Danh mục Thứ Hai, 29/04/2024

Diễn đàn \

"Tôi là ai? Và có hợp với ngành Báo chí - Truyền thông không?"

22:27 02-05-2020
Bạn là người như thế nào, có phù hợp với công việc trong ngành Báo chí - Truyền thông không? Các bước sau sẽ giúp bạn định vị rõ hơn về bản thân và công việc trong ngành này.

Trong vài năm trở lại đây, ngành báo chí - truyền thông luôn đứng trong top những ngành nhiều sinh viên theo học bởi cơ hội làm việc đúng chuyên ngành sau khi ra trường rất cao. Hơn nữa, môi trường làm việc mở, không giới hạn do tính chất công việc cần sự sáng tạo cao cũng là điều thu hút các bạn trẻ. "Điểm mặt" ngay các bước dưới đây để xem liệu mình có phải là người hợp ngành không nhé!

Bước 1: Sở thích chính là chìa khóa đầu tiên!

Xác định được sở thích, đam mê của mình rất quan trọng. Theo một khảo sát nhỏ được thực hiện vào quý I năm 2020, một người làm báo chí - truyền thông thường có những sở thích sau:
Thích di chuyển: Được ‘’đi đây đi đó" là món quà lớn nhất, ở nguyên một chỗ quá lâu sẽ thấy ghen tị với những người đang được đi phượt.
Luôn có vài suy nghĩ "khác người": Thích công việc luôn được chuyển dòng theo nhiều cách suy nghĩ khác nhau mà vẫn giữ được những cốt lõi, không bị pha tạp.
Thích làm sự kiện: Có cảm hứng với những công việc về sân khấu như lên nội dung cho chương trình, làm MC, hỗ trợ quay dựng hay đăng tin, bài về sự kiện,.. 
Nhiều ý tưởng: Sự sáng tạo trong các ngành học báo chí - truyền thông thực sự rất cần thiết. Chính vì vậy, nếu các bạn mong muốn được ‘’bung tỏa’’ những sáng kiến, ý tưởng của bản thân, thì ngành học về báo chí - truyền thông là sự lựa chọn phù hợp với bạn.

 Xác định được sở thích, đam mê của mình rất quan trọng

Bước 2: Tính cách của bạn là gì? Và nếu thế thì có làm truyền thông được không?

Tính cách tuy không phải điều kiện tiên quyết, nhưng lại chính là thứ quan trọng nói lên một con người có phù hợp với môi trường và công việc hay không. Tính cách ở đây sẽ được gộp thành nhóm đó là hướng nội và hướng ngoại.

     Cần xác định loại hình tính cách của bản thân 

Tính cách hướng ngoại: Người hướng ngoại là người có xu hướng thích giao lưu, mở chuyện ngay lần đầu gặp gỡ. Họ nói nhiều và không thích ở một mình, trong cơ thể luôn tràn đầy năng lượng để làm việc. Với tính cách hướng ngoại, hầu như các ngành học về báo chí - truyền thông đều hợp với họ. Những công việc dù là đứng trước công chúng hay chỉ ‘’đứng sau sân khấu’’ đều trở nên dễ dàng.
Tính cách hướng nội: Hướng nội là khuynh hướng chủ yếu hoặc hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống tinh thần của bản thân người đó. Người hướng nội có xu hướng mở rộng khi suy nghĩ và suy nhược khi phải giao tiếp với những người khác. Những người hướng nội thường kín đáo và ít nói trong những nhóm đông.
Nhiều người nói rằng những người hướng nội thường sẽ khó hòa nhập với môi trường năng động, hoạt ngôn như môi trường báo chí - truyền thông vì tính cách tự ti, khó giao tiếp và ngại sự chú ý của mình. Sự thật không phải vậy, các ngành học liên quan đến báo chí - truyền thông vẫn luôn là sự lựa chọn tốt dành cho những người hướng nội. Người hướng nội vẫn có thể sáng tạo, bộc lộ rõ năng khiếu của mình thông qua các sản phẩm về báo chí - truyền thông mà không cần đến sự hoạt bát được nhìn thấy rõ ở vẻ ngoài.

Chính vì vậy, những ngành học như Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện, Báo chí đều phù hợp với cả người hướng ngoại và hướng nội, chỉ cần họ có niềm đam mê. Sau khi ra trường, mọi người có thể làm được những công việc như biên tập viên, sản xuất nội dung, lên kế hoạch truyền thông, kế hoạch tổ chức sự kiện,...

Bất kể tính cách hướng nội hay hướng ngoại, khi ở trong môi trường báo chí - truyền thông, chúng ta đều sẽ bộc lộ những năng lượng của một người làm nghề phục vụ công chúng theo nhiều cách khác nhau. Sẽ vẫn luôn là những khối óc sáng tạo ấy, vẫn luôn là những tâm hồn tự do ấy, những nguồn năng lượng vẫn sẽ tiếp tục tỏa ra từ những người thuộc lĩnh vực báo chí - truyền thông. 

Bước 3: Thế mạnh của bạn là gì?

Các ngành thuộc báo chí - truyền thông luôn yêu cầu những kỹ năng để có thể qua kì trúng tuyển đầu vào và kì thi năng khiếu báo chí,... vì vậy các bạn cần xác định được những thế mạnh của riêng mình sao cho phù hợp với những ngành học này. 

 Xác định thế mạnh bản thân là bước cuối cùng trong 3 bước

Việc tìm ra những ưu điểm của bản thân có thể khiến các bạn có được sự lựa chọn đúng hướng hơn về ngành học của mình. Khi bạn đủ đam mê, kèm theo những kỹ năng cần có, các bạn hoàn toàn có thể làm chủ được nguyện vọng cùng những sự cố gắng hết mình để trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn. 

‘’Phát hiện ra thế mạnh của bản thân sẽ không hề khó nếu đã qua những bước xác định đam mê, sở thích, tính cách của mình. Chỉ cần có sự say mê, tạo cho mình những bước đi chắc chắn, con đường tới với ngành Báo chí - Truyền thông sẽ không có gì là cản trở.’’ Đó chính là đại ý chung trong những chia sẻ chân thật của rất nhiều sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Liệu các bạn đã muốn trở thành những người đặt bước đi chắc chắn của Học viện Báo chí & Tuyên truyền? Hãy tìm ra những ưu thế của mình để sẵn sàng vào ngôi nhà chung của các ngành học Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện ngay từ bây giờ! 

Mai Anh

Phản hồi