Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Tiêu điểm \

Sóng - Đưa khán giả trẻ đến gần hơn với nhạc kịch thuần Việt

18:05 13-12-2022
“Hãy xây dựng, ấp ủ cho riêng mình một ước mơ, bởi khi còn thấy đằng trước có một đích đến, chúng ta sẽ có niềm tin và động lực đứng dậy đi đến cái đích ấy”. Đó là thông điệp mà Nhạc kịch Sóng - Vở nhạc kịch thuần Việt chuyên nghiệp đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ muốn truyền tải đến khán giả.

Nguồn cảm hứng xây dựng nhạc kịch thuần Việt

Sinh ra trong một gia đình theo đuổi nghệ thuật dân gian, ngay từ nhỏ NSƯT Cao Ngọc Ánh - Tổng đạo diễn vở Nhạc kịch Sóng đã được sống trong sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật phương Tây. Trong suốt cuộc đời theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật của mình, bà đã có cơ hội thưởng thức nhiều vở nhạc kịch nước ngoài, và mơ ước một ngày sẽ có nhiều người Việt Nam được tiếp xúc với loại hình này. Đó cũng là lúc mong muốn dựng một vở nhạc kịch thuần Việt bắt đầu được nuôi dưỡng và ấp ủ trong lòng NSƯT Cao Ngọc Ánh. 

Với niềm yêu thích dành riêng cho cho thơ Xuân Quỳnh, bà đã quyết định xây dựng vở Nhạc kịch Sóng từ đây. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc, nhạc điệu, hình ảnh, và đó là nguồn cảm hứng rất lớn cho người đạo diễn sáng tạo tác phẩm. “Đọc thơ Xuân Quỳnh, tôi cảm thấy trong đó có mình, cũng như rất nhiều người phụ nữ Việt Nam khác. Bất kể những người phụ nữ nào trên thế giới cũng có những điểm chung, nhưng ở phụ nữ Việt Nam có sự hy sinh gần như là sẵn sàng. Đó là điểm đặc biệt trong phẩm chất và tâm hồn những người mẹ, người vợ Việt Nam”, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ. Những năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ thường có tháng kịch Lưu Quang Vũ. Để từ đây, bà trăn trở với câu hỏi, tại sao chỉ tập trung khai thác những tác phẩm mà không nói về tác giả, về Lưu Quang Vũ và về người phụ nữ đứng sau ông? 

 (Từ trái qua) Tổng đạo diễn NSƯT Cao Ngọc Ánh và diễn viên Thu Thảo (vai Xuân Quỳnh)

(Ảnh: Linh Phương)

Nhạc kịch Sóng được ra đời từ đó, mở ra ước mơ về những vở nhạc kịch thuần Việt. Tuy vậy, cái tên “Sóng” không được nghĩ đến ngay từ đầu mà chỉ đến vào những phút cuối cùng, như một cái duyên bất ngờ mà rất đỗi “dĩ nhiên”. Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, ban đầu vở nhạc kịch có tên “Thuyền và biển”, một cái tên gợi cho khán giả nhớ ngay đến Xuân Quỳnh. Tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện kịch bản, chính bà lại cảm thấy đây là một cái tên quá cụ thể, chưa hướng tới chiều tư duy mở để tất cả khán giả đều có thể liên tưởng theo những hướng suy nghĩ riêng của riêng mình. Xuyên suốt vở nhạc kịch là những bài thơ của Xuân Quỳnh được lựa chọn và biên tập kỹ càng, trong đó có bài thơ “Sóng” trứ danh. Khi đó cái tên cho vở nhạc kịch mới được ấn định. 

“Một chữ tưởng cộc nhưng thật ra lại bao trùm lên ý nghĩa của cả vở. Bài thơ “Sóng” cũng gần như ôm hết những tâm sự, tâm tư tình cảm của Xuân Quỳnh trong đó, về tình yêu, cuộc đời và ý nghĩa cuộc sống.”, bà cho biết. Có một điều thú vị là khi viết không dấu chữ “Song”, cái tên này lại gợi cho người ta nhiều chiều liên tưởng khác nhau. Có thể hiểu nó mang ý nghĩa là một bài hát, một ca khúc về ước mơ và cuộc đời con người. Cũng có thể hiểu đó là “sống”: Sống sao cho đẹp, sống có ước mơ, khát khao và dám thực hiện, dám hy sinh, phấn đấu, đấu tranh để đạt được ước mơ của mình. 

 

Nhạc kịch Sóng là sự kết hợp giữa những nghệ sĩ gạo cội và lớp diễn viên trẻ ưu tú

(Ảnh: Linh Phương)

Hướng tới thế hệ tương lai của nhạc kịch thuần Việt

Một điều đặc biệt là Nhạc kịch Sóng không hướng tới đối tượng là khán giả trẻ ngay từ đầu. “Ban đầu, tôi cho rằng vở nhạc kịch sẽ thu hút hai đối tượng: những người yêu thơ Xuân Quỳnh và những người đã từng trải qua thời bao cấp”, NSƯT Cao Ngọc Ánh bộc bạch. Tuy nhiên, hiệu ứng khán giả sau hai buổi biểu diễn đầu tiên vào tháng 3/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội cho thấy các bạn trẻ mới là đối tượng có nhiều phản hồi tích cực. Rất nhiều khán giả trẻ tỏ ra yêu thích và có sự tò mò nhất định về tác phẩm. Qua tìm hiểu, đội ngũ sản xuất thấy được rằng nhạc kịch là loại hình nghệ thuật đang rất được các bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu. Từ đây, toàn bộ đội ngũ sản xuất cũng như truyền thông xoay trục, chuyển hướng đối tượng sang lớp khán giả trẻ. Nhạc kịch Sóng quay về biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, với giá vé cho một đêm công diễn được điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận, thưởng thức vở nhạc kịch. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, Nhạc kịch Sóng ngày càng thành công trong việc tiếp cận và thu hút các bạn trẻ bằng nỗ lực trẻ hóa hình ảnh dự án. 

 Tập thể diễn viên và tổ sản xuất chương trình Nhạc kịch Sóng vào đêm diễn 20/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

(Ảnh: Linh Phương)

Việc hướng đến đối tượng là lớp khán giả trẻ hóa ra lại góp phần giúp thông điệp của vở nhạc kịch được truyền tải một cách rõ ràng và gần gũi hơn bao giờ hết. “Ta làm gì để biến ước mơ của ta thành sự thật?” Bởi tuổi trẻ là gắn với ước mơ và tương lai. “Đó có thể chỉ là cái cảm riêng của người nghệ sĩ, nhưng tôi thấy gần đây hình như con người ta không còn ước mơ, mà cũng chẳng còn niềm tin vào nó nữa”, NSƯT Cao Ngọc Ánh ngậm ngùi chia sẻ. Ngay cả trong thơ Xuân Quỳnh cũng có những lúc reo lên: “Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi.” Thông qua câu chuyện cuộc đời và những vần thơ của nữ thi sĩ, Nhạc kịch Sóng nhắn nhủ mỗi chúng ta về dũng khí để ước mơ và niềm tin vào nó. Nếu còn thấy đằng trước có đích thì ta sẽ còn đứng lên để đi đến cái đích đó, dù vấp dù ngã dù gặp chông gai. “Nếu không liên tục ước mơ thì cuộc đời thật vô nghĩa”, Tổng đạo diễn Nhạc kịch Sóng chia sẻ.

 Thông điệp ý nghĩa cùng kịch bản chỉn chu mà không kém phần năng động

đã giúp Nhạc kịch Sóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ (Ảnh: Linh Phương)

Nhạc kịch Sóng cũng có cho riêng mình một ước mơ, đó là đưa nhạc kịch thuần Việt đến với đông đảo khán giả. Để hoàn thành ước mơ đó, chỉ dừng lại trong vai trò một vở diễn trên phương diện nghệ thuật là chưa đủ. Đội ngũ sản xuất mong muốn đây chính là sự thử nghiệm, là bài tập để tìm ra giáo trình đào tạo các lớp diễn viên nhạc kịch chuyên nghiệp trong tương lai. Để nhạc kịch nói riêng và nghệ thuật nói chung thật sự sống trong thế giới tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam, cần một tầm nhìn thực sự dài hơi về câu chuyện đưa nghệ thuật vào trong giáo dục, để không chỉ nuôi dưỡng lớp nghệ sĩ trẻ kế cận, mà còn ươm mầm lớp khán giả yêu và say mê thứ nghệ thuật vị nhân sinh. Đó là nguồn lực và là tương lai thực sự của nghệ thuật Việt Nam.

 

 

Đỗ Linh Phương - Báo in K41

Phản hồi