Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Học bổng - Việc làm – Tình nguyện \

CV và Cover Letter: Cẩm nang viết hồ sơ chuyên nghiệp (phần 1)

11:24 22-04-2020
Viết hồ sơ là một trong những kĩ năng ứng tuyển mà sinh viên cần biết, bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn.

Sinh viên chuyên ngành báo chí – truyền thông trước một cuộc ứng tuyển luôn được hỏi: “Bạn đã có những kinh nghiệm gì?” Yêu cầu từ các nhà tuyển dụng đối với sinh viên của ngành, bên cạnh những lý thuyết chuyên môn, còn là những kinh nghiệm thực tế phải có từ rất sớm, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với sinh viên báo chí – truyền thông, một lần thực tập là một lần lợi thế.

Vậy, một bộ hồ sơ cơ bản mà nhà tuyển dụng đòi hỏi ở sinh viên là gì? Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về yếu tố quan trọng đầu tiên: CV.

CV là gì?

CV là viết tắt của cụm từ "Curriculum Vitae", dịch sơ là sơ yếu lý lịch; nhưng khác với tờ sơ yếu lý lịch chúng ta khai thời phổ thông, CV chỉ đơn thuần là những thông tin rất cá nhân về bạn như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, trình độ học vấn. Ngoài ra, trong CV phải ghi những điều mà nhà tuyển dụng cần biết ở bạn, như lịch sử làm việc, kỹ năng, mục tiêu,... Bạn phải thể hiện mình có gì và đem lại được những gì cho công ty, chứng minh được mình là người phù hợp cho vị trí này (không thừa, không thiếu; bởi nhiều khi những nhà tuyển dụng loại bạn vì bạn... xuất sắc hơn vị trí mà mình ứng tuyển).

 Ảnh minh họa

Trình bày 1 CV như thế nào cho đúng? Mỗi lần tuyển dụng, HR (Human Resources – nhà quản lý nhân sự) phải đọc hơn trăm bộ hồ sơ. Làm thế nào để CV của bạn thật nổi bật trong mắt họ?

Cách để hoàn thành một CV cơ bản

Về nội dung

Thông thường các CV sẽ có các mục sau được trình bày đơn giản như ảnh dưới:

Các mục cơ bản trong CV (Nguồn: TopCV) 

Một số “tips” khi viết CV:

- Viết hoa HỌ VÀ TÊN.

- Ảnh: Chuẩn bị một chiếc ảnh nghiêm túc, không cần phải là ảnh thẻ; nhưng nhất định không được là ảnh selfie (tự chụp bằng điện thoại).

- Lập cho mình một email nghiêm túc và chuyên nghiệp.

- Link Facebook/Blog cá nhân chỉ cần thiết khi nhà tuyển dụng yêu cầu.

- Mục tiêu nghề nghiệp: phải thể hiện được mục tiêu của bản thân và bạn có thể làm được gì cho doanh nghiệp.

- Học vấn và kinh nghiệm làm việc: Sắp xếp mốc thời gian từ xa tới gần; phải làm nổi bật mốc thời gian.

- Các mục khác: Trình bày ngắn gọn và rõ ràng.

- Một số mục tùy chọn: Sở thích, người giới thiệu,...

Về hình thức

- CV thường được trình bày ngắn gọn theo từng gạch đầu dòng, chia từng mục, từng phần rõ ràng.

- Dấu chấm, phẩy,... phải được đặt đúng chỗ (có rất nhiều ứng viên hiện nay không đáp ứng được yêu cầu Tin học cơ bản này).

- CV 1 trang là đẹp nhất, cùng lắm là 2 trang; trang thứ 2 không nên để quá ít dòng.

- Có sự đồng nhất: Những mục ngang nhau (ví dụ chứng chỉ và giải thưởng) phải cùng font chữ và tone màu.

- Có thể tham khảo các mẫu CV ở các trang như TopCV, nhưng khuyến khích tự tạo CV của bản thân bởi ở khối ngành báo chí – truyền thông, qua CV nhà tuyển dụng có thể thấy được khả năng sáng tạo của bạn.

- Rất khuyến khích viết CV (và cả Cover Letter) bằng Tiếng Anh (nhất là khi tuyển chọn vào các vị trí thuộc công ty truyền thông). Bạn sẽ thể hiện được ngay khả năng Tiếng Anh của mình; có thể công việc bạn “apply” sau này sẽ dùng tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Việt.

Trên đây là một số kiến thức và tips cơ bản về CV. Kì sau hãy tiếp tục đón xem bài viết về Cover Letter: Thư giới thiệu tại phần 2.

Giang Nguyễn

Phản hồi