Dự án Báo chí điều tra Vaci 2013-2014 có tên đầy đủ là dự án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp của sinh viên Báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”. Tổng thể dự án gồm 2 giai đoạn với hai mã số P34 và P41.
Đề án P34: Hội tụ những người dám dấn thân với nghề báo
Đề án P34 được thực hiện từ tháng 1/2014 - 11/2014 với mục tiêu: Trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên Báo chí tiếp cận, học tập, thực hành kiến thức và kỹ năng báo chí điều tra phòng chống tham nhũng; đưa điều tra phòng chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy cử nhân Báo chí.
Thành công đầu tiên của dự án là đã xây dựng và phát triển Câu lạc bộ (CLB) Báo chí điều tra (IJC). CLB giúp sinh viên có điều kiện tiếp các kỹ năng của báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với sự hỗ trợ của các nhà báo, các cơ quan báo chí; đồng thời là nơi quy tụ những sinh viên đam mê, nhiệt huyết và dám dấn thân với nghề báo.
Tháng 3/2014, CLB Báo chí điều tra (IJC) tố chức lễ ra mắt với 35 thành viên. Từ khi thành lập, CLB có nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức 6 buổi sinh hoạt định kỳ; các thành viên IJC đã được tham gia 3 khóa tập huấn nghiệp vụ, 5 chuyến thực tế và tham gia thực hiện tất cả các hoạt động của dự án cùng Ban Chủ nhiệm dự án và nhóm nòng cốt; tổ chức Tọa đàm “Phối hợp giữa nhà báo và cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra phòng chống tham nhũng”.
Tiếp đó, đề án đã đào tạo nhóm sinh viên nòng cốt được trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho điều tra phòng chống tham nhũng. Trong hoạt động này, dự án đã thực hiện xây dựng bộ tài liệu sử dụng cho ba khóa tập huấn của IJC và gói tài liệu lồng ghép thử nghiệm vào chương trình đào tạo cử nhân Báo chí. Ba khóa tập huấn kèm 3 chuyến đi thực tế tác nghiệp đã được tổ chức từ 30/03/2014 đến 30/04/2014 với 25 giảng viên. Sau đó, dự án đã tổ chức 2 chuyến thực tế tác nghiệp trong tháng 9, tháng 10 cùng năm.
Triển lãm Bộ sưu tập Tác phẩm Báo chí điều tra của khoa Báo chí (FOJ’s Collection) cũng là một dấu ấn đậm nét của dự án. Hoạt động tuyển chọn và xây dựng bộ sưu tập gồm 20 tác phẩm báo chí điều tra tiêu biểu, nhằm tôn vinh các cây bút điều tra xuất sắc trong cả nước; đồng thời, phần phân tích tác phẩm của hội đồng chuyên môn làm bài học tốt cho sinh viên Báo chí khi học về báo chí điều tra. Buổi triển lãm diễn ra ngày 30/11/2014 đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 người và hơn 20 cơ quan báo chí đã đưa tin về sự kiện cho thấy sức hấp dẫn của hoạt động này.
Giai đoạn một kết thúc tốt đẹp với Hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án giai đoạn và xây dựng công cụ cho dự án. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều khách mời có tầm ảnh hưởng và sự đóng góp lớn trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, các nhà báo, phóng viên... PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí (nay là Viện trưởng Viện Báo chí), Chủ nhiệm Dự án Báo chí điều tra báo cáo tổng kết về Dự án P34 - VACI 2013 đã khẳng định: “Câu lạc bộ là ý tưởng đề xuất được đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay khi mà báo chí điều tra được coi là công cụ có ý nghĩa, thể loại “búa tạ” trong báo chí phòng chống tham nhũng. CLB Báo chí điều tra ra đời đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sinh viên báo chí học kiến thức, kỹ năng, nguyên tắc điều tra cho sinh viên báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Đề án P41: Xây dựng mạng lưới nhà báo điều tra có năng lực
P41 là đề án triển khai giai đoạn 2 của đề án P34. Đề án P41 là kết quả của một hành trình dài cố gắng và nỗ lực không ngừng của thầy trò CLB Báo chí điều tra (IJC). Sau những khóa tập huấn, các chuyến đi thực tế dưới sự hướng dẫn của các nhà báo điều tra chuyên nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai hoạt động đề án, các thành viên của CLB Báo chí điều tra đã có những bước tiến đáng kể về kỹ năng tác nghiệp, nhiều sinh viên đã cho ra đời những tác phẩm báo chí có ý nghĩa xã hội lớn.
Đề án có nhiều hoạt động ý nghĩa và quan trọng như: Tập huấn kiến thức và kỹ năng báo chí chuyên sâu về chính trị - pháp luật - kinh tế nhằm tăng năng lực điều tra phòng chống tham nhũng cho các thành viên trong CLB IJC; xây dựng mạng lưới các nhà báo điều tra trẻ có năng lực và nhiệt huyết tại các địa phương, cơ quan báo chí Trung ương phối hợp với các thành viên của IJC.
Dấu mốc khép lại thành công rực rỡ của dự án Báo chí điều tra VACI 2013-2014 được đánh dấu bởi Festival Báo chí điều tra VACI 2014. Lễ tổng kết dự án Báo chí điều tra - Đề án P41 là kết quả của một cuộc hành trình dài cố gắng và nỗ lực không ngừng của thầy, trò khoa Báo chí mà nòng cốt là CLB Báo chí điều tra dưới sự ủng hộ, giúp đỡ của Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội nhà báo và các nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước.
Festival Báo chí điều tra được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ tổng kết Dự án Báo chí điều tra 2014, ra mắt sách “Giáo trình Báo chí điều tra” và “Tác phẩm báo chí điều tra - Tuyển chọn và phân tích”. Hai cuốn sách đã trở thành nguồn tài liệu học tập quý cho sinh viên Báo chí và các bạn đam mê báo chí điều tra.
Với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả thành viên trong dự án, trong hai năm 2013-2014, dự án Báo chí điều tra xứng đáng một trong 19 đề án xuất sắc nhất trong Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam.
Người đặt nền móng cho dự án VACI 2013 - 2014
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa Báo chí (nay là Viện trưởng Viện Báo chí) - Học viện Báo chí và Tuyên truyền bằng sự tâm huyết với nghề đã xây dựng dự án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp của sinh viên Báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”.
Là người luôn trăn trở làm thế nào để sinh viên có thể tiếp cận sớm hơn, nhanh hơn với môi trường báo chí, làm sao để nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa nhà trường và hoạt động thực tiễn báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng không quản ngày đêm nghiên cứu, xây dựng và tìm minh chứng, thiết lập nguồn nhân lực cho đề án. Cô tâm niệm, dù có khó khăn cũng không bỏ qua bất kỳ một cơ hội học tập, thực tế nào của sinh viên.
Tuy nhiên, khi nhắc đến thành công của dự án, cô không hề nhắc đến bản thân mà cho rằng đó là sự nỗ lực của toàn thể giảng viên, sinh viên đã tham gia dự án. Cô chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất là dự án do các sinh viên Báo chí thực hiện tất cả các hoạt động dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Thông qua dự án, các em đã phát huy được năng lực sáng tạo của mình, được tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng báo chí điều tra phòng chống tham nhũng. Các em tự tin và ngày càng tỏ rõ triển vọng của mình. Qua hai lần chiến thắng của dự án, sinh viên khoa Báo chí (nay là Viện Báo chí) đã chứng tỏ rằng: Nếu chủ động học tập và nỗ lực rèn luyện, nếu có phương hướng tốt, với môi trường đào tạo chuyên nghiệp như Viện Báo chí, các em có đủ tự tin để bước vào nghề, đối mặt với những thách thức nghề nghiệp một cách bản lĩnh”.
Phản hồi