Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Khi lời cầu nguyện trở thành gánh nặng (Bài 2): Từ tín ngưỡng tâm linh đến hệ lụy thời hiện đại

16:34 25-09-2024
Ước tính mỗi năm người dân đốt 60.000 tấn vàng mã, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng tiền thật trở thành tiền chết. Việc đốt vàng mã vốn mang ý nghĩa tâm linh ngày càng trở nên biến tướng, gây ra những gánh nặng về kinh tế, môi trường.

Bài toán giữa tín ngưỡng và kinh tế

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, vào rằm tháng Bảy thị trường vàng mã năm nay vẫn tiếp tục nhộn nhịp. Vào những dịp như Vu lan báo hiếu, người dân lại đốt vàng mã nhiều hơn để tỏ lòng biết ơn đến những người đã khuất. 

Anh Nguyễn Mạnh Cường, người chuyên phân phối vàng mã tại phường Song Hồ (Bắc Ninh) cho biết, những mặt hàng này thuộc về tâm linh cho nên có thể sản xuất nhiều mẫu mã mà không bị hạn chế hay quản lý nghiêm ngặt. 

Để người dân dễ dàng nói ra quan điểm “ngây thơ” như vậy có thể vì khâu quản lý vàng mã chưa được minh bạch. Lẽ ra vàng mã là loại hàng thuộc đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và cần quản lý chặt chẽ. Dường như việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng vàng mã ở nước ta chưa được quản lý nghiêm ngặt. 

Giá của từng loại vàng mã chưa được quy định thống nhất và minh bạch dẫn đến sự chênh lệch về mức giá các không nhỏ. Điều đó có thể ảnh hưởng đến sự bất bình đẳng trong cạnh tranh thị trường hiện nay.

Càng ghé thăm vào từng cửa hàng, gây ấn tượng nhất vẫn là loại ngựa giấy với kích thước khủng, nhiều màu sắc bắt mắt. Hàng chục con ngựa được xếp ngay ngắn ở trước lối ra vào cửa hàng, khiến người đi mua khó mà không để ý đến.

Những “ông ngựa” giấy với đủ kích cỡ, màu sắc được bày bán tại cửa hàng. (Ảnh: Phi Yến)

Theo phóng viên ghi nhận, ngựa giấy được chào hàng với giá dao động từ 200.000 đến 300.000 nghìn đồng tùy theo kích cỡ và màu sắc, có con lên đến hàng triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ so với những loại vàng mã khác trên thị trường. 

Những con ngựa giấy này sau khi khách hàng mua lại thường được vận chuyển đến các đền, chùa trên khắp cả nước. Khi hoàn tất nghi lễ cúng bái, “cuộc đời” của những con ngựa giấy này thường kết thúc tại lò hóa vàng.

Người dân hóa vàng ngựa giấy tại chùa Nam Dư Hạ ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Yến Nhi)

Nhiều vàng mã được đốt với niềm tin rằng đốt càng nhiều càng thể hiện lòng thành, ngựa càng to càng nhận nhiều tài lộc. Mỗi ngày có nhiều người dân đốt vàng nên lò hóa vàng lúc nào cũng trong trạng thái cháy không ngưng nghỉ. Hàng tỷ đồng cứ thế hóa thành tro bụi. Việc sản xuất và tiêu thụ vàng mã tiêu tốn tiền bạc, nhân lực dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Theo thống kê chưa chính thức của giới truyền thông thì ước tính mỗi năm người Việt đốt hơn 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền này thậm chí còn nhiều hơn số tiền chi tiêu để mua sách, truyện cho trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu mỗi năm người dân đều đốt vàng mã nhiều như vậy thì dưới âm phủ đã sớm xảy ra siêu đại “lạm phát” vì dòng tiền được cung cấp nhiều liên tục.

“Lạm phát” ở âm phủ tiếp diễn thì người dân có nên thay thế đốt vàng mã bằng hình thức khác không? Hy vọng rằng, với sự thay đổi trong nhận thức, người dân sẽ tìm ra cách mới để thể hiện lòng thành kính mà không phải đốt vàng mã một cách thái quá.

Hiểm họa lớn của môi trường 

Sở hữu một Xưởng sản xuất vàng mã tại phường Song Hồ (Bắc Ninh), ông Nguyễn Hoà (60 tuổi) chia sẻ: "Có những mặt hàng không bán được đã tồn đọng 2 năm nay, đến giờ người dân cũng không còn mua nữa. Tôi chỉ biết xếp thành đống chứ chưa biết giải quyết thế nào, có thể là thanh lý, bán rẻ cho nhà phân phối để thu hồi chút vốn".

Điều đáng lo ngại là giấy vàng mã này không tiêu thụ được mà để lưu trữ nhiều năm như vậy đang gây ra tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên trầm trọng. 

  Giấy vụn chất thành đống tại xưởng sản xuất. (Ảnh: Yến Nhi)

Không dừng lại ở việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên do sản xuất vàng mã, đốt vàng mã cũng gây nhiều hệ lụy đến vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tình trạng tro vàng mã làm ảnh hưởng xấu đến nguồn nước cũng diễn ra tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi được coi ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại đất kinh kỳ. Tro  nổi lên ngay mặt hồ nước ở Phủ khiến dòng nước ô nhiễm và gây mất mỹ quan.

Theo quan niệm xưa, nhiều gia đình có thói quen thu gom tro và mang ra các dòng sông, ao hồ để thả. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm tâm linh cho rằng nước là phương tiện để đưa tro vàng mã về với cõi âm, nơi tổ tiên, thần thánh cư ngụ. Hơn nữa, nhiều người còn tin rằng, thả tro xuống nước giúp gột rửa những điều không may mắn, thanh lọc cho gia đình họ.

 Tro vàng mã đổ xuống nước tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). (Ảnh: Hà Vy) 

Thực chất việc rải tro và các mảnh vụn vàng mã xuống sông với quan niệm làm như vậy sẽ giúp người đã khuất thấy “mát mẻ” là hoàn toàn không có căn cứ, hơn thế hành động này lại đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nước.

Việc thờ cúng tổ tiên và thần linh là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, tuy nhiên sự lạm dụng và thái quá trong việc đốt vàng mã lại gây ra những vấn đề nghiêm trọng: từ ô nhiễm môi trường, lãng phí tài chính đến nguy cơ hỏa hoạn đáng lo ngại. Để tục lệ đốt vàng mã tiếp tục giữ vững giá trị tốt đẹp mà không trở thành gánh nặng, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần thay đổi cách nhìn và hành động, hướng đến sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa niềm tin và an toàn. Đây không chỉ là câu chuyện của một nghi lễ tâm linh, mà còn là bài học về cách chúng ta duy trì văn hóa và bảo vệ xã hội trong bối cảnh cuộc sống ngày càng phức tạp.
 

Nhóm tác giả Ngôi Sao

Phản hồi