Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Diễn đàn \

Không nên trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 

10:50 04-11-2023
Khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phát hiện những vấn đề sức khỏe ngay từ khi chúng khởi phát và được điều trị kịp thời. Nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay còn thờ ơ với việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chỉ đến khi mắc bệnh nặng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa mới nhập viện điều trị.

Cảm giác như được hồi sinh

Đây là chia sẻ từ bạn Vân Lê (20 tuổi, Hà Nội) khi nhớ về khoảng thời gian điều trị 7 ngày tại bệnh viện vì đau dạ dày. Vân vẫn nhớ vào đêm kinh khủng cuối tháng 9 năm nay khi đột ngột bị đau bụng dữ dội: “Mình thấy đau đến mức mắt mờ đi. Đêm hôm ấy, bạn mình phát hoảng khi nghe cuộc gọi rồi chạy mấy cây số để đưa mình nhập viện trong đêm. Theo bác sĩ điều trị, mình đã khinh thường khi không kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Mình chỉ nghĩ đơn giản mình có ăn cay thường xuyên đâu mà sợ bị bệnh dạ dày".

Vân cảm thấy sức khỏe mình tốt hơn sau khi được xuất viện. (Ảnh: NVCC)

Bây giờ, khi nhớ lại về quãng thời gian ấy, Vân rút ra cho mình một bài học: “Sau thời gian nằm viện, mình nhận ra sức khỏe là điều quan trọng nhất. Nếu được quay lại quá khứ, mình sẽ không bỏ bê bản thân trong những lần chạy deadline xuyên đêm và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ".

Lối sống không khoa học dẫn tới sự trẻ hóa bệnh lý dạ dày

Những áp lực trong cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ lơ là việc chăm sóc bản thân. (Ảnh: Internet) 

Trong Hội thảo khoa học và y khoa liên tục với chủ đề “Nội soi siêu âm can thiệp trong bệnh lý tiêu hóa và mật tụy” tại bệnh viện Bạch Mai ngày 28/10, đa phần các giáo sư, tiến sĩ đều đồng tình quan điểm rằng: Nguyên nhân cho sự trẻ hóa các bệnh lý liên quan hệ tiêu hóa được cho là xuất phát từ lối sống thiếu khoa học và tâm lý cậy tuổi trẻ có khả năng phục hồi tốt.. Chính vì vậy, nhiều bạn quên ăn, quên ngủ để hoàn thành công việc đã đề ra. Điều này gây rối loạn cơ chế giờ giấc tự nhiên của cơ thể, rối loạn cơ chế tự thải độc và phục hồi cơ thể, thường xuyên không được nạp đủ chất và tiêu hóa kịp thời thức ăn,...

Bác sĩ Trọng Thương (Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết đã từng tiếp nhận điều trị bệnh nhân viêm loét dạ dày có tuổi đời rất trẻ thậm chí có trường hợp bệnh nhân mới là học sinh cấp 2. Ngoài yếu tố di truyền, lối sống không coi trọng bản thân là nguyên nhân tác động trực tiếp. Ông chia sẻ: “Bệnh nhân ấy chịu áp lực rất nặng từ điểm số nên gần như thức trắng nhiều đêm để học. Điều ấy kết hợp với việc ăn uống qua loa, hay ăn đêm rồi ngủ luôn đã dẫn đến tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân khi cấp cứu ở bệnh viện".

Đi khám sức khỏe định kỳ là “chìa khóa” chữa bệnh 

 Bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa Hồ Trọng Thương ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. (Ảnh: Mỹ Giang)

Theo chia sẻ từ kinh nghiệm làm việc tại Khoa Ngoại Tiêu hóa tại bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Thương cho biết các bệnh nhân chỉ điều trị bệnh tiêu hóa khi có dấu hiệu rõ ràng. Lúc ấy, bệnh tình thường đã ở giai đoạn trở nặng. Các bệnh lý dạ dày khi đến giai đoạn này thường rất khó chữa trị dứt điểm và để lại hậu quả lâu dài. Bác sĩ đưa ra lời khuyên: “Cách tốt nhất phát hiện và chữa trị dứt điểm bệnh lý liên quan dạ dày chính là khám định kỳ sức khỏe thường xuyên. Các bệnh lý liên quan hệ tiêu hóa ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện nếu chỉ quan sát bên ngoài. Chúng ta phát hiện bệnh sớm thì điều đó giúp tăng tỷ lệ chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh và tỷ lệ sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh".

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật vào năm 2022, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số, từ những bệnh thông thường như: rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng người mắc bệnh viêm loét dạ dày đang có xu hướng trẻ hoá và tăng cao. Mặt khác, đối với bệnh ung thư liên quan hệ tiêu hóa, mỗi năm có khoảng gần 18.000 người mắc ung thư dạ dày và có 15.000 trường hợp tử vong, 16.000 người mắc ung thư đại trực tràng và có đến hơn 7.000 người tử vong vì căn bệnh này. Có khoảng 20% cho tới 25% số ca ung thư dạ dày thuộc về những người có độ tuổi dưới 40.

Đặng Mỹ Giang - Báo in K41

Phản hồi