Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

Góc nhìn chuyên gia \

Nghệ thuật công cộng - Hướng đi mới thay đổi diện mạo cộng đồng

15:00 06-11-2023
Nghệ thuật công cộng được đánh giá là một trong những hướng đi giúp giải quyết nhiều bài toán về kinh tế, văn hóa, cảnh quan đô thị… Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ThS. Nguyễn Thế Sơn, Nguyên Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam để làm rõ vai trò và phương hướng phát triển nghệ thuật công cộng ở nước ta.

PV: Thưa ThS. Nguyễn Thế Sơn, ông đánh giá như thế nào về đời sống văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam trong những năm gần đây?

ThS. Nguyễn Thế Sơn: Đời sống văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay tuy đã có cải thiện, song vẫn còn khá thiếu thốn và chưa thật sự đa dạng. Với dân số gần 100 triệu người, số lượng các thiết chế bảo tàng mỹ thuật, những không gian sáng tạo ở nước ta vẫn còn quá ít. Ở Việt Nam hiện tại chưa có cơ chế khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, cũng như chưa có những bảo tàng nghệ thuật đương đại chính thức, mà mới chỉ dừng lại ở những phòng trưng bày, triển lãm cá nhân, chưa thực sự mở để phát triển theo hướng trao đổi, đối thoại. 

Nguyên nhân cho thực tế trên, theo tôi, là người Việt Nam chưa coi việc thưởng thức văn hoá nghệ thuật như một nhu cầu bức thiết. Hơn nửa thế kỷ chiến tranh và nền kinh tế bao cấp khiến việc chú trọng phổ cập văn hoá nghệ thuật ở bậc phổ thông còn yếu, hạn chế nhu cầu và khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng. Điều này dẫn đến việc các sáng tạo nghệ thuật ít được ủng hộ, cổ vũ; sự đầu tư, sàng lọc trong ngành nghệ thuật cũng chưa thực sự đạt đến tầm cao. Trong bối cảnh ấy, các dự án nghệ thuật công cộng hiện nay tại Việt Nam tuy vẫn còn ít, song đã bước đầu đưa nghệ thuật vào trong đời sống của người dân.

ThS. Nguyễn Thế Sơn là một trong những nghệ sĩ quan tâm và tham gia tích cực các dự án nghệ thuật công cộng tại Việt Nam. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

PV: Đâu là những điểm khác biệt đặc trưng giữa nghệ thuật công cộng và nghệ thuật trong phòng triển lãm, thưa ông?

ThS. Nguyễn Thế Sơn: Một điểm khác biệt dễ thấy được, chính là các tác phẩm nghệ thuật công cộng được trưng bày hoàn toàn miễn phí, mở cửa 24/24, do vậy đây là loại hình nghệ thuật không giới hạn đối tượng công chúng. Đặc trưng này tạo nên sự bình đẳng trong khả năng tiếp cận nghệ thuật trong cộng đồng. Ngoài ra, do được trưng bày chủ yếu ở không gian ngoài trời, nên chất liệu của những tác phẩm nghệ thuật công cộng đòi hỏi phải bền, chống chọi được với thời tiết.

Một đặc trưng khác của nghệ thuật công cộng là khả năng đánh thức không gian mà bản thân tác phẩm được đặt vào. Nó có thể tạo nên một cảm thức nơi chốn, làm cho không gian đó trở nên có hồn hơn. Trên thế giới đã có nhiều thành phố kết hợp nghệ thuật công cộng với những không gian lịch sử, di sản, thiên nhiên để khơi gợi những lớp ý nghĩa mới, tạo nên những đối thoại giữa tác phẩm, không gian và công chúng. Ở một góc độ khác, khi được đặt trong những không gian với bối cảnh đặc biệt thì nghệ thuật công cộng còn mang sứ mệnh hàn gắn những “vết thương” trong cộng đồng, như tưởng niệm người dân qua đời do khủng bố, thiên tai, dịch bệnh hay bảo lưu văn hóa cho cộng đồng,…

PV: Đặt trong bối cảnh đô thị hóa, theo ông, nghệ thuật công cộng tại Việt Nam có vai trò như thế nào?

ThS. Nguyễn Thế Sơn: Nghệ thuật công cộng khi được đặt vào đúng bối cảnh, được sáng tạo đúng cách sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán cho cả chính quyền và cộng đồng cư dân. Nó có thể tạo nên một điểm đến văn hoá, du lịch, mở rộng cơ hội giao lưu và gia tăng kết nối giữa các cộng đồng cư dân, đánh thức những tiềm năng về kinh tế, nâng cao ý thức môi trường. Tuy chưa nhiều, nhưng một vài điểm sáng như phố bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho thấy những tiềm năng này.

Phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những điểm đến văn hoá thú vị của thủ đô. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

Ngoài ra, khi được đặt trong một không gian sống cụ thể, bản thân tác phẩm nghệ thuật công cộng còn như một tấm gương phản chiếu diện mạo của cộng đồng, giúp lan tỏa một thông điệp chung. Trong nhiều trường hợp, nghệ thuật công cộng cũng tạo cơ hội cho cộng đồng được cất tiếng nói về câu chuyện của mình, qua đó khơi gợi niềm tự hào và nâng tầm nhận thức văn hóa. 

PV: Theo ông, để triển khai những dự án nghệ thuật công cộng một cách bài bản, có khả năng mang lại nhiều giá trị bền vững thì cần kết hợp những yếu tố nào?

ThS. Nguyễn Thế Sơn: Quan trọng nhất vẫn là sự chuyển dịch về nhận thức và tầm nhìn của các cấp quản lý, chính quyền. Hiện tại, nước ta vẫn chưa có cơ chế chính thức để tạo động lực và khuyến khích sự phát triển của hình thức nghệ thuật này. Việc đào tạo, trang bị những kiến thức về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng trong các cơ sở đào tạo mỹ thuật, kiến trúc vẫn còn rất hạn chế. Chính vì thế, cho đến nay, nhiều dự án nghệ thuật công cộng vẫn diễn ra một cách tự phát, manh mún, thiếu tính thẩm mỹ cũng như khả năng kết nối với cảnh quan. Nhiều công trình sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nhưng thiếu sự quan tâm, đầu tư gìn giữ, tu bổ. Điểm mấu chốt là đổi mới trong giáo dục, làm cho nghệ thuật được phổ cấp nhiều hơn ở các cấp học, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật công cộng.

Các dự án nghệ thuật công cộng muốn làm tốt cũng cần đến sự thống nhất của cộng đồng. Bởi tác phẩm nghệ thuật khi đặt trong một không gian sống nhất định đều có những ảnh hưởng nhất định lên sinh hoạt của cư dân ở đó. Khi triển khai các dự án như vậy, sẽ phải có họp bàn, thảo luận, trao đổi với chính cư dân ở đó, thậm chí tạo cơ hội cho người dân tham gia sáng tạo, mang lại lợi ích cho chính cộng đồng đó.

Những bức tranh tường trang trí khu dân cư, trường học xuất hiện ngày một phổ biến trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

PV: Xin cảm ơn ông về những trao đổi vừa rồi! 

Nguyễn Thế Sơn tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ (2000) và chuyên ngành Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2002). Năm 2012, ông nhận bằng Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, sau đó trở về nước và giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tới năm 2022. Từ năm 2022, ThS. Nguyễn Thế Sơn làm việc tại Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Song song với sự nghiệp giảng dạy, ông cũng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật cả trong và ngoài nước.

Đỗ Linh Phương - Báo in K41

Phản hồi