Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Nhức nhối chuyện sinh viên đi học nhưng…không học

19:32 12-05-2023
Đi ngang qua một vài giảng đường của các trường đại học, không khó để bạn bắt gặp hình ảnh sinh viên ngồi bấm điện thoại, ngủ gật hoặc làm việc riêng mặc cho giảng viên đang giảng hăng say trên bục. Đây là thực trạng không phải mới nhưng luôn gây nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh.

Sinh viên ngủ gật trong giờ. (nguồn: internet)

Là sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội - một trong những trường đại học tiêu biểu của cả nước, bạn Quang Huy chia sẻ: “ Năm nhất mình vẫn còn đang học các môn đại cương như: Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh,.. Những môn này nặng về lý thuyết, khó học, không áp dụng nhiều trong nghề nghiệp của mình sau này, hơn nữa những môn học thuộc cũng không phải những môn sở trường của tôi. Vì thế, mình thường xuyên nghỉ học hoặc nếu đi học thì mình sẽ ngủ hoặc làm việc khác.” Quang cho biết, bản thân bạn nhận thức được việc nghỉ học, ngủ thường xuyên trong lớp là điều không tốt tuy nhiên do đã cố gắng nghe giảng mà vẫn không hiểu bài dẫn đến chán nản. “ Có lẽ trong kì học tới, trước khi học các môn đại cương “nhiều chữ” như thế này, mình sẽ tìm hiểu trước nội dung bài ở nhà để đến lớp dễ áp dụng hơn. Hơn nữa, mình nghĩ các giảng viên dạy môn này cũng cần tìm hiểu những phương pháp dạy ngắn gọn nhất để học sinh dễ hiểu.”, Quang bộc bạch.

  Những môn đại cương lý thuyết khô khan không phải là thế mạnh của hầu hết các bạn. ( nguồn: internet)

Khác với Quang, Ngọc Mai - sinh viên của trường Đại học Lao động và Xã hội cho biết bạn rất hứng thú với những môn lý luận, “nhiều chữ” nhưng khi tới những môn thuộc về chuyên ngành kinh tế, bạn lại cảm thấy chán nản: “Lớp 12, khi đăng ký nguyện vọng, tôi rất thích những ngành thuộc về lý luận chính trị như ngành Triết học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thế nhưng do những ngành đó ra trường không có việc làm tốt, mức lương cao nên bố mẹ hướng tôi đặt nguyện vọng là ngành Quản trị Kinh doanh lên trên.” Khi được hỏi về định hướng trong tương lai, Mai đắn đo: “Mình biết việc mình hay nghỉ học hoặc không tập trung học với những môn chuyên ngành là không tốt, thậm chí có thể khiến mình  không qua được môn. Mình đã cố gắng cảm nhận nó và hết mình với nó nhưng không đem lại kết quả tốt. Hiện tại, mình đang phân vân và cũng đang thuyết phục bố mẹ về việc chững lại 1 năm để ôn thi vào trường mình thích.”

 Tỉ lệ sinh viên chọn sai ngành học đang chiếm khoảng 60%. (nguồn: internet)

Còn với Lan Chi (19 tuổi, Hà Nội) do có đang có công việc làm thêm bên ngoài với mức lương không quá cao, nhưng đủ để em mua sắm thêm những thứ mà em thích ngoài tiền chu cấp của bố mẹ nên Chi rất ít khi đến lớp, thậm chí có những tiết còn thuê người học hộ, thi hộ. Chi cho biết: “Hiện em đang làm chạy bàn cho một quán ăn khá đông khách, em chỉ làm part-time vào buổi tối đến 11 giờ thôi, nhưng vì đi làm về muộn còn dọn dẹp nhà cửa, ăn tối nên gần 3 giờ sáng em mới ngủ. Thành ra sáng dậy mệt nên không muốn đi học.” Chia sẻ thêm, Chi nói: “ Mình hiểu là việc này không hề tốt cho việc học của mình, tuy nhiên đến giai đoạn gần thi mình sẽ nghỉ hết mọi công việc để tập trung ôn tập, tất nhiên kết quả sẽ không được như những bạn học tập trung ngay từ đầu, nhưng thứ mình cần chỉ là qua môn.”

Ảnh 4: Việc cân bằng giữa học tập và làm thêm là điều không hề dễ dàng với những bạn sinh viên chỉ mới 19, 20 tuổi. ( nguồn: internet)

Không được may mắn như Lan Chi, Yến Trang sinh viên năm 2 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình thế bắt buộc phải đi làm thêm để kiếm tiền bởi gia đình em nghèo, bố mất sớm, dưới em còn 2 đứa em nhỏ. Tâm sự với phóng viên (PV), Trang nói: “Bản thân mình rất muốn tập trung vào việc học nhưng do hoàn cảnh gia đình không có điều kiện nên bắt buộc mình phải làm như thế. Vì vậy, thời gian học tập trên lớp cũng như ở nhà của mình cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, mình sẽ tận dụng tối đa thời gian để có thể cân bằng giữa việc học và làm, đảm bảo thành tích học tập.” 

Cũng là đi làm thêm, nhưng nếu Lan Chi và Yến Trang làm những công việc chạy bàn như: phục vụ quán cà phê, quán ăn,... thì Trúc Linh - sinh viên năm nhất ngành Quản trị nhân lực của trường Đại học Lao động - Xã hội lại lựa chọn làm cộng tác viên nhân sự bán thời gian tại công ty bảo hiểm Chubb Life. Linh cho biết: “Bản thân mình khá quan trọng việc thực hành, thực chiến tại các doanh nghiệp hơn là việc đi học ở lớp. Bởi vậy, với hầu hết các môn học, mình đều làm sao để có thể vừa đủ qua môn chứ không học quá chú trọng vào sách vở. Thứ mình luôn tập trung năng suất tối đa đó là việc tiếp thu những kĩ năng mới khi đi làm bên ngoài.” 

Ảnh 5: Kỹ năng sống - kiến thức trên sách vở, thứ nào quan trọng hơn ?(nguồn: internet)

Chia sẻ về thực trạng này của sinh viên, chị Mai Hương (45 tuổi, Thái Bình) cho biết: “Con trai tôi hiện đang học năm nhất đại học. Kỳ vừa rồi cháu trượt 2 môn, đó là hậu quả của việc lên Hà Nội, là một môi trường mới, mặc dù tôi nhắc nhở nhiều nhưng cháu vẫn chưa biết tự chủ cuộc sống của mình, mải chơi, mải khám phá và lười học. Tôi rất lo lắng, có lẽ thời gian tới tôi cần tâm sự và chia sẻ với con nhiều hơn để có những biện pháp giáo dục phù hợp.”

Trong quá trình học đại học, việc lựa chọn và định hướng mình học như thế nào là do mỗi sinh viên tự quyết định. Từng sinh viên sẽ có những quan điểm và lí do khác nhau cho việc đi học nhưng… không học của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải khẳng định với nhau rằng: “Học đại học không phải con đường nhanh nhất nhưng là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công.” để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình học đại học của mình.

Hải Ly - CJC

Phản hồi