Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

MASS COMMUNICATION \

Ngành truyền thông đa phương tiện - đại học Văn Lang từ góc nhìn của sinh viên khóa đầu tiên

Ngành truyền thông đa phương tiện - đại học Văn Lang từ góc nhìn của sinh viên khóa đầu tiên

15:26 23-06-2022
Những năm gần đây, ngành truyền thông đa phương tiện đang “hot” hơn bao giờ hết. Bên cạnh Học viện Báo chí và Tuyên truyền - lò rèn sinh viên ngành báo chí - truyền thông trên địa bàn Hà Nội, trường Đại học Văn Lang cũng là một cơ sở giáo dục uy tín cho các bạn trẻ yêu thích truyền thông - công nghệ, tọa lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 7/2021, hướng tới mục tiêu phát triển vững mạnh Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang chính thức ban hành Quyết định tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện khóa đầu tiên (mã ngành: 7320104), với các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, C00 và D01. Đây là ngành học tích hợp giữa hai lĩnh vực truyền thông và công nghệ, cho phép sinh viên phát triển những kế hoạch chiến lược mang hiệu quả cao hơn, tác động và hấp dẫn với người tiêu dùng đương đại thông qua nhiều yếu tố: ngôn từ, hình ảnh và âm thanh, nhằm nhanh chóng tiếp cận và lan tỏa trong cộng đồng.

Hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của bạn Lý Nguyễn Nhã Linh, lớp trưởng lớp Truyền thông đa phương tiện khóa đầu tiên của VLU về hành trình được học tập, rèn luyện một năm vừa qua.

Khác với ngành học truyền thông khác, Truyền thông đa phương tiện - VLU là sự kết hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa các yếu tố: truyền thông và công nghệ. 

PV: Được biết ngành Truyền thông đa phương tiện là một ngành mới của Đại học Văn Lang, được mở tuyển sinh vào năm 2021. Bởi đây là một ngành mới của trường, nên nhiều bạn trẻ sẽ không khỏi e dè khi đặt nguyện vọng. Vậy, cơ duyên nào đã đưa Nhã Linh đến với ngành Truyền thông Đa phương tiện của Đại học Văn Lang.

Nhã Linh: Mình nghĩ, giữa mình và Đại học Văn Lang tồn tại một chữ “duyên” khá lớn. Ngay từ lúc còn là học sinh cấp ba, mình đã vô cùng yêu thích và mong muốn được trải qua những năm tháng đại học tại VLU. Ngay từ khi trường mở thêm ngành Truyền thông Đa phương tiện - một ngành con trong Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, mình đã quyết định gửi nguyện vọng, ước mơ và cả tuổi trẻ của mình tại nơi đây. Và quả thực, VLU chính là mảnh ghép hoàn hảo, giúp mình hiện thực hóa ước mơ, theo đuổi đam mê trong lĩnh vực truyền thông - công nghệ.

Bạn Lý Nguyễn Nhã Linh - Lớp trưởng lớp Truyền thông Đa phương tiện, trường Đại học Văn Lang

PV: Ngành Truyền thông Đa phương tiện là một trong những ngành con thuộc Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông - vốn là khoa có chất lượng đào tạo nổi bật nhất tại trường. Sau khi trải qua một năm gắn bó với ngành mới này, Nhã Linh có thể cho biết nét độc đáo, thú vị hay tính đặc thù nào đó của Truyền thông Đa phương tiện khác biệt so với ngành khác của Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông không? 

Nhã Linh: So với ngành học truyền thông khác trong Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Truyền thông đa phương tiện là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực: truyền thông và công nghệ. Tại đây, sinh viên chúng mình được trang bị những kiến thức nền tảng về truyền thông, biết hoạch định kế hoạch chiến lược và xây dựng thương hiệu, cùng với các kỹ năng thiết thực mang tính ứng dụng cao như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, quay chụp và dựng phim. Khác biệt với các ngành cùng khoa, ngành học của chúng mình sẽ thiên về sản xuất các sản phẩm truyền thông và dùng các công cụ mang tính ứng dụng cao. 

PV: Chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất của trường có đáp ứng được mong muốn của bạn?

Nhã Linh: Nhằm nâng cao trải nghiệm cho sinh viên, nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống phòng thực hành tiên tiến cùng đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, trong quá trình học tập, chúng mình còn được tham gia vào những buổi chia sẻ của các chuyên gia trong ngành là các nhà báo, biên tập viên, chuyên gia truyền thông có tiếng trong nước từ Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Người Lao động,…

Buổi thực hành “Tổ chức họp báo” của lớp truyền thông đa phương tiện - VLU.

PV: Ngoài những môn học lý thuyết, bạn còn được “thực chiến” qua  những môn học hay chuyến đi thực tế nào không?

Nhã Linh: Ngoài các môn học lý thuyết, chúng mình còn được học những môn học có kiến thức mang tính ứng dụng cao về công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, chụp ảnh, dựng phim,... Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, những buổi tọa đàm với các chuyên gia trong ngành báo chí, truyền thông cũng giúp chúng mình tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn về lĩnh vực báo chí - truyền thông - công nghệ.

PV: Bạn ấn tượng với môn học nào nhất? Tại sao bạn lại ấn tượng với môn học đó?

Nhã Linh: Năm học vừa qua, chúng mình đã được trải nghiệm nhiều môn học thú vị, nhưng có lẽ “Nhập môn truyền thông điện ảnh” là môn học ấn tượng với mình nhất. Bản thân mình là người yêu thích nghệ thuật, bao gồm cả điện ảnh. Chính vì thế, đây là môn học giúp mình hiểu hơn về ngành điện ảnh nói chung và biết cách để hoạt động truyền thông cho các bộ phim đạt hiệu quả tốt nhất.  Ngoài ra, mình còn được học thiết kế các ấn phẩm phim, tổ chức sự kiện cho dự án phim và tự tổ chức sản xuất một đoạn trailer phim để làm bài cuối môn. Đặc biệt, đối với một người còn mơ hồ về định hướng công việc sau này, thông qua “Nhập môn truyền thông điện ảnh”, mình đã được tiếp thêm niềm đam mê với ngành và xác định cụ thể công việc sau này hơn. 

Tập thể lớp Truyền thông đa phương tiện trong buổi học môn Nhập môn truyền thông điện ảnh

PV: Ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học Văn Lang đòi hỏi sinh viên phải có nhiều tố chất như kỹ năng sáng tạo, nắm bắt thông tin, kỹ năng giao tiếp, thiết kế hình ảnh, quay dựng video clip, khả năng tiếp cận với công nghệ mới,... Vậy ngành học có đem lại cho bạn nhiều áp lực?

Nhã Linh: Mình nghĩ, học tập và làm việc trong lĩnh vực truyền thông - công nghệ đòi hỏi sinh viên phải thành thục nhiều kỹ năng. Điều mình cảm thấy khó khăn nhất, suy nghĩ nhiều nhất chính là làm thế nào để vừa trau dồi hiệu quả kiến thức lý thuyết, vừa rèn luyện, đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tế. Chính vì thế, ngoài thời gian học tập tại trường, chúng mình cũng phải tự học, tự trau dồi thêm kiến thức, tham gia câu lạc bộ cùng các buổi ngoại khóa, tọa đàm. Khối lượng kiến thức, công việc khiến chúng mình luôn bận rộn nhưng cũng nhờ đó, kỹ năng trải nghiệm với nghề ngày một nâng cao. Và may mắn thay, những áp lực của mình cũng được giảm đi rất nhiều, bởi bên cạnh luôn có sự giảng dạy nhiệt tình của các giảng viên, sự đồng hành, giúp đỡ lẫn nhau của các bạn trong lớp.

PV: Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Truyền thông Đa phương tiện được ví như một “con tắc kè hoa” nhiều màu sắc. Cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện được trang bị vượt trội kiến thức, kỹ năng để làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chuyên viên sáng tạo nội dung; Chuyên viên marketing; Chuyên viên tổ chức sự kiện; Phóng viên; Chuyên viên thiết kế đồ họa, video editor,... Đứng trước cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai, bạn đã có định hướng nghề nghiệp gì sau khi tốt nghiệp?

Nhã Linh: Đối với một người đam mê nghệ thuật, bản thân mình mong muốn sẽ trở thành một Art Director trong tương lai, góp phần truyền tải nội dung, thông điệp đến công chúng một cách hiệu quả. Để hiện thực hóa ước mơ đó, mình luôn không ngừng học hỏi, nâng cao thẩm mỹ cùng khả năng thiết kế thu hút và bắt mắt người xem. Mình tin rằng, với thái độ không ngừng học hỏi, ý chí quyết tâm, mình sẽ sớm biến ước mơ thành sự thật.  

PV: Chỉ còn vài ngày nữa thôi, các bạn sĩ tử sẽ chính thức “vượt vũ môn” - bước vào kỳ thi cam go trong cuộc đời mình. Trong giai đoạn nước rút này, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ mông lung, không biết bản thân mình có phải là mảnh ghép phù hợp với mảng truyền thông - công nghệ hay không? Là một Art Director trong tương lai, Nhã Linh hãy đưa ra một vài lời khuyên dành cho các bạn trong việc định hướng, chọn ngành, chọn trường?

Nhã Linh: Bản thân mình cũng từng trải qua cảm giác mông lung khi đặt bút đăng ký nguyện vọng. Những lúc như thế, mình thường tìm đến và lắng nghe những chia sẻ của các thầy, cô giáo hay những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông - công nghệ. Ngoài ra, các bạn trẻ nên tìm hiểu về ngành học, trường học thật kỹ càng để có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất. Chương trình đào tạo, hoạt động giảng dạy, cơ sở vật chất, tố chất cần có, học phí, cơ hội nghề nghiệp,...chính là những yếu tố các bạn cần phải cân nhắc để biết được mình có phải là mảnh ghép phù hợp với trường và ngành học này không. Và không có điều gì là không thể nếu như chúng ta ước mơ và dám theo đuổi, thực hiện nó. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích phần nào các bạn học sinh đang lựa chọn con đường trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn Linh về những chia sẻ vừa rồi. Chúc bạn nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên con đường bạn đã chọn.

Hiện nay, ngành Truyền thông đa phương tiện được đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín như: Đại học Văn Lang; Đại học Khoa học xã hội nhân văn; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hà Nội - nơi mệnh danh là “lò rèn” sinh viên báo chí - truyền thông hàng đầu cả nước. Tham khảo các trường đại học đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện tại nước ta giúp các bạn trẻ có thể dễ dàng lựa chọn môi trường phù hợp nhất với mình.

Trà Giang - Đào Hoàng

Phản hồi