Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Tiêu điểm \

Truyền “nhựa sống” cho mầm non đặc biệt

15:11 14-12-2022
Để trở thành những thầy cô giáo đứng trên bục giảng đã là điều không dễ dàng. Tuy nhiên có những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ sẵn sàng gác lại niềm vui cá nhân để chăm sóc và dạy dỗ những “mầm non khiếm khuyết”, mang đến hy vọng, tương lai cho các em và gia đình đặc biệt này.

Dù mới chỉ là sinh viên năm tư, chuyên ngành Tâm lý học (khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhưng Nguyễn Hồng Nhung đã quyết định làm việc tại Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Atec (phố Thọ Tháp, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) - một trong những trung tâm dành cho trẻ chậm nói, tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, khuyết tật học tập,...

“Khi mới quyết định về trung tâm dạy mình cũng rất băn khoăn và lo lắng. Phần vì nghe nói công việc này vất vả, khó khăn, phần thì mình chưa có kinh nghiệm và chuyên môn dạy những đứa trẻ đặc biệt thế này. Nhưng quá yêu nghề giáo và các con nên mình quyết định về dạy ở trung tâm”. 

Sau khi tham gia các khóa học về giáo dục cho trẻ chậm phát triển, Kết hợp cùng các kiến thức được học từ giảng đường đại học, Nhung chính thức tham gia hỗ trợ giảng dạy tại Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Atec.

Dù đã được đào tạo về kiến thức và tham khảo kinh nghiệm của anh chị trong nghành tuy nhiên khi bản thân trực tiếp dạy các em nhỏ tự kỷ Hồng Nhung cũng không tránh được những bối rối và khó khăn trong việc giao tiếp cũng như dạy dỗ các em.

 Hồng Nhung hiện đang hỗ trợ giảng dạy cho các em nhỏ

tại Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Atec.

“Khi dạy các bạn nhỏ khiếm khuyết thì đầu tiên là mình gặp vấn đề việc giao tiếp. Bởi có một số cháu có ngôn ngữ, một số cháu lại không. Vấn đề nghe hiểu cũng rất khó khăn nên mình và các thầy cô sẽ là những người giúp các cháu. Bên cạnh đó, một số cháu lại có những hành vi tự làm hại bản thân mình, thậm chí có khi còn làm hại đến các cô nữa. Việc này đòi hỏi mình và thầy cô trong Viện phải có lòng kiên nhẫn và vững tâm nếu không sẽ rất dễ mất kiểm soát mà gây tổn thương cho các cháu”,  Hồng Nhung chia sẻ.

Hồng Nhung từ lâu đã coi những học sinh đặc biệt này như con của chính mình.

Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp, đặc biệt hiện nay chưa có giáo án hay phương pháp cụ thể nên hầu hết thầy cô ở Viện phải dạy dựa trên tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu khác nhau. Bởi vì mỗi em lại có những đặc điểm, tình trạng bệnh khác nhau: Em thì thu mình vào một thế giới riêng, không nói chuyện với ai, em thì nói quá nhiều, em lại mắc chứng quá động không chịu tập trung… Thế nên, khi tiếp nhận các em về viện, nhất là thời điểm đầu năm học, Nhung cùng các thầy cô đã kiểm tra bệnh và lên kế hoạch giảng dạy cho từng em.

Theo Nhung, dạy trẻ tự kỷ điều cốt yếu là phải thực sự kiên nhẫn. Khi đến trường các em đã lên 6, 7 tuổi nhưng như “trẻ sơ sinh”,  không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào, kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần hay đi vệ sinh…

Có những em bệnh nặng, chỉ hành vi cầm nắm mà cả năm trời các em vẫn không thực hiện được. Thậm chí việc tập cho một em học sinh ngồi yên 15 phút cũng là nỗ lực cả tháng của Nhung và các đồng nghiệp. Hiện các bé tự kỷ tại trung tâm thường bắt đầu học từ 7 giờ đến 17 giờ 30 phút với các môn học như phát triển ngôn ngữ, tâm vận động, phát triển nhận thức, trị liệu, học trải nghiệm, kĩ năng sống, học âm nhạc, học kể chuyện. So với các bé phát triển khỏe mạnh, các lớp học tại trung tâm thường bắt đầu sớm và kết thúc khá muộn. Vì thế, đôi lúc đi dạy về đến nhà, bản thân thấy mệt nhoài, nói không ra tiếng mà học sinh không tiến bộ Nhung cũng thấy nản chí.

Nhưng với tình yêu thương dành cho những “đứa con” đặc biệt và nhìn thấy sự cố gắng thay đổi mỗi ngày của các bé, Nhung lại có thêm động lực để tiếp tục công việc nhiều áp lực nhưng cũng đầy ý nghĩa này. Để có thể dạy tốt, Nhung thường xuyên tìm kiếm thêm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài trên Internet để đưa ra những phương án điều trị tốt nhất cho các em.

Bên cạnh việc giảng dạy ở trung tâm, Hồng Nhung cũng phải sắp xếp thời gian học tập tại trường. Có những lúc áp lực tưởng chừng như muốn từ bỏ, nhưng nghĩ tới những gương mặt non nớt, ngây thơ đang chờ đợi, Nhung lại tự nhủ bản thân càng phải cố gắng hơn. 

“Nguyên tắc quan trọng nhất khi dạy các con là phải tuyệt đối đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Mình không được phép làm hại hay làm tổn thương đến các con. Bởi như vậy, hành trình đồng hành, hỗ trợ các con bước ra và hòa nhập với xã hội càng khó khăn hơn, mọi nỗ lực trước đó đều có thể trở thành vô nghĩa”,  Hồng Nhung tâm sự.
 

Như Quỳnh - Phương Nhung

Phản hồi