Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Chuyên đề \

"Cách mạng màu" - Con sâu đục khoét lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước (Bài 1)

17:26 12-05-2024
"Cách mạng màu" được biết đến như một chiêu bài chính trị kiểu mới của các thế lực thù địch, phản động nhằm đả phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Với những thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp; cách mạng màu như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam nói chung và toàn thế giới nói riêng.

Bản chất cuộc cách mạng "sắc màu chính trị"

“Cách mạng màu” hay còn gọi là “cách mạng nhung”, “cách mạng đường phố” là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị có tổ chức nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Thực chất đó là những phương thức bạo loạn lật đổ phi vũ trang được Mỹ và đồng minh tổ chức thực hiện nhằm thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây ở các nước. 

Hay có thể nói, cách mạng màu thực chất là một trong những phương thức của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chế độ tư bản chủ nghĩa (cụ thể ở đây là Mỹ và các nước phương Tây) đã và đang thực hiện. Ý tưởng về các biện pháp “hòa bình” để đưa chế độ tư bản chủ nghĩa trở thành “độc quyền” chính trị trên thế giới đã sớm được các chính trị gia Mỹ kết luận: nếu chỉ sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt thì rất khó thực hiện. Thực tế cho thấy những chiến thắng quân sự tại một đất nước xã hội chủ nghĩa nhỏ bé như Việt Nam: Việt Bắc (1947), Điện Biên Phủ (1954), Mậu Thân (1968), Điện Biên Phủ trên không (1972),... là một điều không tưởng với đế quốc Mỹ. Vì vậy, chế độ tư bản cần khôn khéo, tinh vi và sử dụng nhiều thủ đoạn hơn nếu muốn đạt được vị trí “độc quyền” chính trị trên thế giới. Từ đó, những ý tưởng tiền đề của “cách mạng màu” chính thức ra đời từ giữa thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX.

Trong bối cảnh không thể sử dụng vũ trang quân sự để đạt mục đích, Mỹ và các nước phương Tây đã hướng tới việc tạo ra một cuộc chiến tranh mà như không có chiến tranh bằng nhiều thủ đoạn phi vũ trang điển hình của “cách mạng màu” như biểu tình, bạo loạn, kích động trong nước. Khi “thế trận lòng dân” dần suy yếu và cuối cùng là sụp đổ, Mỹ và phương Tây sẽ hẫu thuận từ bên ngoài, “giáng” một đòn thật mạnh để xóa bỏ những tàn dư, mầm mống gây hại cho chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Cuộc cách mạng Maidan năm 2014 tại Ukraina.  

Để thực hiện những cuộc chiến không mùi thuốc súng, người ta đã thêm chữ “màu” để dễ dàng mị dân. Thực tế chứng minh, “cách mạng cam” ở Ukraine đã bị sức mạnh của “đồng đôla” chi phối. Mỹ và phương Tây đã sử dụng giá trị của đồng tiền để lôi kéo, kích động dân chúng xuống đường biểu tình. Bằng sự tài trợ hào phóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, người dân xuống đường biểu tình chống chính quyền đương nhiệm tại Ukraine đã được chuẩn bị đầy đủ quần áo chống rét, các món ăn nóng, khoảng 3000 lều bạt để nghỉ ngơi, bệnh viện dã chiến, ca nhạc cổ động, điện thoại miễn phí, phương tiện đi lại cho những người ở xa… không những thế, mỗi người biểu tình còn được nhận từ 5 - 30 USD/ngày (trong khi đó học bổng của sinh viên chỉ là 17 USD/ tháng).  Bên cạnh đó, những cuộc “cách mạng màu” đã xảy ra trên thế giới đều thường gắn với một màu sắc mang ý nghĩa nhất định: “ở Ukraine là cuộc “cách mạng cam” là bởi phe đối lập lấy biểu tượng băng cờ màu da cam để trang bị cho cuộc biểu tình, ở Kyrgyzstan là “cách mạng tulip vàng”- tulip vàng là loài hoa nở rộ ở vùng rừng núi của Kyrgyzstan vào khoảng tháng 3 hàng năm và cuộc “cách mạng” mang tên loài hoa này xảy ra vào tháng 3 - 2005…” 

Chủ thể và đối tượng của “cách mạng màu” 
 
Về bản chất, “cách mạng màu” được đặt dưới quyền kiểm soát và chỉ đạo của nước Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn. Tuy nhiên, vì “cách mạng màu” bắt nguồn từ những mâu thuẫn xuất hiện từ trong nội bộ quốc gia nên Mỹ và các nước phương Tây không có quyền can thiệp trực tiếp. Do đó, chủ thể chính của “cách mạng màu” là đảng phái, lực lượng chính trị đối lập trong nước, phát triển từ sự mâu thuẫn, phân hóa, phân lập trong nội bộ đảng, chính phủ cầm quyền. Khi có điều kiện, lực lượng đối lập sẽ tìm đủ mọi cách để “cách mạng màu” trở thành hiện thực nhằm lật đổ hoàn toàn chính phủ cầm quyền. 

Lúc này, các thế lực bên ngoài như Mỹ và các nước phương Tây sẽ chính thức xuất hiện để ủng hộ về tinh thần cũng như tài trợ về vật chất để các lực lượng chính trị đối lập trong nước tiếp tục tiến hành “cách mạng màu”. Trong nhiều trường hợp, thế lực bên ngoài đóng vai trò vừa là “tác giả kịch bản” vừa là “đạo diễn” chỉ đạo mọi diễn biến của các cuộc “cách mạng màu”. 

 Mỹ và phương Tây là những thế lực "giật dây" cách mạng màu.

Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay, đối tượng chính mà các cuộc “cách mạng màu” hướng đến là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, đó là các nước xây dựng, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, ở đó Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo toàn xã hội, Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền. Phải kể đến 5 nước vẫn đang kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông  u, bao gồm: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đây cũng chính là những quốc gia mà các thế lực đế quốc, phản động mong muốn “cách mạng màu” xảy ra. 

Bên cạnh những nước trực tiếp được đặt dưới quyền chỉ huy của Đảng Cộng sản trên, Cộng hòa Liên bang Nga và các nước thuộc không gian hậu Xô-viết cũng là mục tiêu mà “cách mạng màu” hướng tới. Trong đó, vào những năm gần đây đã có những nước bị “diễn biến hòa bình” tiếp cận, tạo kẽ hở cho “cách mạng màu” xảy ra và đi theo quỹ đạo phương Tây như Ukraine (“cách mạng cam”), Gruzia (“cách mạng hoa hồng”), Kyrgyzstan (“cách mạng hoa tulip”).

Chế độ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu đả phá của cách mạng màu. 

Ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước do các đảng cánh tả cầm quyền nằm ngoài quỹ đạo của phương Tây như Campuchia, Brazil, Argentina, Venezuela,... cũng là đối tượng mà “cách mạng màu” nhắm tới để buộc nước đó phải đi theo quỹ đạo mà Mỹ và thân Mỹ đề ra. Cuối cùng là các nước đối đầu với Mỹ và phương Tây như Cộng hòa Hồi giáo Iran, Cộng hòa Syria,...

Một lần nữa khẳng định, “cách mạng màu” là một trong những thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” do Mỹ và các nước phương Tây chỉ đạo thực hiện với mục địch tiến tới “chiến lược toàn cầu”, biến trật tự thế giới trở thành “một cực”, đổ trọng tâm về chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Cảnh giác sự nguy hiểm của “cách mạng màu” 

“Cách mạng màu có mục tiêu tổng quát là lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm, trong đó, trước hết là lật đổ thành công những người đứng đầu nhà nước như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nước. Cùng với đó, sau khi “cách mạng màu” diễn ra thành công, đảng phải đối lập lên cầm quyền sẽ nhanh chóng lên nắm quyền và thiết lập bộ máy nhà nước mới trên cơ sở có lợi cho những “đạo diễn” của “cách mạng màu” là Mỹ và các nước phương Tây. 

Trên thực tế, công cuộc mị dân của “cách mạng màu” trong những năm vừa qua đã khiến nhiều nước lâm vào tình cảnh khốn cùng. Ở một số nơi diễn ra “cách mạng màu”, Mỹ và phương Tây hứa hẹn sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, nhưng thực chất đã khiến đời sống của người dân sau “cách mạng màu” rơi vào tình thế cùng cực. Điển hình như sau “thành công” của “cách mạng cam” tại Ukraine (2004) lật đổ Thủ tướng Vichto Yanukovich và hướng đất nước về phía Tây với sự gia nhập EU và NATO; tính đến năm 2023, chính quyền sở tại đã khiến 46 triệu dân Ukraine phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội “đen tối của lịch sử nước này”, với chỉ số báo động: Năm 2008 - 2009, GDP của nước này giảm 15%; lạm phát tăng 16,4%; thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%, số thất nghiệp tăng gấp ba. Những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra như: xung đột vùng miền, chia rẽ sắc tộc, bạo lực, trả thù cá nhân, chính sách xã hội không thực thi hiệu quả… Kinh tế ngày càng trầm trọng, nợ nước ngoài tăng nhanh; lãnh đạo nước này rơi vào cảnh “gà mắc tóc”; dù Mỹ và phương Tây có viện trợ tới 35 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế Ukraine thoát khỏi nguy cơ sụp đổ của chính quyền thân Mỹ. Thậm chí, tại thời điểm này, Ukraine hiện đang tham chiến quân sự với Nga khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân luôn trong tình trạng khó khăn, bất ổn. 

Sau những cuộc cách mạng màu, những gì còn lại là máu, đau thương và nước mắt. 

Ngoài Ukraine, nhiều nước khác trên thế giới sau khi xảy ra “cách mạng màu” đều rơi vào tình trạng không giống như lời hứa mà các lãnh đạo phe đối lập đảng cầm quyền hứa hẹn. Như vậy, “cách mạng màu” dưới danh nghĩa là tạo ra chính phủ mới tốt đẹp hơn, một xã hội văn minh hơn cho người dân, thực chất lại là “cuộc chơi của những thế lực bên ngoài nhằm thay đổi chính trị của đất nước theo ý muốn phương Tây”, theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá. “Cách mạng màu” chính là thủ đoạn nhằm phá hoại nền độc lập dân tộc của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, thiết lập một thế giới “trong vòng chi phối” của Mỹ và phương Tây. Mục tiêu trực tiếp là lật đổ chính quyền đương nhiệm của các quốc gia mà Mỹ và phương Tây cần khống chế hoặc ban lãnh đạo chính quyền có đường lối không phù hợp với Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, với các nước xã hội chủ nghĩa, mục tiêu của “cách mạng màu” là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, đưa các nước xã hội chủ nghĩa đi theo quỹ đọa tư bản chủ nghĩ do Mỹ và phương Tây khống chế. 

Tóm lại, “cách mạng màu” không chỉ ảnh hưởng riêng tới từng quốc gia độc lập nói riêng mà nó còn là vũ khí để các nước tư bản chủ nghĩa ứng xử theo tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, coi thường luật pháp quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập có chủ quyền. Từ đó, “cách mạng màu” trở thành công cụ đắc lực cho Mỹ và các nước phương Tây để áp dụng với các nước nhỏ, không chịu theo quỹ đạo “độc quyền” mà họ đã đề ra. 

Thủ đoạn tiến hành “cách mạng màu” 

“Cách mạng màu” là mối nguy hiểm tiềm tàng bởi đây là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, dân tộc dưới quyền chịu sự chỉ đạo của Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung. Tuy nhiên, theo cách nói của cựu Tổng thống Mỹ Nixon “chiến thắng không cần chiến tranh” khiến tình hình nhận biết về nguy cơ xảy ra “cách mạng màu” tại các nước mục tiêu của chế độ tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên khó nhận diện. Và khi giai đoạn cuối cùng của “cách mạng màu” bùng nổ thì chính đảng cầm quyền khó lòng xoay chuyển tình hình. Vì vậy, công việc chính được đặt ra trong thời kỳ chính trị phức tạp hiện nay đó là việc chú trọng bảo vệ đất nước trước khi “cách mạng màu” xuất hiện.

Các cuộc “cách mạng màu” thường diễn ra theo lộ trình ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh vi nhằm đạt được mục tiêu lớn nhất của “cách mạng màu” là thiết lập được một chính quyền thân Mỹ và các nước phương Tây.

Quảng trường Maidan của Ukraina trước và sau cuộc bạo động đảo chính. 

Đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị. Đây là giai đoạn tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc gây ra một cuộc “cách mạng màu”. Trong giai đoạn này, công việc tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng trở thành vũ khí quan trọng. Một mặt, chủ thể của “cách mạng màu” tuyên truyền những luận điệu, tư tưởng nhằm hạ uy tín bằng những thủ đoạn như khoét sâu, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém của chính quyền chính phủ đương nhiệm, vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt để dựng lên hình ảnh một tổ chức lãnh đạo đất nước hiện tại là những kẻ “độc tài”, “chuyên chế”, tham nhũng… cần phải loại bỏ nếu không quốc gia, dân tộc sẽ lâm nguy. Mặt khác, tuyên truyền, tô vẽ cho các nhân vật thuộc phe đối lập thành những “anh hùng dân tộc mới” chắc chắn sẽ đem lại tự do, dân chủ, công bằng, no ấm cho nhân dân. Qua đó, bước đầu thành công trong việc mị dân, khiến nhân dân kích động, nổi dậy thực thi “cách mạng màu”. Điểm đáng nhấn mạnh ở đây, phe phái đối lập chính đảng không chỉ được hậu thuẫn về vật chất và tinh thần mà còn sớm được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, cách thức, thủ đoạn nhằm chống phá, lật đổ chính quyền đương nhiệm. Ví dụ: tháng 3/2000, cơ quan đặc biệt của Mỹ và Tổ chức an ninh hợp tác châu  u - OSCE đã mở lớp “bồi dưỡng chống đối phi bạo lực cho 24 nhân vật chủ chốt của lực lượng đối lập chính phủ Nam Tư do Tổng thống  Slobodan Milosevic đứng đầu. 

Khi những bước đầu của “cách mạng màu” đã thành công, giai đoạn tiến hành được tiếp tục triển khai. Đây là giai đoạn mà phe đối lập ở trong nước phối hợp với các thế lực thù địch ở nước ngoài tiến hành các kịch bản đã được xây dựng sẵn khi mọi điều kiện và thời cơ đã chín muồi. Ở trong nước, các đảng phái đối lập liên tục gây sức ép với đảng cầm quyền bằng hình thức đấu tranh nghị trường: biểu tình, bãi công, bãi khóa, mít tinh, tuần hành tố cáo. Đồng thời, phe đối lập tiếp tục nhấn mạnh tới đông đảo nhân dân về sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước về tính chính nghĩa của “cách mạng màu”. Hậu thuẫn phe đối lập, ở ngoài nước, các thế lực quốc tế biểu thị thái độ đồng tình, ủng hộ “cách mạng màu”, lật đổ chính quyền bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: cô lập về ngoại giao, đe dọa trừng phạt, cắt viện trợ, thậm chí đưa ra yêu sách trắng trợn khi tình hình diễn ra không theo đúng ý đồ bên ngoài. Điển hình như hành động đe dọa “sẽ thu lại 22 triệu USD cho Uzbekistan nếu nước này không cho phép phái đoàn điều tra quốc tế tới Andijan (nơi cuộc “cách mạng màu” nổ ra thất bại). 

Sau giai đoạn tiến hành “cách mạng màu”, công việc cuối cùng của lực lượng đối lập là tiến hành kết thúc cách mạng. Phụ thuộc vào kết quả của cuộc cách mạng thành công hay thất bại, lực lượng đối lập trong nước và các thế lực bên ngoài sẽ tiến hành những công việc phù hợp với tình hình. Nếu “cách mạng màu” thất bại, các thế lực đối lập chính đảng trong nước sẽ tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc “cách mạng màu” khác xảy ra khi có điều kiện phù hợp. Cùng với đó, Mỹ và các nước phương Tây ở bên ngoài sẽ tiếp tục bênh vực trên trường quốc tế cho phe đối lập nhằm lên án, trả đũa chính phủ cầm quyền. Ngược lại, khi “cách mạng màu” thành công thì chính phủ cầm quyền sẽ bị lật đổ và phe đối lập sẽ nhanh chóng nắm quyền, thực hiện một loạt các biện pháp để bảo vệ “thành quả” của cuộc cách mạng vừa diễn ra. Điển hình là việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước đã ủng hộ “cách mạng màu” nhằm nhận được sự công nhận rộng rãi của dư luận quốc tế cũng như trong nước. Bản chất khi đó, quốc gia vừa xảy ra cuộc “cách mạng màu” đã chính thức mất đi sự tự do, độc lập vốn có, thay vào đó là bị “trói buộc” vào một tương lai hỗn loạn và bất định phía trước. 

Tóm lại, nếu để “cách mạng màu” có mầm mống, nguy cơ xảy ra thì tình hình chính trị - xã hội của quốc gia đó trong tương lai sẽ khó tránh khỏi việc mất độc lập, tự do vì đã “dấn thân” vào mối quan hệ chính trị với Mỹ và phương Tây. Khi đó, dù là một quốc gia độc lập nhưng họ sẽ luôn bị thao túng, trói buộc mọi phương diện dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, “không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến mà đây còn là bài học sâu sắc mà chế độ xã hội chủ nghĩa xã hội đã sớm nhận ra và thực hiện.

Hà Phương, Mỹ Uyên

Phản hồi