Kim Chỉ Xưa là một dự án truyền thông được thực hiện bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với mong muốn trở thành chiếc “kim chỉ nam”, dự án mong muốn dẫn các bạn trẻ quay ngược thời gian, tìm đúng đường đi về quá khứ, khám phá những cái “ngày xửa, ngày xưa” mà ông bà thường hay kể, nhớ lại tuổi thơ mà mọi người dần quên lãng. Đội ngũ truyền thông của fanpage Kim Chỉ Xưa đã không ngừng nỗ lực để đem đến các thông tin chính xác và nhanh chóng nhất.
Đầu tháng 11, dự án đã chính thức được khởi động với việc thành lập fanpage Kim Chỉ Xưa trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Với phương châm hoạt động “Chạm cũ, nhớ xưa”, các thành viên của dự án mong muốn mọi người có thể cùng nhau hồi tưởng về những điều quen thuộc trước đây nhưng đang dần biến mất trong cuộc sống hiện đại. Kim Chỉ Xưa sẽ gợi nên phong cách trầm lắng, hoài cổ xen lẫn sự vui vẻ, tươi sáng của thời thơ ấu thông qua các gam màu chủ đạo là vàng, cam và trắng.
Không dừng lại ở đó, Kim Chỉ Xưa còn khai thác chuyên sâu về các phong tục tập quán của người dân thế kỷ trước và những mẩu chuyện từng trải của ông bà, bố mẹ thông qua từng chuỗi bài đăng.
Bạn Trần Mạnh Quang, thành viên ban Nội dung của dự án Kim Chỉ Xưa chia sẻ rằng: “Mình lớn lên ở một ngôi làng ở Hà Nội, không có nhiều điều kiện để vui chơi giải trí như các bạn trong trung tâm, việc vui chơi ở đình làng hay trò chơi truyền thống đem lại sự ấm áp để kết nối mọi người là nguồn cảm hứng để mình cùng các thành viên trong dự án tạo nên Kim Chỉ Xưa”.
Bên cạnh đó, Kim Chỉ Xưa còn đưa bạn đọc đến những câu chuyện đau thương của quá khứ như bức tranh về thời chiến ác liệt, những bức thư được viết vội nơi chiến trường sặc mùi khói súng… Các bạn trẻ cần được giáo dục ý nghĩa của hòa bình, chẳng hạn như ấn phẩm tái hiện lại bức thư “Gửi lại người đang sống" của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”.
Bạn Nhật Mai, người đã theo dõi dự án Kim Chỉ Xưa từ những ngày đầu chia sẻ: “Mình biết đến dự án khi tìm hiểu về tò he, mình ấn tượng với Kim Chỉ Xưa về cách thiết kế những sản phẩm truyền thông cho đến nội dung của từng bài viết. Các thông tin mà dự án chia sẻ giúp mình hiểu hơn về văn hoá truyền thống Việt Nam, mình sẽ tiếp tục theo dõi và ủng hộ dự án trong tương lai” .
Phản hồi