Danh mục Thứ Bảy, 04/05/2024
Lam Hạ ngày ấy -0
Lam Hạ ngày  -0
Lam Hạ ngày  -0

Đó là lời nữ dân quân năm xưa - Lưu Thị Mến nói trong nghẹn ngào khi được hỏi về trận địa pháo phòng không Lam Hạ năm 1966.

Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay là phường Lam Hạ, Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đóng vai trò là cầu nối trọng điểm giao thông, là con đường chiến lược không thể thay thế  chi viện cho chiến trường miền Nam, trở thành mục tiêu không thể bỏ qua của địch. 

Bấy giờ, nhiều trận địa pháo phòng không cố định và cơ động được bố trí khắp thị xã Phủ Lý, nhiều nhất là xã Lam Hạ với 8 trận địa được bố trí quanh các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc và Đường Ấm với mục tiêu ngăn chặn và đánh trả cuộc tấn công phá hoại của Mỹ. 
                                            
Ngày 5/8/1965, đại đội dân quân phòng không Lam Hạ gồm 87 người được thành lập với nhiệm vụ hậu cần, tải thương, tiếp đạn và hỗ trợ, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. 
 

Lam Hạ ngày  -0

Sáng sớm 1-10-1966, còi báo động máy bay Mỹ đang bay về phía Nam đồng bằng Bắc Bộ phá tan bầu không khí yên tĩnh. Chị em dân quân Lam Hạ tức tốc chạy thẳng ra trận địa phòng không. Ngoài trận địa pháo, các pháo thủ thuần thục vào vị trí chiến đấu, quay tầm, chỉnh hướng, sẵn sàng nhả đạn. Chỉ trong buổi sáng ngày hôm đó, đã có 4 đợt với hàng chục tấn bom dội xuống cầu, đường sắt, trận địa pháo, và các vị trí quanh Phủ Lý, gây nên tình cảnh hỗn loạn, máu me u ám đầy đau thương.

Đợt thứ 4, gần 10h30, trận địa phòng không ở thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ gồm 4 khẩu đội pháo 37 ly bố trí dọc theo trục đường chính của xã, gần Quốc lộ 1, có tới 2 khẩu đội bị trúng bom. Loạt bom đó đã cướp đi sinh mạng 6 nữ dân quân Lam Hạ gồm Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương.

Lúc hy sinh, chị Nguyễn Thị Thi chỉ mới 16 tuổi, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Trước khi ra đi, cô chỉ kịp nói với người anh trai: “Đừng rời trận pháo, hãy thay em chiến đấu để bảo vệ quê hương”.
Chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân nhưng vẫn kiên trung đứng ôm chặt cây súng hướng về phía quân thù. Còn cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kiệt sức và hy sinh.
8 ngày sau (9-10-1966), trong một trận đánh trả máy bay Mỹ, lại có thêm ba người con gái Lam Hạ là các chị Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở Đường Ấm. 

Trong trận chiến đấu khác, ngày 7-7-1967, người con gái thứ 10 - Đặng Thị Chung của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã anh dũng hy sinh tại trận địa pháo 57 ly ở Hòa Lạc.

Mười cô gái ấy cùng sinh ra, lớn lên, cùng chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương Lam Hạ. Họ là người là nông dân, giáo viên, công nhân, lúc ra đi tóc họ còn xanh, má còn hồng và một trái tim khao khát được sống trong không khí hòa bình của dân tộc. Đến ngày nay, khi nhắc về họ - những người con gái dũng cảm, ai cũng rơm rớm nước mắt vì tiếc thương. 
 

Lam Hạ ngày  -0

Hà Nam vào một ngày thời tiết thất thường, lúc nắng lúc mưa, tôi tìm về Lam Hạ - nơi chiến trường đổ máu năm xưa tìm lại những nhân chứng sống của lịch sử để nghe những câu chuyện năm xưa. Và thế là tôi tìm đến nhà bà Lưu Thị Mến - thành viên của trung đội ngày ấy.. 

Bà Mến nay đã 78 tuổi, tóc đã bạc hơn phân nửa đầu, da nhăn nheo, những vết đồi mồi đã in sâu hai bên gò má và cả bàn tay.

Thấy người lạ vào hỏi chuyện năm xưa, bà Mến bảo cháu gái lấy ghế, mời nước rồi len lén quay mặt nuốt nước bọt như nén đau thương để bắt đầu “cuộc gặp mặt đặc biệt” : “Hôm ấy là 1/10/1966, làng tôi đang yên ổn làm ăn thì còi báo động kêu lên, chúng tôi nhanh như thoắt chạy ra ụ súng để làm nhiệm vụ. Nhớ ngày đó chị em ai cũng dũng cảm, chẳng sợ gì mà cứ thế băng ra thôi”. 

Bà Mến dõng dạc khi nói về tinh thần của dân quân ngày ấy, bà bảo thời đó Đảng, Nhà nước thấy mình là những người tích cực, những người dũng cảm thì ra hợp đồng với bộ đội chứ không phải là chuyện bình thường, không phải ai cũng được tham gia.
 

Lam Hạ ngày  -0
“Nếu Đảng cần, dân muốn tôi sẵn sàng hy sinh, tôi hy sinh cũng không sao”. Ánh mắt Bà Mến kiên định, ngày đó chẳng có gì quan trọng hơn việc  góp sức, đồng lòng cùng chị em chống Mỹ giành lại hòa bình. 
Lam Hạ ngày  -0

Bà Mến cẩn thận lấy ra cuốn sách “Những ngôi sao không bao giờ tắt” rồi thận trọng dở từng trang sách đã cũ kỹ cho tôi xem, đầy tự hào: “Người này ngã xuống thì người kia đứng lên, không phải sợ mà không lên khẩu pháo đâu”.

Đang nói, nữ dân quân năm ấy nghẹn ngào, đôi mắt đã đỏ ngầu, chứa chan nước mắt, vội lấy tay gạt đi giọt nước sắp sửa lăn dài trên má. “Ngày xưa phải dũng cảm, mình không đánh nó thì nó đánh mình, mà mình thì phải bảo vệ quê hương, bảo vệ Đất nước”. 

Lam Hạ ngày  -0
Và rồi, bà Mến chẳng kịp ngăn giọt nước mắt rơi nữa, cứ thế nước mắt hòa lẫn giọng nói, tôi chẳng thể nghe rõ lời bà chỉ thấy đôi mắt bà đã đỏ nay lại đỏ hơn và hai bờ má đã ướt đẫm.
Lam Hạ ngày  -0

Bị thương từ cuộc chiến trở về, tuy không nặng nhưng dấu tích về thời kỳ lịch sử đã nằm trên hàm má của người đàn bà ấy hơn nửa thế kỷ. Nhớ như in về khoảng thời gian đó, bà Mến nói: “Ngày đó Mỹ ném bom kinh lắm, mình may mắn chỉ bị nhẹ nhưng một số chị em thì không được như thế nên mỗi lần nhớ lại, trái tim lại đau như bị rỉ máu”.

Nhớ về những ngày chị em nói dối bố mẹ để ra canh ụ pháo, bà Mến nói: 
“Khi tôi đi, bố mẹ bảo: Thế mày đi đâu? Con đi thổi cơm cho bộ đội, hôm nay các anh ấy đi chiến đấu, bọn con phải thay nhau thổi cơm cho các anh ấy chứ”.
“Đấy là nói dối bố mẹ chứ không phải đi thổi cơm, mình phải ra trực tiếp chiến đấu vì mình là những người xuất sắc, là những người đoàn viên tốt, người tiên phong, mình phải xông pha, ấy vậy mà…”.

Lam Hạ ngày  -0

Nửa thế kỷ đã qua, câu chuyện lịch sử ấy với bà Mến vẫn như vừa xảy ra ngày hôm qua. Mười cô gái đã không còn nhưng ký ức về họ vẫn hiện hữu và hằn sâu trong tâm trí của người sống sót. Cứ hằng năm, vào ngày giỗ đồng đội 1/10, chị em may mắn còn sống lại tụ họp về đây để ra thăm những người đã khuất hoặc gọi điện hỏi thăm, cùng nhau ôn lại kỷ niệm và đọc lại những vần thơ, Bà Mến kể. “Nếu các chị em còn thì giờ cũng làm ông làm bà rồi. Nghĩ mà thương lắm”. Bà Mến vừa dụi nước mắt vừa xoa tấm ảnh đã bạc màu của đồng đội đọc vài câu thơ: Em về giỗ trận hôm nay/ Nén nhang thơm/ Bó hoa gầy/ Chị ơi…/ Rưng rưng em khấn tên người/ Tìm trong hương khói nụ cười thanh xuân. 

Trời chập choạng tối, bà Mến đã thấm mệt, tôi cũng xin phép ra về. Tưởng rằng tôi sẽ về lại Hà Nội ngay lúc tạm biệt bà, nhưng bà Mến nắm tay tôi và thủ thỉ: Nhà bà Nhu ở gần đây, bà ấy ngày xưa chiến đấu với tôi, qua hỏi thêm chuyện bà ấy nhé. Tôi tạm biệt bà Mến rồi ghé nhà bà Nhu. Lúc ấy, tôi nghĩ “chuyến này về Hà Nội muộn một chút cũng không sao”.

Ngọc Ánh, Thu Hà - MĐT K41