“Cơn ác mộng” ở gần hơn chúng ta nghĩ
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các hành vi quấy rối tình dục thường xảy ra ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau nhưng có thể quy theo 3 dạng chính: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể.
Theo ThS. Trần Văn Tình (Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), số nạn nhân của quấy rối tình dục được thống kê trong các cuộc khảo sát vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình trạng thực tế, do còn nhiều nạn nhân không dám nói với người thân hay xin ý kiến chuyên gia tâm lý về vấn đề xảy ra với bản thân. Việc phải kể lại câu chuyện đã diễn ra là gánh nặng với nạn nhân, đồng nghĩa với việc họ phải sống lại một lần nữa trong những tình huống đen tối.
ThS. Tình cho biết thêm: “Những nạn nhân bị quấy rối một cách nghiêm trọng có thể đối mặt với những vấn đề tâm lý đáng quan ngại do cảm thấy ức chế và đau đớn. Chúng ta có thể kể đến rối loạn tâm lý hậu sang chấn với biểu hiện sợ hãi, sợ đám đông, ngại tiếp xúc xã hội, hay rối loạn lo âu với những triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở,... thậm chí dẫn tới trạng thái trầm cảm. Những nạn nhân bị quấy rối ở mức độ không nghiêm trọng có thể sẽ hồi phục sau một thời gian. Tuy nhiên, họ cũng phải trải qua một giai đoạn tâm lý khó khăn, sợ hãi".
Chủ động đề phòng và chống đối để bảo vệ bản thân
ThS. Trần Văn Tình nhấn mạnh: Để có thể chủ động phòng tránh những hành vi quấy rối tình dục, mỗi sinh viên cần có biện pháp nhận diện và đối phó với những đối tượng có hành vi đáng ngờ.
Đầu tiên, mỗi người phải hiểu được thế nào là hành vi quấy rối tình dục và bản chất của hành vi đó. Khi ấy, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân và hiểu được những tình huống giao tiếp xã hội nào được coi là không phù hợp.
Thứ hai, trong trường hợp gặp đối tượng có hành vi đáng ngờ, ánh mắt và cử chỉ của bạn cần trở nên cứng rắn và quả quyết hơn để bảo vệ bản thân ngay từ những lần giao tiếp đầu tiên.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp quấy rối sẽ xảy ra khá nhanh khiến nạn nhân rơi vào trạng thái hoang mang vì họ không chắc phải xử lý hay phản ứng như thế nào. Sau khi nhận ra thì tên xấu xa có thể đã đi mất. Chia sẻ về điều này, phóng viên Thanh Mai (Báo Pháp luật Việt Nam) cho biết: “Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các bạn sinh viên bị quấy rối ở nơi thực tập. Có em từng tâm sự cảm thấy rất tức giận, không chỉ vì hành động đáng lên án kia mà còn vì cả bản thân mình đã không phản ứng như mong đợi. Sau đó, em thấy mặc cảm và tự trách, có thể do hôm đó đã đi một mình nơi vắng vẻ hay không mặc một chiếc quần đủ dài để che đi cơ thể. Cuối cùng những gì còn lại là cảm giác xấu hổ, tự ti, thậm chí là sợ hãi".
Phóng viên Thanh Mai cũng đưa ra lời khuyên: Với những nạn nhân là sinh viên bị quấy rối tình dục, bước đầu tiên cần làm, cũng là bước rất khó, là phải tìm cách kể lại, chia sẻ với người mình tin tưởng, có thể là gia đình, bạn bè, thầy cô giáo.
“Hãy cố gắng mô tả lại một cách khách quan những điều mà mình đã trải qua. Từ đó, bạn sẽ được giải tỏa về mặt cảm xúc, nhận thức lại những sự kiện để hiểu rõ mình bị tấn công thế nào, bản chất của các hành vi đó ra sao. Hãy khẳng định lại điều đúng đắn rằng mình là nạn nhân thực sự, để tránh cảm giác mặc cảm tội lỗi và các cảm xúc tiêu cực khác" - Phóng viên Thanh Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tham gia trị liệu tâm lý, tham vấn tâm lý cũng rất cần thiết. Chuyên gia sẽ giúp "cắt nghĩa" những hành vi mà nạn nhân đã phải trải qua, đưa ra cách thức tác động tâm lý để giảm thiểu dần những tổn thương mà hành vi quấy rối gây nên.
Theo Luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 chỉ ra: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không mong muốn và không phù hợp, gây xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường bất ổn, đáng sợ và khó chịu tại nơi học tập, làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận".
Phản hồi