Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Học bổng - Việc làm – Tình nguyện \

Top 10 kỹ năng mềm của sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao

11:31 14-05-2020
Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, mỗi công ty có nhu cầu tuyển nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, bạn cần có những kỹ năng mềm nhất định.
 Kỹ năng mềm giúp bạn tự tin trong giao tiếp và công việc

Tại sao nhà tuyển dụng lại quan tâm đến kỹ năng mềm của bạn?
Nhà tuyển dụng coi trọng các kỹ năng “mềm”, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả. Kỹ năng mềm chỉ một tập hợp những phẩm chất, thói quen, quan điểm và sức hút xã hội của một cá nhân, giúp con người đó trở thành một nhân viên tốt và có khả năng thích nghi với đồng nghiệp và công ty.

Các doanh nghiệp đề cao vai trò của kỹ năng mềm vì các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng cứng về chuyên môn. Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Dưới đây là 10 kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất ở các ứng viên:

1. Tinh thần làm việc cao:
Bạn có phải là người có động lực và dồn tâm sức để hoàn thành công việc, cho dù đó là việc khó? Liệu bạn có tận tâm và luôn muốn làm việc một cách tốt nhất?

2. Thái độ tích cực:
Bạn có phải là một người luôn lạc quan và tích cực? Bạn có thể tạo ra một nguồn năng lượng và ý chí dồi dào? Tham khảo khoá học Làm sao để tự tin và có thái độ tích cực.

3. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả:

Bạn có phải là một người nói năng mạch lạc, khúc chiết và biết lắng nghe người khác? Bạn có thể diễn tả tình huống và những nhu cầu của bạn theo cách tạo ra được cầu nối với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác?

4. Khả năng quản lý thời gian:
Bạn có biết làm thế nào để sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên và cùng lúc xử lý nhiều công việc khác nhau? Bạn có sử dụng thời gian làm việc một cách khôn ngoan không?

5. Kỹ năng giải quyết vấn đề:
Bạn có phải là người tháo vát và có khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh bất ngờ? Bạn có dám đứng ra nhận trách nhiệm hay thích đẩy trách nhiệm cho người khác?

6. Có tinh thần đồng đội:
Những nhà tuyển dụng muốn tìm những nhân viên có khả năng làm việc hiệu quả, năng suất khi làm việc theo nhóm. Bạn có thể làm việc tốt khi ở trong đội/nhóm không? Bạn có phải là người dễ hợp tác và sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo nếu được trao? Thông qua những công việc làm thêm hay hoạt động ngoại khóa bạn có thể tìm kiếm kinh nghiệm làm việc nhóm.

7. Tự tin:
Bạn có thực sự tin tưởng là mình sẽ làm được việc? Bạn có tạo được cho những người xung quanh sự tin tưởng? Bạn có sự dũng cảm để đưa ra những câu hỏi cần thiết và thoải mái trình bày các ý tưởng mà bạn có?

8. Khả năng chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình:
Bạn có biết cách xử lý những lời phê bình, chỉ trích? Bạn có phải là một người có thể được đào tạo và cởi mở với sự học hỏi và phát triển, với tư cách một cá nhân cũng như một người chuyên nghiệp?

9. Linh hoạt, có khả năng thích nghi:
Bạn có thể thích nghi với những tình huống mới và thách thức mới? Bạn có chấp nhận sự thay đổi và cởi mở với những ý tưởng mới.

10. Làm việc tốt dưới áp lực:
Bạn có chịu được những áp lực đi kèm với các thời hạn và các tình huống khủng hoảng? Bạn có thể làm việc tốt nhất trong tình trạng áp lực không? Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi tìm việc, bạn nên tập trung vào những kỹ năng có khả năng thu hút sự chú ý nhiều nhất đối với nhà tuyển dụng. Bạn cần học cách để thể hiện những kỹ năng này qua lý lịch xin việc, phỏng vấn, hoặc trong bất kỳ tình huống tiếp xúc nào với nhà tuyển dụng.

Sự nghiệp của mỗi người là một quá trình dài trong đó công việc đầu tiên chỉ là viên gạch khởi đầu. Ở từng công việc, bạn sẽ học được các kỹ năng mới cũng như nâng cao các kỹ năng cũ. Quá trình này giúp bạn nhận ra được phong cách làm việc của bản thân. Chuyến hành trình này sẽ xây dựng cho cho bạn các kỹ năng sống và kinh nghiệm ngày càng vững vàng hơn. Từng bước, từng bước bạn sẽ nhận ra con đường sự nghiệp của mình.

Nguồn: Cổng thông tin Học viện Báo chí và tuyên truyền

Phan Ly - TTĐC K38 (Tổng hợp)

Phản hồi