Danh mục Thứ Tư, 02/04/2025
Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0
Hơn một thập kỷ gắn bó với lụa kể từ 2015, chị Phạm Thị Bích Lưu – nhà sáng lập thương hiệu LUALANG – không chỉ gìn giữ giá trị truyền thống mà còn không ngừng sáng tạo để đưa lụa tơ tằm đến gần hơn với cuộc sống hiện đại. Từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp với khăn tơ tằm không nhuộm màu cho đến những thiết kế mang đậm dấu ấn nghệ thuật, hành trình của chị là câu chuyện về đam mê, kiên trì và khát vọng lan tỏa vẻ đẹp tinh hoa Việt.
Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

PV: Cơ duyên nào đã đưa chị đến với ngành lụa tơ tằm và quyết định sáng lập thương hiệu LUALANG vào năm 2015?

Bích Lưu: Chuyện bắt đầu từ một bộ phim tài liệu thực hiện vào năm 2014, khi tôi vẫn còn là một nhà báo. Lúc đó, tôi thực hiện một bộ phim tài liệu về một nghệ nhân gắn bó với nghề tơ tằm. Ngoài việc kể lại câu chuyện mang tính nghệ thuật, tôi dần nhận ra thị trường đang thiếu một sản phẩm lụa phù hợp với nhu cầu thời điểm đó. Đến năm 2015, xu hướng tiêu dùng thiên về những sản phẩm organic, an toàn cho sức khỏe ngày càng rõ rệt. Tôi nghĩ rằng lụa tơ tằm, với đặc tính tự nhiên và lành tính, có thể trở thành một lựa chọn thay thế cho các loại vải công nghiệp – đặc biệt với những ai dễ bị dị ứng với bụi vải. Ý tưởng về LUALANG cũng bắt nguồn từ đó.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

Một thời gian sau chuyến đi, tôi quyết định khởi nghiệp với những sản phẩm khăn mặt, khăn tắm từ tơ tằm tự nhiên, không nhuộm màu, giữ trọn vẹn những đặc tính nguyên bản của chất liệu này. Khi bắt tay vào làm, tôi nhận ra mình cũng khá có duyên với dòng lụa này, và điều đặc biệt là mọi người đón nhận nó một cách vô cùng hào hứng. Chính sự ủng hộ đó đã tiếp thêm động lực để tôi kiên định theo đuổi con đường này, đưa thương hiệu phát triển đến ngày hôm nay.

PV: Ngành lụa truyền thống vốn đòi hỏi sự tinh tế và bền bỉ, đâu là thách thức lớn nhất mà chị và LUALANG từng đối mặt?

Bích Lưu: Khi bắt đầu khởi nghiệp, chỉ có tôi và những người thợ đồng hành. Nhiệm vụ của LUALANG chúng tôi là chia sẻ, quảng bá sản phẩm lụa tơ tằm đến với mọi người, nhưng thử thách lớn nhất là làm sao để thuyết phục khách hàng hiểu và tin tưởng vào sản phẩm của mình.

LUALANG là một thương hiệu sinh sau đẻ muộn, trong khi trên thị trường khi đó đã có nhiều thương hiệu lụa nổi tiếng. Tỷ lệ cạnh tranh của tôi gần như rất thấp, buộc tôi phải tìm ra hướng đi sáng tạo để vượt qua khó khăn và xây dựng chỗ đứng vững chắc về lâu về dài. Tôi luôn giữ vững quan điểm rằng mình sẽ làm những gì người khác chưa làm và chưa nghĩ tới. Vậy nên khi cho ra mắt sản phẩm khăn mặt, khăn tắm từ tơ tằm, việc thuyết phục người tiêu dùng là điều không hề dễ dàng. Tôi phải tự mình mang sản phẩm đi tặng, viết những bài chia sẻ chân thực về những lợi ích vượt trội mà khách hàng có thể cảm nhận được khi sử dụng những sản phẩm lụa tơ tằm hàng ngày.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

Thời điểm đó, mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Tôi phải tự học quảng cáo trên Facebook để tiếp cận khách hàng, kết hợp với việc chăm sóc khách hàng sau khi họ trải nghiệm sản phẩm. Dần dà, những sản phẩm của chúng tôi trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Nhưng với tôi, đó vẫn là giai đoạn thử thách lớn nhất – khi phải làm quen với thương mại điện tử, công cụ quảng cáo, những thứ vốn quen thuộc với phái nam hơn, còn phụ nữ mình thì rất ít khi sử dụng đến hồi đó.

Vượt qua những khó khăn đó nhờ kiên trì và đam mê, tôi cùng những cộng sự đồng hành từ những ngày đầu tiên đã từng bước đưa LUALANG phát triển. Đó không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để tôi khẳng định rằng, một người phụ nữ hoàn toàn có thể kinh doanh và thành công ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả trong lĩnh vực thủ công truyền thống.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

PV: Chị đã cân bằng giữa yếu tố truyền thống và sáng tạo hiện đại trong thiết kế sản phẩm của LUALANG như thế nào?

Bích Lưu: Giữ được nét truyền thống nhưng vẫn sáng tạo là điều rất thú vị và mang lại hiệu quả cao trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người làm kinh doanh như chúng tôi. Khi tiếp nhận giá trị văn hóa từ các làng nghề, nếu giữ nguyên sự cổ điển giữa muôn vàn xu hướng thời trang hiện đại, sản phẩm sẽ dễ bị lu mờ và mất đi sức hấp dẫn. Chúng ta không thể chỉ nói về “giá trị văn hóa truyền thống” hay ‘tính bền vững” trên lý thuyết, mà phải thực sự khởi động nó.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

Sau nhiều năm, tôi không còn tập trung vào các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tơ tằm như trước. Khi tôi tiên phong, các thương hiệu khác cũng bắt đầu theo sau, và quan sát thấy thị trường đã có nguồn cung ổn định, tôi cần phải tiếp tục đi tìm một cái mới trong cái cũ.

Tôi đã nâng cấp chất lượng của sản phẩm lên cao hơn một chút. Hiện tại, LUALANG đang phát triển dòng sản phẩm khăn tơ tằm với hoạ tiết do chính các hoạ sĩ sáng tác và phối màu trực tiếp trên nền lụa. Tất nhiên, vẽ lên khăn lụa là một điều không hề mới, nhưng làm thế nào để biến mỗi chiếc khăn thành một bức tranh thực sự và thể hiện được câu chuyện riêng thì lại là một điều rất khó. Nhưng đây sẽ là “vùng đất” giàu cảm hứng sáng tạo để những người làm nội dung, người kinh doanh khai thác và phát triển.

PV: Với cách tiếp cận đó, LUALANG đã thu hút khách hàng, nhất là chị em phụ nữ ra sao?

Bích Lưu: Khoảng năm ngoái, khi bắt đầu thử nghiệm dòng sản phẩm khăn vẽ, tôi và các bạn họa sĩ đều rất hào hứng. Chúng tôi như được truyền cảm hứng mới khi từng nét cọ thăng hoa trên nền lụa mềm mại. Và thật vui khi sản phẩm này ra mắt lại nhận được sự yêu thích từ khách hàng.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

Mọi người không chỉ nhận ra tính nghệ thuật mà còn cảm nhận được sự tinh tế trong từng thiết kế. Tôi nhận ra rằng ngày nay, người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm một món đồ thời trang, mà còn mong muốn sở hữu những sản phẩm mang dấu ấn sáng tạo và có chiều sâu. Sự kết hợp giữa hội họa và chất liệu lụa truyền thống giúp tôi chạm đến điều đó – một sản phẩm vừa mới mẻ, vừa lưu giữ được hơi thở của những giá trị xưa cũ.

PV: Các bài viết của LUALANG trên mạng xã hội thường đề cập đến việc bảo tồn và phát triển giá trị truyền thống của lụa Việt. Với vai trò là một người tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo trên chất liệu lụa, chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về vai trò của bản thân cũng như của những người chị em khác đang theo đuổi con đường này không?

Bích Lưu: Thực ra, nói đến vai trò tiên phong nghe có vẻ to tát, nhưng với tôi, tất cả bắt đầu từ niềm đam mê. Khi dấn thân vào con đường này, tôi hiểu rằng để đi xa, tôi không thể đi một mình mà cần có những người đồng hành. Với tôi, người đồng hành quan trọng nhất chính là chồng mình – người không chỉ hỗ trợ mà còn trực tiếp vận hành để LUALANG phát triển. Tôi là người khởi xướng, nhưng để gìn giữ và đưa nó tiến xa hơn, đó là công sức của cả chồng và những cộng sự tận tâm bên cạnh.

Là một người phụ nữ làm kinh doanh trong lĩnh vực mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, điều quan trọng nhất với tôi là thấu hiểu giá trị thực sự mà sản phẩm mang lại, không chỉ trong kinh doanh mà còn ở khía cạnh xã hội. Điều tôi mong muốn nhất là những người phụ nữ đang theo đuổi con đường này có thể giữ được bản chất của nghề truyền thống, giữ được nét văn hóa trong đời sống hiện đại.

Khi chia sẻ những câu chuyện qua các bài viết, tôi luôn hướng đến các bạn trẻ chứ không phải đối tượng khác. Các bạn có thể đang ở Việt Nam hoặc đang đi du học, luôn mang trong mình một đau đáu rằng muốn sở hữu những sản phẩm thủ công truyền thống thực sự mang tinh thần Việt. Vì vậy, tôi muốn thông qua sản phẩm lụa tơ tằm của mình để truyền tải cái giá trị ấy, để họ không chỉ yêu thích mà còn có thể giới thiệu những sản phẩm thuần Việt đến bạn bè quốc tế – Những sản phẩm “made in Vietnam” thật sự, phải là hàng lụa tơ tằm của Việt Nam, được tạo nên bởi chính những người nông dân Việt, không bị biến hoá quá nhiều. Và tôi luôn cố gắng xây dựng một thương hiệu có độ nhận diện tốt, để khi nhìn vào, mọi người có thể nhận ra ngay đó chính là sản phẩm Việt – một niềm tự hào của nghề thủ công truyền thống Việt.

 

 

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0
Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

PV: Theo chị, vẻ đẹp của lụa có điểm tương đồng nào với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam?

Bích Lưu: Người xưa thường nói: “Người đẹp vì lụa”, có quan điểm cho rằng, lụa là một chất liệu mềm mại, tinh tế nhưng cũng rất bền bỉ, tựa như vẻ đẹp và sức mạnh nội tại của người phụ nữ. Thật ra thì tôi nghĩ các cụ ngày xưa nói luôn đúng, vì họ đã đúc kết câu nói đó qua hàng trăm năm. Có một câu rằng “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, theo tư duy của mình thì có rất nhiều các chất liệu để tạo ra một bộ quần áo (ví dụ như: vải cotton thì rất mát và bền bỉ, vải lanh thì mặc rất mát nhưng rất dễ bị nhăn và khó có cái độ óng, v.v.). Trong tất cả những chất liệu ấy, từ xa xưa, người ta đã xem lụa là đẹp nhất, và khi nhắc đến phụ nữ, người ta cũng nghĩ ngay đến cái đẹp. Chính vì vậy, lụa và phụ nữ luôn song hành cùng nhau, tôn vinh lẫn nhau.

Từ xưa đến nay, khi chúng ta ra nước ngoài, hình ảnh các phu nhân nguyên thủ khoác lên mình tà áo dài đã trở thành một biểu tượng văn hóa, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và cũng là gương mặt của một quốc gia. Chính vì vậy, khoác lên một chiếc áo dài hay quàng một tấm khăn lụa không chỉ đơn thuần là lựa chọn trang phục, mà còn thể hiện những giá trị sâu sắc về chân – thiện – mỹ, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ công – dung – ngôn – hạnh. Nên theo một cách tự nhiên, lụa đã trở thành người bạn đồng hành của phụ nữ trong bất kỳ sự kiện quan trọng nào.

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

PV: Một lời động viên gửi gắm đến những chị em phụ nữ đang theo đuổi, hay muốn tìm hiểu và gắn bó con đường bảo tồn, phát triển các chất liệu dân gian?

Bích Lưu: Ở Việt Nam mình có rất nhiều người phụ nữ đam mê những sản phẩm thủ công truyền thống ví dụ như giấy gió hay tranh sơn mài, và cả những nông sản truyền thống chứ không riêng gì sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đã có rất nhiều người phụ nữ dấn thân và kiên trì trên con đường này, và mình thực sự trân trọng tinh thần đó.

Tôi muốn gửi lời động viên đến tất cả những ai đang theo đuổi hoặc mong muốn gắn bó với công việc gìn giữ và phát triển các giá trị truyền thống: Hãy luôn giữ vững đam mê và không ngừng sáng tạo để sản phẩm của mình có thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, đừng ngại thay đổi và thích ứng với xu hướng công nghệ, bởi trong thời đại chuyển đổi số, điều quan trọng là làm sao để kết nối được với thế hệ trẻ – những người đang tiếp nhận và tiếp nối văn hóa. Các bạn trẻ thay đổi rất nhanh, và nếu chúng ta không linh hoạt, không làm mới mình, thì chính mình sẽ bị tụt lại phía sau.

 

Một thập kỷ đồng hành cùng lụa tơ tằm – Câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu ‘LUALANG’ Phạm Thị Bích Lưu -0

Thực hiện: Ngô Hà Phương - Trần Ngọc Mai - Vũ Thị Thuỳ Trang