“Điện lực xanh” đi trước một bước
Với tư cách là “xương sống” của mọi quốc gia, điện lực luôn được định hướng phát triển trước một bước giúp đảm bảo rằng mọi hoạt động sản xuất của đất nước ổn định. Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam vừa định hướng trở thành một nước có có thu nhập cao, đồng thời ký cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (tại hội nghị COP 26). Để thực hiện cùng lúc 2 chiến lược vĩ mô, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đưa điện lực “xanh” phát triển tiên phong, một mặt trở thành trụ cột trong lưới điện quốc gia, mặt khác tạo ra sự bền vững để thay thế dần nguồn điện “nâu” truyền thống.
Ở Việt Nam, với Kế hoạch Điện VIII, Chính phủ đã đặt nền móng cho một tương lai rạng ngời trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi năng lượng gió và lưới điện sẽ trải qua sự phát triển lớn, các dự án năng lượng mặt trời cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào cấu trúc năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, khả năng kết hợp của các dự án năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm khoảng 71% tổng công suất.
Đối với điện gió gần bờ, Kế hoạch điện VIII đề ra mục tiêu đạt 16GW từ dự án chuyển đổi năng lượng gió trên cạn, mở ra nhiều cơ hội lớn cho hoạt động M&A. Điều này không chỉ thúc đẩy sự đa dạng hóa nguồn năng lượng mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Đối với điện gió ngoài khơi, từ mục tiêu đạt 6GW vào năm 2030, Kế hoạch điện VIII chính thức nhấn mạnh vai trò quan trọng của năng lượng gió trong việc đảm bảo Việt Nam đạt được mục tiêu của Hội Nghị COP26. Đây là một bước quan trọng để giảm phát thải và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo TS. LS. Lê Nết, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã kêu gọi lắp đặt nguồn điện này với công suất lên tới 14 GW. Điều này có nghĩa con số mục tiêu chưa phản ánh đúng tiềm năng và nhu cầu phát triển điện gió của Việt Nam, dẫn tới chậm trễ khi nhiều dự án phải “nằm chờ” triển khai sau năm 2030.
Về năng lượng mặt trời, Kế hoạch điện VIII xác định rõ ràng mục tiêu tập trung vào các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà và DPPA (Hợp đồng Mua bán Trực tiếp). Điều này đồng thời đặt ra thách thức về các dự án chuyển đổi và công nghệ lưu trữ năng lượng, tạo điều kiện cho sự đổi mới trong lĩnh vực này. Cụ thể, mục tiêu này gặp một số vướng mắc cơ bản:
Một là, chưa có định nghĩa đầy đủ và rõ ràng về khái niệm “mái nhà” cũng như mục tiêu tập trung cho phát triển nguồn điện này.
Hai là, trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, đã phát sinh một số vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề đấu nối, công tác kiểm tra, thí nghiệm một số yêu cầu còn chưa thống nhất giữa các công ty Điện lực.
Ba là, sự sụt giảm công suất. Trong ngày, việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời bị ảnh hưởng bởi mây che phủ, mưa, hoặc sương mù. Đặc biệt, vào buổi sáng và buổi tối, lượng ánh sáng mặt trời thấp hơn, làm giảm hiệu suất của các tấm pin mặt trời. Ngoài ra, vào ban đêm, không có ánh sáng mặt trời nên không thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời. Điều này cũng đồng thời đặt ra vấn đề về sự thiếu hụt của các công nghệ lưu trữ điện.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới đang chịu tác động của nhiều yếu tố biến động, Việt Nam cần có những quyết định và hướng dẫn linh hoạt để đảm bảo rằng nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi hiệu quả năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch. Cùng với cam kết của Chính phủ về mục tiêu net-zero vào năm 2050, Việt Nam cần cân nhắc lại những mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong trung và dài hạn.
Tháo gỡ vấn đề tài chính
Tại Việt Nam, Chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện từ năng lượng tái tạo với nhiều quyết sách như: Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐTTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo đó, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện dự án với các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án. Điều này bao gồm cả nguyên liệu, vật tư và bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và các quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phan Dũng Nhân, Trưởng Phòng pháp lý cấp cao Tập đoàn của BCG kiêm Trưởng phòng pháp chế của BCG Energy, đặc thù của các dự án năng lượng tái tạo là cần nguồn vốn có quy mô lớn, nên ngay cả thời kỳ GDP có sự tăng trưởng đạt đỉnh thì nguồn lực cho các dự án năng lượng tái tạo vẫn là một vấn đề nan giải. Mặt khác, năm 2023, thị trường vốn của Việt Nam đã giảm chỉ còn khoảng 50% sau nhiều đại sự cố kinh tế như: FLC, Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh, hậu quả là thị trường vốn cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo càng gặp nhiều thách thức hơn. Bên cạnh đó, thị trường vốn Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thiếu những cam kết phát triển dài hạn giống như các thị trường quốc tế.
Về phía các chủ đầu tư, những chính sách cụ thể để thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo phát triển hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quy hoạch theo Kế hoạch điện VIII. Đánh giá của ông Nhân cho thấy tính đến thời điểm này vẫn chưa có dự án năng lượng tái tạo nào được chấp thuận triển khai, các chính sách về giá, các chính sách về DPPA (Hợp đồng mua bán điện trực tiếp), chính sách về đấu thầu,... cũng chưa được cụ thể hóa hoặc có các giải pháp thực thi.
Tới năm 2030, Việt Nam cần 135 tỷ USD đầu tư vào việc phát triển các dự án điện gió, khí tự nhiên hóa lỏng và lưới điện để đạt được các mục tiêu trong quy hoạch điện VIII. Số tiền khổng lồ này thể hiện một nhu cầu rất lớn của Việt Nam nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức đối với việc huy động vốn.
Các dự án năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chủ yếu huy động nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thông qua chương trình tài trợ dự án. Song, với dư nợ hiện tại là 9 tỷ đô, các chuyên gia đánh giá nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng không đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển của các dự án năng lượng tái tạo. Ông Nhân chỉ rõ: “Với mức tăng trưởng khoảng 15%/ năm, đạt được con số 135 tỷ đô trong 7 năm tới là điều không tưởng”.
Để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, các dự án năng lượng tái tạo cần huy động nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, thị trường tiền tệ quốc tế thông qua phát hành trái phiếu, giúp đảm bảo sự ổn định tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào các công nghệ mới, tăng cường hiệu suất sản xuất và giảm chi phí vận hành. Sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững trên toàn cầu. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng giúp mang lại sự đa dạng hóa nguồn vốn và giảm thiểu rủi ro tài chính cho các nhà đầu tư và các dự án năng lượng tái tạo.
Phản hồi