Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn sinh năm 1932, quê ở làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tham chiến trực tiếp tại cứ điểm đồi A1. Trở về sau chiến tranh, ông giảng dạy tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cho ra mắt cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện”. |
Phóng viên: Là chàng thanh niên Hà Nội theo đuổi con đường học vấn vậy điều gì đã thôi thúc ông ra chiến trường trong những năm kháng chiến chống Pháp?
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn: Điểm đặc biệt của kháng chiến chống Pháp là ai cũng tự nguyện đi bộ đội. Thậm chí có những người phải trốn nhà, bỏ nhà để nhập ngũ vì gia đình không cho phép. Có những anh mới 16 tuổi, nói dối là 17, 18 tuổi để được tham gia chiến đấu.
Khi đó, tôi học xong cấp ba rồi tự nguyện đi lính. Biết rằng ra chiến trường sẽ gian khổ vô cùng, đối mặt với cái chết nhưng tôi và đồng đội không nghĩ đến điều đó nhiều. Bởi vì trong cái nhìn lãng mạn của tầng lớp học sinh - sinh viên được sinh ra và lớn lên ở thành thị, chỉ thấy đi bộ đội trông hiên ngang và oai hùng lắm! Với chúng tôi, đi bộ đội có gì đó rất cao siêu, đẹp đẽ và tự hào. Chúng tôi bước vào cuộc chiến với một tâm thế rất hào hứng và lạc quan như thế!
Một chút lãng mạn của tuổi trẻ cùng lòng yêu nước sục sôi đã thôi thúc tôi và đồng đội xung phong ra trận. Đó là động lực để chúng tôi vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ của cuộc chiến.
Phóng viên: Trong chiến tranh, sự gian khổ về tinh thần ít được kể lại hơn những khó khăn về vật chất. Sự gian khổ tinh thần ấy đối với các chiến sĩ Điện Biên như thế nào, thưa ông?
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn: Ở chiến trường, chiến hào Điện Biên, đương nhiên có khó khăn về vật chất. Nhưng đối với chúng tôi, thiếu thốn về tinh thần mới thực sự khổ cực.
Ngồi với nhau, anh em thường tâm sự rằng ba, bốn tháng trời chưa nhìn thấy bóng dáng hay nghe được tiếng nói cười của người phụ nữ nào. Có anh chiến sĩ lớn tuổi hơn, thèm được nhìn và nghe tiếng trẻ con, vì anh nhớ con quá! Đó là những ức chế về tinh thần mà những người lính không thể chịu nổi. Chiến trường đã vô cùng căng thẳng, nhưng những ức chế, bí bách đó còn khủng khiếp hơn cả chuyện đói rách và chiến đấu!
Những lúc như thế, chúng tôi có một cách giải quyết, đó là thay nhau đi lấy gạo ở kho. Anh em hào hứng lắm! Kho gạo ở phía sau trận địa, cách khoảng 10 đến 15 cây số. Lội suối băng rừng đến đó, may ra chúng tôi sẽ thấy bóng dáng các cô dân công chở gạo đến kho. Chúng tôi gặp các cô cũng chỉ để ngắm nhìn và nói đôi câu trò chuyện vu vơ, tếu táo. Nhưng đó là cách để giải tỏa tinh thần, giúp chúng tôi có thêm động lực và sức lực để tiếp tục chiến đấu.
Ngoài ra, còn một cách khác để người lính giảm bớt căng thẳng. Đó là hát. Giữa các trận chiến, trong giờ nghỉ trên đường hành quân hay dưới chiến hào, anh em thường ngồi lại với nhau và hát. Tôi hay ngồi với mấy anh bộ đội gốc Hà Nội. Chúng tôi hát những bài hát về Hà Nội để đỡ nhớ quê hương. Hát với nhau xong, thấy yêu đời hơn, quay lại chiến đấu hăng hơn, chịu đựng gian khổ tốt hơn.
Phóng viên: Trong khoảng thời gian tham chiến tại Điện Biên Phủ, chắc hẳn có những kỷ niệm về tình đồng đội khiến ông cảm động và nhớ mãi?
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn: Đối với tôi, điều đọng lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ nhất có lẽ là cuộc sống của những người lính. Dưới chiến hào, tôi đã từng ăn, ngủ, nghỉ; đã từng bị thương và chứng kiến những người đồng đội của mình hy sinh. Sau này, thứ tôi và đồng đội lưu lại không phải là những trận đánh mà là những kỉ niệm ở dưới chiến hào đó.
Kỷ niệm những người đồng đội nhường nhau thuốc chống bệnh sốt rét đã để lại trong tôi niềm xúc động không kể xiết. Hồi ấy, thuốc chống sốt rét tên là Kinakin. Tiêu chuẩn mỗi đội là 20 viên Kinakin trong khi đội tôi có hơn 30 người.
Như vậy, nếu chia mỗi anh 1 viên thì không đủ thuốc. Hơn nữa, ai cũng hiểu rằng, 3 viên Kinakin cắt được cơn sốt. Mà 3 viên thì chỉ chia được cho 7 anh, cũng không đủ thuốc. Không ai nỡ uống 3 viên thuốc đó để mình cắt cơn sốt, còn những người khác thì không. Vậy nên tôi phát thuốc, 1 viên hay 3 viên, đều không ai nhận.
Thế rồi, chúng tôi phải hòa 20 viên ấy vào bi đông nước để cả đội mỗi anh uống 1 ngụm. Như vậy ai cũng đều được uống thuốc. Tuy chẳng có tác dụng chữa bệnh, nhưng đó là sự san sẻ của tình đồng đội. Tôi thấy thương lắm!
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng: “Người trẻ bây giờ không thích nghe kể chuyện chiến tranh, không có tình cảm sâu nặng với đất nước”, ông nghĩ sao về điều này?
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn: Thế hệ trẻ càng trẻ thì càng xa chiến tranh, ít hiểu biết về chiến tranh. Hiện nay trong giới trẻ, nói một cách khách quan và công bằng, cũng có một bộ phận mải làm giàu, lập nghiệp và không quan tâm lịch sử đất nước mình ra sao hay đất nước đang diễn ra điều gì.
Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải người trẻ không thích nghe chuyện chiến tranh hay không có tình cảm với đất nước. Họ không trải qua chiến tranh thì làm sao có thể biết và hiểu điều đó? Người trẻ không có lỗi, lỗi là do người lớn và những thế hệ trước không biết khơi gợi lòng yêu nước, sự quan tâm của giới trẻ đối với quá khứ và lịch sự hào hùng.
Bản thân tôi có một niềm tin là người Việt Nam có truyền thống yêu nước vô cùng sâu sắc. Người trẻ bây giờ không những họ nối tiếp những cha ông về mặt thế hệ, mà họ còn nối tiếp cả về truyền thống dân tộc. Họ sẽ nối tiếp lòng yêu nước, thương dân. Và tôi nghĩ rằng nếu đất nước có chuyện gì thì thế hệ trẻ cũng sẽ chiến đấu bảo vệ tổ quốc như chúng tôi ngày trước. Tôi tin vào điều đó!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn!
Phản hồi