Ngày 28/03, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam kết hợp với Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT cùng TikTok Việt Nam chính thức khởi động chuỗi chương trình “Đổi mới và bảo tồn di sản trong thế giới số”.
Theo nội dung buổi kí kết hợp tác giữa các bên diễn ra vào sáng ngày 28/03, TikTok - mạng xã hội thu hút nhiều người dùng trẻ nhất hiện nay đóng vai trò là nền tảng mũi nhọn để triển khai các chiến dịch truyền thông quảng bá di sản văn hóa dân tộc và khuyến khích người dùng sáng tạo các nội dung liên quan đến di sản. Đồng thời, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa di sản văn hóa Việt Nam đến với thế hệ trẻ như kêu gọi cộng đồng sáng tạo các nội dung về văn hóa, sử dụng công nghệ thực tế ảo để gia tăng trải nghiệm tham quan di sản, tổ chức các chuyến đi thực tế tại các vùng di sản.
Chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam cùng TikTok triển khai khuyến khích sự tham gia của các TikTok creator và cộng đồng người dùng nhằm tạo ra các nội dung liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam. Cả hai đơn vị cũng sẽ cùng phối hợp tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại nhiều di sản văn hóa và tiến hành ghi hình, sáng tạo các nội dung về di sản. Chuyến đi có sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như: Phạm Đức Anh, Giao Cùn, Mèo Trái Đất, Ninh TiTo, Cee Jay, Mạnh Tiến Khôi, Đinh Trang Thảo, Hoàng Hôn, Tiểu Ngáo, Cường Cao…
Nằm trong khuôn khổ chiến dịch, các sự kiện quảng bá offline thu hút được đông đảo người tham gia. Bộ sưu tập tranh Di sản Việt Nam với những tác phẩm về phong tục, văn hóa đặc trưng của từng vùng miền lần đầu được giới thiệu với công chúng tại không gian sự kiện. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng các tác phẩm, người xem có thể quét mã QR để xem thông tin về tác giả và hiểu về các phong tục, tập quán mà mỗi tác phẩm thể hiện.
Sự kiện cũng giới thiệu đến công chúng dự án Heritage Flash XR - dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào di sản văn hóa trong giáo dục của sinh viên khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thông qua các thẻ flash, người dùng có thể quét mã QR để truy cập vào kho dữ liệu số, nắm bắt thông tin về các công trình và di sản văn hóa, lịch sử trên khắp đất nước.
Ngoài ra, người tham gia sự kiện có cơ hội khám phá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật qua không gian số với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo VR. Đây là một hoạt động nhằm đem đến trải nghiệm thực tế trong môi trường trưng bày và không gian văn hóa chân thật, sống động.
Sự kiện cũng dành không gian cho người tham gia chụp ảnh cùng các hashtag liên quan đến chiến dịch. (Ảnh: Thủy Nguyễn)
Phản hồi