Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Những người phủ xanh màu đỏ trong Zalo Connect

23:31 29-08-2021
Thất nghiệp, khó khăn, mòn mỏi trong các khu trọ, lo lắng về tiền điện, tiền nước. Đó là nỗi lo mà những lao động tự do, sinh viên nghèo mắc kẹt tại các tâm dịch phải đối mặt. Thấu hiểu được điều đó, nhiều nhà hảo tâm đã cùng nhau kết nối trên mạng xã hội, tìm và giúp đỡ những hoàn cảnh đang gặp khó khăn thông qua tính năng Zalo Connect trên ứng dụng nghe gọi Zalo.

Làn sóng COVID thứ tư đổ bộ tại Việt Nam khiến kinh tế đất nước suy yếu, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Đối với những người lao động, những sinh viên nghèo bị mắc kẹt tại vùng dịch, thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Tại Hà Nội, người lao động ngày thường đã phải mưu sinh vất vả để kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống. Nhưng giờ đây, khi toàn thành phố đều phải giãn cách xã hội để thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch COVID, miếng cơm manh áo đã trở nên xa xỉ hơn. 

Với mong muốn có thể tự lập về tài chính, nhiều sinh viên đã quyết định không về quê trong kỳ nghỉ hè vừa qua. Họ đã ở lại Hà Nội đi làm thêm, đỡ đần cha mẹ. Nhiều gia đình, cha mẹ của các em ở quê làm nông không thể buôn bán được do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, có những sinh viên có cha mẹ đi làm ăn xa cũng đều bị mắc kẹt tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng giờ đây khó khăn ập tới, mong muốn đi làm thêm không thể thực hiện, thêm vào đó là nỗi lo về tiền bạc.

"Khu vực mình trọ là nơi tập trung nhiều nhà trọ, có rất nhiều sinh viên và lao động tự do. Nghe mọi người kể về tình cảnh của bản thân trên Zalo Connect, mình thấy thương lắm. Dịch thế này, cuộc sống lại càng không dễ dàng chút nào". Đây là lời tâm sự của chị Bùi Thị Thu Thảo, được mọi người gọi với cái tên dễ thương “Thảo Hấu". Chị Thảo Hấu sinh năm 1992 và đang là nhà thiết kế đồ hoạ tại HBR Holdings. Do giãn cách xã hội nên chị Thảo chỉ có thể làm online tại nhà. Tuy nhiên, chị vẫn luôn dành thời gian mỗi ngày để kêu gọi và trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh tại khu vực quận Cầu Giấy.

Hình ảnh chị Bùi Thị Thu Thảo, người kêu gọi mọi người chung tay phủ xanh màu đỏ trong Zalo Connect.

Trong thời gian làm việc online, ngoài trao đổi các cuộc trò chuyện mang tính chất công việc, chị Thảo cùng các đồng nghiệp của mình thường xuyên bàn luận, nghĩ cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh tại thủ đô. Nhờ một đồng nghiệp chia sẻ, chị Thảo biết đến tính năng Zalo Connect. Theo thời gian, giờ đây trong công ty của chị, đa phần ai cũng biết tới tính năng này và sử dụng hiệu quả nhằm hỗ trợ mọi người xung quanh.

Về cách sử dụng, khi người dùng bật tính năng và định vị cần sự trợ giúp khẩn cấp, chấm đỏ (thể hiện cho một vị trí của người kêu gọi giúp đỡ) sẽ hiện trên bản đồ. Khi các cá nhân, tổ chức thiện nguyện sử dụng tính năng tham gia trợ giúp, sẽ nhìn thấy được các vị trí của người cần hỗ trợ. Sau khi hỗ trợ và xác nhận, chấm đỏ sẽ biến thành màu xanh và hiện số người đã giúp đỡ.

Bản đồ khu vực hai chị em Thảo sinh sống khi còn nhiều chấm đỏ.

Sau khi biết tới tính năng, chị cùng chị Lê, là đồng nghiệp làm cùng công ty đã kết nối và giúp đỡ vài người bằng chính tiền mặt mà hai chị em bỏ ra. Nhưng vì nhận  thấy trên bản đồ định vị còn nhiều trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp chưa được giúp đỡ, nên hai chị em đã quyết định đăng bài kêu gọi trên trang facebook cá nhân. Bằng uy tín của mình, họ đã nhờ chính những người thân, bạn bè, đồng nghiệp chung tay giúp đỡ ngay trong đêm. Với số tiền được mọi người chung góp, chị Thảo và chị Lê đã chuẩn bị rất nhiều lương thực thực phẩm, các nhu phẩm thiết yếu khác để gửi tận tay các hoàn cảnh khó khăn đang cần được hỗ trợ.

Một suất quà chị kêu gọi được và gửi tới mọi người đều là những nhu yếu phẩm, vật liệu cần thiết như: gạo, thịt, dầu ăn, nước mắm, rau củ, trứng, lạc... và thêm cả mì tôm để dự trữ. Đối với người già neo đơn và gia đình có trẻ nhỏ, chị còn gửi thêm cả sữa tươi và xúc xích. Đó đơn giản chỉ là những nguyên liệu hàng ngày thường có trong gian bếp của người Việt. Nhưng đặt trong hoàn cảnh dịch bệnh, dưới những cánh tay trao nhau, đã trở nên đáng quý và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Người Việt ta là thế, "lá lành đùm lá rách", nhìn đồng bào chịu khổ, ai mà cam lòng.

Các nguyên liệu tươi mới được chuẩn bị để đưa đến tay người cần hỗ trợ. (Ảnh: Bùi Thảo)

Những ngày đầu, các nguyên liệu chuẩn bị vẫn chưa thật sự đầy đủ và còn nhiều thiếu thốn do hoạt động của hai chị em chưa được nhiều người biết tới. Hoạt động từ thiện vẫn được tiếp tục, mọi người vẫn hay truyền tai nhau rằng chị em Thảo Hấu nhận cứu trợ mọi người, ai cần hỗ trợ thì chủ động liên lạc. Từ đó cũng có nhiều người tới góp tiền, góp của và chung tay góp sức hơn.

Mọi nguyên liệu, vật phẩm đều được hai chị ra chợ chọn lựa kỹ càng, cẩn thận. Để đảm bảo, thực hiện tốt hướng dẫn của Bộ y tế và chỉ thị của Chính phủ, hai chị em đã quyết định để đồ sẵn ở ngoài cửa, ghi tên từng người đến lấy vào các khung thời gian khác nhau, hoặc gửi cho các anh chị shipper hỗ trợ. Mọi người đều rất nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ và đảm bảo đúng quy trình phòng chống dịch bệnh.

Các shipper hỗ trợ vận chuyển lương thực mùa dịch từ chị Thảo.

Sau khi hoạt động tốt đẹp của hai chị em được biết đến rộng rãi, đã có nhiều đầu mối chủ động liên hệ để giúp nhập lương thực thực phẩm với giá tốt, đóng gói cẩn thận và hỗ trợ vận chuyển đến tận nhà để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Không dừng lại ở mức độ lan truyền qua dư luận, hoạt động của chị Thảo và chị Lê cũng đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền phường Quan Hoa với đại diện là  bí thư phường. Từ đó, hai chị đã mua được nguồn trứng gà sạch với giá tốt, đồng thời còn hỗ trợ và giúp đỡ phần nào tới bà con nông dân tiêu thụ nông sản theo chương trình của phường. Lúc này, tấm lòng đẹp không chỉ dừng lại ở cá nhân, mà cả một tập thể, một cộng đồng. Cũng chính vì vậy mà các chấm đỏ trên bản đồ tại khu vực chị Thảo sinh sống dần được phủ xanh, người cần trợ giúp dần ít đi và bớt lắng lo phần nào về miếng ăn ngày giãn cách.

Các chấm đỏ trên bản đồ khu vực chị em Thảo đã được phủ xanh.

Nhắc tới những người đã sẵn lòng chung tay cùng mình giúp đỡ mọi người, chị Thảo đã bày tỏ lòng biết ơn vô cùng sâu sắc. Đó là sự giúp đỡ đến từ những người thân quen xung quanh chị, từ vợ chồng sếp trong công ty, đến người thân, bạn bè ở Thái Nguyên, Hải Phòng cũng chính là quê hương của chị Thảo. Đặc biệt là Lê, người em cùng trọ. Trong mùa dịch hai chị em đã đùm bọc lẫn nhau. Cùng chí hướng muốn đem lại những điều tốt đẹp tới mọi người, hai cô gái đã tạo nên một cộng đồng lớn hơn để yêu thương và sẻ chia. "Thật sự mọi người ai cũng đang rất khó khăn, nhưng vẫn sẵn lòng chia sẻ với nhau như thế này. Mình thật sự cảm thấy rất ấm lòng và có nhiều năng lượng tích cực hơn trong cuộc sống", chị Thảo tâm sự. 

Nhắc tới những khó khăn khi thực hiện, chuẩn bị cũng như đưa tới tận tay mọi người, hai chị cũng chỉ cười nói: "Khó khăn thì chỉ có ban đầu hơi thiếu thốn đồ đạc, về sau cũng có vài điều khiến hai bọn mình phải suy nghĩ. Nhưng rồi nghĩ tới mọi người thật sự khốn khó, vốn dĩ ra Hà Nội để mưu sinh, học tập nhưng giờ lại không thể, bị mắc kẹt nên tụi mình quyết vượt qua tất cả vì lợi ích cộng đồng". 

Trong quá trình chung tay giúp đỡ cộng đồng, hai chị em nhận được rất nhiều niềm vui, hạnh phúc từ những hành động vô cùng đáng yêu của những mạnh thường quân và những người nhận được hỗ trợ. Chị kể rằng có những bạn sinh viên được làm việc online sau khi “thưởng nóng” 100.000 đồng đã gửi ngay cho chị với mong muốn được giúp đỡ mọi người. Cũng có em nhỏ chuyển tới số tài khoản với con số 10.000 đồng thôi nhưng khiến chị vui cả ngày trời vì tấm lòng biết yêu thương người khác của bé. "Xin lỗi em không có nhiều hơn", chị Thảo Hấu thuật lại với giọng điệu đầy vui vẻ.

Tấm lòng cùng lời nhắn đáng yêu đến từ nhà hảo tâm nhí.

Chia sẻ về những cảm xúc khi hành động giúp đỡ mọi người, chị Thảo nghẹn ngào hơn: "Mình và em mình càng giúp đỡ mọi người thì lại càng muốn làm nhiều hơn nữa. Càng giúp mọi người thì tụi mình lại càng thấy trong cuộc sống có thật nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Và cảm thấy tụi mình may mắn hơn họ rất nhiều”. 

Thật không khỏi xót xa khi nhìn những hoàn cảnh khó khăn được tuyên truyền trên mạng xã hội, báo đài, truyền hình... Người "sống" lay lắt dưới gầm cầu vì không có nhà ở, người chưa kịp lo chết bệnh từ Covid mà phải lo chết vì đói. Bao nhiêu lao động thất nghiệp đổ bộ từ các khu công nghiệp lớn trở về quê, thân yếu gầy gò, đạp xe rồi đi bộ. Tất cả đều là hậu quả của dịch bệnh gây ra, là những khó khăn mà phần lớn nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu một cách nặng nề. Thấy họ qua màn ảnh nhỏ đã thương, khi họ kể về câu chuyện của mình và xin được trợ giúp lại càng thương hơn. 

Để quyết định lên kế hoạch giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sẽ có nhiều người nghĩ rằng liên quan đến cả lợi ích cá nhân, nhưng với chị: Hiểu, thương rồi cho đi. Đó là hai chữ "đồng bào"!

Cùng nhau lan toả, cùng nhau yêu thương, tất cả vì Tổ quốc thân yêu

"Alo, em à? Đây có phải là số điện thoại chuyên hỗ trợ những người lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn mắc kẹt tại Hà Nội không” Mỗi ngày, chị Thảo Hấu đều nhận được những cuộc gọi cần hỗ trợ như vậy. Chị còn vui vẻ đùa rằng, số điện thoại của mình có khi lại trở thành thương hiệu. Đó chính là niềm vui mỗi ngày mà chị Thảo nhận được. Mỗi lần giúp được một người đang khó khăn, lòng chị lại trở nên ấm áp. Chị hạnh phúc vì những người kém may mắn hơn chị có thêm vài bữa ăn, chị hạnh phúc vì chứng kiến sức mạnh của tình người thật vĩ đại. 

Bởi ngoài kết nối mọi người trên Zalo, chị Thảo còn treo biển trước cửa nhà có hai số điện thoại của hai chị em kèm theo đó là lời nhắn nhủ thân thương: "Mọi người cần lương thực thì liên hệ qua số...", để cho những ai ngang qua biết mình khó khăn và chủ động tìm người giúp đỡ. Không những vậy, trong quá trình tìm nguồn lương thực thực phẩm đảm bảo, hai chị em cũng đã được các anh chị trong những hội nhóm Facebook kết nối tới những hoàn cảnh khó khăn. Từ đó mà hai chị em không chỉ chia sẻ yêu thương ở khu vực mình sống, mà còn lan toả những lẽ đẹp này đến nhiều nơi xa hơn.

Tấm biển treo đầy ý nghĩa trước cửa nhà chị Thảo.

Chị chia sẻ thêm: "Có một anh shipper đi ngang qua nhà mình chụp được rồi chia sẻ ảnh lên mạng. Từ đó có rất nhiều người tận Trần Cung, Võ Chí Công, Mỹ Đình, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Mai đã chủ động liên hệ với mình. Thế mới thấy sức mạnh online, sức mạnh tình người thật là mạnh mẽ!"

Mạng xã hội phát triển, con người liên kết và trao đổi với nhau trên các nền tảng này ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù có không ít những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn nhưng không thể phủ nhận rằng đây lại chính là những công cụ đắc lực giúp mọi người biết đến nhau và trao yêu thương đến nhau nhiều hơn. Ví dụ minh chứng thuyết phục nhất ở đây chính là hành động đáng quý trên của chị.

Đồng thời, khi chứng kiến nhiều hậu quả mà Covid-19 đã gây ra, mọi người dường như thấu hiểu tình cảnh đất nước hơn, thấu hiểu lòng người hơn, sẵn sàng trao đi lòng tốt mà không cần nhận lại.

Được trò chuyện với chị Lê, người em cùng đồng hành trong những lần cứu trợ với chị Thảo, có thể thấy được lòng người thật ấm áp và trân quý biết bao nhiêu. Vì như chị nói "Thấy dịch giãn cách lâu quá nên tụi mình chỉ muốn giúp đỡ mọi người phần nào thôi, bọn mình không muốn làm to tát, cũng không mong được nhận lại. Chỉ mong sao dân ta cùng nhau đồng lòng, dập dịch như đánh giặc, để cuộc sống mọi người được trở về như cũ".

Chân dung chị Lê, người đồng hành cứu trợ cùng mọi người

Người Việt ta vốn trọng chữ tình, nặng ơn nghĩa. Được giúp đỡ cũng khó lòng mà quên. "Sau mỗi lần như vậy, mọi người đều nhắn tin, gọi điện rối rít cảm ơn tụi mình, tụi mình cảm thấy rất vui và cảm nhận được hành động của bọn mình thật sự ý nghĩa và có ích", chị Lê kể lại. Tình hình khó khăn, nhận được sự giúp đỡ hay giúp đỡ người khác, bản thân mỗi người đều sẽ cảm thấy hạnh phúc. Bởi, dù miếng ít miếng nhiều cũng chính là tấm lòng. Khó khăn được giúp đỡ, đó chính là tình người. Có tình thì mọi người sẽ đồng lòng, đoàn kết, yên tâm đẩy lùi dịch bệnh hơn.

Kết nối với anh Hoàng Văn Thu (thường trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) người được chị em Thảo giúp đỡ, anh cảm động: “Do dịch Covid diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị số 16 để đẩy lùi dịch bệnh. Tôi và người bạn của mình, cả hai đều làm xây dựng và đang gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính vì không thể đi làm. Tôi biết được tính năng kết nối mùa dịch trên Zalo, nên đã bật vị trí và kêu gọi mọi người giúp đỡ lương thực. May mắn được em Thảo chủ động nhắn tin và giúp đỡ, thật sự rất vui mừng và biết ơn. Ngoài ra, chúng tôi còn được thêm nhiều người hỏi han và giúp đỡ hơn nữa. Vào những lúc như thế này, tôi cảm thấy tấm lòng của người Việt mình thật ấm áp. Hiện tại tôi chỉ mong, bất kỳ ai trên đất nước mình cũng đều khoẻ mạnh, để tiếp tục đoàn kết, đẩy lùi, chiến thắng đại dịch”.

Biết đến hai chị em Thảo qua facebook, bạn Hải Xuân (sinh viên) bị mắc kẹt tại Hà Nội, cũng đã chủ động liên lạc và cần hỗ trợ lương thực. “Trên facebook, chị Thảo thường xuyên công khai danh sách tiền hỗ trợ mà chị kêu gọi được. Hành động đẹp này được rất nhiều người chia sẻ. Cũng từ cơ duyên đó mà mình biết đến chị và nhờ giúp đỡ. Thấy chị chia sẻ các hình ảnh vị trí người cần giúp đỡ trên khu vực chị ở qua app Zalo đã được phủ xanh hết, mình rất ngưỡng mộ. Đồng thời mình cũng biết ơn, cảm ơn chị cùng những mạnh thường quân đang hàng ngày vất vả giúp đỡ mọi người trên mọi miền Tổ quốc. Mong mọi người giữ gìn sức khoẻ”, Xuân tâm sự.

Có thể nói, lòng biết ơn và những lời cảm ơn sâu sắc, đến từ những người được giúp đỡ lúc khó khăn như anh Thu và bạn Xuân, chính là liều thuốc bổ tốt nhất dành tặng tới các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân. Biết rằng, cho đi và không cần nhận lại, mọi việc xuất phát từ tâm. Tuy nhiên, sự cho đi và lòng biết ơn đã thể hiện được tinh thần đáng quý của người Việt Nam. Đó chính là nét đẹp vẫn luôn toả sáng trong thời điểm khó khăn hiện tại. Và cũng chính là động lực giúp mọi người vững vàng và tin yêu cuộc sống hơn.

Giờ đây mỗi ngày trôi qua đối với những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm quyết phủ xanh màu đỏ trên Zalo Connect như chị Thảo và chị Lê, dường như vô cùng ý nghĩa. Chính họ là những tấm gương tốt toả sáng trong những thời điểm tăm tối như hiện tại.

 "Tương thân tương ái", tinh thần đáng quý trong nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chính là đây.

Trần Trang

Phản hồi