Danh mục Thứ Bảy, 21/12/2024

Đời sống AJC \

Sinh viên báo chí vào nghề

Sinh viên báo chí vào nghề - Từ giảng đường đến toà soạn cách nhau bao xa?

10:07 19-05-2022
Một trong số những trải nghiệm đáng nhớ mà đa phần sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều phải trải qua khi bước vào cuối năm học thứ 3 là kỳ kiến tập dài 3 tuần. Đặt những bước chân chập chững đầu tiên tới ngưỡng cửa toà soạn, liệu thực tế khi vào nghề có như những gì các bạn đã được học trên giảng đường đại học?

Dịch bệnh là rào cản

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, việc kiến tập của nhiều sinh viên bị ảnh hưởng không ít. Bạn Phạm Ngọc Hà - sinh viên năm tư lớp Báo Ảnh K38 chia sẻ: “Hồi năm ba mình đi kiến tập tại phòng văn nghệ giải trí của một toà soạn báo tại tỉnh, khi ấy các địa phương vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hầu như các hoạt động, sự kiện, lễ hội đều không được tổ chức. Không tổ chức thì sẽ không có thông tin để viết. Mà có viết thì cũng chỉ có một nội dung duy nhất là “do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số hoạt động lễ hội phải tạm hoãn lại”. Thế là mình phải tìm đề tài khác để viết. Tuy nhiên bất cứ đề tài, vấn đề hay nhân vật nào mình đưa ra đều không được cấp trên duyệt, vì nhiều người viết đề tài ấy lắm rồi!

Trên giảng đường đại học, mình luôn được dạy rằng một nhà báo nhạy bén phải tìm ra cái mới trong những vấn đề đã cũ. Nhưng trong thực tế thì khó lắm, đôi khi chưa kịp trình bày ý tưởng thì đề tài đã không được duyệt rồi.”

Bạn Phạm Ngọc Hà - sinh viên lớp Báo Ảnh K38 chia sẻ về khó khăn khi kiến tập trong lúc dịch bệnh căng thẳng (Ảnh: NVCC) 

Cơ hội và thách thức

Đặt những dấu chân đầu tiên trên sự nghiệp báo chí, truyền thông, nhiều cơ hội mở ra trước mắt các bạn sinh viên, nhưng bên cạnh đó là không ít thách thức về chất lượng bài vở và số lượng tin bài.

Chia sẻ về những cơ hội và may mắn khi tham gia kiến tập tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), bạn Chu Yến Linh, sinh viên năm ba lớp Truyền thông đại chúng K39 A2 bộc bạch: “Mình thấy rất may mắn khi nhà trường đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên năm 3 như mình có khoảng thời gian 1 tháng được đi kiến tập, làm quen và học hỏi về nghề tại các cơ quan báo chí truyền thông lớn và uy tín. Thời gian hơn 3 tuần không phải quá dài nhưng đủ để mình hiểu được quy trình làm việc, những công việc cần làm của một nhà báo, người làm truyền thông là gì.

Mình chọn thực tập tại Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam (VOVTV). Nhiều người khi nhắc đến VOV thường nghĩ tới là Đài phát thanh tuy nhiên Kênh truyền hình của Đài cũng được đầu tư và rất phát triển. Mình có cơ hội được thực tập tại phòng Nội dung số - một môi trường làm việc lý tưởng cho các bạn sinh viên genZ trẻ và năng động. Ở đây mình được hướng dẫn viết đi thực tế lấy tư liệu, viết, biên tập tin bài, bản tin và làm trợ lý trường quay, hỗ trợ các anh chị trong quá trình quay tin và dựng tin.”

Chu Yến Linh - sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39 A2 có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc tuyệt vời khi tham gia kiến tập tại VOV. (Ảnh: NVCC) 

Bên cạnh cơ hội học tập và phát triển bản thân, Yến Linh cũng vấp phải không ít thử thách khi vận dụng những kiến thức đã học vào công việc thực tế. “Có lẽ điều mình thấy khó khăn nhất đó là khối lượng tin bài và sự nhanh nhạy của tin tức báo chí. Một ngày có rất nhiều sự kiện được xảy ra và mình phải cập nhật liên tục, tức thời để đảm bảo độ “nóng” của tin. Có những ngày mình đã viết xong tin bài về chủ đề du lịch nhưng đành phải bỏ lại một góc để “vội vàng” viết một tin mới về tai nạn giao thông hay vụ hoả hoạn lớn. Ngoài ra phòng nội dung số là nơi tiếp nhận những tin tức, chương trình của các phòng ban, bộ phận khác vậy nên thường xuyên phải làm việc về muộn, sau khi kết thúc tất cả các chương trình một ngày và cập nhật những thông tin đó lên nền tảng số bọn mình mới được về.”

Cũng chung tâm trạng bối rối khi làm quen với công việc thực tế tại toà soạn những ngày đầu tiên, bạn Lê Vũ Thảo Vân - sinh viên năm ba lớp Báo In K39 kể: “Thời gian kiến tập chỉ kéo dài hơn 3 tuần, khi vừa mới tập quen việc thì đã kết thúc kì kiến tập rồi. Vậy nên mình cũng có đôi chút khó khăn trong việc tìm thông tin, liên hệ phỏng vấn với cơ quan chức năng hoặc tiếp cận nguồn tin vì sinh viên chưa có thẻ nhà báo. Tuy vậy, mình đã có rất nhiều cơ hội để học hỏi. Nếu trên giảng đường mình chỉ được đào tạo những kiến thức hàn lâm, thì khi đi kiến tập, mình được mắt thấy, tai nghe, được đắm mình thực sự trong công việc. Cũng nhờ đó mà mình phát hiện bản thân thực sự nhiệt huyết và đam mê với nghề”.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Kỳ kiến tập là cơ hội để sinh viên quan sát thực tế, làm quen với công việc của một nhà báo thực thụ và xác định được khả năng của bản thân. Đôi khi những khó khăn trong công việc không chỉ đến từ phía bản thân sinh viên do thiếu kinh nghiệm làm việc mà nó còn đến từ những yếu tố khách quan khác như thời tiết, hoàn cảnh, không gian, thời gian, những đối tượng được phỏng vấn,…. Đây chính là cơ hội để các bạn sinh viên rèn giũa tính kiên nhẫn và khám phá “lửa nghề” của mình.

Bạn Trần Đắc Quang - sinh viên lớp Truyền thông đa phương tiện K38 đã kết thúc kỳ kiến tập năm ba từ lâu nhưng khi nhắc lại thì vẫn nguyên vẹn cảm xúc thuở chập chững vào nghề: “Thực tế là khoảng cách từ giảng đường đại học đến toà soạn luôn tồn tại. Tuy nhiên, khoảng cách ấy gần hay xa phụ thuộc vào cảm quan của từng cá nhân. Với bản thân mình, những gì mình học được từ giảng đường đại học khá sát với công việc thực tế. Khi mình đi kiến tập, đa số những tình huống mình gặp phải đã từng được nghe qua lời giảng của thầy cô, nhưng đến khi vấp phải ngoài đời thì mình mới cảm nhận được nó rõ ràng nhất. Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình là lần có cuộc hẹn phỏng vấn với bác Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân. Vẫn thường nghe thầy cô dậy rằng điều tối kỵ của một nhà báo đó là trễ hẹn, đi muộn. Vậy nên mình đã đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 5 phút, tuy nhiên hành động đó của mình đã nhận được sự nhắc nhở từ bác Phó Tổng vì không đúng giờ hẹn. Từ đó mình mới nhận ra rằng tác phong làm việc của từng cơ quan là khác nhau, khi mình làm việc ở đâu thì phải chủ động tìm hiểu về giờ giấc, tác phong của họ, có như vậy mọi việc mới diễn ra suôn sẻ và thuận lợi”.

Bạn Trần Đắc Quang (ở giữa) đã có nhiều bài học thực tế quý giá mà trên giảng đường chưa được học sau khi kết thúc kỳ kiến tập. (Ảnh: NVCC)

Con đường làm báo chí, truyền thông không trải thảm hồng. Qua những ngày lang thang ngoài đường để chụp hình, săn tin, các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới thấm thía những khó khăn, nhọc nhằn của người làm báo. Từ những va chạm đầu tiên với nghề, không ít người cảm thấy chán nản và muốn chuyển hướng. Nhưng cũng chính từ những va chạm ấy, nhiều bạn lại trưởng thành hơn, thấy yêu hơn cái nghề mà mình đã chọn. Khoảng cách giữa giảng đường đại học tới thực tế toà soạn sẽ không xa nếu bạn kiên trì và luôn nỗ lực để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua.

Thanh Xuân

Phản hồi