Tiếp nối khát vọng và nỗ lực của những thế hệ đi trước, Gen Z đã mang lại một làn gió mới tới nền văn hóa, lịch sử nước nhà trong từng dấu chân để lại trên những địa điểm đi qua.
"Ngàn năm trước cha ông đi mở nước
Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long
Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước
Vẫn còn nguyên hùng khí thủa Tiên - Rồng"
Thăng Long sử thi - Nguyễn Việt Chiến
Hoàng Thành Thăng Long - một công trình kiến trúc đồ sộ, in dấu những năm tháng lịch sử hào hùng của đất Việt. Theo thời gian, cùng sự thay đổi về đường nét kiến trúc qua các triều đại, Hoàng Thành Thăng Long vẫn giữ được cái nét riêng, cái dấu ấn rất Việt Nam của mình. Đi sâu vào trong, ta sẽ thấy những di tích của Hoàng Thành. Trung tâm di tích là Điện Kính Thiên, đây là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội. Trước điện Kính Thiên là Đoan Môn, tiếp đó là Cột Cờ Hà Nội, đằng sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và mở cửa nhỏ.
Đến với Hoàng thành Thăng Long, giới người trẻ được đắm mình trong một bầu trời lịch sử với những cảm xúc tự hào, xúc động. Đặc biệt, khi được chứng kiến những minh chứng sống của quá trình phát triển của lịch sử dân tộc qua các thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh. Sự phát triển này được thể hiện sinh động qua cách trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm được khai quật từ lòng đất tại chính nơi đây.
Nơi đây sẽ giúp các bạn trẻ hiểu thêm rất nhiều điều, biết thêm nhiều thứ về lịch sử nước nhà, và đặc biệt là "giải mã" sức hút của nơi này. Hơn thế nữa, Hoàng thành Thăng Long cũng là nơi lý tưởng cho những bạn trẻ đam mê mỹ thuật. Được tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc đồ sộ, hoa mỹ và oai nghiêm, chắc hẳn những ai đam mê thẩm mỹ sẽ càng hiểu rõ hơn về nét đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho bản thân.
Bảo tàng Hà Nội là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam đưa lối kiến trúc nổi tiếng, từng áp dụng cho tòa nhà Vương miện phương Đông ở Trung Quốc và kim tự tháp ngược tại Slovakia. Nơi đây tạo cảm giác “ảo”, tựa như đang lơ lửng giữa không trung và là ấn tượng rõ nét về sự giao thoa, tiếp nối văn hóa trong quá trình hội nhập.
Công trình có kết cấu phức tạp, hình khối vững chắc nhìn từ mọi hướng, du khách sẽ nhìn thấy các đường nét y hệt nhau. Mặt chính của tòa “kim tự tháp ngược” hướng ra Đại lộ Thăng Long, một mặt khác tiếp giáp với Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Bảo tàng Hà Nội là minh chứng lịch sử của hàng ngàn năm văn hiến. Đặt chân đến đây, các bạn trẻ như bước vào câu một câu chuyện dài về Hà thành ngàn năm tuổi bằng những hiện vật sống động. Giữa tòa nhà mô phỏng phong cách châu Âu tinh tế, bảo tàng vẫn có dáng dấp Á Đông cùng kiến trúc đương đại ấn tượng. Bốn tầng của bảo tàng như những thước phim tua ngược trở về thời gian, không gian của những ngày xưa cũ.
Hẹn bạn một ngày gần nhất ghé thăm bảo tàng Hà Nội cùng ngắm nhìn tòa kiến trúc độc đáo, hòa mình vào không gian thiên nhiên thơ mộng, khám phá, trau dồi thêm những tri thức về văn hóa, lịch sử dân tộc và check in tại đây nhé!
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng - cách trung tâm Hà Nội về phía Đông Nam khoảng 15km được xem như là một bảo tàng nghệ thuật sống động, chứa đựng một giá trị tinh thần và niềm tự hào sâu sắc của người dân Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngày nay, Gen Z thường làm mới trải nghiệm tham quan làng gốm Bát Tràng bằng cách kết hợp sự sáng tạo, công nghệ và tương tác xã hội.
Đây không chỉ là 1 bảo tàng trưng bày các tác phẩm gốm sứ Bát Tràng mà còn là 1 không gian phát triển văn hóa làng nghề, sinh hoạt cộng đồng và gắn kết mọi người. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, đóng góp vào sự duy trì và phát triển của các nghề thủ công truyền thống của đất nước.
Trước khi thăm quan nhất định phải check in khu ở ngoài cổng với kiến trúc thiết kế đặc sắc 7 xoáy ốc khổng lồ lấy cảm hứng từ những bàn xoay gốm đã mang lại “tiếng vang” lớn cho sự độc đáo về kiến trúc nghệ thuật nơi đây. Từng ngóc ngách, góc cạnh nào cũng đẹp, tưởng chừng như chỉ cần giơ máy ảnh lên là bạn sẽ có ngay những tấm hình check in cực đẹp tại nơi này.
“Sống ảo” xong sẽ tham quan trung tâm có nơi trưng bày các tác phẩm với sản phẩm gốm theo các thời kỳ. Công trình đồ sộ và phong phú bên trong có trưng bày các hình mô phỏng lại cách làm gốm và các xưởng làm gốm dựng lại khung cảnh giống như một ngôi làng thu nhỏ. Các đồ trưng bày đều tỉ mỉ công phu thể hiện sự tinh tế và tâm huyết của những người sáng tạo, quản lý công trình nghệ thuật này.
Một hoạt động vô cùng độc lạ ở đây đã gợi lên được sự hứng thú cũng như mong muốn được trải nghiệm đó chính là có thể tự tay nặn một sản phẩm gốm cho riêng mình thùy theo sở thích. Cùng với hoạt động làm gốm, những “nhà khám phá trẻ tuổi” có thể ghé thăm chợ gốm Bát Tràng - nơi bày bán vô vàn những sản phẩm thủ công, đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm,...
Bạn Đức Minh, du học sinh vừa trở về từ Canada tỏ ra thích thú với trải nghiệm mới. "Mình được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình cách sử dụng đất sét và thao tác với bàn xoay. Sau khi hoàn thành tác phẩm do tay mình làm được đem đi nung đốt và mang về nhà làm kỷ niệm. Chuyến đi với mình rất ý nghĩa" - Minh chia sẻ.
Những năm gần đây, du lịch làng gốm Bát Tràng đang dần có sức nóng trở lại trên các nền tảng mạng xã hội khi có rất nhiều bạn trẻ yêu thích đồ thủ công mỹ nghệ đã rủ nhau tìm về để có những phút giây trải nghiệm những hoạt động mới lạ tại làng cổ này.
Làm gốm không chỉ là hoạt động trải nghiệm “đi trốn” thú vị vào dịp rảnh rỗi cuối tuần mà còn là cơ hội quý giá để các bạn trẻ khám phá và lan tỏa văn hóa truyền thống nước nhà. Giới trẻ Gen Z có thể tạo ra những thiết kế gốm độc đáo, kết hợp các yếu tố đương đại và phong cách cá nhân để làng gốm Bát Tràng trở nên đa dạng và thu hút đối tượng khách hàng rộng hơn. Nhờ đó, làng nghề truyền thống này như được khoác lên một màu sắc mới đầy sáng tạo, trẻ trung và năng động.