiến đó đã hạn chế phụ nữ hoặc cả chính nam giới tham gia vào những công việc họ có khả năng và đam mê. 

Thực tế trong một số các cơ quan báo chí vẫn có những khắt khe, rào cản đối với nữ giới làm báo. Họ khá “ái ngại” tuyển phụ nữ vào lĩnh vực phóng viên vì nghĩ rằng phụ nữ “chân yếu tay mềm”, không đủ cứng rắn và kiên cường để đối mặt với những áp lực, cạnh tranh đầy khốc liệt của môi trường báo chí và xã hội ngày nay. Ngoài ra, các nhà báo nữ thường khó khăn, vất vả hơn bởi họ còn phải chăm lo cho gia đình. Vì thế, luôn có những quan ngại về chất lượng công việc sẽ không được hiệu quả và những người phụ nữ sẽ không đủ nhiệt huyết, đam mê để đi trọn với nghề như nam giới.

Vào ngày 27/1/2021 Khoa Phát thanh Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phối hợp với Viện tư vấn Phát triển kinh tế xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Định kiến giới đối với nhà báo nữ”. Ông Vũ Quang Hải đã cổ vũ các bạn sinh viên nữ hãy cố gắng theo đuổi đam mê, trau dồi kỹ năng, tri thức để phục vụ cho công việc sau này. Ngoài ra các nhà báo nữ tương lai cũng có thể lựa chọn những mảng chuyên sâu và phát triển thế mạnh của mình.Đồng quan điểm với ông Vũ Quang Hải, nhà báo – diễn viên Đan Lê chia sẻ thẳng thắn: "Học viện Báo chí và Tuyên truyền truyền thống là có nhiều sinh viên nữ bởi đơn thuần đó là nguyện vọng của em sinh viên, còn khi đi làm ở các cơ quan báo chí, cơ hội được chia đều cho cả nam và nữ giới. Nữ giới cũng không cần phải gồng mình để cho giống với nam giới mà chỉ cần tập trung phát huy thế mạnh của mình".

Thực tế cho thấy có rất nhiều những nhà báo nữ vô cùng thành công như nhà báo Nguyễn Thị Hiền nguyên phóng viên báo Giải Phóng, nguyên cán bộ Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, nguyên Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM hay nhà báo Tạ Bích Loan biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam. Bà Tạ Bích Loan cũng chính là người tham gia biên tập và dẫn các chương trình Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Người đương thời và Khởi nghiệp đã và đang phát trên sóng VTV3,... Như vậy, nam hay nữ đều có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp, nên đừng chỉ vì những định kiến, cái nhìn chủ quan mà khiến cho nhiều người phải từ bỏ ước mơ, mong muốn của bản thân.

Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0

Một trong những trường trọng điểm về đào tạo Báo chí, Truyền thông - Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ lâu đã là cái nôi đào tạo các thế hệ sinh viên ưu tú ở nhiều chuyên ngành khác nhau như phát thanh, truyền hình, truyền thông và cả lý luận, chính trị,... Môi trường học tập năng động, sáng tạo giúp sinh viên cũng trở nên “linh hoạt” hơn trong việc chọn ngành nghề. Sinh viên có thể làm các công việc như biên tập viên, phát thanh viên, MC, chuyên viên PR, công tác xã hội,... Thậm chí những sinh viên không học các ngành đào tạo chuyên sâu về Báo chí, Truyền thông tại Học viện cũng có đủ khả năng, tổ chất để trở thành những nhà báo, những người thành công trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông. 

Điển hình có thể nhắc đến anh chàng Bùi Công Minh - cựu sinh viên khóa 36 chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Học thiên về kinh tế nhưng khi ra trường anh quyết tâm phát triển bản thân với lựa chọn là ngành truyền thông. Chia sẻ về quyết định này, Công Minh nói: “Vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một quyết định đúng đắn nhất của mình, bởi tại đây mình được học rất nhiều thứ ngoài kiến thức, mình được học nhiều các kỹ năng như giao tiếp, sự tự tin, kỹ năng tổ chức sự kiện, biết múa, biết làm MC… nhiều thứ lắm.” Hay nữ MC trẻ nhất VTV - Vũ Phương Thảo - cựu sinh viên lớp báo ảnh khoá 35 cũng đang ngày càng khẳng định bản thân trên con đường làm nghề. Cô chia sẻ: “Thảo không bao giờ hối hận khi đã chọn trường Báo, một môi trường năng động, sáng tạo, nhưng cũng nghiêm khắc và cho Thảo rất nhiều cơ hội ngay khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.”. Hơn nữa còn nhiều học viên sau khi ra trường đã nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong các cơ quan tư tưởng văn hoá, cơ quan báo chí, xuất bản... như Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Đâu chỉ sinh viên học chuyên ngành về Báo chí - Truyền thông mới được phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực ấy và cũng đâu chỉ có báo chí là nghề nghiệp duy nhất dành cho các sinh viên nơi đây. Học tại “trường Báo” nhưng sinh viên vẫn có thể tự do khám phá điểm mạnh và khả năng, để tìm ra con đường nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp nhất với bản thân. Và khi bạn có kiến thức, kỹ năng và lòng kiên trì, nhiệt huyết theo đổi đam mê thì nghề Báo sẽ chào đón bạn, dù bạn có là sinh viên ở đâu, học chuyên ngành gì. 

Vậy dưới góc nhìn của sinh viên, giới trẻ hiện nay, họ đã và đang có những định kiến như thế nào về nghề Báo?
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0
Mỗi nghề nghiệp đều có những khó khăn và những định kiến cần được gỡ bỏ, không chỉ riêng nghề báo. Định kiến vẫn sẽ có còn đó, nhất là khi nó không chỉ là suy nghĩ cá nhân mà còn là của bao thế hệ. Nhưng để những định kiến mờ dần trong tiềm thức công chúng, những nhà báo, cơ quan báo chí truyền thông và cả độc giả đều phải cùng nhau cố gắng. Cố gắng trong suy nghĩ, trong hành động để báo chí và các ngành nghề khác trong xã hội không bị gò bó, để những người làm nghề chân chính, có đam mê và lòng nhiệt thành sẽ có cơ hội cống hiến và đem lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. 
Nghề báo - không thể mãi đánh gia qua định kiến -0